Dấu ấn Những Cuộc Diễu Binh, Duyệt Binh - Công An Nhân Dân

Ký ức duyệt binh và diễu binh

2015 là năm diễn ra những cuộc duyệt binh quy mô lớn của nhiều nước trên thế giới, đáng chú ý là cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức diễn ra tại Quảng trường Đỏ, Thủ đô Moscow, Liên bang Nga. Tại cuộc duyệt binh này, nhiều vũ khí hạng nặng lần đầu ra mắt công chúng như xe bọc thép APC Bumerang, pháo tự hành Koalitsiya-SV, xe tăng chiến đấu Armata…

Còn tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/9 tới đây cũng sẽ diễn ra cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc thế chiến II ở châu Á. Với sự hiện diện của các loại vũ khí tối tân, đây được xem là một trong các sự kiện lớn nhất của Trung Quốc năm nay.

Xe tăng lội nước BMP 1 tiến qua Quảng trường Ba Đình tại lễ duyệt binh ngày 2/9/1985.

Đối với Việt Nam, chúng ta tổ chức hai cuộc diễu binh, diễu hành quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tại Hà Nội nhân 70 năm Quốc khánh. Cả hai cuộc đều là diễu binh, diễu hành, không phải duyệt binh như đối với các sự kiện nói trên của Nga và Trung Quốc. Vậy diễu binh và duyệt binh là thế nào?

Nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm này, song diễu binh khác với duyệt binh. Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) thì diễu binh được hiểu là lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh. Còn duyệt binh là kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng.

Trong khi đó, diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh. Như vậy, duyệt binh mang tính biểu dương sức mạnh quân sự và gắn với đó là sự xuất hiện của các quân, binh chủng và các loại khí tài quân sự.

Chính vì thế, nhiều nước thông qua duyệt binh để “ra mắt” các loại vũ khí, thiết bị chiến đấu hiện đại nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình. Trong khi đó, diễu binh chỉ biểu dương sức mạnh về lực lượng vũ trang chứ không thiên hướng về vũ khí như duyệt binh.

Ở Việt Nam, ngoài hai cuộc diễu binh năm nay thì năm 2014 cũng diễn ra diễu binh quy mô lớn tại TP Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước đó, năm 2010, Nhà nước tổ chức diễu binh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội (10/10). Năm nay, việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo thông báo của ban tổ chức, sáng 2/9, lễ diễu binh, diễu hành với chủ đề “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa" diễn ra trọng thể tại Quảng trường Ba Đình, trong đó có phần chào cờ và bắn 21 phát đại bác. Phần diễu binh có sự tham dự của khoảng 30.000 người thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân gồm quân đội, công an, du kích, dân quân, tự vệ, các lực lượng quần chúng nhân dân.

Tùy từng hoàn cảnh lịch sử, chúng ta tổ chức diễu binh hay duyệt binh. Năm nay, tổ chức diễu binh, diễu hành với khẳng định quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và nhấn mạnh thông điệp hợp tác, hữu nghị, vì hòa bình, ổn định để phát triển. Còn trước đây, chúng ta cũng đã tổ chức 3 cuộc duyệt binh: Tháng 1/1955 nhân Giải phóng Thủ đô Hà Nội; tháng 5/1975 Giải phóng miền Nam và lần thứ ba vào tháng 9/1985 nhân kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các lần duyệt binh đó đều diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngoài việc biểu dương sức mạnh của quân đội, công an còn có sự tham gia của các loại vũ khí, phương tiện quân sự như máy bay, xe tăng, pháo, tên lửa…

Những thước phim lịch sử

Cuộc duyệt binh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa diễn ra ngày 1/1/1955. Bây giờ, trên youtobe còn lưu lại đoạn phim về cuộc duyệt binh lịch sử này. Được biết, đoạn phim màu tư liệu quý giá về cuộc duyệt binh đã được nhà làm phim người Nga Roman Karmen quay lại và lưu giữ, sau này, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền đoạn phim và giới thiệu tới độc giả.

Nhà làm phim người Nga đã ghi lại hình ảnh đoàn quân oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam bước qua lễ đài. Đoàn quân tay bồng súng, mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan bọc lưới ngụy trang, chân bước đều tăm tắp trong tiếng nhạc hùng tráng “Tiến về Hà Nội”. Chính đoàn quân này đã đánh bại đạo quân tinh nhuệ của Pháp ở Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Trên khán đài là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ…

Trong bối cảnh Thủ đô mới giải phóng, chiến tranh chống Pháp vừa kết thúc, việc tổ chức được cuộc duyệt binh hoành tráng như vậy cho thấy nỗ lực lớn của Đảng, Chính phủ và các lực lượng vũ trang lúc bấy giờ. 20 năm sau, vào ngày 15/5/1975, diễn ra cuộc duyệt binh mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn vừa giải phóng với sự hiện diện của các lực lượng vũ trang và vũ khí, phương tiện quân sự.

Cuộc duyệt binh gần đây nhất đã diễn ra 30 năm. Đó là vào dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/1985) với sự tham gia của nhiều quân, binh chủng, nhiều loại khí tài quân sự. Theo tư liệu trong sách “Lịch sử Không quân” thì Quân chủng Không quân khi đó quyết định sử dụng một số lượng lớn máy bay tham gia lễ duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình.

Số máy bay này bao gồm: 24 chiếc MiG-21Bis đại diện cho lực lượng không quân tiêm kích do hai Trung đoàn 927 và 921 đảm nhiệm; 12 chiếc Su-22M đại diện cho không quân tiêm kích bom (Trung đoàn 923); 12 chiếc An-26 đại diện cho không quân vận tải (Trung đoàn 918); 9 chiếc Mi-24 và 3 chiếc Mi-8 đại diện cho không quân trực thăng (Trung đoàn 916); 15 chiếc máy bay huấn luyện L-39 đại diện cho nhà trường. Việc xếp hình số 40 đầy ý nghĩa do Trung đoàn 910 đảm nhiệm. Đây là một nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất khó khăn. Trong thời gian đầu, các trung đoàn tổ chức bay huấn luyện theo đội hình tại căn cứ đóng quân của mình. Để có được một đội hình đẹp, cần phải xác định tốt được thứ tự, giãn cách thời gian cất cánh giữa các tốp và cách bay theo đội hình bay duyệt binh.

Kết quả kiểm tra bay hợp luyện lần cuối cùng cho thấy, đội hình của các lực lượng không quân luôn được giữ rất ổn định với chữ số 40 trên bầu trời, thời gian bay qua quảng trường chính xác đến từng giây và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Sáng 2/9/1985, dù thời tiết xấu, màn duyệt binh của lực lượng không quân khi đó đã gây được ấn tượng mạnh với toàn thể quân và dân cả nước.

Từ khóa » Việt Nam Diễu Binh Năm 1985