Mang Thai ở Nhật - Kỳ 5: Khám Sàng Lọc Trước Sinh

Khi đi khám thai ở Việt Nam, các bác sĩ thường hướng dẫn làm một số xét nghiệm về sàng lọc trước sinh như là đo độ mờ da gáy (tuần 12-14), double test, triple test, (xét nghiệm máu), chọc ối để xác định xem thai nhi có bị bệnh down hay dị tật bẩm sinh gì không. Tuy nhiên khi đi khám thai ở Nhật, hầu hết các bác sĩ chỉ chỉ siêu âm và làm các xét nghiệm thông thường như thử máu, thử nước tiểu, khám ung thư cổ tử cung chứ không nhắc gì đến khám sàng lọc trước sinh. Vì vậy, nhiều mẹ lần đầu mang thai ở Nhật, hoặc đã đẻ em bé đầu ở Việt Nam và mang thai lần hai ở Nhật, thường băn khoăn không biết ở Nhật có làm các sàng lọc này hay không và nếu muốn làm thì phải làm sao. Trong bài viết này, BiKae sẽ chia sẻ kinh nghiệm về khám sàng lọc trước sinh để các mẹ tham khảo nhé.

Khám sàng lọc trước sinh, hay khám tiền sinh, tiếng Nhật gọi là 出生前診断 (shussei zen shindan hoặc shusshou mae shindan). Đây là dịch vụ ngoài khám thai cơ bản và không được hỗ trợ nên hầu hết các bệnh viện hay clinic khám thai thông thường ở Nhật không khám dịch vụ này đối với phụ nữ mang thai khi dưới 35 tuổi. Vì vậy, khi đi khám thai ở những lần đầu, bạn nên hỏi bác sĩ trước xem họ có làm hay dịch vụ này không. Nếu có thì thường các bác sĩ sẽ chủ động đưa cho bạn tờ hướng dẫn và lịch cụ thể kèm với nội dung từng lần khám tiền sinh hoặc bạn cũng có thể tìm trên website của bệnh viện hay phòng khám đó. Nếu không thì bạn hãy nhờ họ giới thiệu cho một bệnh viện có dịch vụ khám tiền sinh. Nếu không được giới thiệu, bạn cũng có thể tự tìm, bằng cách tra tên của xét nghiệm muốn khám cộng với tên nơi bạn đang ở.

Khám tiền sinh ở Nhật thường có các loại sau:

  • Xét nghiệm sàng lọc NIPT (新型出生前診断: shingata shusshou mae shindan) (10 – 18 tuần): chi phí trên dưới 20 man yên (các bạn tra google tiếng Việt để biết chi tiết về NIPT nhé)
  • Siêu âm thai nhi (胎児ドック) – (13 tuần):  đo độ mờ da gáy, chi phí khoảng 3 – 4 man yên.
  • Thử máu Quattro (クアトロテスト) (15-17 tuần): chi phí khoảng 2 man yên
  • Chọc màng ối (羊水検査) (16~18 tuần): chi phí khoảng 10 – 15 man yên
  • Siêu âm 3D/4D (khi khám còn có thể copy ảnh ra đĩa, USB hoặc làm ảnh khung ảnh động của em bé nữa): chi phí khoảng 2 man yen

Khi đã xác định được loại xét nghiệm và bệnh viện hoặc phòng khám muốn đến, bạn hãy gọi điện để đặt trước cho chắc chắn, vì thường phòng khám khá đông, và lịch sẽ full sớm. Nhiều nơi, thời gian làm khá ngắn, ví dụ phòng khám của mình sáng chỉ làm từ 10~13h, chiều từ 15~18h, nghỉ thứ 5.

Trường hợp của mình là khi biết có bầu, mình đi khám ở bệnh viện của shi. Lúc hỏi các bác sĩ là có làm 出生前診断 không, bác sĩ còn quay ra hỏi y tá “Bệnh viện mình có làm không ý nhỉ?”, xong mới trả lời là không làm, nên mình google với từ khoá “胎児ドック + Kawaguchi” để đi khám độ mờ da gáy. Sau đó, mình tra được một phòng khám ở Tokyo. Tìm thử tên và cũng thấy được đánh giá nhiều sao nên mình gọi trước hai tuần và book lịch.

Khi đến khám, bác sĩ soi khá kĩ. Vừa soi vừa giải thích đây là gì là gì. Sau khi siêu âm đen trắng thì cũng cho siêu âm màu. Khi siêu âm màu bác sĩ sẽ chỉ vị trí các bộ phận. Vì em bé nằm nghiêng nên không thấy hết chân, các sĩ gõ gõ vào bụng mình  bảo “ 起きて、起きて“, ý là dậy đi dậy đi, thì em bé xoay người nằm ngửa lên. Sau đó bác sĩ giải thích về các chỉ số. So với số tuổi của mình, tỉ lệ em bé có vấn đề về down là rất thấp. mình nhớ không nhầm thì là 0.04%. Bác sĩ sẽ không khẳng định chắc chắn là có hay không, mà chỉ nói nguy cơ đến đâu thôi. So với khám bình thường thì bác sĩ nói nhiều hơn. ở Việt Nam thấy mọi người có giấy ghi rõ chỉ số này là bao nhiêu, nguy cơ ra sao nhưng ở đây họ chỉ giải thích rồi cho cầm ảnh siêu âm về. Sau đó thanh toán 4 man. Mình cũng nghĩ là không định làm xét nghiệm thêm nữa vì thấy về cơ bản, nội dung khám giá giống với lúc khám định kì ở bệnh viện lúc 12 tuần: cũng đo chỉ số vòng đầu, chiều dài đầu mông, khoảng đen ở đằng sau gáy em bé. Chỉ khác là ở đây bác sĩ sẽ tính ra tỉ lệ rồi giải thích cho mình. Còn khi khám định kì, bác sĩ ghi nhận rồi không nói gì. Mình nghĩ là họ thấy không sao nên họ không nói đến. Nên mình nghĩ khi khám định kì, các bạn hãy thử hỏi kỹ bác sĩ các chỉ số xem sao, có khi họ cũng sẽ giải thích ấy. Dù sao 4 man cũng không phải là một khoản nhỏ.

Một vấn đề là khi khám, nếu phát hiện có vấn đề thì làm thế nào. Theo khuyến cáo của các bệnh viện, phòng khám, kết quả khám là dựa trên tỉ lệ xác định theo thống kê của các điều tra trước đó. Nên nếu khám có vấn đề, cũng có thể khi sinh ra em bé vẫn bình thường. và ngược lại, khi khám kết quả bình thường, nhưng em bé sinh ra lại có vấn đề. Vì vậy, các mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn tinh thần, bàn bạc với gia đình khi nhận được kết quả khám.

Khi đo độ mờ da gáy hoặc xét nghiệm máu có bất thường, các bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối. Tuy chọc ối kết quả chính xác nhưng khả năng sảy thai lại cao, nên cũng cần cân nhắc xem có làm hay không.

Cuối cùng chúc các mẹ bầu có một thai kì khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông nhé!

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Từ khóa » Xét Nghiệm Nipt Tiếng Nhật Là Gì