Giải Phẫu Bệnh Của Tuyến Nước Bọt

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Các tuyến nước bọt, tuyến chính và tuyến phụ đều là những cơ quan có cấu trúc túi tuyến và ống. Tuyến mang tai và tuyến dưới hàm có vỏ bao rõ rệt. Tuyến dưới lưỡi không có vỏ bao. Tuyến mang tai là tuyến thanh dịch. Tuyến dưới hàm là tuyến pha (thanh dịch và nhầy) với phần thanh dịch chiếm ưu thế. Tuyến dưới lưỡi là tuyến pha với phần nhầy chiếm ưu thế. Cũng có nhiều tuyến nước bọt phụ nằm rải rác ở môi, niêm mạc, miệng, khẩu cái, lưỡi. Các tuyến này có thể là tuyến thanh dịch hoặc nhầy hoặc pha.

Các tuyến nước bọt chính tiết ra khoảng 150 đến 1300 ml nước bọt mỗi ngày (trung bình 345 ml). Lượng và độ nhầy của nước bọt tùy thuộc vào nhiều yếu tố (cơ học, hóa học, tâm lý, thần kinh).

Nước bọt có nhiều nước, mucin, glycoprotein giúp làm trơn thức ăn, làm dễ nuốt. Nước bọt có tính sát khuẩn và là một chất đệm tốt. Trong nước bọt cũng có enzym amylase (ptyalin) có khả năng biến đổi tinh bột thành maltose và phân giải glycogen, và nhiều loại enzym khác.

Rối loạn tiết nước bọt

Tăng tiết nước bọt

Có nhiều nguyên nhân và thấy trong nhiều loại bệnh.

Viêm cấp tính của miệng: bệnh herpes, bệnh aphte.

Một số bệnh tâm thần, thần kinh như tâm thần phân liệt.

Ngộ độc thủy ngân.

Bệnh đau đầu chi.

Bệnh Pemphigus.

Tình trạng mang thai.

Bệnh dại.

Động kinh.

Buồn nôn.

Bệnh răng.

Tình trạng tăng tiết dịch vị.

Chứng khô miệng

Do giảm tiết nước bọt, có nhiều nguyên nhân:

Bệnh bẩm sinh thiếu tuyến nước bọt.

Viêm tuyến nước bọt do quai bị, bệnh sarcoid.

Hội chứng Sjưgren.

Xạ trị ở vùng cổ bên làm xơ hóa và phá hủy tuyến nước bọt.

Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.

Dùng các dược phẩm (như một số thuốc chống trầm cảm) thuốc kháng histamin, thuốc hạ huyết áp, phenothiazin.

Một số bệnh có sốt, mất nước.

Viêm tuyến nước bọt

Viêm cấp tính tuyến mang tai

Thường do tụ cầu khuẩn vàng. Vi khuẩn vào tuyến qua ống Stensen khi lượng nước bọt giảm vì thiếu nước do sốt, đói ăn, dùng thuốc lợi tiểu v.v... Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, người già, bệnh nhân hậu phẫu.

Bệnh có thể tái phát, làm xơ và viêm tuyến mang tai mạn tính.

Vi thể:

Nhiều túi tuyến bị phá hủy, thay bằng mô sợi, kèm thấm nhập limphô bào, tương bào. Các ống và các túi tuyến còn lại thường bị dãn.

Viêm cấp tính tuyến dưới hàm

Gần như luôn luôn xảy ra sau nghẹt do sỏi của ống dẫn nước bọt.

Viêm mạn tính tuyến dưới hàm

40% trường hợp do nghẹt ống dẫn (vì hẹp hoặc sỏi).

Hội chứng Sjưgren

Sjưgren, năm1933, lần đầu tiên mô tả một hội chứng gồm viêm kết giác mạc khô, viêm hầu thanh quản khô, viêm mũi khô, viêm khớp dạng thấp, khô miệng, kèm hoặc không kèm với phì đại tuyến nước bọt mang tai (đôi khi dưới hàm).

Hội chứng này có thể kèm với một số tổn thương khác như viêm da cơ, viêm động mạch có cục, bệnh lupút đỏ toàn thân, viêm gan mạn tính, xơ gan do mật, tăng gamma globulin Waldenstrom, xơ bì, viêm giáp Hashimoto, hội chứng Reiter, hội chứng Behçet.

Bệnh nhân thường là phụ nữ sau mãn kinh (90%), với mắt bị nóng đỏ, sợ ánh sáng và thiếu nước mắt. Nước bọt bị quánh đặc. Niêm mạc miệng, đặc biệt là niêm mạc lưỡi, bị teo nứt và bóng. Bệnh nhân cũng bị triệu chứng khó nuốt và khó phát âm, bị sâu răng (thường ở cổ răng).

Sinh bệnh học:

Tổn thương của tuyến nước bọt trong hội chứng này là tổn thương viêm mạn tính có nguồn gốc tự miễn dịch, do những kháng nguyên được phóng thích từ những túi tuyến bị hủy hoại tiếp xúc với mô limphô (có sẵn trong tuyến mang tai). Những kháng thể được sản xuất ra từ sự tiếp xúc trên lại tác động làm hủy hoại thêm thượng mô túi tuyến, tạo thành một vòng quẩn.

Khi bệnh diễn tiến lâu, bệnh nhân có thể bị thêm limphom ác (dạng limphom mô bào).

Vi thể: những tổn thương được gọi là bệnh Mickulicz hay tổn thương thượng mô limphô lành tính. Lúc đầu, có thấm nhập nhiều tế bào một nhân quanh các ống, chủ yếu là limphô bào nhỏ. Sau đó có thêm các limphô bào to và mô bào, có tăng sản ống tạo thành những đám thượng mô rải rác. Tổn thương tương tự cũng có ở các tuyến nước bọt phụ, ở tuyến lệ.

Sỏi tuyến nước bọt

Thường gặp nhất ở tuyến dưới hàm. Ít gặp hơn ở tuyến mang tai. Hiếm gặp ở tuyến dưới lưỡi. Còn ở các tuyến nước bọt phụ thì hai vị trí thường gặp là ở niêm mạc miệng và môi trên.

Xuất độ bệnh ở nam giới gấp hai lần ở nữ giới. Hầu hết bệnh nhân ở tuổi trung niên.

Nguyên nhân bệnh chưa được biết rõ. một số tác giả cho rằng sỏi được tạo ra do nước bọt bị ứ lại đưa đến sự kết tủa của muối canxi. Tình trạng ứ nước bọt có thể có viêm ống dẫn vì dị tật, vi khuẩn v.v...

Khi có sỏi, sỏi gây nghẹt ống dẫn, làm viêm phần tuyến nước bọt, làm dãn nở các đoạn ống ở phía trước nơi nghẹt, làm teo đét các túi, tuyến. Nếu tình trạng nghẹt kéo dài, mô tuyến bị thay bằng mô sẹo và mô mỡ.

Bệnh do Cytomegalovirus

Bệnh lây truyền do virus. Bệnh vô hại ở trẻ em, nhưng có thể gây nguy cơ cho bào thai nếu người mẹ nhiễm bệnh lúc có thai.

Bệnh có thể biểu hiện lâm sàng toàn thân, giống như viêm gan, với vàng da vàng mắt nhẹ, gan lách to, xuất huyết dưới da. Bệnh nhân cũng có thể có kèm viêm phổi, viêm mô kẽ, bệnh Addison, viêm thận kẽ với tiểu ra máu, có thể bị chết do hoại tử ở màng não thất.

Vi thể: tổn thương đặc hiệu là các thể vùi trong mô của tuyến nước bọt, tuyến lệ, gan thận, phổi... Trong tuyến nước bọt, thể vùi hình tròn, rất chiết quang, thuần nhất bắt màu eosin, có trong bào tương hoặc nhân của tế bào ống dẫn. Các tế bào này cũng có trong dịch rửa dạ dày, dịch dưới màng cứng, cặn lắng của nước tiểu mới.

Bệnh quai bị hay viêm tuyến mang tai dịch vùng

Bệnh cấp tính, rất dễ lây truyền, do virus. Bệnh thường ảnh hưởng toàn thân, ngoài tuyến mang tai, có thể có viêm tụy tạng, viêm tinh hoàn, hoặc hiếm hơn viêm buồng trứng. Bệnh nhân bị sốt nhẹ, một hoặc cả hai tuyến mang tai sưng đau. Đôi khi cũng có sưng tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, tuyến lệ. Trong niêm mạc miệng có thể có vòng đỏ quanh lỗ của ống Stensen.

Ở người lớn và thiếu niên, nam giới, viêm tinh hoàn (thường một bên) có trong khoảng 25% trường hợp, nhưng hiếm khi gây ra vô sinh.

Vi thể: tuyến mang tai có tổn thương thoái hoá thượng mô ống dẫn, thấm nhập nhiều limphô bào, đại thực bào quanh ống, và có thể teo đét các nang tuyến

U tuyến nước bọt

Dù hình thái bình thường giống nhau nhưng xuất độ u lành và u ác lại thay đổi tùy theo vị trí của tuyến nước bọt. Khoảng 75-85% u xảy ra ở tuyến mang tai, 10-20% ở tuyến dưới hàm, 5-15% ở các tuyến nước bọt phụ (chủ yếu ở khẩu cái).

Ngoài ra, còn có một số điểm cần lưu ý là:

Bảng trên chỉ đề cập đến các u của thượng mô. Các loại u trung mô như u mạch máu, u mỡ... chiếm tỉ lệ 9% các u.

Tỷ lệ u lành/ u ác thay đổi tùy theo vị trí: tuyến mang tai là 3-5/1, tuyến dưới hàm là 2/ 1, các tuyến ở khẩu cái 1/1.

Các carcinom của tuyến nước bọt đều có diễn tiến chậm, với tái phát tại chỗ, xâm nhập các cấu trúc lân cận. Vì vậy, để đánh giá đúng hiệu quả điều trị, người ta phải dựa vào thời gian sống thêm 10 đến 20 năm.

Bảng: Các u thượng mô của tuyến mang tai và tuyến dưới hàm. Phân loại theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (1984).

Loại u

Tuyến mang tai

Tuyến dưới hàm

U TUYẾN (LÀNH)

- U tuyến đa dạng

53-76%

29-68%

- U tuyến đơn dạng

- U tuyến-limphô

5-15%

0-2%

- U tuyến tế bào ưa eosin

0,5-1%

0-0,5%

- Các loại khác (u tuyến tế bào đáy, u tuyến ống, u tuyến-limphô tuyến bã...)

- U nhầy bì

2-10%

0-7%

- U tế bào túi tuyến

1-3%

0-0,5%

CARCINOM

- Carcinom bọc dạng tuyến

2-3%

11-17%

- Carcinom tuyến

1-7%

0-11%

- Carcinom dạng thượng bì

0,5-6%

3-11%

- Carcinom không biệt hóa

3,5-4%

7-9%

- Carcinom trong u tuyến đa dạng (u hỗn hợp ác)

1,5-4%

2%

Dù là loại u nào, các u tuyến nước bọt đều có biểu hiện lâm sàng khá điển hình, dưới dạng khối sờ được, thường nhất là ở tuyến mang tai, đôi khi ở tuyến dưới hàm, hiếm khi ở các tuyến khác. Biểu hiện này có thể giống như biểu hiện của viêm tuyến nước bọt hoặc nghẹt ống dẫn nước bọt. Ở tuyến mang tai, u có thể ở phía trước và dưới tai, đôi khi ở xa trước tai, đôi khi ở phần thấp của tuyến gây chẩn đoán nhầm với các tổn thương khác ở cổ bên. Một số u tuyến mang tai lại nằm sâu gần thần kinh mặt khó sờ được, chỉ lộ rõ khi u đã lớn nhiều.

Khi được chẩn đoán, u thường có đường kính từ 2 đến 6cm di động. U lành thường lớn chậm. U ác thường xâm nhập thần kinh mặt gây đau tê, yếu hoặc liệt thần kinh này.

Tuổi trung bình của bệnh nhân bị u lành là 45, bị u ác thì già hơn một ít. Thời gian trung bình có triệu chứng u lành là 24 tháng, của u ác là 9 đến 10 tháng. Tuy nhiên, cũng có nhiều khi bệnh nhân có khối u ác từ nhiều năm (có khi hơn 10 năm) trước khi được chẩn đoán.

Cách tốt nhất để chẩn đoán chắc chắn là sinh thiết.

U lành

U tuyến đa dạng

Trước đây, người ta gọi u là u hỗn hợp do trong u có nhiều thành phần khác nhau và các thành phần này được coi như xuất nguồn từ thượng mô và trung mô. Tuy nhiên, hiện nay người ta thấy rằng các thành phần giống như trung mô cũng có nguồn gốc từ thượng mô hoặc có thượng mô nên tên mới của u là u tuyến đa dạng.

Đại thể:

U có nhiều thùy, đường kính từ 1-6 cm, có vỏ bao rõ, nằm trong mô tuyến, hoặc lồi lên trên bề mặt dưới vỏ bao. Mặt cắt màu trắng vàng, mật độ mềm như thịt, có những vùng chắc màu xanh xám bóng (chất dạng sụn) và những vùng dạng nhầy hoặc như gelatin.

Vi thể:

U gồm nhiều thành phần đa dạng nằm lẫn lộn: mô nền gồm chất dạng sụn hoặc dạng nhầy hoặc dạng niêm. Có những đám mô sụn, xương, những tế bào giống tế bào gai hoặc tế bào thượng mô tuyến bã.

Các tế bào thượng mô có thể nằm rải rác trên mô nền dưới dạng các chuỗi hoặc hợp thành ống không đều thành các bọc nhỏ hoặc dạng túi tuyến. Tế bào có thể có dạng lập phương hoặc dạng trụ, đôi khi có không bào chứa chất nhầy, tế bào có thể biệt hóa dạng gai có cầu liên bào hoặc có cầu sừng.

Các tế bào cơ - thượng mô nhỏ và đậm màu hơn, thường đa diện, có nhân lệch một bên, có bào tương ưa eosin, vì thế cũng được gọi là tế bào giống tương bào hoặc tế bào hyalin.

Đôi khi các tế bào này có hình dạng dẹp hoặc biệt hóa gai.

Bao quanh thành phần thượng mô là mô dạng nhầy nhuộm màu kiềm có phản ứng PAS âm tính. Ngoài ra có những đám chất dạng sụn, có thể có dạng mô sụn thật nhưng bờ của những đám này nằm lẫn vào mô dạng niêm và các tế bào chung quanh. Cũng có thể có những ổ mô xương nhỏ nằm trong mô dạng niêm.

Một số u có thành phần thượng mô chiếm ưu thế. Một số khác lại có ít thành phần thượng mô. Các u có thành phần thượng mô chiếm ưu thế thường phát triển nhanh hơn và dễ tái phát sau mổ hơn.

U tuyến đa dạng là u lành, nhưng khi điều trị u dễ tái phát vì những lý do sau:

Khi u ở tuyến mang tai, gần dây thần kinh mặt, đôi khi rất khó mổ lấy hết mô u dù u có vỏ bao rõ.

Vỏ bao của u đôi khi mỏng và có chỗ thiếu vỏ bao, khó xác định khi mổ.

Ở những nơi vỏ bao u bị thiếu, có thể có mô u trồi ra ngoài (như chân giả), dễ bị bỏ sót khi mổ bóc tách u.

Vì vậy, tỷ lệ tái phát sau khi mổ là 5-10% các trường hợp u ở tuyến mang tai, và tỷ lệ này cao hơn nếu u ở các tuyến nước bọt phụ.

Đôi khi, u chỉ tái phát sau 10-20 năm, khi tái phát u thường có nhiều ổ (do các chân giả còn sót lại sau mổ), trong khi tổn thương ban đầu gần như luôn luôn chỉ có một ổ.

Dù tái phát, u vẫn hầu như luôn luôn lành tính. Vấn đề u trở thành carcinom sau khi tái phát hoặc sau khi tồn tại một thời gian dài vẫn còn đang được bàn cãi. Các quan điểm phổ biến cho rằng u vẫn lành tính dù tái phát.

U tuyến-limpho

U còn có 2 tên khác là u bọc tuyến nhú có mô limphô (papillary cystadenoma lymphomatosum), u Warthin.

U xuất nguồn từ thượng mô, thành phần limphô trong u là thành phần phản ứng gồm cả tế bào B và tế bào T với tỉ lệ và cách sắp xếp giống như hạch limphô bình thường hoặc hạch phản ứng

Hầu hết u Warthin xảy ra ở phần thấp của tuyến mang tai phủ lên góc hàm. Đôi khi u có ở hai bên. U chắc, hình cầu, vỏ bao rõ, màu xám, đôi khi có những khe hoặc những bọc chứa chất dịch đục, loãng hoặc dính.

Vi thể:

Các bọc hoặc các khe hẹp trong đó có chứa nhiều nhú, lót bởi thượng mô 2 lớp tế bào. Lớp tế bào bề mặt hình trụ cao, ưa eosin. Lớp tế bào bên dưới đa diện hoặc hình tháp, thường khó xác định. Các tế bào có bào tương ưa eosin đôi khi giống phồng bào (oncocyte) là những tế bào có trong các ống dẫn và túi tuyến khi các tế bào bị các biến đổi lão hóa.

Thượng mô (của các bọc, các khe, các nhú) được nâng đỡ bởi mô limphô dày đặc, thường có cả trung tâm mầm. Trong các bọc ít có chứa các chất dạng hạt, đôi khi có tinh thể cholesterol. Có khi các chất chứa trong bọc thấm vào mô limphô gây nên phản ứng viêm hạt. Phản ứng viêm có thể làm các tế bào thượng mô trụ chuyển sản gai.

U Warthin có xuất độ 5-15% các u của tuyến mang tai. Giới nam có xuất độ bệnh cao gấp 5 lần giới nữ. Hầu hết u lành rất hiếm (ít hơn 10%) ác tính. Điều trị bằng phẫu thuật cắt u.

U phồng bào

Còn gọi là u tuyến ưa eosin hay ưa acid. Chỉ chiếm tỉ lệ 10% các u tuyến nước bọt chính và không có ở các tuyến nước bọt phụ.

Hầu hết bệnh nhân có tuổi khoảng 55-70. Giới nữ có xuất độ cao hơn giới nam.

U có giới hạn rõ, bề mặt láng, chắc, mặt cắt sậm, thuần nhất.

Vi thể

Tế bào u đồng dạng, hình đa diện, màu hồng. Nhân tròn, ở trung tâm. Hiếm khi có 2 hay nhiều nhân. Các tế bào u thường xếp thành các dãy song song, đôi khi thành dạng ống hoặc dạng túi tuyến trên mô nền sợi thưa. Không có tế bào limphô.

Cần phân biệt u phồng bào thật với tình trạng tăng sản phồng bào. Trong tổn thương tăng sản, tế bào có tỉ lệ nhân/bào tương gần giống bình thường, hạt nhân không rõ ràng, và có sự phân cực bình thường theo trục dọc của tế bào với màng đáy. Trong u phồng bào thật, ngược lại, nhân tế bào to hơn, tỉ lệ nhân/bào tương tăng lên, hạt nhân rõ, và thường mất sự phân cực.

Rất hiếm khi u tái phát. Nếu có tái phát, thường là do không lấy hết u trong lần mổ trước.

Loại u phồng bào ác tính rất hiếm gặp. Năm 1977, Johns và cộng sự đã tổng kết chỉ được 2 trường hợp. Về vi thể, không có sự khác biệt đáng kể so với u lành. Di căn đến hạch limphô vùng.

U tuyến tế bào đáy

Các vị trí thường gặp nhất là tuyến mang tai và các tuyến nước bọt phụ ở vòm khẩu cái cứng, ở môi trên.

Bệnh nhân thường có tuổi 60-75. Nam giới và nữ giới mắc bệnh như nhau.

U thường có dạng cục, giới hạn rõ, chắc, đôi khi có dạng bọc nhầy.

Vi thể:

Thường được xếp chung nhóm với u tuyến đa dạng, chỉ khác với u tuyến đa dạng ở chỗ u không có các tế bào cơ- thượng mô. Hình thái vi thể có 3 dạng: dạng bè ống, dạng ống nhỏ, và dạng giống tế bào đáy. Dạng ống nhỏ, là dạng thường gặp nhất và dễ gây nhầm lẫn nhất với carcinom bọc dạng tuyến, gồm những mao mạch và tiểu tĩnh mạch trong các bọc nhỏ của u. Có thể đây là loại lành tính của carcinom bọc dạng tuyến.

U tuyến bọc dạng nhú

Hiếm gặp, có ở tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và các tuyến nước bọt phụ ở khẩu cái, niêm mạc miệng, sàn miệng.

Vi thể:

U có những khoảng trống dạng tuyến chứa mucin, lót bởi tế bào thượng mô trụ cao, có bào tương ưa eosin, do tăng sản các ống dẫn. Không có mô limphô (phân biệt với u Warthin)

U cơ-thượng mô

Hiếm gặp. U chỉ gồm có các tế bào cơ-thượng mô. Vị trí thường gặp là tuyến nước bọt phụ. Bệnh nhân trẻ.

U có thể khu trú, có giới hạn rõ hoặc xâm nhập tại chỗ.

Vi thể:

U có 2 loại: u cơ-thượng mô loại tế bào dẹt và hình sao, u cơ-thượng mô loại tế bào giống tương bào.

Cũng có tác giả mô tả loại tế bào sáng và loại ác tính.

U tuyến-limphô của tuyến bã

Hiếm gặp. Cho tới năm 1976, chỉ có 12 trường hợp được ghi nhận. Bình thường, có khoảng 1/3 người lớn có mô tuyến bã trong tuyến mang tai. U gồm các tuyến bã tăng sản nằm trong mô limphô bình thường.

Ung thư tuyến nước bọt

Bảng phân loại của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (xin xem bảng) chia các u của thượng mô tuyến nước bọt làm 2 nhóm lành và ác. Giữa 2 nhóm trên là u nhầy bì và u tế bào túi tuyến có tiềm năng ác tính vì diễn tiến sinh học khi lành khi ác.

U nhầy bì

Chiếm tỷ lệ 2-7% các u tuyến nước bọt, thường gặp nhất ở tuyến mang tai, ít gặp ở tuyến dưới hàm. Ở các tuyến nước bọt phụ, u nhầy bì là loại ung thư thường gặp thứ nhì.

Đại thể:

U có giới hạn không rõ, vỏ bao không hoàn toàn. Trên mặt cắt, u có thể đặc, bọc hoặc nửa bọc nửa đặc. Trong bọc có chứa chất nhầy trong và loãng, hoặc đục, đặc và dính.

Vi thể:

Tế bào u gồm hỗn hợp tế bào gai, tế bào chế tiết nhầy và tế bào có mức biệt hóa trung gian giữa 2 loại trên. Các tế bào này xếp thành chuỗi, đám, hoặc thành cấu trúc bọc. Các tế bào trung gian là những tế bào lai mang đặc tính của tế bào gai và có không bào (nhỏ hoặc to) chứa đầy chất nhầy, có phản ứng dương tính với phương pháp nhuộm PAS hoặc mucicarmine. Tế bào u có thể biệt hóa tốt với nhân nhỏ đều, có thể biệt hoá kém hơn với nhân có kích thước khác nhau đổi, tăng sắc và có khi có nhân chia. Thành phần gai có thể có cầu sừng, cầu liên bào. Hình thái thường gặp là những đám tế bào gồm tế bào gai ở vùng ngoài, các tế bào tiết nhầy ở trung tâm và các tế bào trung gian thì ở giữa 2 vùng trên. Mô đệm quanh các đám tế bào thượng mô thường không rõ ràng.

Biểu hiện và diễn tiến lâm sàng của u rất khó xác định. Nhiều trường hợp có sự phù hợp giữa diễn tiến lâm sàng với hình thái mô học. Nói chung, có khoảng 40% trường hợp ác tính thì trong u thành phần ưu thế là các tế bào tiết nhầy và các cấu trúc bọc rõ ràng. Nhưng ngay cả các u có độ biệt hóa rõ như vậy vẫn có thể cho di căn. Còn các loại biệt hóa kém thì thường đặc, cấu tạo chủ yếu bởi các tế bào dạng thượng bì và tế bào trung gian với nhân đa dạng, có phân bào. Các loại biệt hóa kém cũng thường xâm nhập vỏ bao u, mạch limphô, quanh dây thần kinh và có tiên lượng xấu.

U tế bào túi tuyến

Không thường gặp, ở tuyến mang tai (nhiều nhất), tuyến dưới hàm và tuyến nước bọt phụ. Dù hình thái tế bào u giống như tế bào túi tuyến thanh dịch của tuyến mang tai, nhưng u được coi như xuất nguồn từ các tế bào ống đa năng.

Đại thể:

U có hình dạng giống như u tuyến đa dạng, có vỏ bao rõ, đôi khi có những vùng xuất huyết, hay hoại tử.

Vi thể:

Tế bào u họp thành tuyến đôi khi giống cấu trúc tuyến mang tai bình thường, có khi họp thành đám dày đặc hoặc những chuỗi tế bào lan tỏa. Đôi khi có những khoang bọc nhỏ có nhú. Tế bào u có hình thái giống tế bào túi tuyến bình thường, đa diện hoặc tròn, nhân nhỏ đều, bào tương chứa các hạt ưa kiềm dương tính khi nhuộm PAS, có đặc tính của các hạt chế tiết. Hiếm khi có không bào (do ứ đọng chất chế tiết trong bào tương). Trong một số trường hợp ác tính hơn, có thể có hiện tượng kém biệt hóa. Trong một số u, có thấm nhập nhiều tế bào limphô trong mô đệm.

Tiên lượng thường tốt sau khi cắt bỏ u, với 70-80% sống thêm sau 5 năm. Tuy nhiên, có thể có tái phát muộn và di căn sau 10-15 năm.

Carcinom bọc dạng tuyến

Còn có tên là u trụ. Vị trí thường gặp nhất là tuyến mang tai. Ở tuyến dưới hàm thì u có xuất độ cao so với các u khác (khoảng 20%). Riêng ở các tuyến nước bọt phụ, nhất là ở vùng khẩu cái, đây là loại u ác có xuất độ cao nhất.

Đại thể:

U ở dạng tổn thương xâm nhập ra mô chung quanh và da, có khi làm loét da. Mặt cắt u chắc và màu trắng xám

Vi thể:

Các tế bào u xếp thành nhiều dạng: ống, sàng, đặc.

Dạng ống có nhiều nhánh và nhiều ống nhỏ thông với nhau, thường có một lớp đôi tế bào thượng mô.

Dạng sàng là dạng rõ nhất của u, gồm những chuỗi tế bào xếp thành dạng lưới giống như đăng-ten. Các tế bào này đôi khi lót hoàn toàn hoặc không hoàn toàn các khoang bọc chứa đầy chất tiết có hạt hay kết tủa. Có khi trong những đám lớn tế bào lại có những khoang dạng ống tuyến hay dạng bọc nhỏ. Trong các khoang bọc nhỏ và vùng kế cận những đám dạng sàng có chứa chất hyalin hóa, ưa eosin. Chất này có liên quan về phương diện siêu cấu trúc và hóa mô với màng đáy.

Dạng đặc là dạng ít gặp nhất, gồm những tế bào xếp thành đám hay chuỗi đặc nhỏ.

U có thể cho di căn đến hạch vùng, đôi khi đến các tạng. Nhưng tính chất đặc biệt của u là xâm nhập, lan rộng tại chỗ ra mô chung quanh, ra quanh dây thần kinh, đặc biệt là thần kinh mặt.

Dạng ống có tiên lượng tốt nhất, thời gian sống thêm trung bình là 9 năm. Dạng đặc có tiên lượng xấu nhất, thời gian sống thêm trung bình là 5 năm. Dạng sàng có tiên lượng trung bình giữa 2 dạng trên.

Carcinom trong u tuyến đa dạng

Khoảng 2-10% các u tuyến đa dạng là ung thư, còn được gọi là u hỗn hợp ác tính của tuyến nước bọt.

Thường thường, tổn thương u tuyến đa dạng lành tính còn sót có thể ở trong hoặc bên cạnh tổn thương carcinom.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có một khối u tuyến nước bọt từ lâu, khi được mổ, khối u này lại là ung thư. Điều này làm cho người ta nghĩ rằng u tuyến đa dạng có thể trở thành ung thư nếu để lâu không được điều trị và như vậy nếu điều trị sớm và đủ các u tuyến đa dạng thì sẽ ít có ung thư.

Cũng có người nghĩ rằng tổn thương ung thư bắt nguồn từ các ổ biến đổi tiềm ẩn nằm trong tổn thương lành tính có trước và không phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh.

Mặt khác, các tác giả cho rằng nếu không mổ cắt hết u, u tái phát sẽ tạo điều kiện cho sự biến đổi u thành ung thư.

Nhưng quan điểm được nhiều người đồng ý hơn cả là: u tuyến đa dạng lành thì vẫn lành tính dù tái phát và không hóa ác theo thời gian.

Giải pháp cho vấn đề tranh luận trên cho đến nay vẫn chưa có, trong u hỗn hợp ác tính thì thời gian có triệu chứng ngắn và bệnh nhân có tuổi trẻ hơn. Như vậy, ít nhất là trong nhiều trường hợp u có đặc tính ác ngay từ đầu.

Tổn thương ác tính thường là carcinom tuyến biệt hóa kém, đôi khi có hình thái giống như u trụ.

U dễ tái phát sau khi được cắt bỏ, và 1/3 bệnh nhân bị chết trong vòng 5 năm vì u ăn lan tại chỗ và lan rộng.

Các carcinom khác

Carcinom tuyến.

Carcinom dạng thượng bì.

Carcinom không biệt hóa.

Các carcinom ngoài tuyến nước bọt có thể di căn đến tuyến mang tai, đặc biệt là carcinom tế bào gai của da và mêlanom ác ở mặt.

Từ khóa » Giải Phẫu Vùng Mang Tai