30 Năm Chấm Dứt Chiến Tranh Vùng Vịnh - Bão Táp Sa Mạc

Nguyên nhân chiến tranh

Mặc dù cuộc xung đột kéo dài nhiều năm giữa Iran – Iraq đã kết thúc theo lệnh ngừng bắn do LHQ làm trung gian hồi tháng 8/1988, vào giữa thập niên 1990 hai quốc gia này vẫn chưa khởi động đàm phán về một hiệp ước hòa bình lâu dài. Khi các ngoại trưởng gặp gỡ tại Geneva tháng 7 năm đó, triển vọng về hòa bình tại khu vực Trung Đông bỗng dưng trở nên tươi sáng do có vẻ như nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đã sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột và trả lại lãnh thổ đã chiếm đóng.

Thế nhưng, hai tuần sau đó, ông Hussein có bài phát biểu buộc tội nước láng giềng Kuwait hút trộm dầu thô từ mỏ dầu Ar-Rumaylah nằm dọc đường biên giới chung. Ông khẳng định Kuwait và Saudi Arabia đã hủy khoản vay nước ngoài 30 tỷ USD của Iraq, đồng thời cáo buộc họ âm mưu giữ giá dầu ở mức thấp nhằm gây khó khăn cho các quốc gia xuất khẩu dầu sang phương Tây.

Tên gọi

Cuộc chiến tranh có nhiều tên gọi khác nhau. "Chiến tranh Vùng Vịnh" hay "Chiến tranh vịnh Persic" là những thuật ngữ phổ biến nhất để chỉ cuộc xung đột này ở các nước phương Tây. Ngoài ra, cuộc xung đột cũng được gọi là "Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất", chiến dịch "Lá chắn Sa mạc" (Desert Shield) và "Bão táp Sa mạc" (Desert Storm). Ở Anh, các nhà sử học và chính giới gọi đây là Chiến dịch Granby. Tại Kuwait và đa số các nước Arab gọi cuộc chiến là "Chiến tranh giải phóng Kuwait". Trong khi người Iraq gọi cuộc chiến là Um M'aārak - Cuộc chiến của mọi cuộc chiến.

Chú thích ảnh
Xe tăng Iraq tuần tra đường phố Kuwait ngày 4/8/1990. Ảnh: AP

Theo trang History.com, lý giải cho việc ra lệnh quân đội tấn công Kuwait tháng 8/1990, Tổng thống Iraq tuyên bố Kuwait là một nhà nước do thực dân phương Tây dựng lên bên ngoài bờ biển Iraq. Trên thực tế, Kuwait đã được quốc tế công nhận là một thực thể riêng biệt từ trước khi Iraq được Anh thành lập dưới sự ủy quyền của Hội quốc liên sau Thế chiến thứ nhất.

Sau tuyên bố của ông Saddam Hussein, Iraq bắt đầu tập trung quân đội ở biên giới giáp Kuwait. Nhận thấy tình thế "nước sôi lửa bỏng", Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak lên tiếng kêu gọi đàm phán giữa Iraq và Kuwait nhằm tránh sự can thiệp của Mỹ hay các cường quốc khác ngoài Vùng Vịnh. Thế nhưng, ông Hussein đã cắt đứt đàm phán chỉ sau hai giờ.

Iraq tấn công

Ngày 2/8/1990, Tổng thống Hussein ra lệnh quân đội tấn công nước láng giềng Kuwait. Ông dự tính rằng các nước Arab sẽ ủng hộ quyết định của mình, đồng thời không kêu gọi các lực lượng bên ngoài ngăn chặn cuộc chiến, song nó hóa ra là một phép tính sai lầm. 2/3 trong số 21 thành viên của Liên đoàn Arab liền lên án hành động gây hấn của Baghdad. Quốc vương Saudi Arabia và chính phủ lưu vong của Kuwait đã nhờ cậy Mỹ cùng các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giúp đỡ.

Đúng 1 giờ sáng, 3 sư đoàn của bộ chỉ huy các lực lượng Vệ binh Cộng hòa (RGFC) đã vượt biên giới tấn công vào Kuwait, một sư đoàn bộ binh cơ giới và một sư đoàn thiết giáp thực hiện cuộc tấn công theo hướng nam dọc theo trục Sapwan-Abdally, tiến tới đèo Al-Jalra. Một sư đoàn thiết giáp khác tấn công yểm trợ từ phía tây. Cùng lúc, vào 1 giờ 30 phút, một lực lượng tác chiến đặc biệt thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào thủ đô Kuwait City - một cuộc tấn công bằng trực thăng vào các cơ sở chủ chốt của chính phủ Kuwait.

Trong khi đó, các đội biệt kích đổ bộ bằng đường biển tấn công vào cung điện của quốc vương và các cơ sở quan trọng khác của Kuwait. Quốc vương nước này đã kịp trốn sang Saudi Arabia, nhưng người em trai của thiệt mạng khi quân Iraq tấn công vào cung điện Dasman. Đến tối 2/8, xe tăng của Iraq đã tiến về phía nam dọc theo bờ biển để đánh chiếm những hải cảng.

Ngày 6/8, quân đội Iraq tiếp tục củng cố và bổ sung lực lượng. Vào thời điểm này, ít nhất 11 sư đoàn Iraq đã ở hoặc đang tiến vào Kuwait với quân số lên tới 200.000 người, được trên 2.000 xe tăng yểm trợ.

Chú thích ảnh
Bản đồ đất nước Kuwait cho thấy đường biên giới với Iraq và Saudi Arabia. Ảnh:: CIA

Mỹ và đồng minh tham chiến

Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và hàng loạt nước phương Tây ngay lập tức chỉ trích cuộc xâm lăng của Iraq. Chính phủ Anh và Liên Xô cũ cũng vậy. Đáng lưu ý, Kuwait chính là đối tác xuất khẩu dầu mỏ lớn của Mỹ.

Ngày 3/8/1990, LHQ yêu cầu Iraq lập tức rút quân. Ba ngày sau, Quốc vương Fahd gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Richard Cheney để nhờ hỗ trợ. Ngày 8/8, Chính phủ Iraq chính thức sáp nhập Kuwait, gọi quốc gia này là “tỉnh thứ 19” của Iraq. Cũng hôm đó, phi đội tiêm kích đầu tiên của Không quân Mỹ hạ cánh xuống Saudi Arab nhằm gây dựng lực lượng cho chiến dịch chống Iraq. Những chiếc chiến đấu cơ này được hộ tống bởi binh sĩ NATO, Ai Cập và một vài nước Arab khác, nhằm tạo ra một liên quân đối phó với nguy cơ Iraq tấn công Saudi Arabia.

Chú thích ảnh
Tổng thống George H.W. Bush gặp gỡ binh sĩ tại Saudi Arabia dịp Lễ Tạ ơn tháng 11/1990. Ảnh: defense.gov

Tại Kuwait, Iraq tăng lực lượng chiếm đóng lên khoảng 300.000 binh sĩ. Trong nỗ lực để lôi kéo sự ủng hộ từ thế giới Hồi giáo, nhà lãnh đạo Hussein tuyên bố một cuộc thánh chiến chống lại liên quân. Ông chủ động liên kết đồng minh với người Palestine bằng lời đề nghị sơ tán Kuwait đổi lại việc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Khi những nỗ lực trên đều thất bại, Hussein vội vàng ký kết một thỏa thuận hòa bình với Iran cũng như huy động toàn lực quân đội.

Nhiều tuần trôi qua, các bên đều hiểu rõ rằng Tổng thống Hussein không hề có ý định từ bỏ. Ngày 29/11/1990, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ban hành Nghị quyết 678 cho Tổng thống Iraq thời hạn 6 tuần lễ trước khi liên quân do Mỹ dẫn đầu được phép sử dụng mọi phương tiện cần thiết để đẩy quân đội Iraq khỏi Kuwait. Hạn chót để Baghdad hành động là ngày 15/1/1991.

Vào tháng 1 năm đó, quân số các lực lượng sẵn sàng giáp đấu với Iraq vào khoảng 750.000 lính, trong đó có 540.000 lính Mỹ cùng binh sĩ 38 nước gồm Anh, Pháp, Đức, Liên Xô, Nhật Bản, Ai Cập, Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác…

Sau cùng, nhà lãnh đạo Hussein từ chối nhượng bộ. Chiến tranh Vùng Vịnh leo thang ngày 17/1/1991 bằng một cuộc không kích khổng lồ, được biết đến dưới tên gọi Chiến dịch Bão táp Sa mạc.

Chú thích ảnh
Sư đoàn kỵ binh số 1 Mỹ triển khai trên sa mạc Saudi Arabia ngày 4/11/1990. Ảnh: AP

Sa mạc nổi bão

Nửa đêm 17/1/1991 ở Iraq cũng là lúc yêu cầu của LHQ hết hạn. Lầu Năm Góc chuẩn bị khởi động chiến dịch tấn công buộc Iraq phải rút khỏi nước láng giềng giàu dầu mỏ sau 5 tháng chiếm đóng. Vào lúc 16h30 giờ bờ Đông nước Mỹ, những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên xuất kích từ các hàng không mẫu hạm của Mỹ và Anh ở ngoài khơi Vịnh Ba Tư lao vào không phận Iraq và oanh tạc các mục tiêu.

Và sau 17 giờ bay, 7 “pháo đài bay” B-52, cất cánh từ căn cứ không quân Barkdale ở Los Angeles, đã đáp xuống Trung Đông vào ngày 16/1, mang theo tên lửa hành trình dẫn đường bằng định vị vệ tinh đã dội bom các trụ sở chỉ huy, nhà máy điện, cơ sở hậu cần và trạm điện thoại của Iraq.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu F-16A, F-15C và F-15E bay trên các giếng dầu bị đốt cháy ở Kuwait trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Ảnh: defense.gov

Suốt đêm đó, các máy bay của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã ném bom rải thảm các mục tiêu ở trong và xung quanh Baghdad, trong đó có nhà máy vũ khí cùng các mỏ dầu. Cùng lúc đó, thế giới theo dõi sự kiện trên qua truyền hình vệ tinh trực tiếp. Vào lúc 19h00, chiến dịch mang mật danh Bão táp Sa mạc chính thức được công bố tại Nhà Trắng.

Tướng Mỹ Norman Schwarzkopf đã chỉ huy liên quân gồm lực lượng của 40 quốc gia. Chiến dịch này là dịp phương Tây phô diễn thế mạnh về công nghệ quân sự hiện đại bao gồm máy bay ném bom tàng hình, tên lửa hành trình, bom thông minh dẫn đường chính xác và thiết bị ném bom tầm nhiệt ban đêm.

Trong 6 tuần tiếp theo, liên quân mở cuộc không chiến quy mô khổng lồ nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trọng yếu của Iraq, trong khi chỉ phải đối mặt với sự kháng cự yếu ớt từ lực lượng phòng không của quốc gia Trung Đông này. Máy bay chiến đấu Mỹ cùng liên quân đã xuất kích trên 18.000 lần, triển khai trên 116.000 trận không chiến và thả 88.500 tấn bom. Các lực lượng mặt đất của Iraq kháng cự rất yếu ớt và rơi vào tình trạng bất lực vào thời điểm đó.

Biện pháp trả đũa đáng quan tâm nhất của nhà lãnh đạo Hussein là tấn công bằng tên lửa SCUD nhằm vào Israel và Saudi Arabia. Ông Hussein hy vọng rằng các cuộc tấn công tên lửa sẽ kích động Israel tham gia vào vụ xung đột, do đó phân tán sự ủng hộ của thế giới Arab vào chiến dịch của Mỹ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Mỹ, Israel vẫn đứng ngoài cuộc chiến.

Bão táp Sa mạc cũng là lần đầu tiên hệ thống tên lửa MIM-104C Patriot của Mỹ được đưa vào thực chiến, nhằm đánh chặn tên lửa SCUD do Iraq phóng vào Israel. Sự kiện này chứng kiến sự “ra mắt” của các loại vũ khí tàng hình, tên lửa dẫn đường chính xác và hỗ trợ không gian trên chiến trường. Ngoài ra, Chiến tranh Vùng Vịnh cũng ghi dấu ấn với các khái niệm tấn công mới, chẳng hạn như “chiến tranh song song” và “chiến tranh dựa trên hiệu ứng”.

Chú thích ảnh
Đoàn xe tăng T-60 của Iraq khai hỏa trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Ảnh: AP

Vào ngày 24/2, liên quân triển khai cuộc tấn công quy mô lớn trên bộ với mật danh “Thanh kiếm Sa mạc”. Các lực lượng vũ trang được trang bị nghèo nàn của Iraq nhanh chóng bị áp đảo. Kuwait được giải phóng trong vòng chưa đầy 100 tiếng đồng hồ. Phần lớn các lực lượng của Iraq đã đầu hàng, tháo chạy hoặc bị tiêu diệt. Ngày 27/2, đài phát thanh của Baghdad tuyên bố Iraq sẽ tuân theo nghị quyết của LHQ.

Ngày 28/2, Tổng thống Bush tuyên bố ngừng bắn, kết thúc chiến dịch tấn công của liên quân. Theo các điều khoản hòa bình mà ông Hussein chấp nhận sau đó, Iraq sẽ công nhận chủ quyền của Kuwait và loại bỏ tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (bao gồm vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học).

Theo tờ USA Today, Chiến tranh Vùng Vịnh là một trong những cuộc chiến tốn kém nhất Mỹ từng tham gia. Trong thời gian 7 tháng, Washington đã tiêu 116,6 tỷ USD và tổn thất 383 binh sĩ. Ước tính có khoảng 8.000 đến 10.000 lính Iraq đã thiệt mạng, tương đương 1/2 lực lượng trên bộ, gấp nhiều lần so với con số trên 300 người của lực lượng liên quân.

Từ khóa » Cuộc Chiến Tranh Giữa Mỹ Và Iraq