Xây Dựng “Môi Trường Giáo Dục Lấy Trẻ Làm Trung Tâm” Tại Lớp Học

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ truyền đạt kiến thức cho trẻ một cách thụ động mà các cô giáo cần phải tạo ra các điều kiện, các cơ hội để tất cả trẻ được chủ động, sáng tạo, được tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm. Để đạt được điều này, giáo viên cần nắm được hứng thú, nhu cầu, trình độ, khả năng của từng trẻ trong lớp, trên cơ sở đó lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân trẻ. Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cần đảm bảo: Hứng thú, nhu cầu, kỹ năng, thế mạnh của mỗi trẻ đều được hiểu, đánh giá đúng và được tôn trọng. Mỗi trẻ đều có cơ hội tốt nhất để thành công.

           (Trẻ chơi đóng vai bác sĩ khám bệnh)

            Môi trường giáo dục trong trường mầm non là những điều kiện tự nhiên, xã hội cần thiết trực tiếp ảnh hưởng đến mọi hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

(Trẻ chơi khám phá)

Do vậy khi xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ tôi đã chú ý đảm bảo các nguyên tắc sau:

          1. Thiết kế môi trường giáo dục phải hướng vào việc phát triển toàn diện của trẻ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mầm non và mục tiêu cuối độ tuổi, đồng thời phù hợp với mục đích tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn tạo cho trẻ cảm giác được yêu thương, tôn trọng và đáp ứng các nhu cầu chính đáng.

        (Góc: Nghệ thuật)

        2. Bố trí, sắp xếp các khu vực chơi, hoạt động trong lớp và ngoài trời phù hợp với chủ đề, thuận tiện cho việc sử dụng của giáo viên và trẻ. Bố trí các góc hoạt động hợp lí: Góc hoạt động cần yên tĩnh bố trí xa góc hoạt động ồn ào, góc thư viện/sử dụng sách, tranh ở những nơi nhiều ánh sáng…

 (Trẻ chơi ở góc Xây dựng)

          3. Đảm bảo đủ và đa dạng các loại vật liệu, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng chủ đề; thể hiện được rõ nét văn hóa của địa phương để tạo cơ hội cho trẻ tham gia, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào việc xây dựng môi trường và kích thích sự phát triển toàn diện cho trẻ.

(Trẻ chơi ở góc Sách- Thư viện)

         4. Luôn tạo cơ hội và mở rộng mối quan hệ giao tiếp xã hội giữa trẻ với nhiều người giúp trẻ tự tin, tích cực, hứng thú với các hoạt động giáo dục phát triển toàn diện; sưu tầm và sáng tạo thêm trò chơi bằng cách thường xuyên thay đổi cách chơi, luật chơi để khích lệ trẻ tham gia, chủ động chơi- tập- thử nghiệm với các loại thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; khuyến khích trẻ tự tạo ra đồ chơi, trò chơi theo ý tưởng riêng của mình; tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động chơi tự do, hội thi, lễ hội... để trẻ được trải nghiệm và “tập làm”.

(Trẻ chơi đi siêu thị mua hàng)

          5. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường, lớp mầm non; tạo nhiều cơ hội cho gia đình được tham gia vào các hoạt động của lớp, xây dựng mối quan hệ tích cực đối với gia đình trẻ, phối hợp chặt chẽ với gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tôn trọng sự khác biệt và nhu cầu của mỗi gia đình để có những phối hợp với từng gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm thu hút các bậc cha mẹ tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng môi trường giáo dục trong trường, lớp mầm non.

       (Cô giáo tuyên truyền về Trang trí lớp qua buổi họp phụ huynh đầu năm học)

                Xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu của chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và rất quan trọng. Thông qua chơi, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Xây dựng tốt môi trường giáo dục là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non, phù hợp với phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo: "Học bằng chơi, chơi mà học". Kết quả chấm trang trí, sắp xếp môi trường lớp B2 đã xếp loại tốt và xếp thứ 2 trong toàn trường: 2/12 lớp toàn trường.

(Hội đồng nhà trường chấm Trang trí môi trường)

Trẻ ở lớp mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, hình thành những mối quan hệ tốt đẹp với trường lớp, với gia đình, bạn bè và xã hội, luôn tự tin vào bản thân. Các bậc cha mẹ luôn hưởng ứng nhiệt tình mọi hoạt động của lớp.

(Góc khám phá)

Để phát huy những kết quả đã đạt được lớp B1 sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, xứng đáng với niềm tin của cha mẹ, của nhân dân, của nhà trường, của ngành giáo dục thành phố Bắc Giang.

                   Cô giáo: Nguyễn Thị Kiều

Từ khóa » Cách Xây Dựng Môi Trường Lấy Trẻ Làm Trung Tâm