Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tủ Sách - Chủ Đề
Suy Tư - Chiêm Niệm
Văn Hóa - Xã Hội
Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Những Nẻo Đường Việt Nam Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG 14: ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC THIÊN PHƯỚC

Tôi quen biết một anh bạn vốn là người phục vụ đắc lực trong môi trường truyền thông Công Giáo tại Việt Nam gần ba thập niên qua. Nay anh sắp sửa gác bút để đi vào tuổi hồi hưu. Anh đang mong muốn trở thành hiến sinh (oblat) Dòng Biển Đức. 

Hằng tuần, mỗi khi có thể được, vào chiều thứ năm, anh lên Đan Viện Biển Đức Thiên Phước để tham dự giờ kinh chiều và chầu Thánh Thể. Và mỗi tháng, một hai chiều thứ bảy, anh lại lên Đan Viện đó để đọc kinh chiều, ngủ qua đêm và tham dự các giờ phụng vụ vào sáng Chúa nhật hôm sau. 

Do lời yêu cầu của tôi, anh đã chở tôi bằng xe gắn máy vào một chiều thứ năm thuộc hạ tuần tháng 11/2006 để thăm viếng Đan Viện Biển Đức Thiên Phước: tham dự giờ kinh chiều, chầu Thánh Thể và dùng bữa cơm tối tại đây.  

TIẾT MỘT

THĂM ĐAN VIỆN THIÊN PHƯỚC 

Quang cảnh Đan Viện 

Vào chiều thứ năm hôm đó, sau khi chạy xe gắn máy qua lối vào Đan Viện từ ngoài xa lộ – một lối vào gồ ghề sỏi đá – chúng tôi băng qua một cổng sắt cũ kỹ và rỉ sét để vào một cái cổng mới, cột xây bằng gạch, trên có mái ngói che. Vào bên trong sân Đan Viện, nhìn quanh mới thấy quang cảnh vắng lặng làm sao, khác với không khí nhộn nhịp xô bồ của Thành Phố Saigon, bao quanh bởi những xa lộ tấp nập với hàng ngàn loại xe đua nhau chạy.  

Ở đây bày ra những tòa nhà im lìm với những hàng cây cũng im lìm bất động. Đâu đó phô bày một vài bồn hoa, bãi cỏ, nhưng có phần xơ xác tiêu điều vì không đủ nước tưới cây. Đăc biệt, có một khoảnh ruộng khá rộng để các đan sĩ trồng lúa. Vào tháng nầy khoảnh đất đó để lộ những vũng bùn cỏ mọc um tùm vì không phải là mùa trồng lúa.  

Cha Phó Bề Trên  

Cha Bề Trên Đan Viện đi vắng nên chúng tôi được Cha Phó Bề Trên tiếp đón tại một căn phòng đơn sơ. Quý danh của ngài là Cha Tôma Thiện Lê Thành Cát có biệt tài về “cảm xạ khám bệnh”. Cha cho biết hằng ngày cha đã giúp chữa bệnh cho nhiều người về các thứ bệnh khác nhau.  

Ngoài ra cha cũng có biệt tài giúp kiếm tìm mồ mả những người mất tích. Cha đã giúp đỡ rất nhiều người ở phương xa và ở nước ngoài nữa. Việt kiều chỉ cần biên thư hoặc gọi điện thoại cho cha biết vài chi tiết cần thiết và gởi kèm một tấm ảnh. Cha chỉ hành động theo những kiến thức về cảm xạ học còn sau đó cha hoàn toàn phó thác cho Chúa để chính Ngài lo liệu. 

Giờ Kinh Thần Vụ Ban Chiều 

Khi hoàng hôn sắp xuống, các tu sĩ già trẻ lặng lẽ tiến về Nhà Nguyện để đọc kinh chiều. Hôm đó là ngày lễ kính một vị Thánh Nữ đồng trinh nên những thánh vịnh cũng như các bài đọc đều hướng về chủ đề “trinh nữ”, ca tụng đức khiết tịnh nơi các vị Nữ Thánh Đồng Trinh. 

Bỗng chốc trong đầu óc tôi hiện lên những hình ảnh kiêu sa của đại đa số thiếu nữ thời nay, đặc biệt ở Việt Nam, đang lao mình vào cơn lốc tiền tài do hoàn cảnh xã hội thúc đẩy, chẳng khác nào những đám thiêu thân. Đó là những thiếu nữ trẻ đẹp trên những đường phố Saigon, Huế, Hà Nội, Bắc Kinh, Thượng Hãi, Thẩm Quyến, Quảng Châu và ở tận Cao Nguyên Việt Nam nữa… Tôi đã nhìn thấy họ trên những đoạn đường du lịch.  

Tất cả đều có một điểm chung là kiếm cho thật nhiều tiền bằng mọi phương cách hầu hưởng thụ tối đa, bất chấp mọi cạm bẫy nguy hiểm đang bủa giăng. Đối với họ, đó là sự thành công đích thực trong cuộc sống xô bồ và đa tạp nầy. 

Tôi nhớ lại vào một buổi sáng mai tại một công ty du lịch lớn ở Saigon, trong khi tôi đang cùng một cô bán vé du lịch trao đổi về hành trình du lịch ở Trung Quốc, thình lình tất cả các cô khuyến mãi ở các quầy hàng đều nhốn nháo, đứng lên, nhìn ra phía bên kia đường.  

Thì ra lúc đó hai cô người mẫu đang đứng trước một chiếc xe hơi bóng loáng, được chụp hình lia lịa và quay phim tới tấp để quảng cáo mẫu xe hơi mới. Tất cả các cô khuyến mãi của công ty du lịch đều tấm tắc khen ngợi sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của hai cô người mẫu và họ để lộ lòng thèm muốn được trở nên như hai người mẫu đó hầu cuộc đời sớm được lên hương! 

Nhìn vào rất đông những đan sĩ trẻ tuổi mặc tu phục và mấy em đang trong thời kỳ “tìm hiểu”, mặc thường phục, quỳ phía trước nhà nguyện, tôi cảm thấy dâng lên trong tâm hồn một niềm vui lớn lao! Những con người năng động đó đang trong tuổi thanh xuân, đã có can đảm đeo đuổi một lý tưởng tuyệt vời giữa thời đại văn minh vật chất nầy.  

Tuy nhiên tôi cảm thấy một chút lo âu vì tuổi thanh xuân của họ gợi lại trong tôi hai câu thơ sau đây của một thi sĩ Tiền Chiến khi ông nhìn thấy một đám thiếu nữ xinh đẹp xuất hiện trước mặt mình:

Biết đâu trong đám xuân xanh ấy,

 Có kẻ yêu mình chẳng nói ra”.

 

Tự nhiên bỗng xuất phát trong đầu óc tôi hai câu thơ sau đây:

Biết đâu trong đám xuân xanh ấy,

 Có kẻ rồi đây trở lại trần…” 

Nếu thực tế xảy ra như thế, cũng không có gì lạ. Chúa Kitô ngày xưa đã trả lời cho người thanh niên giàu có đến gặp Ngài để xin chỉ đường cứu rỗi thì Ngài đã nói: “Nếu anh muốn được cứu rỗi thì hãy về bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo và trở lại theo tôi”. Chúa Kitô đã dùng chữ “nếu”, như là một sự “tự do lựa chọn” dành cho chàng thanh niên đó.  

Điều nầy cũng đã xảy ra với Đan Viện Biển Đức Thiên Phước trong quá khứ: trong ba tập sinh đầu tiên, hiện nay chỉ còn một là Cha Michel Phạm Văn Khoa.  

Bữa cơm tối  

Sau Kinh Thần Vụ Ban Chiều và nửa giờ chầu Thánh Thể trong thinh lặng thật tuyệt vời và sâu lắng, các tu sĩ lần lượt vào phòng ăn dùng cơm tối. Thức ăn hôm đó gồm có canh rau và cá kho. Mọi người đều ăn trong thinh lặng để nghe đài Radio VERITAS.  

Tôi liên tưởng đến những bữa ăn thịnh soạn trong những chuyến du lịch ở hải đảo Phú Quốc, trên tuyến Xuyên Việt và ở bên Trung Quốc nữa. Tôi bỗng nhận thấy sự tương phản giữa hai nếp sống và sự chua chát dâng lên trong tâm hồn! Một chân lý thật đơn giản trong nếp sống tu đức là sự thanh đạm. Điều nầy tìm thấy trong hết mọi Linh Đạo của các Dòng Tu trong Giáo Hội Công Giáo. 

Ra về 

Trước khi về lại đô thị, tôi được một linh mục trẻ của Dòng trao tặng tập sách nhỏ, nhan đề “Cuộc Đời Của Thánh Biển Đức” và một tài liệu vỏn vẹn hai trang giấy nói về “Ơn Gọi Dòng Biển Đức” dùng cho các em thanh thiếu niên muốn đến tìm hiểu ơn gọi. 

Sau khi giã từ Đan Viện Thiên Phước, chúng tôi ra về lúc trời nhá nhem tối. Xe cộ đã lên đèn trên các xa lộ đưa vào Thành Phố Saigon. Càng vào trung tâm thành phố, cảnh tấp nập nhộn nhịp càng sinh động hơn lên.  

Lúc bấy giờ tôi mới nhận thấy Đan Viện Thiên Phước cũng như những đan viện chiêm niệm khác được mang thêm chức năng mới là cống hiến cho đời môi trường thuận lợi để những ai đang bị quay cuồng trong “cơn lốc kinh tế”sẽ tìm được những giây phút thoải mái và thanh thản nội tâm. 

TIẾT HAI

ƠN GỌI BIỂN ĐỨC 

Tiểu sử Thánh Tổ Phụ Biển Đức 

Thánh Biển Đức sinh năm 480 tại Nursie (Trung Ý) cùng với người em gái song sinh là Scolastica. Năm 14 tuổi, ngài đi học ở Roma. Để phản ứng lại thời cuộc đồi phong bại tục và để thực hiện ước muốn là chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa, ngài đã bỏ học và lánh vào hang núi Subiaco

Khoảng năm 500, do gương sống thánh thiện đạo đức, ngài được chọn làm Đan Viện Phụ nhà Vicovaro, nhưng sau đó ngài đã rút lui. Năm 520, ngài lập Đan Viện Subiaco và dần dần phát triển thêm 12 đan viện nữa, xung quanh Subiaco. 

Năm 530, ngài lập Đan Viện Monte-Cassino là nơi sau nầy trở thành trung tâm đan tu, văn hóa, tôn giáo. Cũng tại nơi đây, năm 535 ngài đã hoàn thành Bộ Tu Luậtcó chiều kích rộng lớn và nội dung đầy đủ nhất so với các bộ luật đương thời. 

Ngày 21-03-547, Thánh Biển Đức qua đời tại Monte-Cassino, hưởng thọ 67 tuổi. Năm 670, hài cốt ngài được di chuyển và đặt tại Đan Viện Saint Benoit-Sur-Loir (Pháp). Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chọn ngài làm “Quan Thầy Châu Âu” và kính hằng năm ngày 11/7. Các đan sĩ Biển Đức mừng kính riêng sinh nhật trên trời của ngài ngày 21/3 và mừng kính chung với toàn thể Giáo Hội ngày di chuyển hài cốt là 11/7. 

Tu Luật Biển Đức 

Tuyệt đối không quí mến gì hơn Chúa Kitô” (Tu Luật 72, 11).  

1.- Luôn nhấn mạnh đến Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Linh đạo Thánh Biển Đức xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh, trang nào cũng qui chiếu vào Lời Chúa, vì thế có giá trị bất hủ và bao trùm mọi chiều kích: Ba Ngôi, Kinh Thánh, cánh chung, con người, đại kết, Tin Mừng, tạ ơn. Tất cả đời sống của đan sĩ được hấp dẫn nơi Chúa Kitô: thấy Chúa Kitô trong mọi sự, đặc biệt nơi Đan Viện Phụ, nơi các anh em, nơi khách đến thăm, nơi người nghèo khó bệnh tật. 

2.- Đan Viện “Trường Học Phụng Sự Chúa”, trong đó Thầy Dạy là Chúa Thánh Thần. Đan Viện Phụ là người đại diện Chúa Kitô. Các đan sĩ phải từ bỏ ý riêng, mặc lấy khí giới rất mạnh mẽ cao quí là sự tuân phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô là vua thật và sống Đức Tin, Cậy, Mến. Dù không trực tiếp viết nhiều về Chúa Thánh Thần, nhưng hầu như trang nào cũng nở rộ hoa trái Thánh Thần. 

3.- Bộ Luật mực thước và trong sáng 

Luôn luôn Thánh Biển Đức nhắc tới sự cẩn trọng chừng mực, tránh những thái quá và bất cập trên đường tu, đồng thời quan tâm đến hết mọi sinh hoạt của anh em. Sự quân bình được thể hiện qua cách sắp xếp bố trí sinh hoạt của cộng đoàn, phân chia rõ ràng hợp lý các phần vụ chính: thần vụ, lao tác, học vấn… 

Lời lẽ bản văn toát lên vẻ kỳ diệu vừa mạnh vừa êm, rất đòi hỏi yêu sách, tận căn, triệt để đến mức tối đa như vang lại lời mời gọi của Chúa Kitô: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). 

Những nét chính của Dòng Biển Đức 

Dấu hiệu 

Các người muốn trở thành đan sĩ, phải thực tâm tìm Chúa qua việc ham thích thần vụ, vâng phục mau lẹ, vui vẻ và đón nhận những thử thách sỉ nhục theo gương Chúa Kitô. 

Mục đích 

Làm tất cả mọi sự nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, qui hướng về Chúa Cha để “Thiên Chúa được vinh danh trong mọi sự” (“UT IN OMNIBUS GLORIFICETUR DEUS”). 

Châm ngôn 

Đó là “Cầu nguyện và Lao Động” (“ORA ET LABORA”). 

Tinh Thần 

Đó là phụng sự Chúaphục vụ tha nhân. Luôn sống trong sự hiện diện của Chúa để được vui sống bình an (PAX). 

Đức tính 

Phải có bốn đức tính sau đây: khiêm nhường, thinh lặng, biệt thế đời sống huynh đệ

Sinh hoạt 

-            Cử hành các Giờ Kinh Thần Vụ (Opus Dei).

-            Đọc và suy niệm Kinh Thánh (Lectio Divina).

-            Lao động trí thức lao động chân tay tùy khả năng.

-            Đón tiếp khách tĩnh tâm. 

Tổng quan 

Từ ngày thánh lập đến nay đã hơn 15 thế kỷ, có khoảng 5 triệu đan sĩ Biển Đức và 1 triệu đan sĩ Xitô. Trong số đó, rất nhiều đan sĩ đã được phong Hiển Thánh và Chân Phước, 25 vị Giáo Hoàng, nhiều vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục. 

Ngày nay con số các đan sĩ Biển Đức khoảng 50.000 vị. Riêng Việt nam có 20 linh mục và hơn 250 đan sĩ sinh hoạt tại 5 nhà: Thiên An (Huế), Thiên Hòa (Ban Mê Thuột), Thiên Bình (Long Thành), Thiên Phước (Thủ Đức) và một Nữ Đan Viện Biển Đức (Thủ Đức). 

TIẾT BA

ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC – THÁNH GIUSE – THIÊN PHƯỚC 

Đầu tháng 05 năm 1972, tình hình thời cuộc ngày càng sôi động với “mùa hè đỏ lửa” và việc “di tản chiến thuật” của quân đội miền Nam. Ngày 13-5-1972, Nhà Mẹ Thiên An và cha Đan Viện Trưởng là Tôma Châu Văn Đằng đã quyết định di chuyển các đan sĩ trẻ và các tập sinh vào Saigon do cha tập sư Marian Nguyễn Công Phương phụ trách. Điểm dừng chân đầu tiên là trụ sở liên lạc của nhà Thiên An tại số 163/9 Hùng Vương, Thị Nghè, Saigon

Những ngày đầu tiên

Cha Bêđa Ngô Minh Thúy lúc bấy giờ đang học ở Saigon cũng được chỉ định cộng tác với cha Marian để chuẩn bị nền móng ban đầu trên đất của ông Tòa Trí tặng (do bà Hồng Thị Cúc đứng tên) gần Cầu Trắng thuộc giáo xứ Tam Hải Thủ Đức, đặt cơ sở cho việc xây dựng Đan Viện Biển Đức Thiên Phước. 

Ngày 05-02-1976, Cha Bêda Ngô Minh Thúy được chỉ định làm Bề Trên tiên khởi của Đan Viện Thiên Phước. Ngày 11-02-1976, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chính thức chấp nhận Đan Viện Thiên Phước là Đan Viện giáo phận, thuộc Tổng Giáo Phận Saigon. Tháng 03-1987, Cộng Đoàn chính thức nhận Thánh Cả Giuse làm Bổn Mạng Đan Viện, mừng kính vào ngày 19-03 hằng năm.

Rồi niềm vui của Cộng Đoàn Thiên Phước càng được nhân lên, ngày 03-09-1988, Đan Viện được nâng lên hàng tự trị (sui juris), mặc dù Cộng Đoàn còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Phát triển nhân sự

Ngày 08-12-1989, Đan Viện tiếp nhận 3 tập sinh đầu tiên, hiện nay chỉ còn một là Cha Michel Phạm Văn Khoa.

Ngày 11-07-1996 là lễ Thánh Tổ Phụ Biển Đức, Đan Viện tổ chức lễ Tạ Ơn và khánh thành Nguyện Đường mới, mở ra một giai đoạn phát triển của Cộng Đoàn.

Ngày càng có nhiều người trẻ đến tham dự chia sẻ và tìm hiểu ơn gọi, nhờ đó tình hình Đan Viện có nhiều tiến triển đáng kể. Đặc biệt giới trẻ của Cộng Đoàn dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ trên 70% tổng số nhân sự. Ngày 11-07-1997, Cộng Đoàn đã tổ chức lễ Ngân Khánh thành lập Đan Viện.

Sau bao ngày gieo trồng, ơn gọi đan tu của Cộng Đoàn Thiên Phước đã đâm hoa kết quả. Ngày 21-01-2000, Đan Viện có một linh mục trẻ đầu tiên là Cha Michel Phạm Văn khoa (37 tuổi). Ngày 22-12-2000, một linh mục trẻ thứ hai là Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thanh (38 tuổi). Và ngày 18-10-2002, một linh mục trẻ thứ ba là Cha Gioankim-Maria Lê Văn Tấn (40 tuổi). 

Tháng 03-2004, Cha Đan Viện Phụ Chủ Tịch Thierry Portevin sang Việt Nam thăm viếng Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam lần thứ ba, đã chọn lựa và chỉ định một linh mục trẻ Đan Viện Thiên Phước là Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thanh làm Bề Trên Cộng Đoàn Biển Đức Thiên Hòa, Ban Mê Thuột. 

Tính đến ngày 15-08-2006, nhân số Cộng Đoàn Thiên Phước là 73 thành viên, trong đó khấn trọn đời 19 (linh mục 7), khấn tạm 28, tập sinh 14 và thỉnh sinh 12. Bề Trên là linh mục Bêđa Ngô Minh Thúy. 

ĐỊA CHỈ:

Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

18 Đường số 7, Khu phố 2, Phường Tam Bình, Quận Thủ Đức

TP. HCM, Việt Nam

Điện thoại: (84-8) 729 4971- 897 7512

Email: thienphuocosb@vnn.vn

Phát triển hạ tầng cơ sở 

Sau Nhà Nguyện, Đan Viện tiến hành việc xây dựng một Nhà Khách nhỏ đổi công năng thành phòng ở cho các đan sĩ lớn tuổi và tu sĩ khách của Đan Viện. Kế đó là một tòa nhà hai tầnggồm 38 phòng ở cho các đan sĩ đã khấn, có khu nhà vệ sinh, giặt giũ và tập thể dục trong nhà. Tiếp theo là một tòa nhà tương tự được cất song song với tòa nhà khấn, để làm chỗ ở cá nhân và tập thể cho những đối tượng chưa khấn là tập sinh, thỉnh sinh, tìm hiểu nội trú… 

Bước thứ hai là khu nhà khách tĩnh tâmhiện đại, theo chức năng và truyền thống Biển Đức đón tiếp khách hành hương như đón tiếp chính Chúa Kitô và nhằm đáp ứng ba đối tượng về khách tĩnh tâm: ở trong ngày, ở qua đêm, ở nhiều ngày (như các nhóm tu sĩ tĩnh tâm trước khi tuyên khấn và các ứng viên linh mục trong giáo phận…). Nhiều tiện nghi được dành cho khách tĩnh tâm: Nhà Nguyện, phòng họp lớn, vừa hay nhỏ, căng tin 40 chỗ ngồi, phục vụ bếp riêng theo yêu cầu, khi có đông người, có thể sử dụng bếp và phòng ăn của Cộng Đoàn theo thỏa thuận trước. 

Cuối cùng, kiến trúc mới đây là một tòa nhà ba tầng nối liền hai dãy “nhà tập” và “nhà khấn” nói trên, thành hình chữ U mang tên “thư  viện”. Ngoài chức năng thư viện (một tầng), còn có công dụng tập trung các bộ phận phục vụ khác của Đan Viện như nhà hội, lớp học, phòng họp, phòng vi tính, phòng học đàn, nhà may, nhà sinh hoạt năng khiếu mỹ thuật, phòng y tế… 

Hiện trạng Đan Viện 

Với nhịp độ đô thị hóa cấp tốc và qui mô của Thành Phố Saigon, đã phát sinh nhu cầu bồi dưỡng tâm linh ngày càng gia tăng của nhiều đối tượng cư dân muốn tìm nơi thinh lặng, cô tịch. Đan Viện sẵn sàng tiếp đón thân thiện, chân tình, vô vị lợi và không phân biệt, để họ cầu nguyện riêng tư hoặc tham gia cầu nguyện với Cộng Đoàn, hoặc với sự đồng hành tư vấn của các linh mục, tu sĩ của Đan Viện, để họ có điều kiện thuận lợi tìm lại sự an bình nội tâm của chính mình, hầu giải quyết những vấn đề tâm lý, tâm linh của họ. 

Phần Cộng Đoàn Đan Viện, nhờ những sự tiếp xúc giao lưu thường xuyên như thế với nhiều giới bên ngoài nội vi Đan Viện mà nắm bắt được nhiều vấn đề thiêng liêng, tâm linh của xã hội, để trên cơ sở đó, có nhiều đề tài, mục tiêu, đối tượng cầu nguyện, van nài Thiên Chúa cho những cá nhân, cho đất nước, cho thế giới khổ đau, tuyệt vọng, mất phương hướng. Tất cả chỉ để “làm vinh danh Thiên Chúa trong mọi sự”, như tôn chỉ của Dòng chiêm niệm Biển Đức.

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!

Từ khóa » đan Viện Biển đức Thiên An Huế