Sốt ảo Hồi Ký Người Nổi Tiếng - PLO

Nhà văn Bùi Mai Hạnh và nghệ sĩ Lê Vân trong buổi ra mắt Lê Vân - Yêu và sống - cuốn tự truyện gây xôn xao dư luận - Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhà văn Bùi Mai Hạnh và nghệ sĩ Lê Vân trong buổi ra mắt Lê Vân - Yêu và sống - cuốn tự truyện gây xôn xao dư luận - Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Xuất bản tự truyện, hồi ký có thể là nhu cầu tự thân của người viết (muốn giãi bày) và của độc giả (thích "nhòm qua lỗ khóa"). Nhưng đến nay, nhiều cuốn hồi ký dù được ồn ào tuyên bố ấy vẫn còn nằm... dưới đáy lọ mực.

Tự truyện của cựu hoa hậu đến đâu?

Đầu năm 2005, sau các "sự biến" của vụ án có liên quan đến vị cựu hôn phu, hoa hậu Hà Kiều Anh tuyên bố sẽ viết tự truyện "công bố 80% sự thật về cuộc đời mình" và "những câu chuyện đau lòng" ở hậu trường các cuộc thi sắc đẹp.

Trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên ngày 13.4.2005, cô nói: "Hiện nay, tôi đang viết tiếp (tự truyện)". Nhưng đầu năm 2007, cô trả lời trên mạng www.vnn.vn rằng: "Cũng may là mấy năm qua, cuốn hồi ký đó còn chưa viết vì có nhiều điều đáng nói hơn quá khứ đó nhiều". Vậy rốt cuộc, cô đã viết hay chưa viết, hay là không bao giờ viết?

Xuất hiện trên Báo Tiền Phong ngày 21.2.2007, Hà Kiều Anh lại nói: "Tôi đã nhờ nhà thơ Đỗ Trung Quân chấp bút (hồi ký) vì rất thích cách viết của anh, thấy nó gần gũi với mình. Đó là những câu chuyện về tuổi thơ của tôi, vui buồn đều có, nhưng thật sự trong sáng và cả những ngày tôi trên đỉnh vinh quang. Nhưng đến khi anh Thiều gặp nạn, tôi buông hết. Tôi túng quẫn trong mọi suy nghĩ về cuộc đời và nhân tình thế thái. Vì vậy, tôi dẹp luôn ý định viết hồi ký".

"Sự thực không che giấu" vẫn chưa được nói ra!

Tháng 4.2008, có dư luận về cuốn tự truyện Thành phố không lạc loài với những sự thực không che giấu của Phạm Thành Trung, một người đồng tính. Sách do nhà văn Cấn Vân Khánh chấp bút. Trên báo, Trung công khai kể lại nỗi bất hạnh: "13 tuổi, tôi đã bị chơi trò vợ chồng, không phải với một cô gái, mà với ông thầy giáo già dạy kèm của tôi. Trò chơi ấy đã ám ảnh tôi và dẫn dắt tôi vào thế giới thứ ba...

Cho đến một ngày người yêu tôi (cũng là người đồng tính) tự tử vì áp lực từ những người xung quanh... Từ khi vào thế giới blog, nhận được những chia sẻ ấy, tôi nảy ra ý tưởng phải ghi lại cuộc đời mình để chia sẻ với mọi người và cho mọi người hiểu hơn về người đồng tính".

Cựu hoa hậu Hà Kiều Anh - Ảnh: Ngọc Hải.
Cựu hoa hậu Hà Kiều Anh - Ảnh: Ngọc Hải.

Nhưng ngày 10.4, trên blog của Cấn Vân Khánh xuất hiện dòng thông báo: "Tôi quá bận rộn nên không theo kịp tiến độ viết cho Thành Trung như kế hoạch đã đưa ra. Thành Trung chưa thực sự chuẩn bị áp lực về tinh thần cho việc in ấn và ra mắt cuốn sách đối với gia đình và dư luận nên chúng tôi quyết định ngưng việc hợp tác tại đây. Bất kỳ một sự kiện gì xung quanh cuốn tự truyện này, kể từ giờ đều không liên quan đến tôi (Cấn Vân Khánh)".

Điện thoại hỏi, cô nói: "Khánh không muốn trả lời bất kỳ bài phỏng vấn nào liên quan đến tự truyện của Phạm Thành Trung, còn việc Thành Trung lên báo là việc của Trung". Trên diễn đàn www.myopera.com, phần 10 của tự truyện Thành phố không lạc loài đã được đưa lên cho đến ngày 6.4 và... dừng lại.

Dở dang hồi ký Thanh Hoa

Cuối năm 2006, ca sĩ - NSND Thanh Hoa tuyên bố xuất bản hồi ký kể lại những "đoạn trường" của đời mình, những "ngóc ngách" của mối tình với cố nghệ sĩ Phan Lạc Hoa, những bi kịch oan nghiệt mà một người đàn bà phải chịu đựng sau khi chồng tự vẫn, kể cả những chuyện chị phải đi kéo xe bò, nắm than, rửa bát thuê, đi làm đường, chặt mía... để kiếm sống; hay chuyện khi mới về Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, chị đã bị "mắng phủ đầu" là "làm bần tiện sân khấu" vì vóc dáng vừa đen, vừa lùn, vừa xấu, giọng hát lại chua như giấm,...

Cuốn hồi ký sẽ được nhà văn Trần Thị Trường chấp bút. Thế nhưng, sau live show Hát thầm của chị thì chẳng có cuốn hồi ký nào chào đời như tuyên bố. Đầu năm 2007, trả lời một tờ báo mạng, Thanh Hoa cho biết: "Cuốn hồi ký đã gần như xong. Nhà văn Trần Thị Trường đã hoàn thành phần việc của mình và trao bản thảo cho tôi. Còn quyết định in hay không, hoặc in vào thời điểm nào là chuyện của tôi...".

Song, cho đến giờ, ca sĩ vẫn không cho biết thời điểm cụ thể phù hợp! Hỏi nhà văn Trần Thị Trường lại được biết mọi sự vẫn đang... dở dang, chứ không phải "gần như đã được hoàn tất" (!).

Hồi ký của Nguyễn Đình Thi?

Kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Đình Thi, cuốn hồi ký phơi bày "những góc tối" trong cuộc đời nhà văn, về mối tình với nữ ký giả nổi tiếng Madeleine Riffaud (Pháp) hứa hẹn ra mắt độc giả vào tháng 4.2008. Người đọc hình dung hồi ký của một nhà văn tên tuổi, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp văn chương, kịch nghệ nước nhà sẽ là một tập sách có "sức nặng".

Nhưng đến tháng 5, chỉ có một tập sách mỏng mảnh hơn 200 trang tập hợp những cảm nghĩ của bạn bè về Nguyễn Đình Thi được phát hành.

"Người là thật, phải thật với người"

Hồi ký là một thể loại của ký, kể lại những biến cố đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến. Khác với sử gia và nhà viết tiểu sử, người viết hồi ký chỉ tiếp nhận và ghi chép phần hiện thực mà dựa trên cơ sở những ấn tượng và hồi ức riêng trực tiếp của mình. Bởi vậy, hồi ký thường khó tránh khỏi phiến diện, ít nhiều chủ quan do tính không đầy đủ của sự kiện.

Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

"Tôi nghĩ mỗi người cầm bút nên gắng làm một người thư ký trung thành của thời đại. Mỗi khi đặt bút viết hồi ký là tôi làm một cuộc đấu tranh tư tưởng. Người ta thường viết hồi ký để trình bày một vấn đề gì đấy, để ca ngợi chính mình, để yêu ai, hoặc ghét ai, nhưng cũng có khi chỉ để tìm ra một điều gì đấy.

Nhưng với tôi, dù viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay hồi ký, tôi vẫn cố gắng viết gần nhất với sự thật, tiến tới sự thật. Tất nhiên, cái "góc độ" sự thật nó cũng linh động lắm. Nhưng từ góc độ của tôi và do tôi lựa chọn thì tôi đảm bảo thế là đúng nhất, gần nhất. Trong Cát bụi chân ai, tôi viết một đoạn tả Xuân Diệu đồng tính luyến ái. Tôi thương ông ấy lắm. Tôi cũng chua chát lắm. Thế mà tôi lại bị phản ứng. Thế mới lạ chứ?" - Nhà văn TÔ HOÀI

Song, hồi ký, tự truyện lại là những xuất bản phẩm có sức tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là khi hồi ký, tự truyện được viết ra bởi những người nổi tiếng. Những điều liên quan đến cuộc đời họ, những suy nghĩ của họ về thời cuộc, về những người sống quanh mình, những bí mật riêng tư của họ đều khiến người đương thời quan tâm.

Trên thế giới, thể loại hồi ký ra đời rất sớm, từ thời cổ Hy Lạp. Hồi ức của Kxenophan và Scrate và những ghi chép về các cuộc hành quân của người Hy Lạp (thế kỷ V trước CN) được coi là những tác phẩm hồi ký cổ xưa nhất. Gần đây, những tác phẩm hồi ký, tự truyện như Nhật ký Anna Franke, Nhật ký Mã Yến, Nhật ký Nancy, Hoa hướng dương không cần mặt trời là những cuốn sách gây xúc động bởi tính chân thực của câu chuyện được kể.

Ở Việt Nam, từ Ngục Kontum của Lê Văn Hiến, Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp, đến Hồi ký Tô Hoài, Rừng xưa xanh lá (Bùi Ngọc Tấn), Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng... không chỉ là cuộc chất vấn của tác giả với chính mình mà còn là cuộc đối thoại với thời đại qua những sự thật nghiệt ngã với thời cuộc. Khó ai có thể ngờ một nhà văn từng được giải thưởng Hồ Chí Minh - Nguyễn Huy Tưởng, từng giữ cương vị "cầm cân nảy mực" giới văn nghệ đã không ngần ngại phơi bày thế giới nội tâm đầy khiếm khuyết và mặc cảm, đã dám tự nhận là người "nhạt nhẽo", "chỉ nghĩ đến cá nhân", "muốn xa lánh cuộc đời", "yên phận thủ thường"..., đã ngán ngẩm, chua chát vì "cái bộ máy thơ lại của Hội Nhà văn và việc sự vụ đã hại cả một sự nghiệp sáng tác".

Ông Nguyễn Huy Thắng - con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tâm sự: "Khi biên soạn bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, tôi tôn trọng nguyên tắc "người là thật, phải thật với người" của cha tôi. Chỉ có sự chân thật mới đủ sức hấp dẫn người đọc".

Thế nhưng, xuất bản hồi ký, nếu không phải là thứ "si-rô" ngòn ngọt thì người viết có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều "rào cản" (rào cản về dư luận, về văn hóa, về chính trị). Trên thực tế, có những cuốn hồi ký, tự truyện đã bị thu hồi vì cơ quan chức năng cho rằng "chưa phù hợp thời điểm để xuất bản". Có những cuốn chỉ phát tán trên mạng internet và các webiste "không chính thống". Có những cuốn mãi mãi nằm im trong ngăn kéo.

Và có những cuốn hồi ký bị lưỡi kéo biên tập "cắt gọt", "vo tròn" rất kỹ lưỡng mới được xuất bản. Ca sĩ Thanh Hoa nói: "Tôi rất băn khoăn, liệu hồi ký công bố có lấy được sự chia sẻ với thân phận những người phụ nữ không, hay là chỉ chịu những điều tiếng xấu. Đôi khi mình bộc bạch, nhưng không đúng lúc đúng chỗ, người ta dễ lầm tưởng là mình muốn thanh minh hoặc tạo một cơn sốc để nổi tiếng thêm". Nhưng không thể phủ nhận, hồi ký cũng có thể là một chiêu thức để tự "tô vẽ", "đánh bóng tên tuổi", để không bị dư luận quên lãng, hoặc để "bôi xấu" người khác, để "trả nợ ân oán", để "thanh toán lẫn nhau"...

Thị trường xuất bản năm 2008 cũng đang chờ đợi hồi ký của những nhân vật sáng danh (hồi ký của ca sĩ Ái Vân, của nhà thơ Hoàng Cầm...). Mong rằng những cuốn hồi ký này sẽ đến tay bạn đọc.

Y NGUYÊN - (Theo Thanh Niên)

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Hồi Ký Nguyễn Huy Tự