Nghiên Cứu Này Nói Nhân Viên Văn Phòng Nên Bỏ Ghế đi Và Ngồi Xổm

Chúng ta biết lối sống ít vận động là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe, từ chứng đau cột sống cho tới bệnh tim mạch, tiểu đường, thậm chí ung thư. Nghiên cứu cho thấy những người ngồi nhiều hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp đôi, nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 90% so với người không làm điều đó.

Lối sống tĩnh tại được tính là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Chẳng hạn bạn sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 30% nếu ngồi quá nhiều. Con số là 66% đối với ung thư tử cung.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 1.

Vậy nếu ngồi nhiều có thể đe dọa sức khỏe của bạn, thì những chiếc ghế chính là kẻ thù của chúng ta. Và bạn sẽ không thể tưởng tượng được chúng đông đến thế nào đâu. Hãy thử nhìn xung quanh và đếm xem bạn thấy bao nhiêu chiếc ghế?

Dù là trong nhà, ở văn phòng hay ở nơi công cộng, những chiếc ghế rõ ràng đang bủa vây chúng ta. Chúng mời gọi chúng ta đặt mông của mình xuống đó trong một sự thoải mái, êm ái và dễ chịu. Nhưng cũng chính từ đó, bệnh tật bắt đầu nảy sinh.

Trên thế giới đang có 60 tỷ chiếc ghế

Có một sự thật là đến Chúa cũng không muốn bạn ngồi ghế. Nhiều người nói đùa như vậy bởi trong cả 1.400 trang Kinh Thánh họ chẳng thể tìm thấy một từ "ghế" nào cả. Ngay cả Hómēros, nhà thơ vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại, cũng không nhắc đến bất kể một chiếc ghế nào trong tất cả các tác phẩm của mình.

Tới tận năm 1599, Shakespeare viết vở Hamlet nhưng những chiếc ghế vẫn vắng bóng. Phải đến giữa thế kỷ 19 thì mọi chuyện mới thay đổi. Trong Căn nhà lạnh lẽo của Charles Dickens, đột nhiên những chiếc ghế được nhắc tới 187 lần.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 2.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của những chiếc ghế.

Điều này nhắc nhở chúng ta một điều rằng những chiếc ghế là phát minh mới của người hiện đại, chứ tổ tiên xa xưa của chúng ta ít khi sử dụng chúng. Tất nhiên, bạn có thể nói rằng những tảng đá cũng là phiên bản của một chiếc ghế thời tiền sử. Nhưng sự thật là tổ tiên của chúng ta ít khi sử dụng chúng.

Phải đến tận thế kỷ 18, văn hóa hoàng gia của người Pháp mới biến những chiếc ghế trở thành một hình mẫu thời thượng. Họ tạo ra những chiếc ghế gỗ, bọc da cực kỳ đắt tiền. Những chiếc ghế trở thành biểu tượng cho quyền lực, sự giàu có và đẳng cấp. Đến nỗi người nông dân chỉ có thể ngước nhìn những chiếc ghế và coi chúng như những chiếc vương miện.

Cho tới tận ngày nay, mối liên hệ giữa chiếc ghế với quyền lực và đẳng cấp vẫn còn tồn tại. Người điều hành một cuộc họp trong tiếng Anh được gọi là "chair", người đứng đầu một học viện cũng là "chair". Người đứng đầu một công ty được gọi là "chairman". Và sự thật là, những chiếc ghế lớn nhất, thoải mái nhất và đắt tiền nhất trong mọi căn phòng luôn được dành cho người có địa vị cao nhất.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 3.

Một bức vẽ Napoleon trong cung điện Versailles năm 1809, chỉ có nhà vua được ngồi còn tất cả đều phải đứng.

Nhưng kể từ sau cuộc Cách mạng Pháp và Đạo luật Cải cách ở Anh năm 1832, những chiếc ghế bắt đầu được bình đẳng hóa. Nghĩa là ngày càng nhiều người dân và các tầng lớp xã hội có cơ hội sở hữu những chiếc ghế.

Mốc thời gian này cũng trùng hợp với một sự thay đổi diễn ra trong mô hình lao động của con người đẩy những chiếc ghế đến thời kỳ bùng nổ.

Trong thời kỳ Victoria (1837-1901), phần lớn các nghề nghiệp là lao động thủ công hoặc làm công ở nhà máy. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, khi làn sóng của cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ hai tập hợp các phát minh lại với nhau như máy đánh chữ, điện báo và việc sử dụng điện, thị trường lao động cũng bắt đầu thay đổi.

Nhân viên văn phòng trở thành nhóm nghề nghiệp phát triển nhanh nhất trong nửa sau của giai đoạn này. Năm 1851, một cuộc điều tra dân số ở Anh thống kê được chưa tới 44.000 người ở nước này có công việc hành chính. Nhưng chỉ trong hai thập kỷ sau đó, lượng nhân công ít vận động này đã tăng gấp đôi, lên khoảng 91.000 người.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 4.

Ngày nay, những nhân công làm việc ít vận động đang chiếm đa số. Và trong suốt thế kỷ 20, các công việc và hoạt động ngồi một chỗ đã mọc lên nhiều như nấm sau mưa. Để đáp ứng với cuộc sống mới của chúng ta, ngày càng nhiều chiếc ghế đã được chế tạo.

Ghế có trong văn phòng, trên tàu hỏa, ở quán cà phê, nhà hàng, quán rượu, trên xe hơi, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, phòng phẫu thuật, bệnh viện, trường học, giảng đường, và trong mọi ngôi nhà của chúng ta.

Nếu thử ước tính số lượng ghế có mặt trên thế giới, con số có thể lên tới hơn 60 tỷ chiếc. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta gom tất cả ghế trên hành tinh lại và chia đều cho tất cả mọi người, mỗi người sẽ nhận được từ 8 đến 10 chiếc ghế.

Nhưng có một bộ lạc không thích ngồi ghế, và các nhà khoa học nghĩ chúng ta cũng nên học tập họ

Đó là những người Hadza ở Tanzania, một bộ tộc hiếm hoi vẫn còn sống trong một xã hội săn bắn hái lượm cho tới ngày nay. Vậy nên, nếu bạn chia ghế cho họ, người Hadza có thể sẽ chặt chúng ra để vót tên hơn là đặt mông mình xuống đó.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn để ý những người thổ dân này có một cuộc sống rất tĩnh tại. Họ dành ra tới 10 giờ đồng hồ mỗi ngày để nghỉ ngơi. Con số này tương đương với những người Mỹ đang ngồi ở văn phòng từ 6-8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và tiếp tục về nhà, ngồi trên ghế sofa của họ để xem tivi thêm 2 tiếng nữa.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 5.

Người Hadza ở Tanzania, một bộ tộc hiếm hoi vẫn còn sống trong một xã hội săn bắn hái lượm cho tới ngày nay cũng ngồi nhiều tương đương một nhân viên văn phòng ở các nước công nghiệp.

Tuy nhiên, khác với những người hiện đại ở đất nước công nghiệp, các nhà khoa học nhận thấy thổ dân Hadza không có nguy cơ mắc bệnh từ lối sống ít vận động của họ. "Người Hadza không mắc các bệnh mạn tính như chúng ta thấy, hoặc ít nhất ở cùng mức độ mà chúng ta thấy trong các xã hội công nghiệp hóa như Mỹ và Canada", David Raichlen, một phó giáo sư sinh học tại Đại học Nam California cho biết.

Vậy điểm khác nhau là gì, nếu ngồi nhiều thực sự không phải là nguyên nhân? Để tìm hiểu, Raichlen và nhóm nghiên cứu của mình đã tới Tanzania và thực hiện một nghiên cứu kéo dài.

Ở đây, ông gặp những thổ dân Hadza và thuyết phục 28 người trong số họ đeo một thiết bị theo dõi chuyển động vào đùi. Thiết bị có một gia tốc kế có thể ghi lại tư thế, lượng bước chân và tính toán calo mà một người Hadza đã đốt cháy trong cả ngày.

Kết quả cho thấy đúng là những người thổ dân này đã ngồi nhiều tương đương với những nhân viên văn phòng mẫn cán ở các nước công nghiệp. Nếu vậy, ngồi nhiều thực sự cũng nằm trong sổ tay tiến hóa của chúng ta.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 6.

"Người Hadza không có ghế. Họ cũng không có trường kỷ. Vì vậy khi họ nghỉ ngơi, họ sẽ ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi bệt trên mặt đất".

Phó giáo sư Raichlen cho biết một giả thuyết là tư thế ngồi và nghỉ ngơi từ lâu đã phục vụ con người như một chiến lược tiến hóa hợp lý. Nó giúp tổ tiên của chúng ta bảo toàn năng lượng. Ngồi nhiều vì vậy không phải là vấn đề gây bệnh, mà vấn đề thực sự nằm ở những chiếc ghế.

"Người Hadza không có ghế. Họ cũng không có trường kỷ. Vì vậy khi họ nghỉ ngơi, họ sẽ ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi bệt trên mặt đất", phó giáo sư Raichlen nói. "Những tư thế ngồi này vẫn khiến cơ bắp phải vận động cao hơn so với mức chúng ta ngồi trên ghế. Ví dụ như khi bạn ngồi xổm, bạn phải kích hoạt các cơ giữ thăng bằng trên đôi chân mình".

Tư thế ngồi của người thổ dân Hadza đòi hỏi sự tham gia của nhiều nhóm cơ hơn, vì vậy, họ vẫn "vận động" nhiều hơn so với chúng ta khi ngồi ghế. Đây có thể là cách nghỉ ngơi tiêu chuẩn mà chúng ta nên học tập họ.

Trước đây, một số nghiên cứu cũng phát hiện những người lái xe bus bị mắc bệnh tim mạch nhiều gấp đôi so với những người phụ xe, phải đứng trên đôi chân của họ cả ngày.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 7.

Ghế là một phát minh hiện đại, nhưng chúng không thực sự phù hợp với con đường mà tổ tiên chúng ta đã đi.

"Vì mức độ hoạt động nhẹ của cơ bắp vẫn cần nhiên liệu, điều này thường đòi hỏi việc đốt cháy chất béo, nên tư thế ngồi xổm và quỳ gối có thể không gây hại như ngồi trên ghế", phó giáo sư Raichlen nói.

Vì vậy, tiến hóa không ngăn cấm chúng ta ngồi, nhưng nếu bạn thực sự ngồi trên ghế, đó là một điều đi ngược lại với tiến hóa. "Ghế là một phát minh hiện đại, nhưng chúng không thực sự phù hợp với con đường mà tổ tiên chúng ta đã đi", phó giáo sư Raichlen cho biết thêm.

Đó là một minh chứng cho thấy khi chúng ta thay đổi thế giới quá nhanh với các phát minh xuất hiện dồn dập, sự thích nghi của tiến hóa trên cơ thể con người không đuổi theo kịp.

Kết quả là một xung đột giữa cơ thể thay đổi chậm chạp của chúng ta với lối sống trên ghế, thứ đã gây ra những căn bệnh từ xương khớp, bệnh chuyển hóa cho đến béo phì và tiểu đường.

Ghế là kẻ thù của sức khỏe: Nghiên cứu này nói nhân viên văn phòng nên bỏ ghế đi và ngồi xổm - Ảnh 8.

Vì vậy lần tới khi bạn ngồi xuống, hãy thử bỏ chiếc ghế của bạn ra và ngồi xổm hoặc quỳ gối. Đó có thể là một tư thế nghỉ ngơi tích cực, giúp "bảo vệ mọi người khỏi tác hại của việc không vận động", các nhà khoa học cho biết.

Một lần nữa, vấn đề không phải là việc chúng ta ngồi, mà là cách chúng ta ngồi như thế nào. Bạn sẽ chọn ngồi xổm và khó chịu một chút, hay ngồi thoải mái trên một chiếc ghế và để nó tàn phá sức khỏe của bạn?

Tổng hợp

Tập thể dục để khoẻ thì lúc nào cũng được, nhưng nếu muốn giảm mỡ nhanh: Nữ nên tập sáng, nam nên tập tối

Từ khóa » Nói Nhiều Ghê