'Đừng Nên Phí Thời Gian Học Ngoại Ngữ' - BBC News Tiếng Việt

'Đừng nên phí thời gian học ngoại ngữ'
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

  • Tác giả, Maddy Savage
  • Vai trò, BBC Capital
  • 4 tháng 7 2018

Học ngôn ngữ bản địa dường như là mục tiêu hiển nhiên đối với bất cứ ai ra nước ngoài. Nhưng trong một thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa thì liệu đây có phải là cách sử dụng thời gian hiệu quả hay không? Đây là chủ đề đang ngày càng thu hút nhiều tranh luận sôi nổi.

Tiếng Anh là đủ?

Ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia và công ty khởi nghiệp lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ làm việc chính thức, ngay cả khi họ không đặt trụ sở tại một nước nói tiếng Anh.

Có thể mất ngôn ngữ mẹ đẻ của mình không?

Thời kỳ vàng để học ngoại ngữ?

Thụy Sĩ: Đất nước đa ngôn ngữ

Những người dưới 20 tuổi tỏ ra chấp nhận thứ ngôn ngữ toàn cầu này ở mức độ cao hơn nhiều so với các thế hệ trước. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với thanh thiếu niên người bản địa bằng tiếng Anh so với trước đây.

Hội đồng Anh ước tính đến năm 2020 sẽ có hai tỷ người trên thế giới sử dụng tiếng Anh, tức là trên một phần tư dân số thế giới.

Chưa hết, trong khi người ta vẫn chưa lý giải được vì sao giới trẻ thời nay nhảy việc nhiều hơn các thế hệ trước, thì mô hình làm việc linh hoạt ở một địa điểm khác vẫn là mục tiêu chủ yếu của nhiều người trẻ tuổi.

Hồi 2017, khảo sát thường niên do Diễn đàn Kinh tế thế giới tài trợ cho thấy 81% những người được vấn ý trong độ tuổi từ 18 đến 35 từ hơn 180 quốc gia nói họ sẵn sàng ra nước ngoài làm việc. Việc 'có khả năng làm việc và sinh sống ở bất cứ nơi đâu' là một trong những nhân tố quan trọng nhất khiến họ cảm thấy tự do hơn trong môi trường của mình.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tuy nhiên, đối với những người sẵn sàng đến một nước khác nhưng lại không có ý định chắc chắn sẽ ở lại lâu dài thì việc dành những lúc rảnh rỗi chìm đắm trên các ứng dụng hay các lớp học ngoại ngữ có thực sự đem lại ý nghĩa gì nhiều không, nếu họ có thể vẫn dùng tiếng Anh để sống được?

"Bạn không nhận được thành quả ngay tức thì cho sự đầu tư này," Sree Kesanakurthi, một nhà tư vấn IT ở Ấn Độ đã từng làm việc ở Dubai, Singapore, Stockholm và Brussels, nói. Anh cảm thấy thoải mái với việc sử dụng ngôn ngữ toàn cầu cả trong công việc lẫn trong giao tiếp xã hội.

Nhà tư vấn 31 tuổi này cho rằng nếu ai đó chuyển đến một nước khác trong thời gian chưa tới hai năm thì nên tập trung vào việc thăng tiến trong công việc và 'tìm những người cùng chung suy nghĩ' để kết bạn, có thể là thông qua các câu lạc bộ người nước ngoài hoặc thông qua các hoạt động thể thao và văn hóa ở địa phương.

'Trí tuệ văn hóa'

"Có rất nhiều cộng đồng khiến bạn cảm thấy tự do, không phải là người xa lạ ở một đất nước mà bạn không quen thuộc," anh nói.

"Bạn có thể tồn tại rất dễ dàng ở nhiều nơi trên thế giới mà không cần phải biết nói ngôn ngữ bản địa," David Livermore, tác giả của cuốn 'Leading with Cultural Intelligence: The New Secret to Success', nhận xét.

Một kỹ năng để đánh máy nhanh hơn rất nhiều

Thụy Điển 'từ lề trái sang lề phải' chỉ sau một đêm

Người giàu, nghèo sống khác nhau thế nào?

"Tôi không nghĩ rằng nói lưu loát ngôn ngữ bản địa là cần thiết nếu thời gian được điều tới làm việc không quá năm năm," ông nói. "Khả năng thích nghi với các quy ước giao tiếp, giao lưu xã hội có lẽ quan trọng không kém, nếu không nói là hơn thế."

Nghiên cứu của ông, vốn được thực hiện trọng suốt hơn 10 năm tại 30 quốc gia, phân tích khái niệm 'trí tuệ văn hóa' (CQ), mà ông phân ra làm bốn lĩnh vực chính:

- Có động cơ và sự yêu thích để làm việc trong môi trường khác văn hóa.

- Hiểu biết về những điểm tương đồng và khác biệt văn hóa

- Có chiến lược giúp theo dõi, phân tích và điều chỉnh kế hoạch trong những bối cảnh văn hóa xa lạ

- Có khả năng hành động bằng cách chọn sử dụng hành vi bằng lời nói hoặc không bằng lời nói, tùy theo bối cảnh

Mặc dù chấp nhận là 'ngôn ngữ cũng có tầm quan trọng nào đó', ông cho rằng 'năng lực đối phó, điều chỉnh phù hợp và kiên trì bền bỉ mới là năng lực quan trọng nhất trong bốn năng lực trí tuệ văn hóa để thành công khi ra nước ngoài'.

"Bạn có thể nghĩ về nó như là sự thích ứng tình cảm và nhận thức cần thiết để đối phó với việc sống bên ngoài văn hóa quê hương của mình," ông nói.

Cần phải học văn hóa sở tại?

Nhưng có một số nơi rõ ràng là khó thích nghi hơn so với những nơi khác: chẳng hạn như những quốc gia mà quy ước văn hóa và xã hội khác xa so với quê nhà và nơi mà tiếng Anh không được người dân sử dụng rộng rãi.

"Có những khác biệt rất lớn trên toàn cầu," Eero Vaara, giáo sư về tổ chức và quản lý ở Trường Kinh doanh, Đại học Aalto, Phần Lan với trọng tâm nghiên cứu về các tập đoàn đa quốc gia, nói.

Nhật Bản là một đất nước thu hút người ngoại quốc mà ông chỉ ra là nơi những trí thức trẻ tuổi có thể bị sốc văn hóa mạnh mẽ do quy tắc ứng xử xác định ở cả môi trường làm việc lẫn bối cảnh thân mật.

Trong những thứ gây bối rối cho người nước ngoài có những quy tắc ứng xử như cúi đầu, giữ thể diện và tránh xung đột, lịch sự và đúng giờ đến mức cực đoan, tôn trọng sự im lặng và làm việc nhiều giờ.

"Nếu bạn thiếu sự nhạy cảm văn hóa và bắt đầu cố gắng hợp tác hay đem đến điều gì đó mới mẻ thì sẽ không có tác dụng gì đâu… rõ ràng hết sức cần thiết để đầu tư vào học hỏi văn hóa," ông giải thích trong khi nhấn mạnh rằng người ngoại quốc phải ý thức rằng không phải tất cả người bản địa đều tuân theo những khuôn mẫu ứng xử quốc gia.

Option2

Nguồn hình ảnh, Option2

Chụp lại hình ảnh, Ryu Miyamoto, 53 tuổi đang sống ở Takarazuka, ngoại vi Osaka, đã lấy một cái tên đặc Nhật

Ryu Miyamoto, 53 tuổi đang sống ở Takarazuka, ngoại vi Osaka, đến từ Mỹ nhưng lấy một cái tên đặc Nhật từ khi mới chuyển đến sống ở đó.

Ông cho biết ông đã chứng kiến nhiều người ngoại quốc phải vất vả thích ứng với các quy ước văn hóa ở Nhật Bản và phải về nước thường xuyên vào những kỳ nghỉ hay về luôn ngay khi nhiệm kỳ công tác kết thúc.

Monaco đang gần hết chỗ cho đại gia?

Thay đổi ở TQ: Phụ nữ vẫn luôn thiệt thòi

Nếu bạn không bao giờ gặp đồng nghiệp nữa?

Tuy nhiên, ông cho rằng mình trở nên 'lưu loát về mặt văn hóa' và 'có chút Nhật hóa' chỉ trong vòng khoảng ba năm.

"Nếu mọi người không khiến tôi nhớ đến mỗi ngày qua cách cư xử của họ đối với tôi thì tôi không nhận ra là mình không phải người Nhật," ông nói.

"Người Nhật vẫn xem người ngoại quốc, hay 'gaijin' theo cách gọi của họ, là người ngoài… Nhưng những người gần gũi với tôi, họ không xem tôi là 'gaijin'… Tôi nghĩ tôi là một trường hợp hơi đặc biệt."

Mặc dù có biết chút ít tiếng Nhật trước khi đến và giờ đã nói được lưu loát, ông cho rằng học hỏi những quy tắc văn hóa, đắm chìm vào các kênh truyền hình Nhật Bản và thậm chí tự học cách nấu món ăn Nhật Bản cũng quan trọng đối với việc thích nghi như học ngôn ngữ.

Trên quan điểm kinh doanh, Miyamoto lập luận rằng lấy một cái tên Nhật cũng giúp ông dễ dàng xây dựng quan hệ khi ông lập công ty giáo dục của riêng mình.

"Nếu tôi gọi điện cho ai đó và nói tên tiếng Mỹ của tôi họ sẽ không hiểu, họ sẽ giống như là 'anh nói chữ đó như thế nào? Hoặc là họ sẽ nói 'không'. Nhưng nếu tôi nói rằng 'đây là Miyamoto' thì họ sẽ nó là 'À, được rồi, tốt'.

'Không thích nói tiếng Anh'

Một điều có thể người ngoại quốc không nhận ra là sự trải nghiệm khi cố gắng đạt được sự lưu loát văn hóa ở những quốc gia mà, nhìn bề ngoài, có vẻ như không đòi hỏi mấy việc họ phải có điều chỉnh cá nhân.

Chẳng hạn như Hà Lan và các nước Nordic cạnh tranh nhau để giành vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số Thông thạo Tiếng Anh toàn cầu hàng năm, thế nhưng lại không có danh tiếng quốc tế gì mấy trong việc có sự khác biệt đáng kể so với các khu vực khác ở Bắc Âu (thay vào đó, họ thường được tôn vinh là những nước đi đầu trong hiệu quả và sáng tạo).

Điều này cho thấy những người ngoại quốc nói tiếng Anh - nhất là những người đến từ những nơi khác trong thế giới phương Tây - sẽ ít có nhu cầu phải học ngôn ngữ bản địa hay đối mặt với những quy ước ứng xử bất ngờ hơn.

Tuy nhiên theo Caroline Werner, giám đốc điều hành của 'Settle into Stockholm', một công ty khởi nghiệp cung cấp các khóa học ngôn ngữ và văn hóa được dành cho những trí thức trẻ chuyển đến sống và làm việc ở thủ đô Thụy Điển, thì 'rất nhiều người phạm lỗi là không thật sự cảm nhận những quy ước văn hóa' ở bán đảo Scandinavia.

Các bài học của bà bao gồm tất cả mọi thứ từ những chủ đề nên tránh đụng đến trong những bữa ăn trưa hay những bữa tiệc tối (nhìn chung nói về tôn giáo, chính trị hay bạn kiếm được bao nhiêu tiền là những chủ đề cấm kỵ ở Thụy Điển) cho đến giải mã làm sao để kết bạn và hẹn hò ở một quốc gia vốn né tránh nói chuyện phiếm và nơi mà hơn phân nửa dân số sống một mình.

Trong khi đó, bà cũng là người cổ súy mạnh mẽ cho việc người ngoại quốc ít nhất nên học một chút ngôn ngữ bản địa ở quốc gia mà họ đến ngay cả khi không có khả năng họ sử dụng ngôn ngữ đó lại nếu họ chuyển đến nơi khác.

"Tôi cảm thấy đó là một cơ hội, chứ không phải lãng phí thời gian, để bạn thật sự biết được mọi người bằng một cách mà bạn không có được nếu bạn không bao giờ học ngoại ngữ," bà nói.

"Rất nhiều người Thụy Điển nói tiếng Anh tốt khi để thể hiện sự lịch sự," bà cho biết. "Nhưng nếu họ muốn thoải mái thật sự, thì họ chẳng hề 100% thoải mái khi nói tiếng Anh."

Dễ đi vào cơ cấu quyền lực

Nghiên cứu về ngôn ngữ của Eero Vaara tại các tập đoàn đa quốc gia càng chứng minh cho nhận định rằng bỏ thời gian để học những kiến thức thiết yếu của ngôn ngữ sở tại là hoàn toàn đáng để làm đối với người ngoại quốc, thậm chí đối với những người sống ở những nước có trình độ tiếng Anh lưu loát cao.

Theo nghiên cứu này thì việc học ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong việc hội nhập vào cơ cấu quyền lực sở tại nếu bạn muốn định cư ở nước ngoài hay ra nước ngoài làm việc trong tương lai.

"Có những hội kín hay là những phần của tổ chức, không phải là tổ chức chính thức mà là dạng mạng lưới, và có những cuộc nói chuyện không chính thức rất khó tiếp cận," ông giải thích và lưu ý rằng khả năng ngoại ngữ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kết nối với nhóm hội kín này cả về nghề nghiệp lẫn ở mức độ cá nhân.

Ví dụ, nếu bạn là người Anh nhưng muốn leo lên những thang bậc của 'một tổ chức Nga đã có mặt hàng trăm năm nay' thì việc học tiếng Nga nhiều khả năng sẽ tạo thêm giá trị về lâu dài.

Tuy nhiên, 'nếu bạn là người Anh làm việc cho chi nhánh của một công ty Anh ở Nga, theo Vaara, thì mặc dù vẫn rất có ích nhưng việc biết tiếng Na lưu loát có lẽ không mấy tác dụng.

Nhưng để phân biệt rạch ròi khi nói đến việc lưu loát cả ngôn ngữ lẫn văn hóa vẫn là một vấn đề phức tạp đối với nhiều người sống và làm việc ở nước ngoài.

MARTINAXELL

Nguồn hình ảnh, MARTINAXELL

Chụp lại hình ảnh, Sima Mahdjoub, 30 tuổi, vốn là người Pháp nhưng đã sống ở chín nước

Sima Mahdjoub, 30 tuổi, vốn là người Pháp nhưng đã sống ở chín nước bao gồm Anh, Úc và Tây Ban Nha, mới đây đã quyết định định cư ở Thuỵ Điển một thời gian, phần lớn là do lối sống ngoài trời ở nước này.

Cô đã trở nên thông thạo tiếng Thụy Điển và cố gắng để hiểu những quy ước làm việc bản địa ("ở Pháp bạn có thể đạt được thỏa thuận chỉ trong một cuộc họp. Nhưng điều này là không thể ở Thụy Điển"), nhưng cô nói rằng cô chưa bao giờ nghĩ mình là người Thụy Điển, hay trở nên thông thạo hoàn toàn nền văn hóa của nước sở tại.

"Ở các nước Nam Âu nhìn chung chúng tôi có xu hướng ăn nói rất mạnh mẽ, rất thể hiện mình trong cả những tình cảm tích cực lẫn tiêu cực," cô giải thích và cho rằng cô không muốn mất đi những 'bản năng tự nhiên' này vốn hiếm gặp ở các quốc gia vùng Scandinavia.

"Điều đó cũng có thể bởi vì tôi đã nhìn thấy người khác làm chủ được, nhưng đối tôi tôi là người quá trực tiếp và tôi quá bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa nên không muốn trở thành như vậy."

Trong khi đó, Sree Kesanakurthi hiện là một chuyên gia tư vấn IT ở Brussels cho biết anh đang học tiếng Pháp bởi anh muốn bám rễ chặt hơn ở các quốc gia vùng Benelux so với các nơi khác mà anh từng sống qua.

Tuy nhiên anh cũng chẳng suy nghĩ nhiều nếu như anh không bao giờ có được sự lưu loát ngôn ngữ và văn hóa hoàn toàn.

"Ngôn ngữ bản địa thì quan trọng khi cần mua nhà cửa, xử lý giấy tờ hay các thứ như thuế má, kế toán," anh nói.

"Tuy nhiên, tôi không lo lắm về việc tôi hội nhập như thế nào. Miễn là tôi có bạn bè tốt xung quanh thì tôi sẽ ổn. Suy cho cùng nếu tôi sinh ra ở nước ngoài… thì dù sao đi nữa mọi người đối với tôi cũng có sự khác biệt."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

  • Người già dễ bị quên tiếng mẹ đẻ nếu họ phải trải qua những sự kiện gây chấn thương tinh thần.

    Có thể mất ngôn ngữ mẹ đẻ của mình không?

    13 tháng 6 năm 2018
  • Người lao động Nhật phải đối đầu với tình trạng karoshi - chết do làm việc quá sức

    Người dân nước nào làm việc nhiều giờ nhất?

    4 tháng 6 năm 2018
  • Năm ngoái, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh 1,05 đứa trẻ/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử, dù chính phủ đã chi hàng tỷ đô la để tăng tỷ lệ sinh

    Hàn Quốc dạy giới trẻ cách kết hôn và sinh con

    29 tháng 5 năm 2018
  • Getty Images

    Thời kỳ vàng để học ngoại ngữ?

    14 tháng 4 năm 2018

Tin chính

  • Nạn nhân cáo buộc quan chức Việt Nam tấn công tình dục ở New Zealand lên tiếng

    2 giờ trước
  • Quốc hội Hàn Quốc đồng ý luận tội tổng thống Yoon

    4 giờ trước
  • Vì sao Bộ Chính trị cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc?

    13 tháng 12 năm 2024

BBC giới thiệu

  • Hàn Quốc: Thiết quân luật, tại sao và hậu quả như thế nào?

    Hàn Quốc: Thiết quân luật, tại sao và hậu quả như thế nào?

    4 tháng 12 năm 2024
  • Tổng Bí thư Tô Lâm đang hướng tới việc sắp xếp lại nhiều di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng

    Tổng Bí thư Tô Lâm 'dọn dẹp' bộ máy như thế nào?

    1 tháng 12 năm 2024
  • Bà Trương Mỹ Lan tại phiên phúc thẩm sáng nay 3/12/2024

    Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên y án tử hình

    3 tháng 12 năm 2024
  • Tổng Bí thư Tô Lâm, người kế nhiệm nhà lãnh đạo lâu năm Nguyễn Phú Trọng, đã có những phát biểu mạnh về việc tinh gọn bộ máy

    Tinh gọn bộ máy: phép thử cho Tổng Bí thư Tô Lâm trước Đại hội 14

    3 tháng 12 năm 2024
  • Đại tướng Phan Văn Giang dự và chỉ đạo diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7 năm 2024.

    Vụ nổ làm 12 quân nhân Quân khu 7 tử vong, những gì đã biết tới nay

    5 tháng 12 năm 2024
  • Từ trái qua: Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

    Tứ Trụ, Thường trực Ban Bí thư và những 'trường hợp đặc biệt'

    18 tháng 11 năm 2024
  • Chó bị nhốt

    'Con tôi khóc khi tôi giết chó làm thịt'

    29 tháng 11 năm 2024
  • Điện hạt nhân

    Điện hạt nhân Việt Nam: Chọn đối tác nào và vì sao?

    25 tháng 11 năm 2024
  • Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engelke và Bộ trưởng Công an Việt Nam Lương Tam Quang

    Đức nói với Bộ trưởng Lương Tam Quang: 'Không được tái diễn vụ việc tương tự Trịnh Xuân Thanh'

    9 tháng 11 năm 2024

Đọc nhiều nhất

  1. 1Vì sao Bộ Chính trị cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc?
  2. 2Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Assad và gia đình?
  3. 3Nạn nhân cáo buộc quan chức Việt Nam tấn công tình dục ở New Zealand lên tiếng
  4. 4Quốc hội Hàn Quốc đồng ý luận tội tổng thống Yoon
  5. 5Có gì sau cơ chế đối thoại chiến lược '3+3' Trung Quốc và Việt Nam vừa thiết lập?
  6. 6Hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục ở New Zealand
  7. 7Chế độ Assad sụp đổ: các căn cứ quân sự Nga ở Syria sẽ ra sao?
  8. 850 bị cáo khai gì trong vụ hiếp dâm tập thể chấn động ở Pháp?
  9. 9Vì sao 5 cựu đảng viên lãnh án tù cùng blogger Đường Văn Thái?
  10. 10Vụ nổ làm 12 quân nhân Quân khu 7 tử vong, những gì đã biết tới nay

Từ khóa » Ngay Và Luôn Tiếng Anh Là Gì