Hợp Tác Xã Là Gì? Mô Hình Tổ Chức Quản Lý Của Hợp Tác Xã

Hợp tác xã là gì? Mô hình tổ chức quản lý của Hợp tác xã như thế nào? LawKey xin chia sẻ bài viết này để bạn đọc hiểu rõ mô hình Hợp tác xã.

Hợp tác xã là gì 

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế phổ biến từ lâu và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, tồn tại song hành cùng với các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam.

Việc thành lập hợp tác xã cũng giống với việc thành lập công ty, đều phải đăng ký tại Cơ quan có thẩm quyền.            

Theo Điều 29 Luật Hợp tác xã 2012, cơ cấu tổ chức hợp tác xã gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

>> Xem thêm: Nguyên tắc phân phối thu nhập của hợp tác xã

Hợp tác xã là gì

Hợp tác xã là gì

Mô hình tổ chức quản lý Hợp tác xã

Mô hình tổ chức Hợp tác xã gồm: Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Ban giám đốc), Ban kiểm soát.

Đại hội thành viên Hợp tác xã 

Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã. Đại hội thành viên gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu.  

Đại hội thành viên thường niên phải được họp trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính do hội đồng quản trị triệu tập.

Đại hội thành viên bất thường do hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc thành viên đại diện của ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên triệu tập theo quy định.

Quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên hợp tác xã được quy định tại Điều 32 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ của Hợp tác xã

Hội đồng quản trị Hợp tác xã

Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.

Nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hợp tác xã do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

Kỳ họp: Hội đồng quản trị hợp tác xã họp định kỳ theo quy định của điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị được chủ tịch hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập.

Hội đồng quản trị họp bất thường khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã.

Quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 36 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ của Hợp tác xã.

Chủ tịch Hội đồng quản trị

Là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và có quyền hạn, nghĩa vụ lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị và phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng quản trị. Chuẩn bị nội dung, chương trình, triệu tập và chủ trì cuộc họp của hội đồng quản trị, đại hội thành viên trừ trường hợp Luật Hợp tác xã 2012 hoặc điều lệ có quy định khác. Chịu trách nhiệm trước đại hội thành viên và hội đồng quản trị về nhiệm vụ được giao. Ký văn bản của hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và điều lệ; Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012 và điều lệ.

Giám đốc (Tổng Giám đốc) hợp tác xã

Là người điều hành hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Giám đốc (tổng giám đốc) có quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

–     Tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã;

–     Thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên, quyết định của hội đồng quản trị;

–     Ký kết hợp đồng nhân danh hợp tác xã theo ủy quyền của chủ tịch hội đồng quản trị;

–     Trình hội đồng quản trị báo cáo tài chính hằng năm;

–     Xây dựng phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã trình hội đồng quản trị quyết định;

–     Tuyển dụng lao động theo quyết định của hội đồng quản trị;

–     Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác được quy định tại điều lệ, quy chế của hợp tác xã.

Trường hợp giám đốc (tổng giám đốc) do hợp tác xã thuê thì ngoài việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ quy định nêu trên còn phải thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ theo hợp đồng lao động và có thể được mời tham gia cuộc họp đại hội thành viên, hội đồng quản trị.

>>Xem thêm: Giám đốc hợp tác xã

Ban Kiểm soát

Hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên việc thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do điều lệ quy định.  

Ban kiểm soát, kiểm soát viên hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ.  

Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên, đại diện hợp tác xã thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người.

Nhiệm kỳ của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.  

Quyền hạn, nhiệm vụ của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên được quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật Hợp tác xã 2012.

>> Xem thêm: Thủ tục giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Trên đây là nội dung tư vấn một số quy định về hợp tác xã LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website hoặc dưới đây để được giải đáp:

Điện thoại: (024) 665.65.366     Hotline: 0967.59.1128

Email: contact@lawkey.vn        Facebook: LawKey – Chìa Khoá Pháp Luật 

Từ khóa » Chủ Thể Của Hợp Tác Xã Là Gì