Chuyện Gánh đu đủ "bá Chủ" Chợ Phạm Thế Hiển Từ Năm 1970 Và ...

Tại chợ Phạm Thế Hiển (Q.8, TP. HCM) có một gánh đu đủ tươi. Chợ rất rộng, song gánh đu đủ nhỏ bé ấy lại rất dễ tìm. Chỉ cần chọn đại một ai đó rồi nói bốn chữ nhiệm màu "đu đủ dì Hạnh" thì không một ai là không biết. Họ sẽ chỉ bạn tới gánh đu đủ khiêm tốn nép mình dưới mấy tán ô gần cổng chợ. Đó là một gánh đu đủ nhỏ bé nhưng chẳng hề kém nổi bật, từ xa nhìn đã thấy ê hề những quả đu đủ vàng ruộm hấp dẫn, "chói chang" không thua nắng Sài Gòn.

Chuyện gánh đu đủ bá chủ chợ Phạm Thế Hiển từ năm 1970 và người phụ nữ quyền lực đằng sau nó - Ảnh 1.

Gánh đu đủ của dì Hạnh đã bán được gần 5 thập kỷ.

Đu đủ này được cắt sẵn, ướp với đá, vốn cũng không có gì đặt biệt nhưng vẫn luôn "cháy hàng". Chuyện này nghe thôi cũng thấy là lạ, chỉ là đu đủ thì ở đâu mà không mua được, từ siêu thị mát mẻ cho đến các sạp trái cây đa dạng. Hơn nữa, được biết rằng gánh đu đủ này chỉ bán độc nhất một món là đu đủ tươi, ăn tại chỗ thì thêm ít đá, hoặc không thì mua về, có thể mua lẻ hoặc mua cả trái. Có nhiều cách mua khác nhau song mặt hàng thì chỉ có một, chẳng thêm sữa cũng không có đường, càng chẳng có những món ăn từ đu đủ khác như sinh tố.

"Một ngày bán được phải đến trăm trái," dì Hạnh trả lời đơn giản khi được hỏi, gương mặt lấm lem mồ hôi không giấu được nỗi tự hào. Dì cho hay, đu đủ dì bán có xuất xứ Long An, nhà trồng, được lấy thẳng từ vựa đu đủ của dì ruột mình. Đích thân dì chọn những quả ngon, ngọt và chất lượng nhất để gánh đem bán.

Chuyện gánh đu đủ bá chủ chợ Phạm Thế Hiển từ năm 1970 và người phụ nữ quyền lực đằng sau nó - Ảnh 2.

Chỉ là đu đủ tươi cắt sẵn ướp đá nhưng mỗi ngày phải bán được đến trăm trái.

Lúc mình đến là khoảng 10 giờ sáng hơn, và lúc thấy mình chụp ảnh, dì Hạnh đã cười mà rằng, "bây đến trễ, giờ này mà chụp thì còn gì đâu!"

Quả đúng như thế, gánh đu đủ vào độ khoảng 10 giờ sáng chỉ còn sót lại rất ít, chứng tỏ đã trải qua không ít cuộc "càn quét" của thực khách. So với một gánh đu đủ quá nhỏ thì con số "trăm quả" mỗi ngày thật sự rất khó tin, nhưng không tin cũng chẳng được. Tuy bảo rằng giờ này khách đã ít đến rồi, nhưng đó là khách đến ngồi lại, còn xuyên suốt thời gian mình ngồi ăn và trò chuyện với dì, khách đến mua đi liên tục khiến dì chẳng ngơi tay. Dì Hạnh nói, "có khi họ mua tới cả trăm ngàn đu đủ, gia đình họ đông đấy."

Chuyện gánh đu đủ bá chủ chợ Phạm Thế Hiển từ năm 1970 và người phụ nữ quyền lực đằng sau nó - Ảnh 3.

Chỉ đến trễ tí thôi mà đu đủ đã bị "càn quét" chỉ còn bấy nhiêu.

Mặt khác, do Sài Gòn lúc nào cũng nóng nên đu đủ ướp đá đúng là thức giải nhiệt tuyệt vời, nhất là trên con đường Phạm Thế Hiển chói chang vắng bóng cây xanh. Tuy nhiên đây cũng gợi lên một thắc mắc, rằng dì Hạnh chỉ bán từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Hiển nhiên là trời trưa nóng nực sẽ bán được nhiều hơn nhưng vì sao dì lại chỉ bán đến 12 giờ là nghỉ?

Dì Hạnh là người phụ nữ miền Tây chất phác, phóng khoáng điển hình, dì nói rất nhanh, giọng hào sảng: "Có nuôi ai đâu nữa mà bán, bây giờ bán "từ thiện" vậy thôi, trưa mệt, về còn nghỉ ngơi!"

Câu nói này chứa đựng một sự tự hào khó giấu, vì sau khi nói ra câu này, dì Hạnh đã kể về hai cô con gái đã thành tài. "Đứa nào cũng giàu cả," dì nói. Vậy nên, người phụ nữ hoạt bát ấy chỉ bán đu đủ vì muốn lao động, và cũng vì nhu cầu ăn đu đủ tươi ngon của thực khách. Gánh đu đủ của dì Hạnh khai trương từ cuối năm 1970, tính đến hiện tại đã gần 50 năm.

"Dì vẫn luôn ở đây trong suốt 50 năm?" Mình ngạc nhiên hỏi, và dì gật đầu. Gánh đu đủ nhỏ bé ấy bằng một cách nào đó đã trụ vững tại chợ khoảng thế hiển gần năm thập kỷ. Đây là con số mà ngay cả những hàng quán quy mô khác phải ao ước. Gánh đu đủ của dì không có bảng hiệu, cũng chẳng có quảng cáo. Tất cả những gì có được chỉ là từ những trái đu đủ ngọt mát cùng sự chân thành nhiệt tình của dì Hạnh. Ngoài ra, dì Hạnh còn có "chương trình đền bù" mà không nơi nào có, ấy là "đu đủ không ngọt thì tôi hoàn lại tiền!"

Và có lẽ là đu đủ ngọt thật, nên suốt bao nhiêu năm, dì chưa hoàn lại tiền bao giờ.

Chuyện gánh đu đủ bá chủ chợ Phạm Thế Hiển từ năm 1970 và người phụ nữ quyền lực đằng sau nó - Ảnh 4.

"Không ngọt thì tôi đền!" Dì Hạnh nói vậy nhưng suốt 50 năm chưa phải hoàn tiền bao giờ.

Nếu trước đó mình còn thắc mắc rằng đu đủ tươi thì có gì đặc biệt hơn những chỗ khác, thì vào lúc dì Hạnh cầm tiền, cất tiền rồi cẩn thận lau tay, mình đã hiểu. Dì nói, "dì luôn lau tay sau khi cầm tiền, vì cắt cho khách ăn mà, nên phải sạch sẽ". Có lẽ cũng như mình, rất nhiều khách đến ăn chỗ dì cũng chứng kiến được cái tâm làm ăn không phải nơi nào cũng có này.

Xét về chất lượng, đu đủ dì Hạnh khá ngon, trước khi ăn dì sẽ hỏi bạn ăn loại dai hay loại chín. Loại chín vừa có hơi giòn, không quá ngọt, vừa mát. Loại dai thì có ruột đỏ hơn, ăn ngọt hơn rất nhiều, tuy nhiên ăn xong dễ bị gắt cổ do ngọt quá. Nếu bạn không hảo ngọt lắm thì nhắc dì lấy đu đủ chín vừa thôi, không bị nhạt mà vừa đủ mát, không gây gắt. Một phần đu đủ ướp đá có giá 10k.

Chuyện gánh đu đủ bá chủ chợ Phạm Thế Hiển từ năm 1970 và người phụ nữ quyền lực đằng sau nó - Ảnh 5.

Quả đu đủ tươi mua của dì Hạnh, gần như không có hạt, màu hơi nhạt nhưng vẫn ngọt và giòn. Vốn nhờ dì Hạnh chọn cho sáng hôm sau nhưng về nhà đã bổ ngay. Nếu chờ thì sẽ còn chín nữa.

Ngoài ra dì còn bán đu đủ trái với độ chín khác nhau, cần ăn bao giờ thì nói với dì, dì khẳng định rằng sẽ chọn sao cho vừa ăn. Một trái đu đủ đồng giá 40k. Đặc biệt là dì không cân, chỉ bán với giá đó, tuy nhiên có vẻ như khách chẳng phiền về việc này vì trong lúc mình ngồi, đã có khoảng 2 đến 3 khách mua đu đủ. Ai cũng có vẻ rất quen với cách không cân này của dì, ai cũng rất tin tưởng dì.

Gánh đu đủ của dì Hạnh không có biển hiệu cũng không có địa chỉ cụ thể, bạn chỉ cần tới chợ Phạm thế Hiển từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa là được. Nếu không thấy có thể hỏi người xung quanh, đảm bảo ai cũng biết cả.

Từ khóa » đu đủ ướp đá