Đường Trần đâu Có Gì… - Truyện Ngắn - Phật Pháp Ứng Dụng

Nhà tang lễ vắng vẻ, trời không nắng, có vài hạt mưa bụi rây rây trên khóm hoa quỳnh anh vàng quạnh quẽ. Tới giờ hẹn nhưng vẫn chưa xong vì còn đang lựa cốt. Phải lấy ra những mảnh xương lớn để qua một bên, xương sọ xếp riêng, những tro bụi còn lại thì cho vào một bịch ny-lon đen. Người đàn ông mang khẩu trang, bao tay, cần mẫn lựa, lâu lâu thảy ra hột nút, một mảnh nhựa bị nấu cứng queo, nói có thể là xâu chuỗi hay trang sức gì đó mang trên mình người chết mà không chịu tháo ra khi đưa vào lò hỏa táng.

Mới sáng đó, còn người khóc, người vẫy tay tiễn biệt trong tiếng nhạc thê lương khi quan tài dần dần chuyển vào trong khuất tầm nhìn, giờ là nắm tàn tro này. Thân thể một người đàn ông cao 1,69m, nặng gần 70 kg chỉ vừa một hũ sành. Cốt đàn ông thì trắng, cốt đàn bà thì đen. Người đàn bà đứng gần chỗ lựa cốt nói vậy trong khi tay cầm que đũa kéo kéo trong đám tro coi còn sót lại cái gì chưa bị hủy thì giải thích cho người nhà nghe.

Đường trần đâu có gì…

Thắp nén hương, nhìn lọn khói bốc lên buồn tẻ, má tôi kêu thầm: “A ơi, theo chị nghen. Chị đưa em về chùa”. Nước mắt nghẹn lại trong lòng, lặng lẽ. Má ôm hũ cốt, biểu che dù cho cậu khỏi nắng rồi cả thảy bốn người ra xe trong im lìm, nhẫn nại.

*

Mấy hôm thấy gây gây trong người, hơi ớn lạnh về chiều nhưng cậu cứ ỷ y như mọi lần là không sao. Cậu quấn thêm một lớp áo rồi pha bình trà ngồi ngắm bóng chiều dần xuống trên đường quốc lộ. Công việc bảo vệ khiến cậu phải ngồi chôn chân một chỗ, lâu lâu lại dòm chừng mấy chiếc xe của khách đang để bên ngoài. Cậu luôn vui vẻ với mọi người nên dù đi đâu, làm gì ai cũng mến. Đời cậu không trôi xuôi êm ả, lúc làm việc này lúc làm việc khác, hôn nhân cũng bập bềnh như thủy triều lên xuống, có lẽ một phần do tính khí hơi bốc đồng, không kiên nhẫn lại có vẻ tài tử của cậu.

Thời trẻ cậu ham đá bóng đến mê mệt nên mỗi khi tôi gặp cậu đều thấy cậu ôm trái bóng bên mình. Lúc đó tôi khoảng chừng tám, chín tuổi nên cũng không chú ý mấy, cứ thấy cậu lang bạt lúc nơi này, lúc nơi khác, không biết thực sự cậu làm công việc gì, chỉ ấn tượng mạnh khi cậu mặc đồ cầu thủ ôm trái bóng mỗi lúc có trận đấu đâu đó. Cậu khỏe mạnh, cao gần mét bảy nên rất phong độ. Cậu cũng trải qua vài mối tình trước khi cưới mợ. Sau này tôi mới biết cậu có một đứa con trai với người phụ nữ trông cũng xinh xinh khi cậu phiêu bạt chốn thị thành, không biết lý do vì sao mà chia tay, mà người phụ nữ này lại chấp nhận một số tiền khi bà ngoại đề nghị chấm dứt không lui tới để cậu cưới vợ.

Chuyện đời như nước chảy, đám cưới cậu diễn ra rình rang suôn sẻ. Cậu mợ hạnh phúc được một thời gian dài cho tới khi đứa con gái, con trai kế tiếp ra đời. Mâu thuẫn dần phát sinh ngày càng nhiều. Cậu bắt đầu quen với men cay, càng uống thì càng quay cuồng trong vũ khúc chửi bới nhau, những chuyện nhỏ nhặt cũng khiến đôi bên nặng lời, mợ mắng cậu không lo làm ăn, chỉ biết suốt ngày đá bóng rồi nhậu nhẹt với bạn bè. Tánh cậu lại nóng như Trương Phi, cộng thêm men rượu nên chỉ cần mợ cằn nhằn là cậu nổi sung.

Việc gì đến cũng đã đến, những bạt tai, túm tóc dày lên thì cậu mợ ra tòa ly hôn. Hai đứa con mợ nuôi hết, nỗi hận chồng chất cao khi bên nhà mợ cùng vào hùa trách móc cậu vô trách nhiệm. Họ cấm tiệt hai đứa cháu không cho nhìn mặt cha. Cậu tự ái nên cũng không thèm quan tâm chăm sóc. Lằn ranh chia cắt càng lúc càng sâu cho tận lúc cậu ra đi cũng không một lần gặp lại.

Cậu sống một mình từ dạo ấy, cũng có quen vài ba người rồi thôi, không duyên nợ kéo dài với ai. Cậu thui thủi vào ra nơi căn nhà nhỏ với ngoại. Cho đến khi ngoại mất, cậu vẫn không có gì trong tay, không tài sản, không gia đình, không tương lai. Ngày nối ngày trôi qua.

Đêm bệnh viện sâu hun hút, cậu nằm thiêm thiếp trong phòng cấp cứu, dây nhợ chằng chịt quấn quanh người. Má tôi rảo ra ngoài sân, nơi có tượng Phật Bà Quan Âm lúc nào cũng ấm áp hương khói, kế bên ao sen thơm ngát mùi bùn non, những búp sen đã khép cánh chờ một ngày mới khoe sắc. Phật Bà vẫn một ánh nhìn từ bi dù đêm hay ngày, bình hoa cúc vàng trong ánh sáng lập lòe hắt ra từ sảnh bệnh viện cứ ánh lên vàng rực tựa như sức sống cứ tuôn tràn và không ngừng hy vọng cho những cơn bệnh thập tử nhất sinh.

Má liên tục lần chuỗi hạt trong tay và niệm câu chú Phật Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Chủ yếu cho tinh thần bớt lo lắng và tâm bớt bất an vì tình hình bệnh của cậu đã tới cơn nguy kịch theo lời bác sĩ, song “còn nước còn tát”, còn hy vọng là không thể buông tay, còn một hơi thở thì không ngừng cố gắng, biết đâu ánh sáng nhiệm mầu chiếu soi dương quang u tối. Thảm cỏ xanh mươn mướt, chùm bông giấy đong đưa trong gió khuya khiến má không thấy buồn ngủ mà thêm tỉnh táo, lòng chú tâm niệm Phật, không gợn suy tư lo toan bừa bộn.

Mấy hôm trong bệnh viện thay phiên cho má là cậu kế út và hai mẹ con người mà cậu đã ruồng bỏ. Người đàn bà ốm yếu, đứa con trai độ hai mươi tuổi cũng gầy gò, duy có ánh mắt to đa cảm, lúc nào cũng vương chút buồn như áng mây lởn vởn không nhòa. Cả hai mẹ con cứ rảnh lúc nào là túc trực trong bệnh viện lúc đó, thằng nhỏ ít lời, sai gì làm nấy, nói năng bộc tuệch kiểu dân ít học lại phải va chạm đời quá sớm. “Trước khi ổng bệnh ít lâu, em có về thăm ba. Tự nhiên ổng ôm vai khá thân thiết rồi còn đưa ra xe cho về với một ít tiền. Từ trước giờ ông không khi nào làm vậy, cứ lành lạnh xa cách. Cứ như điềm báo trước điều gì hay ổng đổi tính thấy thương em?”. Nó kể hồn nhiên, giọng nói hơi sụt sịt. Tội nghiệp thằng nhỏ ít được cha âu yếm yêu thương nên chắc nó nhớ hoài không quên và cảm động dữ lắm.

Mặt trời đúng ngọ phả những làn hơi hâm hấp. Dưới tấm bạt che nắng màu xanh, thằng nhỏ mặc áo xô, khăn tang trắng ròng ròng mồ hôi nhễ nhại. Nó kiên nhẫn quỳ đến hết bài kinh thầy đang tụng cho ba nó sớm siêu thoát. Nó gần như khuỵu xuống khi tan buổi lễ, má nó bới vội chén cơm với ít đồ ăn cho nó lùa vội vì còn đợi một nhóm Phật tử tháp tùng thầy trụ trì từ xa sẽ tới trong vài phút nữa và nó sẽ phải quỳ cho tới khi họ ra về.

Những vòng hoa cứ liên tiếp được mang tới mấy ngày làm tang lễ đặt kín hết vách căn nhà nhỏ. Màu vàng, xanh, tím, trắng cứ hoa lên hết trong mắt nó. Nó thẫn thờ nhìn nắng dội những bông hoa sắp sửa héo tàn vì đã xong nhiệm vụ chuyên chở lòng tiếc thương của người đang sống tới người chết như một ân nghĩa cuối cùng. Buổi chiều trời lại đổ xuống một cơn mưa, nắng đó rồi mưa đó, khác chăng kiếp người cứ phù du qua tháng ngày tiếp nối cho tới khi nhắm mắt xuôi tay.

*

Mọi người cứ im lặng như thế cho tới khi xe rẽ vào cổng chùa và đỗ lại. Dù bung ra che cho thằng nhỏ ôm hũ cốt ba nó đưa vào chùa trong sự tiếp rước của thầy với tiếng mõ gõ đều. Trời chiều nhàn nhạt, chùa yên vắng, tiếng tụng kinh trầm vang âm âm. Bóng cây bồ-đề trước sân đổ dài phe phẩy những chiếc lá trong làn gió nhẹ buồn hiu hắt. Cốt ở chùa đợi đủ 49 ngày sẽ gửi về sông nước. Bình bông huệ trắng trên bàn vong lặng lẽ. Chốn về yên lành của một đời đơn sơ thế.

Dòng sông tràn nắng sớm. Chợ nhỏ ven sông không quá huyên náo. Những bầu bí, rau xanh nằm lăn lóc trên sạp kê bằng cây tạp. Thôn quê bình yên như vốn vậy tự bao đời. Chuyến phà nhỏ lặng lẽ tách bến mang theo nhóm Phật tử cùng thầy và vài ba người thân ra giữa dòng. Phà trôi mấy vòng cuốn theo đám lục bình phởn phơ hoa tím, tiếng kinh cầu lan xa vang từng con sóng nhỏ. Thằng bé nắm từng vốc tro thả xuôi theo chiều gió.

Sinh thời cậu không là người mộ đạo cũng ít đi chùa nhưng không làm điều gì bạc ác với ai. Phút làm cát bụi nghe chút kinh kệ mong dứt cõi trần cô đơn, nhiều phiền lụy. Thân lận đận, không nhà, thôi về với tháng năm xa, “Ôi phù du / Từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ / Đời người như gió qua”.

(Truyện ngắn Nguyễn Hồng Vân)

Từ khóa » đường Trần Có Nghĩa Là Gì