TP.HCM: Đưa 4 Huyện Lên Thành Phố, 1 Huyện Lên Quận
Có thể bạn quan tâm
Sáng 2.6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học (đề cương chi tiết đề án nhánh) thuộc đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố (TP) thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.
Đảm bảo bộ máy tinh gọn, phát huy được tính đặc thù
Tại hội nghị, UBND TP triển khai 5 đề án khoa học, là đề cương chi tiết đề án nhánh thuộc Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành TP thuộc TP giai đoạn 2021 - 2030.
Cụ thể, đề án về: “Con người đô thị” do Viện Nghiên cứu phát triển TP chủ trì thực hiện; “Xây dựng và Phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030” do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện; “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước của chính quyền các huyện trong quá trình chuyển từ huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM” do Sở Nội vụ chủ trì; Đề án “Cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các mục tiêu kinh tế xã hội theo mô hình phát triển kinh tế đô thị của các huyện chuyển thành quận hoặc TP thuộc TP trong giai đoạn 2021 – 2030 và đề xuất các giải pháp thực hiện” của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Đề án “Hạ tầng đô thị” do Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện.
Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Báo Phụ nữ
Trao đổi về đề cương đề án nhánh “con người đô thị”, ông Dư Phước Tân - đại diện nhóm đề án của Viện Nghiên cứu phát triển TP cho rằng, đề án này sẽ đề xuất các giải pháp phát triển 5 huyện ngoại thành về xây dựng con người đô thị, thông qua đánh giá các tiêu chí được xây dựng và nhận diện những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với cư dân, nhằm giải pháp phát triển và ngăn ngừa phù hợp, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển huyện thành quận hoặc TP thuộc TP theo hướng bền vững.
Theo ông Tân, đề án này cũng xác định mục tiêu cụ thể về làm rõ hiện trạng về đặc điểm cư dân ở các huyện ngoại thành, nhất là khu vực nông thôn hiện nay. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí về con người đô thị và đánh giá kết quả đạt được thông qua quy chuẩn và đối chiếu số liệu trung bình chung của 5 huyện.
Bên cạnh đó, làm rõ những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với cư dân ngoại thành khi chuyển huyện thành quận. Ngoài ra, đề xuất các giải pháp phát triển liên quan xây dựng con người đô thị nhằm góp phần cùng các đề án nhánh khác, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi 5 huyện thành quận hoặc TP lên TP đạt kết quả thành công, theo hướng bền vững.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, phát biểu tại hội nghị.
Đối với đề án xây dựng và phát triển văn hoá đô thị tại các huyện trên địa bàn TP, bà Lê Thị Ngọc Điệp - đại diện nhóm đề án của Sở Văn hoá và Thể thao TP cho rằng, đề án nhánh này nhằm đánh giá thực trạng về đời sống văn hóa – xã hội của người dân tại 5 huyện của TP trên các phương diện cụ thể: đời sống văn hoá, lối sống cư dân truyền thống, đặc trưng; đời sống xã hội: y tế, giáo dục, môi trường, cảnh quan văn hóa; hoạt động của các thiết chế văn hóa, nguồn lực văn hóa... từ đó xây dựng các bộ tiêu chí cần đạt được về phát triển văn hoá đô thị tại các huyện trên địa bàn TP.HCM khi chuyển đổi từ huyện ngoại thành thành quận và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống người dân tại các huyện, góp phần đảm bảo các tiêu chí phát triển huyện thành quận tạo sự phát triển bền vững theo định hướng phát triển đô thị tại các huyện trên địa bàn TP.HCM.
Theo bà Điệp, đề án này cũng xác định mục tiêu cụ thể về đánh giá thực trạng đời sống văn hóa – xã hội của người dân tại các huyện trên địa bàn TP. Đồng thời, đánh giá thực trạng hoạt động của các thiết chế văn hóa, nguồn lực văn hóa, xây dựng con người văn hóa tại các huyện. Bên cạnh đó, xây dựng khung giá trị về các tiêu chí tiêu chuẩn văn hóa đô thị dành cho các huyện gắn với phong trào đoàn kết xây dựng văn hóa, xây dựng lối sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị. Ngoài ra, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng văn hóa đô thị ở vùng nông thôn trên địa bàn TP.
Thảm xanh Cần Giờ hướng nhìn ra biển. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Riêng đề án về đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước của chính quyền các huyện trong quá trình chuyển từ huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM, ông Vũ Tuấn Hưng - đại diện nhóm đề án của Sở Nội vụ TP, cho rằng đề án nghiên cứu khảo sát, phân tích thực trạng hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn 5 huyện hiện nay; đánh giá và dự báo các thời cơ, thách thức, tác động trong quá trình chuyển huyện thành quận hoặc TP theo chủ trương của TP.HCM trong giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó đề xuất các phương án, giải pháp hoàn thiện hoạt động quản lý nhà nước trong quá trình nâng cấp chuyển từ huyện thành quận hoặc TP đảm bảo bộ máy tinh gọn nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phát huy được tính đặc thù và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của 5 huyện khi chuyển thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM.
Đề án cũng đề xuất các phương án, biện pháp và giải pháp tổ chức thực hiện mục tiêu, chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển hoạt động quản lý nhà nước theo mô hinh quản trị đô thị thích ứng và chủ động triển khai vận hành các nhiệm vụ chính trị trong quá trình chuẩn bị, chuyển đổi và hoàn hiện chính quyền đô thị chuyển đổi sang trạng thái mới - đơn vị hành chính quận, TP thuộc TP với hiệu quả, hiệu lực và tạo đà cho các đơn vị hành chính trên phát triển nhanh và bền vững.
Đời sống cư dân đô thị phải khá hơn
Đối với đề án về xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo mô hình phát triển kinh tế đô thị của các huyện chuyển thành quận hoặc TP thuộc TP trong giai đoạn 2021 - 2030 và đề xuất các giải pháp thực hiện, ông Nguyễn Anh Phong - đại diện nhóm đề án của Sở Kế hoạch đầu tư TP cho biết đề án nhằm xây dựng khung phân tích đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xã hội, của các huyện ngoại thành TP.HCM giai đoạn 2016-2020, xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo mô hình phát triển kinh tế đô thị của các huyện chuyển thành quận hoặc TP thuộc TP trong giai đoạn 2021 – 2030 và đề xuất các giải pháp thực hiện.
Đề án cũng xác định mục tiêu cụ thể về xây dựng khung phân tích đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế xã hội theo mô hình kinh tế đô thị của các huyện chuyển thành quận hoặc TP trực thuộc của TP.HCM. Đồng thời, đánh giá thực trạng phát triển bền vững kinh tế xã hội của các huyện ngoại thành TP.HCM giai đoạn 2016-2020, nhận định những mặt tích cực và các hạn chế.
Để thực hiện thành công Đề án chuyển đổi các huyện ngoại thành thành quận hay TP trực thuộc TPHCM, ông Nguyễn Anh Tuấn -đại diện nhóm đề án của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho rằng trước mắt, 5 huyện ngoại thành cần tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới... Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại.
Bên cạnh đó, cần tạo các cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động mạnh mẽ các nguồn lực của người dân, doanh nghiệp từ các địa phương khác và vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và các ngành nghề phi nông nghiệp.
Quang cảnh hội nghị.
“Mục đích chính là người dân cần được hưởng các điều kiện sống tốt nhất.”- ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng phát triển đô thị, tổ chức thực hiện đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận giai đoạn 2021 - 2030 chính là sự phát triển hài hoà giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá hơn, sống tiện nghi và hạnh phúc hơn.
Trao đổi về đề án “con người đô thị”, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước kiến nghị tác giả khi nghiên cứu xây dựng đề án cần đặc tả đặc tính nhận dạng con người đô thị khi chuyển đổi từ huyện thành quận, TP; các khoảng cách cần lấp đầy hay các đặc tính nhận dạng cần chuyển tiếp của con người hiện nay để trở thành con người đô thị.
Về đề án “Cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo mô hình phát triển kinh tế đô thị”, ông Phước cho rằng nhóm tác giả cần nghiên cứu bổ sung thêm về cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng mục tiêu kinh tế, xã hội cho giai đoạn chuyển tiếp từ huyện thành quận, TP. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình hay khung lý luận để chỉ ra cách thức phát triển mục tiêu kinh tế, xã hội một cách khoa học và thực tiễn, có thể thuyết phục trước các phản biện của Hội đồng khoa học khi xét duyệt duyệt đề tài.
Về định hướng phát triển, ông Phước cho rằng cần tách biệt định hướng phát triển hạ tầng đô thị 5 huyện chuyển thành quận, TP thuộc TP, với định hướng phát triển điều chỉnh quy hoạch chung của TP nói chung. Đồng thời, đề nghị trong nhóm giải pháp về nguồn nhân lực, cần có định hướng cụ thể giải pháp về cơ chế huy động vốn.
Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân ghi nhận và đánh giá cao các nhóm tác giả đã thực hiện các đề án khoa học (đề cương chi tiết đề án nhánh) thuộc đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030. Ông Nhân mong muốn các huyện cần xây dựng đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM trước 30.8.2022.
4 huyện lên thành phố trực thuộc TP.HCM
Theo định hướng, huyện Cần Giờ phát triển thành TP trực thuộc TPHCM, phát triển thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…
Huyện Củ Chi đề xuất phát triển thành TP trực thuộc TPHCM. Huyện định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị...
Huyện Hóc Môn định hướng phát triển thành TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Huyện sẽ phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistic…
Huyện Bình Chánh định hướng chuyển huyện thành TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện Bình Chánh đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực…
Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh, xây dựng thành quận thuộc TP. Huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt, tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số…
Tú Viên
Long Hồ
Từ khóa » Hà Nội đề Xuất 4 Huyện Lên Quận
-
Hà Nội đề Xuất 4 Huyện Lên Quận - Tài Chính
-
Hà Nội Sắp Có Thêm Nhiều Huyện Lên Quận - Thư Viện Pháp Luật
-
Hà Nội Sẽ Có Nhiều Huyện Lên Quận - VnExpress
-
Hà Nội đề Xuất 4 Huyện Lên Quận - Tiền Phong
-
Hà Nội Sẽ Có 8 Huyện Phát Triển Lên Quận - VnEconomy
-
Hà Nội đề Xuất đưa 4 Huyện Lên Quận: Người Dân "ngơ Ngác" Trong ...
-
5 Huyện Hà Nội Dự Kiến Lên Quận Vào Năm 2025 - Báo Lao Động
-
Hà Nội: Kịp Thời Tháo Gỡ Khó Khăn, Hỗ Trợ 5 Huyện Phát Triển Thành ...
-
Hà Nội: Phấn đấu Năm 2023, Huyện Đông Anh Và Gia Lâm Lên Quận
-
TP.HCM: Đưa 4 Huyện Lên Thành Phố, 1 Huyện Lên Quận - Báo Tuổi Trẻ
-
TP.HCM định Hướng 4 Huyện Lên Thành Phố, 1 Huyện Lên Quận
-
Tiến độ 'cuộc đua' Lên Quận Của 5 Huyện: Hoài Đức, Đan Phượng ...
-
Hà Nội: Phấn đấu đến Năm 2023, Hai Huyện Đông Anh, Gia Lâm Lên ...
-
Phát Triển 5 Huyện Lên Quận: Còn Khối Lượng Lớn Công Việc để Hoàn ...