Trẻ Mọc Răng Mất Bao Lâu Và Làm Gì để Giảm đau Cho Trẻ

1. Trẻ mọc răng mất bao lâu - băn khoăn của nhiều cha mẹ

Trẻ mọc răng là dấu hiệu cho thấy sự phát triển quan trọng của hệ xương và răng đáp ứng nhu cầu ăn nhai của trẻ sau này. Thông thường, ở tháng thứ 6 sau khi sinh, trẻ sẽ mọc chiếc răng sữa đầu tiên, sau đó các răng sẽ tiếp tục mọc cho đến khi lấp đầy hai hàm răng.

Trẻ mọc răng mất bao lâu

Mọc răng là giai đoạn phát triển răng và xương quan trọng ở trẻ nhỏ

Thời gian trẻ bắt đầu mọc răng cũng như thời gian để trẻ mọc đủ răng sữa là khác nhau phụ thuộc vào yếu tố thể chất, dinh dưỡng,… Có nhiều trẻ mọc răng sớm và kết thúc sớm hơn bình thường hoặc ngược lại, đây thường không phải là dấu hiệu quá mức gây lo lắng.

Song cha mẹ cần lưu ý và theo dõi những mốc thời gian trẻ mọc răng như sau:

  • Trẻ từ 5 - 8 tháng tuổi: Thông thường trẻ đã mọc hoàn thiện 4 cái răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới.

  • Trẻ từ 7 - 10 tháng: Trẻ tiếp tục mọc 4 răng cửa bên.

  • Trẻ từ 12 - 16 tháng tuổi: 4 chiếc răng hàm đầu tiên sẽ được mọc lên.

  • Trẻ từ 14 - 20 tháng tuổi: là thời điểm để 4 chiếc răng nanh của trẻ mọc.

  • Trẻ từ 20 - 32 tháng tuổi: Mọc 4 chiếc răng hàm thứ 2 còn thiếu.

Trẻ đến 2 tuổi thường đã mọc đủ 2 hàm răng sữa

Trẻ đến 2 tuổi thường đã mọc đủ 2 hàm răng sữa

Thông thường khi trẻ 2 tuổi sẽ có đầy đủ một hàm răng sữa 20 chiếc răng chia đều ở hai hàm trên và dưới. Trẻ sẽ có một lần thay răng vĩnh viễn nữa và mọc thêm các răng hàm khi trưởng thành để hoàn thiện.

2. Các dấu hiệu cho thấy trẻ chuẩn bị mọc răng

Quá trình mọc răng là một trong những quá trình quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ, song giai đoạn này việc chăm sóc cho trẻ sẽ khó khăn hơn vì trẻ dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe. Cha mẹ nên nắm rõ và nhận biết các dấu hiệu trẻ chuẩn bị mọc răng để chăm sóc tốt hơn.

2.1. Trẻ bị chảy nước dãi

Trẻ nhỏ thường hay chảy nước dãi, nhưng ở giai đoạn chuẩn bị mọc răng hoặc đang mọc răng, nước dãi trong khoang miệng sẽ chảy ra nhiều hơn. Điều này có thể khiến trẻ khó chịu, hãy dùng khăn thấm nước dãi ở cằm trẻ để tránh gây bẩn quần áo. Ngoài ra nên hạn chế cho trẻ mút tay, tay trẻ kéo theo nhiều bụi bẩn vi khuẩn đưa vào miệng dễ gây viêm nhiễm nướu khi đang mọc răng.

2.2. Trẻ bị đau và sưng lợi

Răng sữa đẩy lên khi mọc sẽ khiến lợi sưng lên, đỏ và đau khó chịu nên trẻ dễ quấy khóc hoặc đưa tay vào ngậm miệng. Chiếc răng sữa đầu tiên mọc là lúc khiến trẻ đau nhất, nên tránh để trẻ gặm tay hoặc vật dụng cứng. Có thể dùng thuốc bôi, thuốc uống hoặc các biện pháp giảm đau tự nhiên như chườm ấm, chườm đá cho trẻ.

Trẻ mọc răng thường bị đau nên chán ăn

Trẻ mọc răng thường bị đau nên chán ăn

2.3. Trẻ thích cắn

Cảm giác bứt rứt khi răng chồi lên khỏi lợi gây ra cảm giác vô cùng bứt rứt khó chịu. Đây là lí do khiến trẻ thích cắn mọi thứ xung quanh để giảm khó chịu, cha mẹ có thể cho trẻ cắn các núm vú mềm để tránh gây tổn thương răng và lợi.

2.4. Bú ít, bỏ ăn

Cơn đau răng và lợi thường xuyên khiến trẻ dễ cáu kỉnh quấy khóc hơn, ngoài ra trẻ cũng sợ bú và bú ít hơn. Việc này kết hợp với hệ miễn dịch thay đổi ở trẻ độ tuổi 6 tháng tuổi trở lên khiến trẻ dễ bị ốm sốt, tiêu chảy hơn. Cha mẹ cần lưu ý bổ sung đủ dinh dưỡng, cho trẻ bú và ăn dặm nhiều bữa để đảm bảo sức khỏe.

2.5. Sốt

Mọc răng thường chỉ gây sốt nhẹ, nếu trẻ sốt cao kèm các triệu chứng khác thì thường do nguyên nhân bệnh lý kết hợp như sốt virus, viêm đường hô hấp,… Nếu trẻ sốt cao và kéo dài, cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm để theo dõi và hạ sốt kịp thời.

2.6. Trẻ mất ngủ

Cơn đau răng không những khiến trẻ khó chịu mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ đêm. Trẻ dễ giật mình tỉnh giấc và quấy khóc hơn, lúc này hãy vỗ về để trẻ an tâm và dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Thời gian trẻ mọc mỗi răng thường từ 5 - 7 ngày kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện

Thời gian trẻ mọc mỗi răng thường từ 5 - 7 ngày kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện

Thông thường các triệu chứng mọc răng trên của trẻ sẽ xảy ra trước khi răng nhú lên từ 3 - 5 ngày. Khi răng nhú lên hẳn khỏi lợi, nghĩa là sau 5 - 7 ngày triệu chứng sẽ giảm và thường không còn gây khó chịu nghiêm trọng, trẻ sẽ sinh hoạt và vui chơi bình thường. Cha mẹ cần chú ý theo dõi các triệu chứng và hỗ trợ trẻ bằng việc chăm sóc răng miệng, vệ sinh, cho trẻ bú và ăn đủ dinh dưỡng,… Các trường hợp trẻ sốt cao, có dấu hiệu viêm nhiễm vùng nướu cần đưa trẻ đi khám nha khoa để điều trị, giảm triệu chứng.

3. Làm gì để giảm đau do mọc răng cho trẻ?

Các chuyên gia nhi khoa gợi ý một số biện pháp giảm đau và khó chịu do mọc răng của trẻ nhỏ mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà như:

3.1. Dùng khăn lạnh

Dùng khăn ẩm nhúng nước lạnh hoặc bọc đá viên để lau miệng cho trẻ, nhiệt độ lạnh sẽ giúp giảm sưng đau rất tốt ở vùng nướu. Ngoài ra có thể cho trẻ ngậm kẹo lạnh để quên đi cảm giác đau do mọc răng, lưu ý tránh cho trẻ ngậm đá hoặc uống nước quá lạnh sẽ gây viêm họng.

3.2. Dùng thuốc giảm đau không kê đơn

Có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau hoặc dùng loại thuốc bôi khi trẻ mọc răng, cách này có tác dụng nhanh nhưng có thể gây tác dụng phụ. Do đó, cần sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng.

Cho trẻ ngậm ti giả sẽ giúp giảm cảm giác đau và khó chịu do mọc răng

Cho trẻ ngậm ti giả sẽ giúp giảm cảm giác đau và khó chịu do mọc răng

3.3. Cho trẻ ngậm ti giả

Nếu đau khó chịu khiến trẻ quấy khóc hoặc mất ngủ, có thể cho trẻ ngậm ti giả để làm giảm cảm giác này. Ban ngày hãy chơi với trẻ để trẻ quên đi cơn đau nhức.

3.4. Vệ sinh răng miệng

Trẻ ở độ tuổi đang mọc răng cần vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh nhiễm trùng nướu và răng. Nên dùng tay hoặc dụng cụ làm sạch chuyên dụng để vệ sinh nướu răng cho trẻ sau khi ăn hoặc bú. Ngoài ra, cần chú ý lau khô nước dãi chảy nhiều xuống ngực, cổ để tránh gây viêm da.

Trẻ mọc răng mất bao lâu còn tùy vào từng trẻ, thông thường là 5 - 7 ngày cho mỗi lần mọc răng. Phụ huynh cần hiểu rõ về thời gian cũng như các triệu chứng trẻ mọc răng để chăm sóc bé tốt hơn. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khóa » Hình ảnh Răng Nanh