Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 09/9/2021 - Điểm Báo

Thông tin y tế trên các báo ngày 09/9/2021 Ngày đăng 09/09/2021 | 14:57 | Lượt xem: 77341 TIN LIÊN QUAN

Vắc xin về đến đâu, Hà Nội tiêm ngay cho người dân đến đó

Hôm nay (9-9), tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số lượng vắc xin được Bộ Y tế cấp về đến đâu, lập tức thành phố phân bổ cho các đơn vị tiêm chủng ngay đến đó cho kịp tiến độ.

55% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin Covid-19

Số liệu về tiến độ tiêm chủng Covid-19 được ngành Y tế Hà Nội cập nhật liên tục trong tuần đầu của tháng 9 này cho thấy, số liều vắc xin được tiêm hằng ngày đã tăng lên rõ rệt, nhất là trong 3 ngày gần đây. Ngày tiêm cao nhất, Hà Nội tiêm được 268.027 mũi, gấp hơn 3,5 lần so với ngày tiêm cao điểm trong tháng 8-2021 (hơn 72.000 mũi).

Tính đến sáng 9-9, Hà Nội đã tiếp nhận thêm 999.600 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm, nâng tổng số vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ lên 4,3 triệu liều. Đến nay, ngành Y tế Thủ đô đã tiêm được 2.888.643 mũi, trong đó có 2.570.866 người đã tiêm mũi 1 và 317.777 người tiêm đủ 2 mũi, tương đương với gần 40% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Nếu tính thêm số liệu từ các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn Hà Nội, đến nay có khoảng 3,7 triệu liều vắc xin được tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vắc xin hiện khoảng 55%.

Để thực hiện thần tốc mục tiêu tới ngày 15-9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho người đủ điều kiện, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã mở thêm nhiều điểm tiêm chủng trên toàn thành phố với 300 dây chuyền tiêm chủng, xét nghiệm được thiết lập mới, nâng tổng số dây chuyền tiêm chủng của Hà Nội lên 1.500. Cùng với đó, có khoảng hơn 3.000 nhân lực y tế hỗ trợ Hà Nội thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm chủng.

"Ngoài việc huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, phát huy tối đa năng lực tiêm chủng, sử dụng các dây chuyền tiêm chủng đã được phân bổ tăng cường và chủ động huy động tối đa các cơ sở y tế trên địa bàn tham gia tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức thêm các điểm lưu động, tổ chức các điểm tiêm đến gần dân nhất có thể, như tại phường, xã, tổ dân phố, khu phố", bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Ngay tại quận Hà Đông, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, toàn quận đã tổ chức 27 điểm tiêm với 41 dây chuyền tiêm có thể đáp ứng từ 9.000-10.000 mũi tiêm/ngày. Nhiều điểm tiêm linh hoạt kéo dài thời gian tiêm chủng trong ngày đến tối để nhiều người dân được tiếp cận vắc xin sớm nhất nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Tương tự, với 13 điểm tiêm chủng lưu động trên địa bàn, quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quy mô lớn. Trong trường hợp có nhiều loại vắc xin phòng Covid-19 khác nhau được triển khai cùng thời điểm, quận cũng căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất để lựa chọn đối tượng tiêm chủng phù hợp.

Trong đợt tiêm vắc xin lần này, quận Đống Đa còn triển khai tiêm cho các đối tượng người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi, phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần. Riêng phụ nữ mang thai trên 13 tuần, sau khi được giải thích nguy cơ, lợi ích, nếu đồng ý tiêm chủng sẽ được chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có thêm chuyên ngành sản khoa.

Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất

Ngay sau khi tiếp nhận gần 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm, ngày 8-9, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch phân bổ về cho 30 quận, huyện, thị xã để tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội. Vắc xin này cũng được sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

Trong 30 quận, huyện, thị xã, Hà Nội phân bổ lượng vắc xin Sinopharm nhiều nhất cho quận Hoàng Mai với gần 147.000 liều, quận Hà Đông gần 104.000 liều, quận Đống Đa gần 86.000 liều, huyện Thanh Trì có 70.000 liều, quận Cầu Giấy có gần 68.000 liều, quận Thanh Xuân gần 64.000 liều, quận Hai Bà Trưng có gần 62.000 liều, quận Bắc Từ Liêm gần 55.000 liều, huyện Hoài Đức có gần 15.000 liều...

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tiêu chí phân bổ cho các quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc ưu tiên cho các quận, huyện Vùng 1 và theo tỷ lệ người dân cần tiêm chủng theo dân số sau khi đã trừ số vắc xin đã được cấp. Dự kiến, trong chiều nay, sau khi có kết quả kiểm định chất lượng, các quận, huyện: Hoàng Mai, Hoài Đức sẽ triển khai tiêm vắc xin Sinopharm.

Trước Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... cũng đã triển khai tiêm vắc xin Sinopharm cho người dân. Đây cũng là 1 trong 6 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa vắc xin Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương, vắc xin là liệu pháp quan trọng nhất chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả và bền vững. Hiện, các vắc xin được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều bảo đảm an toàn và hiệu quả.

"Riêng vắc xin Sinopharm, đến nay được sử dụng tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực tiễn đấy để bảo đảm cho chúng ta yên tâm sử dụng", ông Nguyễn Anh Trí nói.

Vắc xin Vero Cell được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. WHO khuyến cáo sử dụng 2 liều (0,5ml) vắc xin Sinopharm tiêm bắp; khoảng cách giữa hai liều tiêm là 3-4 tuần. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc xin Vero Cell do Sinopharm sản xuất.

Vào tháng 5-2021, thành phố Hải Phòng đã tiêm 6.000 liều vắc xin Vero Cell cho công nhân, người lao động... tại khu công nghiệp An Dương, đến nay đạt kết quả tốt. Quá trình triển khai tiêm cho trên 6.000 liều vắc xin Vero Cell chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm; có ghi nhận phản ứng thông thường sau tiêm như sưng đau tại chỗ tiêm, đau mỏi người, tuy nhiên những triệu chứng này sẽ hết trong 1 ngày, không để lại biến chứng.Từ ngày 8-9, Hải Phòng tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm 500.000 liều vắc xin này cho người dân thành phố.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, các vắc xin phòng Covid-19 được cấp phép đưa vào sử dụng tại Việt Nam đều đã tiến hành kiểm định theo quy trình nghiêm ngặt. Do đó, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân nên tiêm khi có vắc xin, bởi "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất".

CDC Hà Nội cũng đề nghị, tại các đơn vị triển khai tiêm chủng phải xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh hao phí. Tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vắc xin ở cùng một thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.

(Báo Hà Nội mới)

Nhiều địa phương triển khai tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm diện rộng

Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 29 triệu liều vaccine Covid- 19 từ các nguồn khác nhau, trong đó có vaccine Vero Cell của Sinopharm. Bộ Y tế đã phân bổ hầu hết số vaccine đã tiếp nhận về các địa phương, đơn vị.

Ngày 20/6/2021, Việt Nam lần đầu tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc trao tặng. Số vaccine này, theo thỏa thuận song phương, được tiêm cho 3 nhóm: người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới thường có quan hệ giao thương với Trung Quốc.

Trong tháng 7, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Hà Nội đã công bố Hướng dẫn tiêm vaccine của Sinopharm, là tài liệu tập huấn cho cán bộ y tế. Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang triển khai tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm trên diện rộng.

Hải Phòng triển khai tiêm vaccine Sinopharm tại 14 quận, huyện từ ngày 8/9

Sáng 8/9, TP Hải Phòng đã triển khai tiêm vaccine Sinopharm mũi 1 diện mở rộng tại 14 quận, huyện của thành phố. Để đảm bảo tiến độ đề ra trong 5 ngày phải tiêm xong, ngành y tế thành phố đã huy động nhân lực tham gia tiêm chủng từ y tế công lập tới y tế ngoài công lập, phòng khám bệnh, sinh viên ngành y.

Trước đó, ngày 6/9, UBND TP Hải Phòng có văn bản thông báo kết luận của chủ tịch UBND TP về việc tiếp nhận và triển khai tiêm 500.000 liều vaccine Vero Cell (Sinopharm) phòng Covid-19 cho người dân trong thời gian từ ngày 8 đến 24/9.

Trong đó, nhóm ưu tiên số 1 là lái xe, phụ xe đường dài; nhóm 2 là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố và nhóm 3 là người dân tự nguyện tiêm chủng vaccine.

Hải Phòng sẽ triển khai đồng loạt tại các điểm tiêm cố định và lưu động, phấn đấu hoàn thành trong thời gian 10 - 15 ngày kể từ ngày bắt đầu triển khai tiêm mũi 1.

Nhân lực tiêm chủng là cán bộ y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế tại các xã, phường, trung tâm tiêm chủng, phòng tiêm… trên địa bàn đã được tập huấn về công tác tiêm chủng (dự kiến huy động 500 cán bộ y tế/ngày).

Ưu điểm của vaccine là thời gian tiêm 2 mũi từ 2-4 tuần, nên có thể hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine trong thời gian rất ngắn để chủ động phòng chống dịch, điều này rất quan trọng đối với địa phương có tình hình dịch bệnh khá ổn định như tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

Theo UBND thành phố, sau khi tiêm trên 6.000 liều vaccine Sinopharm thời gian qua, thành phố chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm; chỉ có phản ứng thông thường sau tiêm như sưng đau tại chỗ tiêm, đau mỏi người, tuy nhiên đều hết trong một ngày và không để lại biến chứng gì.

UBND thành phố Hải Phòng cũng cho biết đã chuẩn bị phương án bố trí đủ vaccine để tiêm mũi 2 cho những người tiêm mũi 1.

Bình Dương đã tiêm hơn 450.000 liều vaccine Vero Cell cho người dân

Bình Dương đang là địa bàn "nóng" về Covid-19 với tỉ lệ ca mắc rất cao, hiện đã chiếm gần 5% dân số nên rất cần tăng độ phủ vaccine trong cộng đồng để phòng chống dịch.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong 2 ngày 8-9/9, Bình Dương sẽ tiêm hết 750.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) được phân bổ cho tỉnh.

Theo kế hoạch, Bình Dương được phân bổ 1 triệu liều vaccine Vero Cell nhưng thực tế chỉ có 750.000 liều. Sau 5 ngày triển khai, địa phương này đã tiêm được 450.000 liều cho người dân, công nhân lao động trong toàn tỉnh theo hình thức tự nguyện. Tại các điểm tiêm chủng, nhân viên y tế đã tư vấn, giải thích và người dân đồng ý tiêm loại vaccine này trên tinh thần "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".

Sau khi hết vaccine Vero Cell, Bình Dương sẽ triển khai tiêm đợt tiếp theo với 300.000 liều AstraZeneca và Pfizer đã được phân bổ. Riêng vaccine Moderna, tỉnh đã tiêm hết 145.000 liều được phân bổ nên không còn để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine này. Hiện nay, người dân đã đến hạn tiêm mũi 2 nhưng chưa có vaccine Moderna để tiêm. Bộ Y tế đã đồng ý cho Bình Dương tiêm mũi 2 thay thế là vaccine Pfizer để tránh lãng phí đối với người đã tiêm mũi 1. Bởi Moderna và Pfizer là hai vaccine tương tự nhau, cùng một cơ chế như nhau.

Trước đó, ngày 2/9, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã bắt đầu triển khai tiêm những liều vaccine Sinopharm đầu tiên trong tổng số 1 triệu liều nhận từ TP Hồ Chí Minh. Rất nhiều địa điểm tiêm lưu động được triển khai tại các địa điểm công cộng và nhà máy khu vực thuộc "vùng đỏ" có nguy cơ Covid-19 cao.

Điều đáng chú ý là trái với lo ngại của một số thành viên ban tổ chức về tâm lý e ngại của người dân, trên thực tế số lượng người dân Bình Dương đi tiêm vaccine Sinopharm khá nhiều, các địa điểm đều liên tục có thêm người dân tới tiêm.

Tính đến ngày 6/9, Bình Dương đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 2,1 triệu liều vaccine, trong đó có 750.000 liều Sinopharm, khoảng 1.200.000 liều AstraZeneca, Moderna, Pfizer. So với dân số của tỉnh này là 2,6 triệu dân, trong đó khoảng 2 triệu người trên 18 tuổi thì tỉnh này cần 4 triệu liều vaccine mới đạt độ bao phủ toàn dân, hướng đến miễn dịch cộng đồng (tức là mỗi người được tiêm đủ 2 mũi vaccine).

TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân

Cuối tháng 7/2021, 1 triệu liều vaccine Vero Cell của công ty Sinopharm, Trung Quốc đã về đến TP Hồ Chí Minh.

Đây là lô vaccine nhập khẩu đầu tiên trong tổng số 5 triệu liều vaccine của hợp đồng.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đồng ý cho Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu lô vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc). Đến chiều ngày 14/8, quận Tân Bình đã tiêm được 248 mũi vaccine Vero Cell cho người dân. Lãnh đạo quận 8 thông tin đã tiêm 2.000 liều vaccine Vero Cell, đồng thời đề nghị TP Hồ Chí Minh phân bổ thêm 5.000 liều để tiêm cho người dân trên địa bàn. Trong ngày 14/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 85.608 người, tất cả đều sử dụng vaccine Vero Cell của Sinopharm. Đến ngày 15/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 17.916 liều vaccine của Sinopharm. Hiện nay, nhiều quận huyện tiếp tục triển khai tiêm vaccine Vero Cell.

Từ ngày 15/8 đến 31/8, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn thành tiêm hơn 3 triệu liều vaccine để đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi 1, hoàn thành mũi 2 cho khoảng 1 triệu người.

Từ ngày 1/9 đến 15/9, TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine cho những người còn lại và tiêm nhắc mũi 2 theo quy định (400.000 người); có thể mở rộng tiêm cho người từ 12-18 tuổi nếu có nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này.

Tính đến nay, tổng số liều vaccine TP Hồ Chí Minh nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế là 4,4 triệu liều, trong đó có hơn 3,6 triệu liều vaccine AstraZeneca, 19.000 liều Vero Cell, 54.990 liều vaccine Pfizer và 571.200 liều vaccine Moderna.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng nhận được nguồn tài trợ 2 triệu liều vaccine Vero Cell. Trong đó, 1 triệu liều đã được kiểm định và triển khai tiêm cho người dân những ngày qua, 1 triệu liều còn lại đang chờ Bộ Y tế thẩm định chất lượng.

Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Vero Cell

Ngày 5/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Nguyễn Hữu Tài cho biết địa phương chuẩn bị tiếp nhận thêm 250.000 liều vaccine Vero Cell để tiêm phòng cho người dân trên địa bàn.

Trước đó, Đồng Nai được TP Hồ Chí Minh chia sẻ 500.000 liều vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc) và chia làm 2 đợt tiếp nhận. Đợt đầu Đồng Nai đã tiếp nhận 250.000 liều và đang triển khai tiêm cho người dân.

Ngày 6/9, Đồng Nai tiếp nhận thêm 250.000 liều vaccine còn lại, sau đó ban hành kế hoạch phân bổ đến các địa phương tổ chức tiêm chủng cho người dân nhằm đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đến nay, Đồng Nai đã 8 lần được phân bổ vaccine với tổng số gần 1,8 triệu liều, bao gồm 500.000 liều vaccine Vero Cell và đã tiêm được hơn 940.000 mũi vaccine cho người dân.

Riêng đợt 7 (triển khai tiêm từ ngày 1/9) đã tiêm được gần 100.000 liều trong tổng số gần 700.000 liều vaccine. Cụ thể, trong đợt 7 này (từ ngày 1-15/9), tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai tiêm 102.558 liều vaccine Pfizer, 84.900 liều vaccine AstraZeneca và 500.000 liều vaccine Sinopharm. Đối với 500.000 liều vaccine Sinopharm, tỉnh Đồng Nai sẽ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho các đối tượng: người từ 18 tuổi đến 64 tuổi đang sống trong vùng dịch, danh sách do Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố cung cấp, chọn với tiêu chí theo mức độ nguy cơ từ cao xuống thấp; các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ.

Cũng theo kế hoạch phân bổ vaccine Vero Cell mũi 1 của Sở Y tế Đồng Nai, sẽ tiêm 250.000 liều cho 9 vùng nguy cơ rất cao, gồm các xã, phường: Hố Nai, Tân Biên, Trảng Dài, Tân Phong (TP.Biên Hòa); Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu); Phước Thiền, Long Tân (huyện Nhơn Trạch); Bắc Sơn, Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Ngoài ra, là 5.530 liều cho 2 doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Cửu và Long Thành. Trong đó, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) 5.000 liều vaccine tiêm cho công nhân lao động. Thời gian tiêm từ ngày 1/9 đến ngày 12/9 (kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ), tiêm vét từ ngày 13/9 đến 15/9.

Còn đợt 8 với hơn 300.000 liều sẽ được phân bổ, tiếp tục triển khai tiêm trong tháng 9.

Quảng Ninh hoàn thành tiêm hơn 80.000 liều Vero Cell của Sinopharm

Tỉnh Quảng Ninh được Bộ Y tế phân bổ 176.000 liều vaccine Vero - Cell của hãng Sinopharm. Số vaccine này được ưu tiên dành tiêm cho cán bộ, chuyên gia và các thương nhân Trung Quốc làm việc tại Quảng Ninh, công nhân trong các khu công nghiệp và cư dân biên giới, lao động trong ngành du lịch dịch vụ... Đối tượng tiêm ở huyện miền núi Bình Liêu đã tham gia đạt 80% (cao nhất tỉnh), độ phủ tiêm chủng đã đạt trên 50% dân số toàn huyện. Khoảng 50% dân số trong độ tuổi 18 đến 65 tuổi tại thành phố Móng Cái cũng đã được tiêm vaccine.

Từ ngày 5-6/8, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) triển khai tiêm 4.000 liều vaccine Vero - Cell (Sinopharm) phòng Covid-19 mũi 2 cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp, sau đó sẽ tiêm cho người dân sống tại 8 xã, phường biên giới (Hải Yên, Trần Phú, Ninh Dương, Hải Hòa, Ka Long, Trà Cổ, Bắc Sơn, Hải Sơn); người lao động tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI; doanh nghiệp du lịch; cán bộ, công nhân viên trong một số cơ quan, đơn vị thiết yếu trên địa bàn thành phố; học sinh đang làm thủ tục đi du học và học sinh đang theo học tại Trung Quốc. Móng Cái đặt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, tích cực chung tay phòng, chống dịch COVID-19, xây dựng địa bàn an toàn. Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine của Móng Cái đạt 32% tổng dân số, tương đương trên 29.600 liều.

Trước đó, tính riêng 10 ngày (10 - 20/7), các đơn vị y tế đã triển khai tiêm hơn 80.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm. Các địa phương trên địa bàn của tỉnh này đã tiêm vét mũi 1, hoàn thành trước 3/8 khoảng hơn 80.000 mũi. Mũi 2 cùng loại đã được triển khai từ ngày 4 – 31/8.

Tính chung đến hiện tại, Quảng Ninh đã triển khai 7 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 với tổng số 126.645 liều. Trong đó, hơn 115.000 người tiêm 1 mũi và trên 11.500 người tiêm đủ 2 mũi. Quảng Ninh đang tiếp tục xin Trung ương nguồn vaccine để phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, với tỉ lệ 90%.

Hà Tĩnh và Quảng Bình tiến hành tiêm vaccine Vero Cell từ cuối tháng 7/2021

Ngày 20/7, tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch tiêm vaccine Vero Cell cho người Trung Quốc sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. Thời gian tiêm mũi một là 21/7/2021 và mũi 2 là ngày 18/8. Tổng số 370 người, trong đó Hà Tĩnh 351 người, Quảng Bình 19 người. Danh sách đối tượng tiêm chủng do Đại sứ quán Trung Quốc cung cấp.

Khánh Hòa bổ sung thêm 150.000 liều vaccine Vero Cell cho các đơn vị, địa phương. Trước đó, địa phương này đã tiêm 150.000 liều Vero Cell của Sinopharm cho người dân.

Khánh Hòa đã và đang triển khai tiêm 300.000 liều vaccine Vero Cell cho người dân

Ngày 7/9, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn khẩn về cấp bổ sung 150.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nhằm nhanh chóng tăng cường độ bao phủ vaccine cho các nhóm đối tượng ưu tiên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người tiếp tục phân bổ vaccine Vero Cell của Sinopharm cho các địa phương trên địa bàn.

Được biết, các đối tượng được ưu tiên tiêm trong đợt này là tiểu thương các chợ truyền thống, kinh doanh buôn bán; người làm việc trong ngành xây dựng; người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, shipper, xe ôm công nghệ…

Thời gian đăng ký từ ngày 7 đến hết ngày 8/9; thời gian triển khai tiêm vaccine kết thúc vào ngày 11/9.

Như vậy, cộng với 150.000 liều Vero Cell của Sinopharm đã tiêm trước đó thì đến nay, có tổng 300.000 liều vaccine Vero Cell đã và đang được tiêm cho người dân. Đây là nỗ lực của chính quyền trong việc đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng, tiến dần tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Lạng Sơn triển khai tiêm vaccine Vero Cell cho 4 đối tượng

Ngày 17/7, Sở Y tế Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch về việc Triển khai Chiến dịch tiêm vaccine Vero Cell trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn sẽ triển khai tiêm cho 4 đối tượng sau: Người dân tại các xã của các huyện có đường biên giới với Trung Quốc. Người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc. Lưu học sinh Việt Nam đang và sẽ học tập ở Trung Quốc. Công dân Việt Nam có thân nhân ở Trung Quốc có nhu cầu thăm thân. Việc tiêm vaccine này ở Lạng Sơn diễn ra từ 20-25/7/2021.

Hải Dương triển khai đăng ký đối tượng tiêm vaccine Vero cell

Ngày 6/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương đã ban hành công văn số 2665/BCĐ-PCD về việc đăng ký đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 Vero cell do Sinopharm sản xuất.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, người lao động về vaccine Vero Cell do Sinopharm sản xuất. Thống kê số lượng đăng ký tiêm vaccine Covid-19 Vero Cell cho các đối tượng: Nhóm ưu tiên số 1: Lái xe, phụ xe tải, xe khách; lái xe taxi, xe dịch vụ. Nhóm ưu tiên số 2: Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Nhóm ưu tiên số 3: Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và ngoài khu công nghiệp. Nhóm ưu tiên số 4: Người dân trên địa bàn đăng ký tiêm chủng vaccine.

Các địa phương lập danh sách chi tiết đối tượng dự kiến tiêm vaccine Covid-19 Vero Cell lưu tại địa phương để chuẩn bị triển khai tiêm chủng.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp rà soát, thống kê danh sách đối tượng thuộc “nhóm ưu tiên số 2” có nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; gửi số lượng thống kê và danh sách về Ban Chỉ đạo cấp huyện trên địa bàn của doanh nghiệp để tổng hợp chung vào danh sách của các huyện, thị xã, thành phố.

BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố triển khai rà soát, thống kê đối tượng thuộc các nhóm ưu tiên số 1, 3 và 4 (bao gồm cả nhóm đối tượng do Ban Quản lý các Khu công nghiệp cung cấp).

Số lượng đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 Vero Cell do Sinopharm sản xuất sẽ được gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương trước 17 giờ ngày 10/9/2021.

(Báo Kinh tế & đô thị)

Xét nghiệm toàn dân trước 15/9 đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội

Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội phải hoàn thành mục tiêu xét nghiệm toàn dân trước ngày 15/9/2021 để loại trừ nguồn lây ra khỏi cộng đồng.

Hà Nội tranh thủ 'thời gian vàng' để thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine trước 15/9Hà Nội tranh thủ "thời gian vàng" để thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine trước 15/9

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ban hành Kế hoạch về việc xét nghiệm trên diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ kiểm tra trực tuyến việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tối 8/9, Bộ Y tế đã ban hành Công điện 1356/CĐ-BYT ngày 8/9 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký, gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Nội dung Công điện nêu rõ, tối ngày 8/9/2021, tại phòng làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra trực tuyến việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội, một số quận, phường thuộc TP. Hà Nội, TP. HCM và tỉnh Bình Dương. Tham gia kiểm tra có: Bộ trưởng Bộ Y tế; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Qua kiểm tra cho thấy một số nơi đã nắm chắc, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tại một số phường, lãnh đạo còn lúng túng, chưa nắm vững các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo quán triệt đầy đủ, sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch đến các đồng chí lãnh đạo xã, phường, thị trấn theo phương châm lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" và nhiệm vụ cụ thể của "pháo đài" và "chiến sĩ" được quy định tại các Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải hoàn thành mục tiêu xét nghiệm toàn dân trước 15/9.

Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải hoàn thành mục tiêu xét nghiệm toàn dân trước ngày 15/9/2021 để loại trừ nguồn lây ra khỏi cộng đồng. Tổ chức thần tốc việc xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; rút ngắn tần suất xét nghiệm dài nhất là 2-3 ngày/lần tại những địa bàn có nguy cơ cao, rất cao; dài nhất là 5-7 ngày/lần tại các địa bàn còn lại để phát hiện sớm nguồn lây nhằm cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19.

Các địa phương không áp dụng giãn cách xã hội tiếp tục thực hiện việc xét nghiệm theo Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 2/9/2021 của Bộ Y tế.

Thực hiện ngay việc tiêm vaccine khi được phân bổ; tiêm cho lực lượng tuyến đầu, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai và các đối tượng khác theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố, quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát xã, phường, thị trấn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém, bảo đảm theo phương châm mỗi xã, phường thật sự là một "pháo đài", mỗi người dân thật sự là một "chiến sỹ" và sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Tại những nơi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 phải triển khai ngay trạm y tế lưu động. Đối với các địa phương còn lại phải có kế hoạch, phương án tổ chức trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn để sẵn sàng cho tình huống xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.

(Báo Sức khoẻ & đời sống)

Nguyễn Thị Hạnh

Các tin khác
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 22/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 21/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 20/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 19/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 18/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 15/11/2024

  • Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
  • Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
  • Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
  • Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
  • 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
  • 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
  • Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
  • Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
  • Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
  • Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc

Dịch vụ công trực tuyến

Phần mềm Quản lý văn bản

Phần mềm QLHS Một cửa

Phần mềm Một cửa (Mới)

Tiếp nhận ý kiến công dân

Danh mục TTHC công

Tra cứu hồ sơ Một cửa

Thư điện tử TP Hà Nội

Thông tin người phát ngôn

Chọn liên kết Đang online: 289 Lượt truy cập trong tuần: 1367 Lượt truy cập trong tháng: 134428 Lượt truy cập trong năm: 2733100 Tổng số lượt truy cập: 46800488 Về đầu trang

Từ khóa » Eu Không Công Nhận Vaccine Trung Quốc