Phân Loại Và Xử Lý Rác Thải ở Nhật Bản

Mục lục 1. Phân loại rác 2. Cách xử lý rác thải ở nơi sinh sống 3. Cách xử lý rác ở nơi công cộng 4.Một số mẹo nhỏ giúp ích cho việc tái chế đồ cũ ở Nhật 5. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không xử lý rác đúng cách.

Không chỉ nổi tiếng là một cường quốc phát triển kinh tế mà Nhật Bản còn được biết tới là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo thống kê, mỗi năm người Nhật thải ra khoảng 365kg rác, đứng thứ 8 trên thế giới. Như vậy, việc giải quyết vấn đề rác thải và môi trường là một bài toán không hề đơn giản. Vậy làm thế nào để chính phủ Nhật Bản có thể giải quyết vấn đề này? Câu trả lời chính là cách phân loại và xử lý rác thải của người dân nơi đây. Nhiều du khách còn khá bất ngờ và không quen với việc này, nhưng phân loại và xử lý rác thải đúng cách là một trong những yêu cầu cơ bản đối với người dân Nhật. Điều thú vị là mỗi một khu vực, phường, hay thành phố trên đất nước mặt trời mọc lại có những cách phân loại rác riêng, tuy nhiên, có những quy tắc chung mà ai cũng phải nhớ. Chúng là gì và thực hiện như thế nào, chúng ta hãy cùng khám phá trong bài viết lần này.

1. Phân loại rác

Rác cháy được

Rác cháy được, hay còn được gọi là moeru gomi (燃えるゴミ), là những loại rác có thể đốt cháy được và không thể tái chế được nữa. Có thể kể đến như thức ăn thừa, túi nhựa và giấy gói, các vật dụng bằng cao su hoặc da như túi, giày, dép, vỏ nhựa để chứa thực phẩm như hộp đựng sữa chua, dầu ăn, tương ớt,...

quần áo hoặc chăn, gối, ga trải giường vẫn ở tình trạng tốt thì có thể được tái chế lại, nhưng nếu không thể tái sử dụng được nữa, chúng sẽ được cắt nhỏ thành từng phần trước khi được xử lý. Thông thường, rác cháy được sẽ được thu gom hai lần/tuần.

Rác không cháy được

Đối với những loại rác không thể đốt cháy được hoặc tái chế được, chúng sẽ được xếp vào loại rác không cháy được - moenai gomi (燃えないゴミ). Chúng có thể bao gồm những loại nhựa dài như ống nhựa, dây thừng, các loại đồ gốm như ấm trà, cốc hay thủy tinh, kim loại, một số các thiết bị điện tử như nồi cơm điện, radio,...

Vì đây là loại rác không mùi, không gây mất vệ sinh nên thường chỉ được thu gom khoảng 2 lần/tháng.

Rác tái chế được

Rác tái chế được hay còn gọi là shigen gomi (資源ゴミ), là những loại rác rất khó phân hủy nhưng có thể được tái chế để sử dụng với các mục đích khác nhau. Đây có lẽ không phải là thuật ngữ không quá xa lạ với chúng ta trong những năm gần đây ở bất cứ quốc gia nào. Ở Nhật Bản, rác tái chế chủ yếu là các chai nhựa, lon hoặc thủy tinh. Chúng thường được thu gom 1 lần/tuần và bắt buộc phải được phân loại và đặt ở đúng chỗ dành cho rác tái chế. Đồng thời cũng có một vài quy tắc trong quá trình phân loại đối với loại rác này. Ví dụ như đối với các chai nhựa, người dùng phải loại bỏ nắp và nhãn dán trên chai, phần thân chai sẽ được để chung trong các thùng rác dành cho rác cháy được, còn phần nắp phải được vệ sinh trước, để đảm bảo không còn dính thức ăn hoặc vết bẩn trên đó.

Ngoài ra, giấy hoặc bìa cứng cũng được xếp vào loại rác thải tái chế. Nếu là những tấm bìa có kích thước nhỏ hoặc giấy viết, báo với số lượng ít thì bạn có thể đặt chúng chung với những thùng rác dành cho rác cháy được. Ngược lại, nếu có số lượng lớn, chúng ta phải buộc gọn gàng thành từng chồng để thuận tiện cho việc di chuyển cũng như mặt thẩm mỹ.

Ở một số thành phố, sự phân biệt rõ ràng về rác thải nhựa nói chung và những chai nhựa rất được đề cao. Vì vậy, trong một số trường hợp, thay vì để các hộp nhựa hoặc túi nilon sạch trong những thùng rác dành cho rác cháy được, chúng ta có thể để chúng trong những túi riêng để tái chế lại.

Rác kích thước lớn

Đây có thể được coi là một trong những điều khó khăn nhất đối với những người nước ngoài sinh sống và học tập tại Nhật Bản bởi rất nhiều lý do. Đầu tiên, thế nào được coi là rác thải có kích thước lớn? Thứ hai, cách phân loại và xử lý loại rác này có gì đặc biệt không?

Rác kích thước lớn, còn gọi là sodai gomi (粗大ゴミ), được quy định là những đồ vật có chiều dài từ 30 ~ 50cm (tùy từng khu vực), ví dụ như giá sách cũ, giường, xe đạp, quạt điện, máy hút bụi,... Bởi vì kích thước “quá khổ” của loại rác này nên việc xử lý chúng hoàn toàn không đơn giản như những loại rác thông thường mà phải tuân theo những quy định và quy trình riêng. Thêm vào đó, bạn sẽ phải mất phí cho việc di chuyển loại rác này.

Những thứ không được xem là rác thải cỡ lớn

Trong số các thiết bị gia dụng tủ lạnh, tủ đông, điều hòa, tivi, máy giặt và máy sấy quần áo là những thiết bị được coi là các sản phẩm được nhà sản xuất thu hồi lại và sử dụng cho việc tái chế theo luật tái chế thiết bị gia dụng. Bạn sẽ phải tự yêu cầu các nhà sản xuất hoặc các đại lý điện tử gia dụng thu gom lại sản phẩm. Bạn sẽ phải trả phí tái chế và thu phí vận chuyển.

2. Cách xử lý rác thải ở nơi sinh sống

Đối với rác hàng ngày

Điều đầu tiên mà chúng ta phải làm trước khi dọn về sống ở bất cứ nơi nào trên đất nước Nhật Bản là tới văn phòng thành phố nơi bạn ở để đăng ký các giấy tờ và thủ tục cần thiết. Khi đó, chúng ta sẽ được hướng dẫn chi tiết về các thông tin trong khu phố, đặc biệt là hướng dẫn việc xử lý rác thải như phân loại rác, nơi để rác, khung giờ nào trong việc đổ rác,... Bởi vì không một nơi nào tại Nhật Bản lại có những hệ thống và quy định xử lý rác thải giống nhau. Chỉ tính riêng Tokyo đã có tới 23 hệ thống xử lý rác thải khác nhau.

Tuy nhiên, quy tắc chung để xử lý rác thải hàng ngày là việc phân loại rác, đặt rác đúng nơi quy định, không để lẫn lộn với các thùng rác khác nhau, giờ đổ rác, thường được chia theo khung giờ sáng và tối.

Đối với rác kích thước lớn

Để phân loại và xử lý rác thải kích thước lớn tại Nhật không hề là một điều đơn giản. Bạn không thể đặt chúng bừa bãi ở khu đổ rác hay bất cứ đâu trong khu phố vì điều này được coi là hành vi vô ý thức. Để xử lý loại rác thải này, chúng ta phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt sau đây:

- Trước tiên, bạn phải gọi tới trung tâm xử lý rác thải tại địa phương và giải thích, tường trình rõ ràng về lý do mà bạn muốn vứt chúng đi

- Sau khi nhận được xác nhận của trung tâm thì nhân viên sẽ hẹn chúng ta về ngày và giờ cụ thể mà họ sẽ tới để di chuyển loại rác đó tới nơi cần thiết. Đồng thời, các nhân viên sẽ thông báo về chi phí để trả cho việc xử lý loại rác này

- Tuy nhiên, chúng ta sẽ không phải trả bằng tiền mặt thông thường mà bằng một cách vô cùng đặc biệt. Bạn sẽ phải tới trụ sở của chính quyền địa phương để mua những con tem, nhãn dán riêng, với rất nhiều loại khác nhau. Đừng lo lắng nếu bạn không biết chọn loại tem nào cho phù hợp vì những nhân viên của trung tâm xử lý rác thải sẽ thông báo cho bạn điều đó thôi.

- Dán những con tem, nhãn dán đó lên đồ vật mà bạn muốn vứt bỏ

Lưu ý: Bất cứ loại rác kích thước lớn nào mà không được dán tem thì sẽ không được nhân viên của trung tâm thu nhặt và vận chuyển. Thậm chí, bạn còn có thể chịu phạt vì đã để đồ bừa bãi trên khu phố nữa đấy.

Thu gom tủ lạnh, tủ đông, điều hòa, tivi , máy giặt và máy sấy quần áo

Các thiết bị điện tử có kích thước lớn như điều hòa, máy giặt, tivi,... không phải là rác thải kích thước lớn. Vì vậy, chúng ta sẽ có 2 cách xử lý chúng. Một là thực hiện quy trình xử lý đối với rác thải kích thước lớn (như đã đề cập ở trên). Đương nhiên là kích thước của chúng càng lớn thì số tiền bạn phải trả lại càng cao. Ví dụ như ở Tokyo hay Shibuya, chi phí để xử lý những chiếc ghế gỗ là 400 yên, giường và đệm là 1.200 yên, sofa là 2.000 yên. Cách thứ hai là nếu chúng vẫn ở trong tình trạng tốt thì bạn có thể tham ra các trang web, nhóm facebook để trao đổi đồ cũ hoặc thanh lý chúng với giá rẻ.

3. Cách xử lý rác ở nơi công cộng

Nhà ga

Một điều thú vị là không giống như các quốc gia khác, thùng rác được bố trí rất nhiều ở những nơi công cộng để người dân và du khách có thể dễ dàng tìm được, Nhật Bản lại hoàn toàn ngược lại, số lượng thùng rác lại rất hạn chế ở nơi công cộng. Bởi lẽ, người dân được yêu cầu là xử lý rác tại nhà. Một trong những nơi ít ỏi tại công cộng có chứa thùng rác là tại các nhà ga. Thông thường, thùng rác được đặt ở nhà ga được chia làm 3 loại: dành cho giấy báo, dành cho các chai nhựa, lon, và dành cho các loại rác thải khác.

Cửa hàng tiện lợi

Ngoài những nơi công cộng như ga tàu, tại các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị sẽ là nơi trang bị những thùng rác - có thể giúp du khách tiết kiệm được chút thời gian và không gian cho việc xử lý rác thải tại nhà. Thường thì thùng rác sẽ được đặt ngay tại khu vực thanh toán hoặc ngoài cửa ra vào, vì vậy, chúng ta có thể “tiện tay” vứt bỏ các nhãn dán, vỏ chai và một số vật dụng khác sau khi mua hàng tại đây.

Máy bán nước tự động

Một sự thật là hầu hết những chai nước được bày bán trong máy bán hàng tự động tại Nhật Bản đều được làm từ nhựa tái chế - PET. Quốc gia này đang sử dụng một hệ thống có thể làm tan chảy nhựa của các loại chai lọ và biến chúng thành nhựa nguyên chất. Loại nhựa này có thể tái sử dụng thành các chai lọ PET mới và các đồ dùng khác như quần áo và thảm. Vì thế mà các thùng rác công cộng tại Nhật đều là thùng rác nhựa PET. Bạn cũng có thể xử lý những loại rác thải nhựa dễ dàng tại các thùng rác công cộng được đặt canhj khu vực máy bán hàng tự động.

4. Một số mẹo nhỏ giúp ích cho việc tái chế đồ cũ ở Nhật

Có thể bạn chưa biết, Tokyo đã lên kế hoạch tổ chức và đăng cai cho thế vận hội Olympic và Paralympic 2020. Tuy sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc tế này đã bị hoãn do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng khâu chuẩn bị cho sự kiện này đã được nước chủ nhà lên kế hoạch kỹ lưỡng từ rất lâu trước đó. Điển hình là Tokyo đã tính toán để sản xuất các huy chương vàng, bạc, đồng với số lượng lớn. Điểm đặc biệt là những tấm huy chương này được làm từ những chất liệu vô cùng đặc biệt - sử dụng các thiết bị, linh kiện điện tử đã qua sử dụng. Cụ thể, đã có hơn 5.000 tấm huy chương được sản xuất từ các đồ điện tử cũ. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số mẹo nhỏ để tái chế đồ cũ tại Nhật là gì nhé.

Trao đổi đồ cũ: Có thể món đồ này đối với chúng ta không còn giá trị, nhưng chúng lại rất cần thiết đối với người khác, vì vậy, việc trao đổi đồ cũ để đổi lấy những thứ phù hợp với nhu cầu là một ý tưởng hay. Jimoty là trang web rất thiết thực, giúp mọi người có những diễn đàn riêng để chia sẻ và trao đổi các vật dụng đã cũ cho nhau. Ví dụ như các đồ nội thất có kích thước cồng kềnh, những đồ điện tử cũ nhưng vẫn có khả năng sử dụng tiếp. Thậm chí, có rất nhiều trang facebook trao đổi đồ dành cho những người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản.

Thông tin thêm về một số trang web trao đổi đồ cũ

Jimoty: https://jmty.jp/

Mottainai Japan: https://www.facebook.com/groups/199219816907550/

Tokyo Sayonara Sale: https://www.facebook.com/groups/TokyoSSTO/

Các vật dụng tiện lợi cho việc tái chế, xử lý rác thải:

Túi vải (Eco Bag): Ai trong chúng ta cũng đều biết những tác hại nghiêm trọng mà túi nilon tác động đến môi trường, phải mất đến hàng chục năm mới có thể phân hủy được một chiếc túi nilon khi được thải ra môi trường. Chính vì vậy, những chiếc túi vải hay những chiếc túi được làm từ nguyên liệu tái chế là là một lựa chọn hợp lý. Tại một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại Nhật Bản - Aeon đã bán những chiếc túi như vậy với chi phí rất rẻ, 3 yên/size nhỏ và 5 yên/size lớn. Điều này nhằm khuyến khích sự giảm thiểu sử dụng túi bóng và việc lãng phí tiền bạc. Hơn nữa, những chiếc túi này được trang trí rất bắt mắt, phù hợp cho cả những người trẻ tuổi.

Katameru: Khi bạn “trổ tài” làm những món rán như gà rán, tempura - rau củ, hải sản tẩm bột chiên giòn, bạn sẽ xử lý như thế nào với lượng dầu thừa. Tuyệt đối đừng đổ trực tiếp xuống bồn rửa bát hay thùng rác nhé, vì đó là điều cấm kỵ tại Nhật Bản. Thay vào đó, hãy sử dụng bột Katameru, đổ chúng vào chảo dầu khi vẫn còn nóng, sau khoảng nửa tiếng, dầu thừa sẽ chuyển sang màu trắng và đông lại. Khi đó, chúng ta có thể dễ dàng cạo đi lớp dầu thừa này và xếp chúng trong thùng rác với những loại rác cháy được.

Hãy mang theo đũa, thìa và bình nước riêng của mình: Khi bạn mua những hộp cơm bento, cơm hộp may mì gói ở những cửa hàng tiện lợi, chắc chắn chúng ta sẽ được phát miễn phí những chiếc thìa, cốc, đũa dùng một lần. Như vậy, lượng rác thải hàng ngày sẽ càng cao, để khắc phục tình trạng đó, chúng ta hãy mang theo những đôi đũa gỗ, chiếc bình nước của riêng mình nhé. Tại nhiều các cửa hàng bách hóa như Tokyu hands có rất nhiều sự lựa chọn cho chúng ta về những bộ dụng cụ ăn trưa cá nhân, bình nước với nhiều hình dáng và phong cách khác nhau.

5. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không xử lý rác đúng cách.

Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ tại sao việc xử lý và phân loại rác ở Nhật Bản lại khắt khe và nghiêm trọng đến vậy, trong khi tại nhiều quốc gia, điều này chưa hề được thực hiện? Đây chính là vấn đề mà chính phủ Nhật Bản đã phải đối mặt từ những năm 1960, khi dân số của đất nước đang có xu hướng tăng nhanh mà lượng rác thải người dân thải ra lại quá lớn, không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tốn rất nhiều diện tích đất và chi phí để giải quyết vấn đề này. Chính vì vậy, phân loại và xử lý rác đúng cách chính là điều mà cả người dân và chính phủ cùng đồng lòng thực hiện để ngăn chặn và giải quyết vấn đề nan giải này.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xử lý rác thải đúng cách, người dân Nhật Bản luôn luôn hình thành thói quen và kỷ luật trong việc này. Thậm chí, nếu bạn vi phạm những điều trên, những công nhân thu gom rác sẽ đánh dấu những con tem đỏ như để cảnh cáo và nhắc nhở về hành động của mình, khi đó, những người xung quanh, hàng xóm của bạn sẽ đánh giá và cho rằng bạn là người thiếu tôn trọng, thiếu ý thức, vi phạm những quy định chung. Nếu sự việc còn tệ hơn, hành động của bạn gây ảnh hưởng tới người xung quanh, những người hàng xóm có thể báo cáo cảnh sát, thậm chí là khởi kiện bạn.

Vì là người nước ngoài sinh sống và học tập tại Nhật Bản, thậm chí là những du khách nước ngoài, càng vì thế mà phải tìm hiểu và thực hiện đúng quy định trong việc xử lý rác. Nếu không, chúng ta sẽ gây ác cảm, là một hình tượng xấu cho những người xung quanh. Tệ hơn là chúng ta sẽ gây những sự hiểu lầm, định kiến không đáng có.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau giải đáp những thắc mắc và cách xử lý rác thải tại Nhật Bản. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho mọi người những thông tin cơ bản về vấn đề này cũng như giúp nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề môi trường. Đây cũng là một trong những phương pháp để giải quyết vấn đề toàn cầu - rác thải và môi trường mà chúng ta nên học tập và hình thành thói quen.

Từ khóa » đâu Là Rác Thải Không Cháy được