Tín Ngưỡng Thờ Cúng Thành Hoàng Dưới Triều Nguyễn (Ngọc Lâm)
Có thể bạn quan tâm
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là một tín ngưỡng khá phổ biến ở làng xã của người Việt. “Người Việt phổ biến nhất, nổi bật nhất là thờ thần ở làng, không làng nào là không có đình, đền, miếu thờ thần”1.
Bởi thế, thần Thành hoàng là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng, tín ngưỡng thờ Thành hoàng là sự kết hợp đỉnh cao của tín ngưỡng sùng bái con người và tín ngưỡng sùng bái thần linh.
Văn hoá Việt Nam xét về bản chất là một nền văn hoá xóm làng. Làng Việt Nam từ lâu đã là nơi sinh ra và bảo lưu văn hoá làng – văn hoá dân tộc. Cho đến nay, văn hoá làng vẫn tồn tại với sự cô động trong lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hoá dân gian…. Làng Việt ở đồng bằng Bắc bộ là nơi lưu truyền các giá trị văn hóa làng, thu giữ nhiều loại hình tôn giáo và văn hóa truyền thống, trong đó có tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Tuy nhiên, truyền thống thờ Thành hoàng ở nước ta chỉ thực sự có quy củ và phát triển dưới thời Nguyễn.
NGUỒN GỐC TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG
Thành hoàng làng (Thành hoàng) là danh từ chung để chỉ vị thần được thờ trong làng xã Việt Nam. Giống như Táo công và Thổ công, Thành hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng và thường được thờ ở đình làng. Do vậy, hầu hết ở mỗi làng quê hay phố nghề (nơi thị thành) đều lập đình (hoặc đền, miếu) thờ vị Thành hoàng của làng hay phường hội. Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề).
Tục thờ Thành hoàng ở nước ta là do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa truyền sang từ thời Đường. Theo Phan Kế Bính, dù trước đó nhân dân ta đã có những tín ngưỡng dân gian, nhưng sau khi du nhập vào làng xã Việt Nam, tục thờ Thành hoàng nhanh chóng bám rễ trong tâm thức người Việt, phát triển đa dạng, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tôn thờ Thành hoàng làng chính là một nhu cầu tâm lý, người dân thờ Thành hoàng làng để phục vụ hiện thực cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được, là động lực thúc đẩy sản xuất và ổn định cuộc sống.
Sách “Trung Quốc thần bí văn hóa” viết: “Thành hoàng tức thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng”. Nhiều học giả cho rằng từ Thành hoàng bắt nguồn từ câu của kinh dịch “Thành phục vụ hoàng”.
Theo giáo sư Hà Văn Tấn, thờ Thành hoàng đã có từ sớm ở Trung Quốc và được ghi ở Lễ Ký, sớm nhất là thời Tam quốc (220-265). Đó là đền thờ Thành hoàng do Tôn Quyền lập năm 239 ở Vu Hồ, An Huy. Đến thời Tùy (581-618) đã có tục dùng động vật để tế Thành hoàng. Thời Đường (618-907) tục thờ Thành hoàng đã phổ biến, có thơ văn tế Thành hoàng. Bấy giờ, Thành hoàng đã có hình ảnh con người và cũng từ đây, Thành hoàng không còn hóa thân của thành trì nữa mà là một con người cụ thể nào đó.
Theo Gia Thái Cối Kê chí của Lục Du thì Bàng Ngọc vốn là tướng nhà Tùy, sau quy phục nhà Đường, làm quan đến Thượng thư Bộ Công, Đô đốc U Châu, vì có ân đức với dân, sau khi chết được phong làm Thành hoàng. Thời Tống (960-1271), các phủ, châu, huyện trên toàn đất Trung Quốc đều có thờ thần Thành hoàng. Vua Tống thường gia phong cho các thần Thành hoàng. Sang thời Nguyên (1271-1368), miếu Thành hoàng được thành lập ở Thượng Đô. Đến thời Minh (1368-1644), Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phong hàng loạt Thành hoàng, ông nói: “Trẫm đặt Thành hoàng của kinh sư, thống thuộc các thần ở các phủ, châu, huyện, để giám sát việc thiện, việc ác của dân mà giáng phúc hay giáng họa” (Tục văn hiến thông khảo, quần tư khảo). Thời Thanh (1644-1911) việc thờ Thành hoàng vẫn được coi trọng3. Có thể nói, ở Trung Quốc, Thành hoàng là vị thần bảo vệ thành trì cấp quốc gia, cấp phủ, châu, huyện và cư dân trong thành.
Tín ngưỡng Thành hoàng du nhập vào Việt Nam thời Bắc thuộc. Theo Việt Điện U Linh, năm Trường Khánh thứ 3 (823) đời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Gia sang làm đô hộ thấy cửa Bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế xinh đẹp, mới tìm chỗ cao ráo dời phủ lỵ vào đóng tại đây, sửa dựng phủ, nhà cửa, mở nhiều cổng ngõ. Nguyên Gia sai giết trâu bò, làm tiệc mời các kỳ lão trong làng đến dự, rồi hỏi chuyện về Vương (họ Tô tên Lịch) và ngỏ ý muốn tâu xin thờ Vương làm Thành hoàng. Mọi người đều vui thuận tán thành và hưng công dựng nên ngôi đền rất nguy nga tráng lệ…. Đến thời Cao Biền sang đắp thành Đại La (866), nghe tiếng Vương Anh Linh nên sửa lễ đến tế, tôn làm “Đô phủ Thành hoàng Thành quân”. Vua Lý Thái Tổ, sau khi dời đô ra thành Đại La, đổi tên Thăng Long (1010), thường mộng thấy một ông già đầu bạc, đứng trước bệ vái chào hô vạn tuế…. Vua tỉnh dậy, sai quan đến tế, phong làm “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Từ đó, cư dân trong thành đến lễ cầu đảo, thề ước, đều thấy linh ứng. Năm Trùng Hưng thứ 1 nhà Trần (1285) sắc phong hai chữ Bảo quốc, năm thứ 4 (1288) thêm hai chữ Trấn linh, năm Hưng Long thứ 21 (1313) gia phong hai chữ Định bang.
Như vậy, sau mấy lần gia phong vào thời Trần Nhân Tông (1278-1293) và Trần Anh Tông (1293-1314), vị Thành hoàng có hiệu “Bảo quốc Trấn linh Định bang Thành hoàng Đại vương”. Cũng theo Việt Điện U Linh, Lê Long Đĩnh khi chưa lên ngôi có thực ấp ở Đằng Châu. Khi lên ngôi vua, Lê Long Đĩnh (1005-1009), đổi Đằng Châu (Hưng Yên) làm phủ Thái Bình, phong cho các thổ thần ở đây làm Thành hoàng, với hiệu “Khai thiên Thành hoàng Đại vương”. Các vua Trần vào năm Trùng Hưng thứ 1 (1285), sắc phong “Khai thiên Trấn quốc Thành hoàng Đại vương”, năm thứ 4 (1288) gia phong hai chữ Trung phụ. Năm Hưng Long thứ 21 (1313) gia phong hai chữ Tá dực. Như vậy sau mấy lần gia phong vào thời Trần, vị Thành hoàng có vị hiệu là: “Khai thiên Trấn quốc Trung phụ Tá dực Thành hoàng Đại vương”5.
Trong giai đoạn Việt Nam bị nhà Minh xâm lược, theo sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng, quan lại Minh đã theo chế độ Trung Quốc, lập miếu Thành hoàng ở phủ, châu, huyện của Việt Nam. Đến thời Lê, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tháng 4/1449, Lê Nhân Tông (1441-1459): “Bắt đầu lập đàn thờ thần Đô Đại Thành hoàng, đàn thờ thần gió, mây, sấm, mưa và đàn thờ ma quỷ không ai tế tự để tứ thời cúng lễ”7.
QUY ĐỊNH THỜ THÀNH HOÀNG DƯỚI THỜI NGUYỄN
Theo sách “Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ”, ở kinh đô Huế vào thời Nguyễn, việc tế tự các thần được thực hiện ở đàn, đền, miếu…. Riêng miếu thờ có nhiều loại như miếu thờ Công thần mở nước, miếu thờ Công thần đời Trung Hưng, miếu thờ Công thần Trung tiết, miếu thờ Công thần các trực, tỉnh; miếu Tiên y, miếu thờ Thần mưa, miếu thờ Thần gió, miếu thờ Nam Hải Long Vương, miếu thờ Thần cửa bể Tư Hiền, miếu thờ Hà Bá, miếu thờ Thần lửa, miếu thờ Thần súng, miếu Hội đồng, miếu thờ Thành hoàng…. Ở kinh đô Huế miếu thờ Thành hoàng lập năm 1809: “Gia Long năm thứ 8, chuẩn lời nghị; làm miếu ở bên hữu trong kinh thành, chính giữa đặt một án phụng thờ Thành hoàng ở kinh đô, 2 bên chái bên đông bên tây đều đặt 5 án thờ phụ, phụng thờ các Thành hoàng tỉnh…”8.
Minh Mạng năm thứ 20 (1839), chuẩn lời tâu của bộ lễ đổi miếu Hội đồng thành miếu Thành hoàng: “Khi mới khôi phục nước nhà, đã dựng miếu thờ Thành hoàng, lại dựng thêm hai nhà tòng tự. Nhà bên tả thờ các vị thần Thành hoàng các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam. Nhà bên hữu thờ các vị thần Thành hoàng từ Hà Tỉnh trở ra Bắc. Các tỉnh có riêng miếu Hội đồng phụng thờ các vị thần kỳ, mà không đặt riêng miếu thờ Thành hoàng bản hạt. Ôi! Thành hoàng trừ tai ngăn hoạn, thật có công đức với dân. Các nơi sở tại đặt nhà riêng là lễ vậy; xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bản cảnh Thành hoàng ở trong miếu Hội đồng. Bàn thờ các vị thần kỳ đem đặt ở hai gian bên tả bên hữu. Khắc lại cái biển treo trong miếu làm miếu Thành hoàng. Các bài vị tòng tự trong miếu Thành hoàng ở kinh đô đều đem rước ra đốt cháy”9.
Nhưng khi Thiệu Trị lên ngôi, vua cho thành lập miếu Thành hoàng ở các tỉnh, còn miếu Hội đồng vẫn giữ như cũ. “Thiệu Trị năm đầu (1841) xuống dụ: Từ trước đến giờ thần vị Thành hoàng các trực tỉnh, từng được phụ thờ ở miếu Đô Thành hoàng tại kinh thành. Năm trước Bộ lễ nghị xin cho các hạt làm thần bài, bày thờ ở miếu Hội đồng thực hạt mình, rồi đổi gọi miếu Hội đồng là miếu Thành hoàng…. Trẫm kính nối nghiệp lớn, được theo chí tiên đế cử hành lễ trọng, sắp đặt phẩm trật các thần, nghĩ rằng: Các vị thần trước đây ở miếu Hội đồng, phần nhiều là thượng đẳng thần, giúp nước che chở dân, có công đức rõ rệt, chưa tiện cho thay đổi ngay…. Vậy thông dụ cho các trực tỉnh được làm miếu riêng thờ Thành hoàng ở nơi gần tỉnh, thành, doanh để chỗ tôn thờ; còn miếu Hội đồng cũ vẫn cho phụng thờ theo như trước, không nên thay đổi”10. Như vậy từ năm 1841 thời Thiệu Trị, ngoài miếu Thành hoàng ở kinh đô Huế, các tỉnh/thành đều có miếu thờ Thành hoàng.
Riêng Nam bộ một số nơi có miếu thờ Thành hoàng khá sớm. Chẳng hạn ở Gia Định, miếu Thành hoàng được xây dựng vào năm 1807, trước hai năm so với miếu Thành hoàng ở kinh đô Huế: “Ở phía Nam sông Tân Bình, cách phía đông nam trấn 6 dặm rưỡi, nguyên xưa là ngôi đình cúng tế các vị âm thần. Năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão, 1807) phụng chỉ dựng nhà ngói làm miếu Thành hoàng trong trấn, xuân thu 2 kỳ tế lễ, trấn quan đến hành lễ”11. Cũng theo sách “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ”, Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) đã có Thành hoàng ở kinh đô, các tỉnh và xã. Thành hoàng ở các tỉnh vốn là một vị thần giữ coi đất cho một tỉnh và được thờ ở miếu Thành hoàng. Nhưng vấn đề đặt ra là Thành hoàng ở các dân xã thì có từ bao giờ.
Trước đây nhiều người cho rằng Thành hoàng làng chỉ có từ thời Lê. Tư liệu dẫn chứng là tấm bia dựng vào thế kỷ XIX, chép lại sắc phong thời Lê Trung Hưng, tìm thấy tại xã Thường Sơn, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An (nay thuộc TP Hải Phòng), có ghi: ông tù trưởng họ Lại, húy Bốn, vợ họ Đào, sinh hạ con trai có tài, tham gia chống quân Nguyên – Mông, diệt Ô Mã Nhi, sau được phong Đương cảnh Thành hoàng Trần triệu phò mã đô úy thượng phẩm đại liêu ban, quan nội hầu, nội quốc công, Thượng đẳng Phúc Đại Vương. Hoặc một tấm bia khác dựng năm Hồng Đức thứ 18 (1487) tại ngôi đền Trăn Tân xã Phúc Thọ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh do Nguyễn Đình Tuấn, tiến sĩ năm 1841, soạn bia. Nội dung bia kể rõ nghi thức rước thần trong hội làng12.
Sau khi phát hiện tại ngôi đền thờ thần ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) có bia đá khắc bài bia của Trương Hán Siêu ghi niên đại vào ngày 20/11, mùa đông năm Nhâm Tý, năm Hưng Long thứ 20 (tức ngày 19/12/1312) đời Trần Anh Tông (1293-1314), thì vấn đề phong Thành hoàng cho làng đã được đặt lại. Mặt trước của bia “Bài ký bia đền thần cổ tích” cho biết: “… năm Thuận Thiên thứ 7 (1016), mùa xuân vua đi xem ngắm khắp các núi sông, bái phong ngài làm Đương cảnh Thành hoàng Chí minh Đại vương…”, vào đời Lý Thái Tổ (1010-1028). Mặt sau bia “Phụ chép về việc gia bang các đời”cho biết “… gia phong Đương cảnh Thành hoàng Chí minh Đại vương… ngày 17 tháng 6 năm Hưng Long 20 (22/7/1312)”. Từ nội dung bia này, Giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng: “Thành hoàng làng không phải chỉ mới xuất hiện vào thời Lê, mà đã có từ sớm hơn, chắc chắn là từ thời Trần, nhưng cũng có thể là từ thời Lý… Thời Trần, có lẽ cả thời Lý, đã có việc vua phong Thành hoàng địa phương”13.
Vào năm thứ 3 (1804), đời vua Gia Long (1802-1820) đã chuẩn lời nghị về danh sách các xã dân trong hạt khai thần hiệu ở Bắc thành ra làm ba hạng: hạng trên, hạng giữa và hạng dưới: “Về Bắc thành, những bản danh sách các xã dân trong hạt khai thần hiệu trước đây phàm nhân thần hiện có họ tên công trạng, thiên thần có sự tích rõ rệt và danh thần ở các núi sông, cùng hiện có sắc phong , thì liệt làm hạng trên, thứ đến là nhân thần có họ tên mà công trạng chưa được rõ rệt, sắc phong có quan tước mà họ tên thất truyền, hoặc hiện có ghi quan tước mà sắc phong thời lạc thì liệt ở hạng giữa, lại thứ nữa như sắc phong tuy còn mà sự tích mai một, nhưng xét các mỹ tự là chính thần, thì liệt ở hạng dưới. Đến như lúc còn sống làm sự nhơ nhuốc và tà dâm, những tinh khí ma quỷ gỗ đá, những loài côn trùng quái vật phàm thuộc vào sự bất chính, đều nên tước bỏ”14.
Năm đầu tiên (1820) đời Minh Mạng (1820-1841) lại xuống chỉ dụ: Thần hiệu ở hạng trên thì tặng mỹ tự là Thượng Đẳng Thần, ở hạng giữa thì tặng mỹ tự là Trung Đẳng Thần, ở hạng dưới thì tặng mỹ tự là chi thần. Đến năm thứ 7 (1847) đời Thiệu Trị (1841-1847) lại chuẩn bị lời tâu chia Thành hoàng ra làm 3 hạng: Vị Thành hoàng ở kinh đô liệt vào thượng đẳng, vị Thành hoàng ở các dân xã kinh đô liệt vào hạng hạ đẳng, còn vị Thành hoàng ở Thừa Thiên phủ và ở tỉnh chiếu theo lệ trung đẳng gia phong. Năm thứ 3 (1850) đời Tự Đức (1847-1883), vua chuẩn y lời nghị thần hiệu đã được sắc chỉ ở các địa phương, gia tặng mỹ tự cho 6 loại thần: Thiên thần, Thổ thần, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần, Âm thần và liệt vào ba hạng: Thượng đẳng, Trung đẳng, hạ đẳng15. Tổng cộng có 18 mỹ tự gia tặng cho các thần. Có thể nêu một số sắc thần cấp cho thôn, ấp, xã thường được thờ trong các đình dưới triều Nguyễn còn lưu giữ đến ngày nay với các loại thần như sau:
– Thổ thần: Thượng đẳng, mỹ tự Hàm quang. Hạ đẳng, mỹ tự Đôn ngưng thời Tự Đức, Dực bảo Trung hưng thời Duy Tân, Bảo Đại.
+ Cấp cho thôn Kiểng Phước, Dương Phước, Tân Duân Đông (Gò Công) (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (8/1/1853), Sắc Bạch Mã thái giám thượng đẳng thần… gia tặng Dương uy Ngự vũ Bảo chưởng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang thượng đẳng thần.
+ Cấp cho thôn Thường Lạc huyện Đông Xuyên (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (8/1/1853). Sắc: Thần Thành hoàng bổn cảnh, vốn đã được phong là thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện…tặng thêm là thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng16.
– Thủy thần: Trung đẳng, mỹ tự Uông nhuận. Hạ đẳng, mỹ tự Trừng trạm.
+ Cấp cho thôn Thắng Tam (Vũng Tàu). Sắc: “Thủy long tôn thần gia tặng Trứ linh Chương ưng Mục uyên Hoằng bác Uông nhuận trung đẳng thần…”17.
+ Cấp cho thôn Thắng Tam (Vũng Tàu), ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (8/1/1853). Sắc: “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần (cá voi) gia tặng Từ tế Linh chương Trợ tín Trừng trạm chi thần…”. Có thể kể thêm một số Thuỷ thần là vị thần biển như Nam hải đại vương, Bát hải đại vương…; thần sông, hồ, đầm như Linh Lang, Tam Giang…
– Dương thần: Thượng đẳng, mỹ tự Trác vĩ. Trung đẳng, mỹ tự Quang ý. Hạ đẳng, mỹ tự Đoan túc.
+ Cấp cho thôn An Hội (Bến Tre). Cao Các thượng đẳng thần… gia tặng Hoằng mô Vĩ lược Đôn hậu Phù hựu Trạc dương Trác vĩ thượng đẳng thần.
+ Cấp cho thôn Vĩnh Tế tổng Châu Phú tỉnh Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang), ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924). Sắc phong cấp cho thôn Vĩnh Tế, tổng Châu Phú tỉnh Châu Đốc phụng sự khâm sai Thống chế án thủ Châu Đốc … kiêm quản Hà Tiên trấn, Trụ Quốc Đô, tráng Võ tướng Nguyễn Công Tôn thần (Nguyễn Văn Thoại), giúp nước che dân linh ứng đã lâu. Nay gặp lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của Trẫm đã nhận bửu chiếu lễ Đàm Ân, phong Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần18.
– Âm thần: Thượng đẳng, mỹ tự Trang huy.
+ Cấp cho thôn Trường Thạnh huyện Kiến Hưng, ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (5/1/1853). “Sắc: Bốn vị tôn thần làm lớn mạnh Nam Hải của nước nhà (sắc đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần), vốn được tặng là Thượng đẳng thần Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa…tặng thêm là Thượng đẳng thần Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy…”.
+ Cấp cho thôn Kiểng Phước, huyện Tân Hòa (Gò Công) (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (8/1/1853). Sắc phong Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi vốn phong Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tưởng thượng đẳng thần…tặng thêm Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tưởng Trang huy thượng đẳng thần….
Qua một số sắc thần vừa nêu, có thể nói, dưới triều Nguyễn ít nhất có 4 loại thần được thờ trong đình gồm: Thổ thần (Bạch Mã thái giám, Thành hoàng bổn cảnh…), Thủy thần (Thủy Long, Nam Hải cự tộc ngọc lân…), Dương Thần (Cao các, Nguyễn Văn Thoại…), Âm thần (Đại càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Tôn thần, Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi…) và đều có nhiệm vụ “Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân” (thần thì phải giúp đỡ bảo vệ cho dân đen của ta). Trong 4 loại thần thì thần Thành hoàng bổn cảnh thờ ở đình chỉ là chi thần, thần hạ đẳng trong loại thổ thần và được phong mỹ tự “Đôn ngưng”. Đình thờ thần của làng, ngoài Thành hoàng bổn cảnh loại thổ thần, còn có những đình thờ những loại thần khác: Thủy thần, Dương thần, Âm thần…
Tóm lại, tín ngưỡng thờ Thành hoàng đã có từ sớm ở Trung Quốc và có đền thờ riêng từ thời Tam Quốc. Tín ngưỡng này du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc với Tô Lịch là người đầu tiên được tôn làm Thành hoàng vào năm 823. Thành hoàng thờ ở làng chắc chắn có từ thời Trần. Sang thời Nguyễn, miếu thờ Thành hoàng đã lập ở kinh đô Huế vào năm 1809 và ở các tỉnh từ năm 1841. Việc thờ Thành hoàng dưới thời Nguyễn đã thực sự phát triển mạnh, có quy củ theo luật lệ triều đình, trở thành nét tín ngưỡng không thể thiếu của làng Việt, với 6 loại thần (Thiên thần, Thổ thần, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần, âm thần), được liệt vào ba hạng (thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng).
Trong tâm thức người Việt, Thành hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát toàn bộ đời sống dân làng, bảo vệ, phù hộ người dân khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Việc thờ Thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng. Cùng với thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đem lại cho người dân ý thức hướng về cội nguồn, quê cha đất tổ bằng những biểu hiện sinh hoạt văn hoá truyền thống.
Chú thích:
* Th.S Đào Ngọc Lam Phương – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM).
1. Đại Việt sử ký toàn thư tập 4 (1968), bản dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.86. 2. Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.23. 3. Hà Văn Tấn (2002), Chữ trên đá chữ trên đồng – Minh văn và lịch sử, Nxb Khoa học Xã hội, tr.181. 4. Lý Tế Xuyên (1994), Việt Điện U Linh, Nxb Văn Học, tr.33-34. 5. Lý Tế Xuyên (1994), Việt Điện U Linh, Nxb Văn Học, tr.67-70. 6. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự (1998), Đình Việt Nam, Nxb TP HCM, tr.50. 7. Đại Việt Sử ký toàn thư, tập II (1998), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.371. 8. Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 6 (1997), Nxb Thuận Hóa, tr.507. 9. Minh Mệnh chính yếu, tập III (1974), bản dịch của Lê Phục Thiện, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản, tr. 215-216. 9. Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 6 (1993), Nxb Thuận Hóa, tr.508. 10. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định Thành Thông chí, tập hạ, Nha Văn hóa Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản, tr.86. 11. Vũ Ngọc Khánh (2002), Thành hoàng làng Việt Nam, Nxb Thanh Niên, tr.19-20. 12. Hà Văn Tấn (2002), Chữ trên đá chữ trên đồng – Minh văn và lịch sử, Nxb Khoa học Xã hội, tr.177-185. 13. Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 8 (1993), Nxb Thuận Hóa, tr.153-154. 14. Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 8 (1993), Nxb Thuận Hóa, tr.187. 15. Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr.110. 16. Cao Tự Thanh (1996), Lịch sử Đồng Tháp Mười (từ thế kỷ XVIII đến 1930), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.267. 17. Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr.282.
Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng ở Việt Nam
-
Giá Trị Trong Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Của Người Việt ở Đồng ...
-
Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Của Người Việt Nam - Ngô Tộc
-
[PDF] Mối Quan Hệ Giữa Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Làng Với
-
Thành Hoàng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng ở Hội An
-
Nét đẹp Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Làng - Báo Thanh Hóa
-
Nguồn Gốc Và ý Nghĩa Của Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng - Sống Đẹp
-
Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng - Tài Liệu Text - 123doc
-
Thờ Thành Hoàng, Nét đẹp Lưu Truyền - Báo Quảng Bình
-
Tìm Hiểu Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Của Người Việt
-
[PDF] ảnh Hưởng Của Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Làng đến đời Sống Tinh ...
-
[PDF] ảnh Hưởng Của Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Làng đến đời Sống Tinh ...
-
Tục Thờ Thần Và Tín Ngưỡng Thành Hoàng - Xã Nam Phúc Thăng
-
Tục Thờ Thành Hoàng - UBND Tỉnh Hà Nam