Các Hình Thức Mua Sắm Tài Sản Công

Theo phản ánh của ông Hoàng Đức (Vĩnh Phúc), Khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công quy định: “Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật”.

Khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư công về đối tượng đầu tư công có quy định: “Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội”.

Điểm b Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công quy định về phân loại dự án đầu tư công.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Ông Đức nghiên cứu các quy định nêu trên và nhận thấy, về nguyên tắc, việc mua sắm tài sản phục vụ cơ quan Nhà nước (thiết bị, phương tiện theo định mức, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn,...) có thể thực hiện theo 2 hình thức mua sắm thường xuyên và lập dự án đầu tư công. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục và trình tự thực hiện theo hai hình thức này rất khác nhau.

Ông Đức hỏi, vậy việc mua sắm tài sản phục vụ cơ quan Nhà nước (thiết bị, phương tiện theo định mức, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn,..) khi nào nên thực hiện theo hình thức mua sắm thường xuyên và khi nào nên thực hiện theo hình thức lập dự án đầu tư công? Đặc biệt là khi sử dụng “nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập” (loại nguồn vốn có quy định cả trong Luật Đầu tư công và Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Theo Khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 thì đối tượng đầu tư công gồm có đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Theo đó, đề nghị ông căn cứ vào tính chất đầu tư của các dự án phục vụ các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để xác định nhiệm vụ chi theo nguồn vốn đầu tư công hay thường xuyên để thực hiện quy trình, thủ tục bảo đảm đúng quy định hiện hành.

Chinhphu.vn

Từ khóa » Việc Mua Sắm Tài Sản Công