Dị ứng Với ánh Nắng, Làm Sao Tránh? - Tuổi Trẻ Online

Dị ứng với ánh nắng, làm sao tránh? - Ảnh 1.

Để da tránh bị phản ứng, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian từ 11h trưa đến 3h chiều - Ảnh: T.ĐẠM

Ông M.T.D. (51 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp) đến khám khi thấy da vùng cổ và ngực, vai, lưng xuất hiện nhiều mảng đỏ, nổi mụn nước… Ông D. cho biết tình trạng này mới xuất hiện sau khi đi tắm biển về.

BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết ông D. đã được chẩn đoán là "phát ban đa dạng do ánh sáng". Đây là một phản ứng da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời chỉ với thời gian khoảng 20 phút.

Biểu hiện với những nốt đỏ, mảng đỏ cho đến mụn nước, bóng nước và có thể gây ngứa, nóng rát. Phát ban có thể xảy ra ngay cả khi tiếp xúc với ánh nắng xuyên qua cửa sổ và một số trường hợp xảy ra với bóng đèn huỳnh quang. Cơ chế mà ánh sáng gây phát ban chưa được sáng tỏ, có lẽ là một phản ứng miễn dịch.

Theo BS Thảo, phát ban thường xảy ra vào mùa xuân, sau khi bệnh nhân đi chơi, tiếp xúc với ánh nắng hoặc đến những quốc gia có nhiều nắng, nữ dễ mắc phải hơn nam. Bệnh thường khởi phát trước năm 30 tuổi và có khuynh hướng nặng dần theo thời gian.

Mọi loại da đều có thể bị nhưng thường gặp ở người da sáng màu. Bệnh không lây và không liên quan đến ung thư da. Bệnh được chẩn đoán dựa trên biểu hiện của phát ban và tiền sử tiếp xúc với ánh nắng.

Hiện vẫn chưa có thuốc trị khỏi hẳn phát ban đa dạng do ánh sáng. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa tái phát bằng cách tránh tiếp xúc với ánh nắng và sử dụng kem chống nắng. Ngoài ra, đối với một số người, bệnh có thể tự thoái lui sau một vài năm khi da trở nên dung nạp hơn với ánh nắng.

Theo ghi nhận, có khoảng 10% dân số bị phát ban đa dạng do ánh sáng. Vì vậy để phòng bệnh hoặc ngừa bệnh tái phát, BS. CKII Vũ Thị Phương Thảo khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian từ 11h trưa đến 3h chiều.

Khi sử dụng kem chống nắng nên chọn loại có SPF từ 30 trở lên để bảo vệ chống lại UVB, và chỉ số UVA từ 4 đến 5+ (kem chống nắng phổ rộng), thoa trước khi ra nắng 15 - 30 phút, lặp lại mỗi 2 giờ, sau khi đi bơi và đổ mồ hôi.

Bên cạnh việc sử dụng kem chống nắng, cần phối hợp thêm với các biện pháp khác như mặc quần áo dài tay, ở trong bóng râm… Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp.

Coi chừng dị ứng, ngộ độc thuốc gây tê Coi chừng dị ứng, ngộ độc thuốc gây tê

TTO - Trong nhiều trường hợp tai biến, cần nghĩ đến tình trạng ngộ độc thuốc tê. Ngộ độc gây ra bởi nồng độ thuốc tê vào trong máu vượt ngưỡng, gây ra độc tính lên các hệ cơ quan như thần kinh, tuần hoàn…

Từ khóa » đi Ra Nắng Da Bị Ngứa