Có Hay Không 'chiêu Trò' Nhằm đưa Sản Phẩm ImBoost Vào Danh ...

Nhiều quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm Imboost

Những ngày qua, mặc dù công văn số 5944/BYT-YDCT do Bộ Y tế ban hành kèm phụ lục hướng dẫn sử dụng 12 loại thuốc có tác dụng “phòng, điều trị” Covid-19 đã bị thu hồi nhưng những ồn ào xung quanh các sản phẩm này vẫn chưa lắng xuống.

Không chỉ sản phẩm Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương hay sản phẩm Hoạt Huyết Nhất Nhất của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất, một sản phẩm nằm khác trong danh sách cũng đang gây chú ý. Đó là thực phẩm chức năng Imboost của Công ty Cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh.

Sản phẩm IimBoost được niêm yết trên Shopee.

Imboost là thực phẩm chức năng được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm vào ngày 14/2/2020. Đơn vị đăng ký công bố, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là Công ty cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh (địa chỉ ở số 36 Phùng Hưng, Phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội) do ông Đỗ Quốc Thái là người đại diện theo pháp luật.

Đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng Imboost là một nhà máy ở thị trấn Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam của doanh nghiệp khác. Công ty Cổ phần Dược phẩm và Y đức Minh Ngọc (địa chỉ ở thôn Khúc Thuỵ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là đơn vị đăng ký quảng cáo sản phẩm Imboost.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá sản phẩm này trên thị trường cũng “muôn hình vạn trạng”, dao động từ 300-600 nghìn đồng/hộp. Trên Shopee, sản phẩm ImBoost được quảng cáo có công dụng "tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống bệnh, chống mệt mỏi do làm việc cường độ cao". Ở phần mô tả thông tin sản phẩm trên Shopee, sản phẩm Imboost còn được quảng cáo là "thuốc bổ".

ImBoost được mô tả có công dụng như một loại thuốc có khả năng chữa "bách bệnh".

Cụ thể, nội dung mô tả về sản phẩm nêu rõ những dấu hiệu tác dụng khác biệt khi dùng ImBoost: "Nhu động ruột mạnh hơn, tiêu hóa nhanh hơn; Dễ tiêu thức ăn; Ko còn đầy bụng; Nóng bụng, nóng cổ; Tinh thần phấn chấn hơn, giảm căng thẳng; Đào thải nhiều hơn qua đại tiện, tiểu tiện; Có hiệu quả với những người mắc bệnh mỡ máu, tai biến, mất ngủ, ung thư, béo phì, tiểu đường, đau nhức xương khớp; Tăng sinh lý nam nữ; Trẻ hóa; Giảm nhanh mệt mỏi; Ngủ ngon hơn; Tăng thể lực; ImBoost nâng cao đề kháng nâng miễn dịch, là thuốc bổ nên rất an toàn, người khỏe uống rất tốt để phòng bệnh tật". Tuy nhiên, tới tối ngày 29/7, thông tin về sản phẩm Imboost kèm những nội dung quảng cáo này trên Shopee đã bị gỡ bỏ.

Tối ngày 29/7, thông tin quảng cáo về sản phẩm ImBoost trên Shopee đã bị gỡ bỏ.

Trên một số trang mạng xã hội và Facebook, sản phẩm ImBoost còn được quảng cáo là “dũng sĩ vượt qua đại dịch”. Thậm chí, một số người bán hàng còn không ngần ngại "vẽ" thêm cho sản phẩm này hàng loạt công dụng vô cùng "cao siêu". Có người còn gán công dụng "phòng Covid-19".

Facebook cá nhân mang tên "Dung Luu" quảng cáo ImBoost có khả năng "hỗ trợ điều trị Covid-19".

Cụ thể, trên Facebook cá nhân có tên "Dung Luu", sản phẩm ImBoost được quảng cáo "là sản phẩm viên nang uống hàng ngày của Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh, với công dụng chính là nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể, bất hoạt siêu vi, giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém, phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh lý lây lan qua đường hô hấp, là thuốc bổ an toàn thích hợp để phòng bệnh, sử dụng hiệu quả để hỗ trợ điều trị người mắc bệnh COVID.

ImBoost với thành phần Thymomodulin kết hợp các vị thuốc quý can khương, cúc tím, đông trùng hạ thảo mang lại tác dụng hỗ trợ bổ phế, tăng cường sức đề kháng, giảm nhanh mệt mỏi, chống oxy hóa, giúp tinh thần phấn chấn, giảm đau họng, giảm sốt nhanh".

Trên một tài khoản Facebook khác mang tên "Lan Lê", sản phẩm ImBoost còn được quảng cáo rằng "đã được Bộ Y tế đưa vào công văn số 5944/BYT-YDCT, ngày 24/7/2021 về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc và các phương pháp YHCT. Sản phẩm IMBOOST với cơ chế nâng miễn dịch, bất hoạt siêu vi, có tác dụng nhanh và mạnh. Hỗ trợ bổ phế, tăng cường sức đề kháng, giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém. Imboost là thuốc bổ nên rất an toàn, người khỏe uống rất tốt để phòng bệnh tật, đặc biệt là phòng COVID 19".

Facebook cá nhân mang tên "Lan Lê" quảng cáo ImBoost có khả năng "phòng COVID-19".

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Căn cứ những quy định trên có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm ImBoost hiện nay đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm.

Đối với những thông tin phản ánh về việc sản phẩm ImBoost quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh (đơn vị công bố sản phẩm) có chịu trách nhiệm về những nội dung quảng cáo sai lệch này? Liệu những website, Facebook quảng cáo “thổi phồng” chất lượng sản phẩm ImBoost có phải do công ty này điều hành hoặc cung cấp nội dung? Nếu chất lượng sản phẩm ImBoost không đúng như quảng cáo, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Doanh nghiệp cố tình "vẽ" thêm công dụng nhằm mục đích gì?

Đối với vấn đề sản phẩm thực phẩm chức năng ImBoost lọt vào công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế, theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 22/7, Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh đã có công văn số 06-2021/CV-TTC gửi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị ủng hộ sản phẩm tăng cường miễn dịch cho các bệnh nhân Covid-19. Trong công văn này, Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh đề nghị được ủng hộ, tài trợ 2.000 hộp dạng 30 viên/hộp để sử dụng cho bệnh nhân Covid-19.

Hai văn bản do ông Đỗ Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh ký gửi Cục Quản lý y dược cổ truyền và Sở Y tế TP.HCM đều chứa nội dung sai sự thật về công dụng của sản phẩm ImBoost?

Tuy vậy, qua tìm hiểu, phóng viên phát hiện, trong văn bản gửi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Công ty cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh đã tự ý "bịa" thêm công dụng của sản phẩm ImBoost so với giấy phép mà Cục An toàn thực phẩm đã cấp cho doanh nghiệp này.

Cụ thể, trong Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm, thực phẩm chức năng ImBoost chỉ đề công dụng là: "Hỗ trợ bổ phế, tăng cường sức đề kháng, giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém".

Tuy nhiên, trong văn bản gửi đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, công ty này lại ghi sản phẩm ImBoost có công dụng: "Hỗ trợ bổ phế, tăng cường sức đề kháng, giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém, phòng và điều trị các bệnh lý do virut lây lan qua đường hô hấp".

Như vậy, có thể thấy, Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh đã tự phong cho thực phẩm chức năng ImBoost có công dụng như thuốc khi thêm dòng “phòng và điều trị các bệnh lý do virut lây lan qua đường hô hấp” vào phần công dụng gửi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 26/7, khi công văn 5944 của Bộ Y tế bị thu hồi thì Công ty Cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh tiếp tục ký văn bản số 07 gửi Sở Y tế TP.HCM. Nội dung công văn cũng có những nội dung được thổi phồng sai sự thật về sản phẩm ImBoost như văn bản đã gửi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền.

Trước hành động này của Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh, dư luận không khỏi thắc mắc về động cơ, mục đích mà công ty này "vẽ" thêm công dụng, chất lượng cho sản phẩm ImBoost trong công văn gửi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và Sở Y tế TP.HCM? Việc thêm thắt công dụng sản phẩm ImBoost nhằm mục đích gì trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp? Chất lượng sản phẩm này có thực sự tốt như quảng cáo?

Phóng viên đã cố gắng trao đổi với ông Đỗ Quốc Thái - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh để làm rõ những nội dung trên, tuy nhiên đều không liên hệ được.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố ImBoost khá "kín tiếng"

Công ty Cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh được thành lập năm 2015 với ngành nghề kinh doanh cơ sở lưu trú, đại lý du lịch, điều hành tour du lịch, quảng bá và tổ chức tour du lịch, sản xuất chất tẩy rửa, bán lẻ qua internet, sản xuất thuốc…

Doanh thu bình quân của Công ty cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh 3 năm gần đây đạt trung bình 3,3 tỷ đồng/năm (2018: 2,1 tỷ đồng; 2019: 5,499 tỷ đồng; 2020: 2,0 tỷ đồng). Các sản phẩm của doanh nghiệp này không đa dạng và chủ yếu tập trung vào dòng sản phẩm tăng cường sinh lý.

Phong Lâm

Từ khóa » Thuốc Bổ Phổi Imboost