Ý Thức Về Giá Trị Bản Thân | Gia đình Bi Bầu
Có thể bạn quan tâm
Quý trọng bản thân để tận hưởng cuộc sống
TT – Ý thức về giá trị bản thân bạn sẽ suy nghĩ độc lập, sống tự lập và không phụ thuộc người khác lẫn các chất kích thích. Biết quí trọng bản thân bạn sẽ nâng niu cuộc sống và luôn hoàn thiện nó.
Cuộc sống hiện đại với những tiến bộ kinh tế kỹ thuật lại tạo ra nhiều sức ép về mặt tâm lý, xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Gia đình lúng túng trong nuôi dạy con, xã hội tạo lối sống bon chen… từ đó khi gặp thử thách thay vì đối diện với những vấn đề nan giải và tìm những giải pháp tích cực, các bạn trẻ dễ có xu hướng buông xuôi, tự hủy hoại bản thân với những thói quen tiêu cực như ăn chơi quá đà, thức khuya dậy trễ, tìm sự khuây khỏa với thuốc lá, rượu, ma túy… Có bạn tìm cả cái chết…
Trong khi các nước khác đã có những dịch vụ tâm lý xã hội để giúp các cá nhân tự giải tỏa thì ở nước ta lại thiếu nhiều. Thậm chí có thể nói là không có. Khi giáo dục còn khiếm khuyết, một bộ phận bạn trẻ chưa phát triển được một nhân cách lành mạnh, tự tin.
Vậy thì trước mắt chúng ta hãy tự giúp mình bằng một lối sống tích cực. Bằng cách nào? …
– Trước tiên tập trung vào những điểm sáng của cuộc sống: những gương vượt khó, học giỏi, về Mùa hè xanh và đặc biệt là hãnh diện với những thành công nho nhỏ của chính bản thân. Hãy thưởng thức một cuốn phim hay, cười thật nhiều với một vở hài kịch. Hãy biết ơn về những tình bạn mà ta có, hãy nâng niu em bé xinh xắn kia.
– Bắt đầu một ngày với tư tưởng tích cực: ngày hôm nay tôi sẽ làm một điều có ích, tôi sẽ tha thứ ai đó đã làm phật lòng tôi, tôi sẽ cố gắng đúng giờ và giữ thói quen này…
– Quan trọng là thực hiện những điều tôi đã quyết tâm. Vì làm đi đôi với nói sẽ đem lại sự tự tin. Mỗi ngày lặp lại hành động tốt sẽ tạo thói quen và thói quen được tích lũy sẽ tạo thành tính cách. Tính cách tốt được mọi người thương yêu, kính trọng.
– Hãy luôn hoàn thiện bản thân bằng những cố gắng nho nhỏ. Như mỗi ngày đọc vài trang sách, đi bộ 30 phút, tập một bài hát hay, một trò chơi mới để giúp vui cho tập thể. Phát triển năng khiếu giúp ta sống vui và đem lại niềm vui cho người khác.
– Tập thói quen sống kỷ luật và ngăn nắp như đúng giờ, giờ nào việc ấy, vật nào chỗ nấy. Sống có kỷ luật là làm chủ bản thân, làm người khác tôn trọng mình, không trở thành nô lệ của những thói quen xấu.
– Không tránh né sự thật, nhìn thẳng vào nó, tôn trọng nó, nói lên sự thật một cách khéo léo và tế nhị mỗi khi cần vì sự thật “giải phóng chúng ta”. Thói quen này giúp bạn ngẩng đầu lên. Bạn sẽ không còn cảm giác thiếu sót với xã hội vì đã góp phần xây dựng nó.
– Có trách nhiệm với bản thân và người khác. Luôn quan tâm đến người khác.
Sống như trên bạn sẽ quí trọng bản thân. Ý thức được về giá trị bản thân bạn mới không hủy hoại nó. Ý thức về giá trị bản thân bạn sẽ suy nghĩ độc lập, sống tự lập và không phụ thuộc người khác lẫn các chất kích thích. Biết quí trọng bản thân bạn sẽ nâng niu cuộc sống và luôn hoàn thiện nó.
Bạn đừng tham lam vội vã để trở thành một con người hoàn hảo. Chỉ cần mỗi ngày bạn có một động tác tích cực, tập một thói quen nhỏ và kiên trì với nó. Chúc bạn thành công, yêu cuộc sống và bản thân mình.
NGUYỄN THỊ OANH
Bài 1 : Nói sao cho người ta nghe
Ta đã thấy, không chỉ cần ta phát ra một câu thì được người kia hiểu ý ta, thông cảm với ta hay hành động theo ý ta. Sự thật không phải vậy. Trong gia đình, nhà trường, cơ quan …ta luôn cần góp ý cho con cái , học trò, cấp dưới hay đồng nghiệp…Điều này không dễ cho nên lắm khi ta không nói ra suy nghĩ của mình và khoảng cách giữa ta với họ có thể bị khoét rộng hay hiểu lầm có thể xảy ra. Có khi ta không thiếu thiện chí nhưng bị phản ứng ngược. Vì người nghe như người nói cũng bị chi phối bởi những động cơ, cảm xúc mà họ không ý thức . Cuối cùng thông điệp phát ra không được “giải mã" theo đúng ý đồ ban đầu của nó. Nhưng từ phía người phát, nếu biết mình và làm chủ được mình thì sự sai lệch có thể giảm bớt. Ngòai ra, có những nguyên tắc sau đây có thể giúp truyền thông có hiệu quả khi ta muốn góp ý người khác.
1)Chỉ phản hồi hay góp ý nhận xét về người khác khi họ có yêu cầu hay sẵn sàng đón nhận thông điệp.Ông chồng đi làm về rất mệt, cô vợ kể một hơi về những chuyện lủng củng với con cái trong ngày và câu chuyện không giải quyết được. Cả hai đều bực.
Một “đối tượng xã hội” đang lún sâu vào lỗi lầm, ta gọi họ để ‘lên lớp” giảng “đạo đức”. Chắc chắn là không hiệu quả vì nếu không chống đối họ cũng tránh né. Phải cố gắng tiếp cận, giúp đỡ họ, đối xử bình thường để rồi khi họ bắt đầu được cảm hóa phần nào ta mới có thể bắt đầu câu chuyện.
Bà mẹ thấy con gái có vẻ bồn chồn, cứ gặng hỏi thay vì kiên nhẫn chờ và có thái độ cởi mở để con bắt đầu trước, bà không thành công.
2) Nhận xét về người kia nên chỉ mang tính mô tả, không nên phê phán đánh giá, không nên đưa ý kiến riêng của mình vào.“Hôm qua con quên lau nhà rồi” (sự kiện) thay vì “con hư lắm” (phê phán). Đứa trẻ sẽ dễ chấp nhận và cố gắng sửa. Nếu phê phán, trẻ sẽ bị tổn thương và đổ lì.
3) Nêu lên sự kiện thay vì nói chung chung.Sếp nói với cấp dưới: “Vì sao ba tuần qua tuần nào anh cũng nộp báo cáo trễ ?” thay vì “Lúc này anh làm việc sa sút đó nhé”. Cấp dưới sẽ lo âu và không biết đường đâu mà sửa
4) Nói về những hành vi sửa được thay vì những hành vi mà người kia không kiểm sóat được.“Em hãy sửa thói quen đi học trễ”, thay vì “em phải bỏ cái thật cà lăm đi”
5)Nói về hành vi quan sát được thay vì ý đồ, động cơ của người kia mà ta chỉ đoán mò.“Lúc này anh hay đi về trễ quá nhỉ” thay vì “Anh hẹn với con nào mà về trễ vậy”?”
6)Góp ý về sự việc mới xảy ra thay vì lôi các chuyện cũ ra mà cằn nhằn.Có những bà vợ khi giận chồng về một sự kiện mới xảy ra thường lôi những lỗI lầm mấy chục năm trước thành một điệp khúc vô tận khiến cho đôi bên “dễ xa nhau”
7)Góp ý đúng lúc, khi sự phản hồi có thể áp dụng thay vì để chuyện xảy ra lâu rồI mới nhắc tới.Nếu không đúng lúc, sự phản hồi sẽ vô ích và làm cho người kia bực bội thêm.
8. Nhằm mục đích giúp đỡ người kia thay vì giải tỏa nhu cầu của chính mìnhCác thầy giáo nhục mạ học trò, những cha mẹ bạo hành với con cái. Họ không làm nhiệm vụ “giáo dục” mà đang xổ những bục bội của chính mình, giận cá chém thớt, ra oai. Nói cách khác họ “vì họ” và biến những đứa trẻ thành những nạn nhân đáng tội nghiệp.
9)Không đòi hỏi người kia phải thay đổi mà cung cấp dữ kiện cho họ suy nghĩ và tự thay đổi.“Mẹ thấy điểm của con lúc này có hơi xuống đó” thay vì “kỳ này mà không xếp hạng cao hơn thì chết với tao”. Trẻ sẽ dễ chấp nhận như một nhận xét khách quan, nhẹ nhàng và dễ sửa chữa hơn.
10)Mỗi lần nhận xét về một điều thôi, đưa ra nhiều ý quá sẽ là gánh nặng cho ngườI kia.“Tuần này con cố gắng dọn phòng cho sạch sẽ nhé” thay vì “thứ nhất học thuộc bài, thứ hai luôn dọn phòng cho ngăn nắp, thứ ba không quăng quần áo dơ bậy bạ”.
Đứa trẻ dù có thiện chí cũng không nhớ hết mà thi hành. Và có lẽ người lớn cũng nản lòng thôi.
Truyền thông là một khoa học và một nghệ thuật, một kỹ năng. Đã là một kỹ năng thì phải được dày công rèn luyện.(Thạc sĩ Nguyễn thị Oanh)
Bài 2 : Nghe sao cho người ta nói(Quà tặng trái tim)
Để truyền thông có hiệu quả ta không chỉ cần “biết ăn nói” hay “nói sao cho người ta nghe” mà còn phảI biết “nghe sao cho người ta nói”, vì đó là một tiến trình hai chiều nhằm tạo sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Trong câu chuyện, phải làm sao cho người kia tự cởi mở mình mới biết họ nghĩ gì để đáp ứng một cách phù hợp.
Ta hay chê ai đó sống khép kín, ít chịu cởi mở. Còn không ít cha mẹ than rằng con mình lúc chơi với bạn thì nói líu lo, nhưng về tới nhà thì im thin thít. Đó một phần do tâm lý lứa tuổi nhưng phần lớn các em cảm nhận rằng cha mẹ ít hiểu mình.
Trong lớp học, chúng tôi thường cho sinh viên làm một trắc nghiệm nhỏ với câu hỏi : “bạn thích nói chuyện với ngườI như thế nào?”. Nhiều đặc tính được liệt kê như vui vẻ, họat bát…nhưng trong hầu hết các câu trả lờiđều có ghi : “ngườiđó phảI biết lắng nghe”, “ngườiđó phải hiểu được tôi”. Ta cũng vậy thôi vì ta luôn muốn người khác hiểu mình. Vậy mà trong giao tiếp ta quên suy bụng ta ra bụng người ở điểm này nên thích nói hơn thích nghe. Khi tiếp chuyện, chưa kịp hiểu người kia trọn vẹn thì ta đã giải thích, an ủi, khuyên lơn, đưa ra giải pháp…Trong các buổi họp nhóm, một nhóm viên đang phát biểu thì ta cướp lời, giơ tay đòi phát biểu. Trí óc ta rộn ràng với những suy nghĩ riêng tư để chuẩn bị phát biểu, lấy đâu mà tập trung nghe người kia. Điều này dễ hiểu vì ta có xu hướng tự nhiên là nghĩ về mình, hướng về mình.
Lắng nghe tốt khó hơn nói hay rất nhiều vì nó đòi hỏi một cố gắng sâu sắc từ phía ta để tạm thời nén mình, quên mình đi để tập trung sự chú ý vào người đối thọai. Phải đặt mình hoàn toàn vào vị trí của người kia để cố hiểu câu chuyện như chính họ hiểu. Nếu không ta sẽ lý giải theo kiểu của ta. Theo các nhà tâm lý, để người kia tự bộc lộ với mình, người nghe phải có một thái độ trung thực , tôn trọng và chấp nhận cũng như không phê phán họ. Nhiều bạn trẻ cho biết họ không dám phát biểu trong nhóm vì sợ bị chê cười, chỉ trích, đánh giá. Không phê phán không có nghĩa là không phân biệt rạch ròi giữa tốt và xấu mà là một sự tôn trọng tuyệt đối người đang đối diện với mình vì họ là một con người, và ta phân biệt con người và hành động của họ. Việc phê phán, nhận xét thuộc về người có chức năng, ngọai trừ khi chính đối tượng yêu cầu ta góp ý. Ở đây, các bài lên lớp dạy đời sẽ phản tác dụng.
Tiếng Việt chúng ta chỉ có một từ nghe trong khi tiếng Pháp và tiếng Anh phân biệt hai động tác khác nhau. Nghe dịch từ “entendre: hay “hear” là một phản ứng vật lý ghi nhận âm thanh, tiếng ồn…Còn nghe theo nghĩa “ecouter” hay “listen” la một thái độ và hành động tích cực để tiếp thu ý nghĩa. Như thế, ta không chỉ nghe bằng tai mà bằng cả khối óc. Tiếng Ý, nghe là “sentire” là cảm nhận. Nghĩa là ta nghe bằng con tim nữa để cảm nhận được cảm xúc của ngườI kia. Nghe bằng mắt có nghĩa là giải mã truyền thông không bằng lời qua nét mặt, ánh mắt, cử chỉ của người đối thọai. Có rất nhiều cảm xúc, ý tưởng được diễn tả bằng sự thinh lặng. Nếu ta không quan sát kỹ thì không “nghe” được những gì đang “thay lời muốn nói”. Được biết, trong tiếng Hungary một từ được dùng chung cho nghe và in lặng. Ta phải im lặng người kia mới có thể nói. Quan trọng hơn là sự thinh lặng bên trong ta, có nghĩa là tâm tư hoàn toàn thuộc về người đang nói. Tiếng Vịêt ta có chữ “lắng nghe” có nghĩa là tâm hồn người nghe phảI lắng đọng mới nghe tốt.
Biết bao lần ta bị ức chế vì không được lắng nghe. Vì nghe không chỉ là một sự im lặng thụ động mà là một thái độ tích cực có chức năng gợi mở , khuyến khích để người kia dám nói và chịu nói. Nói ra được thì lòng họ mới vơi và ta thì hiểu họ tốt hơn. Chính thái độ tôn trọng, chấp nhận, không phê phán kể trên giúp cho lắng nghe trở thành tích cực. Người được góp ý không chịu lắng nghe cũng khổ. Bà T không có bạn vì bà rất khó tính . Bà luôn cho mình đúng và không bao giờ chấp nhận ý kiến của người khác. Riết rồi ai cũng xa lánh bà.
Câu chuyện dân gian dưới đây sẽ giúp bạn luôn nhớ ý nghĩa quan trọng của lắng nghe :
– Alice hỏI “Bà ơi, sao con ngườI có hai tay, hai chân, hai mắt, hai tai mà chỉ có một miệng và một mũi hở bà ?”. Và bà trả lời : “Hai tay để con lao động cật lực, hai chân để con đi xa học rộng, hai mắt để con học hỏi tìm tòi. Còn hai tai mà chỉ một mũi, một miệng là để con không xỏ mũi vào chuyện của người khác , nói ít đi và nghe thật nhiều!”
Lắng nghe là kỹ năng quan trọng cho các nhà quản lý, lãnh đạo và những nghề nghiệp mà đối tượng là con người. Vậy mà ta lo ghi danh theo các lớp dạy nói hơn là các lớp dạy nghe!
Lắng nghe cũng là một triết lý, một nghệ thuật sống giúp ta thành công trong mối quan hệ giữa người và người cũng như trong công tác.
(Thac sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 3 : Tự khẳng định là một yêu cầu
Tự khẳng định trong truyền thông đơn giản là nói lên suy nghĩ, nhu cầu và nguyện vọng của bạn cho người đối thọai . Không nói ra làm sao người kia hiểu để thông cảm hay đáp ứng sự mong chờ của bạn ? Ấy vậy mà chuyện này không dễ.
Xưa mỗi khi một đứa bé bị đòn hay bị rầy oan muốn giải thích thì bị gạt ngang :”con nít không được trả lời”. Chuyện này đã xưa nhưng có lẽ âm hưởng của xã hội tôn ti vẫn còn đó và một số cha mẹ hay người lớn nghĩ rằng mình khôn ngoan, từng trải hơn bọn trẻ nên những điều gì mình nghĩ là đúng hơn. Cha mẹ ít thấy cần để con cái được giãi bày.
Trong quan hệ nam nữ, người phụ nữ được xã hội hóa (theo đúng nghĩa xã hội học) để phục tùng, chịu đựng, hy sinh như là sứ mạng thiêng liêng của họ. Nếp nghĩ nay còn ăn khá sâu. Do đó hậu quả có thể nhận thấy khi có những bà nói huyên thuyên không ngừng được. Có lẽ đó là do họ bị ức chế và không cởi mở được lòng mình. Bà mẹ giận cá chém thớt do không dám đối đầu với ông chồng bèn xổ nỗi uất ức của mình lên đầu con cái. Có những người vợ, người mẹ ngoài 50 trở lên lại trở nên khó tính. Có thể là do các bà tự chịu ép mình quá lâu.
Sự nổi lọan của tuổi mới lớn là chuyện bình thường nhưng dường như ở xã hội ta bạn trẻ hiện nay “bung” ra mạnh hơn . Họ bỏ nhà ra đi, phá phách, sa vào các cuộc chơi nguy hiểm như đua xe, ma túy …Rất nhiều bạn trẻ than rằng cha mẹ không hiểu mình . Nhưng chính bạn có cố gắng làm cho cha mẹ hiểu không? Dường như chuyện này không dễ. Các bạn bị dồn nén như chiếc lò xo nên khi bung ra thì bật lên quá mạnh. Chỉ có một cách. Đó là các bạn tự khẳng định mình đúng cách. Tự khẳng định như nói ở trên là diễn đạt ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng của mình một cách thẳng thắn. Bạn có thể làm điều này một cách nhẹ nhàng, lễ phép hay thậm chí dễ thương nữa. Tự khẳng định không hề đồng nghĩa với tự kiêu, vô lễ hay hỗn hào. Có điều là bạn phải biết rõ mình và làm chủ những cảm xúc của mình. Kế đó là tự rèn luyện theo những nguyên tắc đã được trình bày trong những bài trước (nói sao cho người ta nghe, nghe sao cho người ta nói) . Tự khẳng định mà không xúc phạm người khác là một điều hoàn toàn có thể làm được. Hơn thế nữa, đó là nền tảng của sức khỏe tâm thần vì bạn không còn bị ức chế nữa.
Một điều có thể gây ngạc nhiên là để phòng chống HIV/AIDS trên khắp thế giới người ta mở những lớp tập huấn về kỹ năng tự khẳng định cho phụ nữ. Số là người phụ nữ bị lây nhiễm ngày càng đông và ở một số nước phụ nữ nhiễm đông hơn nam giới, đặc biệt, trong độ tuổi thanh niên. Nguyên nhân là do vị trí thấp kém của họ, họ không dám thương lượng với chồng hay bạn tình để sử dụng các biện pháp an toàn tình dục. ít ai ngờ ở thế kỷ 21 này, đại dịch HIV cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ có từ ngàn xưa !
Thay đổi một thói quen lâu đời, nhất là một thói quen tập thể là rất khó. Nó đòi hỏi sự thích nghi và sự hiểu biết từ cả hai phía. Từ góc độ của mình, bạn trẻ có thể tự rèn luyện ngay trong sinh họat đội nhóm vì có khi đối với người cùng trang lứa mình cũng e dè. Bạn hãy đen chuyện này ra bàn bạc và giúp nhau tự khẳng định.
Một xã hội năng động cần đến những công dân cởi mở, dấn thân, dám chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành động của mình.
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 4 : Thế nào là tự khẳng định
Hãy cứ là mình.
Tự khẳng định (TKĐ) là nguyên tắc ứng xử cơ bản nếu muốn có một nhân cách lành mạnh và những mối quan hệ hài hòa. Đây không có gì là bất lịch sự, ngạo mạn hay thiếu hợp tác.
Ngược lại, nó đem lại sự hiểu biết lẫn nhau và làm cho sự giao tiếp có hiệu quả hơn.
-NgườI TKĐ là người diễn đạt ý nghĩ, cảm xúc, ước muốn của của mình một cách cởi mở, trung thực, thẳng thắn và thích hợp. Thích hợp bởi lẽ không những họ tự trọng mà còn tôn trọng người đối diện và cố gắng diễn đạt như thế nào cho thật phù hợp với tính cách, hoàn cảnh và khả năng tiếp nhận của người khác để không gây sốc và thuyết phục.
-Người TKĐ là người có hướng đi rõ rệt trong cuộc sống, xông xáo để thực hiện điều mình muốn chứ không chờ cho sự việc xảy ra.
-Người TKĐ hành động với sự tự trọng và biết chấp nhận giới hạn của mình. Khi biết mình không đạt được ước nguyện, họ vẫn tự trọng vì đã làm hết sức mình.
Tuy nhiên, TKĐ rất khó vì phải có nhiều can đảm và phải có kỹ năng nữa. Nhiều người lòng không muốn nhưng miệng vẫn “vâng, vâng”. Họ luôn tìm cách làm hài lòng người khác, cho phép người khác dồn họ vào một hoàn cảnh mà họ không muốn. Họ không dám diễn đạt những ao ước lớn nhất của mình và dễ bị tổn thương bởi những gì người khác nói và làm. Họ lúng túng trước những người có quyền lực, không tự đứng vững mà gió chiều nào ngả theo chiều ấy. Họ luôn cần được người khác ngợi khen, tán thành mới thấy mình có giá trị. Cũng vì thế họ dễ cô đơn và cảm thấy trống rỗng.
Trước một tình huống, ba lọai hành vi có thể xảy ra :
-Những ngườI luôn phục tùng, chịu đựng dù lòng không muốn sẽ tránh né trách nhiệm quyết định cho bản thân và chờ những người khác quyết định cho mình. Họ để người khác lấn lướt.
-Những ngườI luôn mệnh lệnh, áp đặt, muốn ngườI khác làm theo ý mình, quyết định thay ngườI khác và xen vào những chuyện riêng của họ. Những người này luôn muốn thắng thế trong tranh luận, giành phần lợi về mình, không ngần ngại xúc phạm người khác. Có khi hấn tính của họ xuất phát từ một điểm yếu.
-Đối ngược với hai lọai hành vi trên, ngườI TKĐ là người tự trọng, biết bảo vệ quyền lợi và ý kiến riêng của mình mà không xúc phạm ngườI khác. Họ diễn đạt nhu cầu, giá trị và ước muốn riêngmà không làm hại đến ước muốn và nhu cầu của người khác. Họ có cách làm tế nhị phù hợp vớI từng hòan cảnh.
DướI đây là ví dụ về ba cách phản ứng :
Trong một rạp hát đông nghẹt, khán giả ngồi sau bạn nói chuyện lớn tiếng làm bạn không nghe được. Có ba cách phản ứng theo ba lọai hành vi
*Bạn không nói gì, ráng chịu đựng nhưng lòng rất bực bội và không xem phim được
*Bạn quay ra phía sau và quát : “nếu không im mồm tôi sẽ kêu người quản lý tống cổ mấy người ra ngòai”
*Bạn quay lại nhìn thẳng vào họ và nói một cách từ tốn : “Xin lỗi, mấy anh nói chuyện to quá làm tôi xem phim không được”
Trong hai cách phản ứng đầu, kẻ chịu đựng và ngườI quát tháo đều bực bội trong lòng. Hành vi gây hấn có thể tạo phản ứng mạnh từ phía đối thọai. Họ có thể bị chống đối ra mặt hay ngấm ngầm.
Họ dễ nóng nảy, giận dữ nên dễ có thể bị bệnh tim mạch. Người cam chịu lâu dài có thể bùng nổ với hấn tính rồi lại bị mặc cảm tội lỗi. Họ có thể buông xuôi, bị rối lọan tâm lý, bị bệnh tâm thần hay muốn tự tử.
NgườI TKĐ dù không thể tránh mâu thuẫn trong cuộc sống, cảm thấy mình tự do, thỏai mái với chính mình và người khác. Người Việt Nam ta có câu “mất lòng trước, được lòng sau” rất đúng, nhưng cũng không cần làm mất lòng ai khi mình biết sống “mình là mình” nhưng vẫn tế nhị với người khác.
Thái độ này rất cần thiết, không những trong quan hệ gia đình, bạn bè…, mà còn trong quan hệ công cộng.
Bạn trẻ chúng ta cần học cách TKĐ mà không làm buồn lòng người xung quanh. Muốn TKĐ phải biết rõ mình cần gì, muốn gì, rõ về những giá trị mà mình đang theo đuổi. Cần tập nói KHÔNG một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Trong khi đó vẫn tôn trọng và quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của người khác. Cũng có thể thái độ này lúc đầu sẽ không được chấp nhận, nhưng về lâu về dài nó sẽ rất tốt cho cả đôi bên.
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 5 : Ý thức về giá trị bản thân.
Một cái nhìn tích cực về bản thân, chính là nền tảng của sức khỏe tâm thần.
Tự quý trọng bản thân (self esteem) hay ý thức về giá trị bản thân (GTBT) là một khái niệm tâm lý học mà các nhà nghiên cứu, tham vấn và trị liệu ngày càng quan tâm. Kinh nghiệm cho thấy người càng có ít ý thức về GTBT khó phục hồi khi họ rơi vào các vấn đề xã hội như nghiện ngập, tội phạm…Ngược lại, người có ý thức về GTBT cao dù có phải đối phó với bao nhiêu thử thách của cuộc sống vẫn trỗi dậy để tiếp tục vươn lên.
Người có ý thức về GTBT thấp khi rơi vào tệ nạn xã hội xem cuộc đời mình như vứt đi rồi nên không cố gắng phấn đấu nữa. Chị A được hưởng nhiều chương trình giúp đỡ để hoàn lương như học nghề, giúp vốn, sửa nhà, học bổng cho con…nhưng vẫn trở lại đường cũ. Có lập luận đơn giản hóa vấn đề cho rằng thu nhập từ lao động giản đơn quá thấp, trợ cấp không thấm thía vào đâu so với thu nhập cao khi bán dâm, mà công việc lại nhẹ nhàng hơn nên chị em thích đua đòi khó bỏ nghề. Suy nghĩ này không đúng hẳn. Nếu chị em tái sa ngã chính là vì công tác phục hồi không đạt được mục tiêu thiết yếu, nhất là phục hồi nơi họ ý thức về GTBT.
Ngược lại với chị A, chị B trong khi hành nghề được rủ đi làm giáo dục đồng đẳng và sau một thời gian đã tự bỏ nghề. Chị hạnh phúc ra mặt dù số tiền bồi dưỡng hằng tháng chỉ vài trăm ngàn đồng. Chị đã đổi đời, cảm thấy mình sống có ích và được người xung quanh tôn trọng. Chị bỏ nghề vì đã phục hồi được ý thức về GTBT.
Vậy sự tự quý trọng hay ý thức về GTBT là gì ? Đó là một tâm thế trong mỗi người chúng ta dù ta có ý thức hay không về nó. Đó là một động lực thúc đẩy cá nhân tự vươn lên, là yếu tố cốt lõi để một nhân cách phát triển bình thường và lành mạnh. Đó là cảm nghĩ rằng mình xứng đáng để thành công, hạnh phúc, thỏa mãn các nhu cầu và thưởng thức kết quả của những nỗ lực bản thân. Những người ý thức được GTBT không phải là hoàn hảo, đạt đỉnh cao trong sự nghiệp hay luôn thành đạt. Họ nỗ lực cao và vui với những gì làm được nhưng nếu thất bại họ cũng không buồn vì đã làm hết sức mình. Không phải họ không sai lầm nhưng họ biết nhận ra sai lầm và sửa chữa . Thành công riêng của từng người còn tùy thuộc vào điều kiện khách quan và chủ quan nhưng đặc điểm của những người này là sống hạnh phúc với cái mình có.
Ý thức về GTBT không đảm bảo cho một sự phát triển hoàn hảo nhưng cung ứng các biện pháp để đối phó với lo âu, tuyệt vọng, ức chế. Ý thức về GTBT dĩ nhiên không thay thế cho kiến thức, kỹ năng mà cá nhân luôn phải học hỏi.
Người có ý thức về GTBT cao thường sát với thực tế. Họ biết uyển chuyển và thích nghi với sự thay đổi. Họ khoan dung, hợp tác, nhận lấy trách nhiệm của bản thân nhưng không lấn sân để nhận trách nhiệm của người khác. Ngược lại, người có ý thức về GTBT thấp thường có ý nghĩ tiêu cực, có khi bỏ cuộc trước khi bắt đầu.
Phương thức trị liệu cốt lõi cho những người rơi vào cuộc sống lệ thuộc vào người khác, vào những thói quen tiêu cực, rượu, ma túy…là giúp họ phục hồi ý thức về GTBT . Tuy nhiên không phải ai có ý thức về GTBT thấp cũng có bề ngoài sa sút như vậy. Có người thành đạt cao nhưng họ không hạnh phúc. Họ nỗ lực để chứng tỏ hay che giấu cái gì đó, thay vì để sống hết mình với cuộc sống. Anh H hồi nhỏ hay bị ngườI cha “tiên tri” rằng lớn lên sẽ không làm được tích sự gì và không gánh vác nổi sự nghiệp kinh doanh của gia đình vì anh rất ghét buôn bán. Nhưng anh đã nỗ lực học và thành công trong kinh doanh để chứng tỏ với cha là mình không đến nỗi như ông nghĩ . Nhưng các nhà tâm lý nói: “ta không thể thỏa mãn khi đạt được mục đích do người khác đề ra”.
Người có ý thức về GTBT thấp thường mù quáng với thực tế, cầu toàn quá mức, đòi hỏi cao, lấn trách nhiệm của người khác, không chấp nhận đóng góp của người khác . Lắm khi ta tự hỏi tại sao một anh A , chị B đạt đỉnh cao trong học hàm học vị , thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp mà tính tình bẳn gắt, hay gặp trục trặc trong các mối quan hệ. Có khi họ lệ thuộc thái quá , có khi lại nổi loạn. Đó là vì trong tiềm thức họ không đánh giá cao bản thân nhưng cố xây dựng một giá trị ảo bằng những yếu tố bên ngoài như thành đạt trong học hành, tiền bạc…Họ lệ thuộc sự tán đồng của người khác mà họ cố tranh thủ. Họ thỏa mãn bằng sự phục tùng của người khác . Họ làm việc không ngơi nghỉ nhưng thật ra đây cũng là một thứ nghiện để tránh suy nghĩ, tránh đối diện với những khó khăn về tâm lý. Cá tính rất mạnh của những người này thật ra là để che giấu một điểm yếu mà chính họ cũng không muốn nhận ra.
Ý thức về GTBT thấp thường do lớn lên trong một gia đình có vấn đề hay do sự đối xử thiếu tế nhị của phụ huynh (lơ là trong chăm sóc, mắng nhiếc nặng nề). Sự so sánh với anh em hay trẻ hàng xóm. “Suốt đời mày chẳng làm được cái tích sự gì. Sao không bắt chiếc em mày để học thật giỏi cho tao nhờ?” Trẻ cảm thấy thiếu tình thương, thấy mình không ra gì . Có những bậc cha mẹ “nối dài” cái tôi của mình bằng cách bắt con cái thực hiện các ước mơ không thành của mình. Đây cũng là một hành vi lệ thuộc.
May mắn thay , ý thức về GTBT tuy hình thành chủ yếu khi còn nhỏ nhưng không cố định mà thay đổi tùy hòan cảnh, môi trường ở các thời điểm khác nhau, có thể được điều chỉnh qua tham vấn, trị liệu về tâm lý. Quan trọng là cá nhân phảI tự nhận ra vấn đề và sẵn sàng đi tìm sự giúp đỡ.
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 6 : 6 phương châm xây dựng ý thức về giá trị bản thân.
Ý thức về giá trị bản thân (GTBT) thể hiện qua hành động và được củng cố bằng hành động. Muốn xây dựng và củng cố nó có sáu phương châm hành động sau đây :
Sống ý thứcSống ý thức là nhận thức cao nhất ở mức có thể được những gì liên quan đến mục đích, hành động và giá trị sống của ta. Đó là nắm vững thực tế xung quanh ta và cả bên trong ta (những nhu cầu, ham muốn, cảm xúc chi phối ta).
Tâm trí người sống ý thức luôn hoạt động một cách chủ động. Họ cố gắng với tới những sự kiện của thực tế thay vì tránh né chúng. Họ luôn xác định mình đang ở đâu so với mục đích sống đã vạch ra, luôn tìm kiến thức mới và sẵn sàng thách thức các giả định cũ. Sẵn sàng nhìn nhận và sửa chữa sai lầm vì ý thức không chỉ là “thấy” và “biết” mà còn là hành động theo nhận thức mới.
Có người rơi vào rượu chè, ma túy hay các mối quan hệ có hại để xoa dịu một mối lo âu, một cơn đau về tinh thần. Nhưng chất nghiện chỉ xoa dịu mà không triệt tiêu các cảm xúc này. Khi thuốc “an thần” hết tác dụng, các cảm xúc ấy xuất hiện trở lại một cách mạnh mẽ hơn thì lại cần một liều an thần mạnh hơn. Làm thế là chôn vùi ý thức, sở hữu quý giá nhất của con người.
Chấp nhận bản thânChấp nhận bản thân là không tránh né sự thật về mình, nhìn thẳng vào mặt mạnh cũng như mặt yếu. Trải nghiệm cho đến cùng những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, vì kinh nghiệm cho thấy khi để cho chúng biểu hiện đến cùng ta sẽ hiểu rõ về nguồn gốc của chúng. Chấp nhận không có nghĩa là thích thú với những cảm xúc tiêu cực, mà nhìn rõ chúng để tự hiểu mình, từ đó mới có được những thay đổi cần thiết.
Nhận lấy trách nhiệmHãy nhận lấy trách nhiệm về cuộc sống và hạnh phúc bản thân, về các lựa chọn liên quan đến mục đích, giá trị và hành động của mình. Sống ý thức trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội (gia đình, đồng nghiệp, bạn bè…) Trách nhiệm về cách sử dụng thời gian, luôn nâng cao ý thức về GTBT. Vì vậy, phụ huynh nên tập cho con nhận trách nhiệm từ nhỏ.
Tự khẳng định (xem bài 3)
Sống có mục đíchKhông sống kiểu “bèo dạt hoa trôi” tới đâu hay tới đó. Sống có mục đích là :a) Xác định một cách rõ ràng, cụ thể những mục tiêu muốn đạt tới vào những thời điểm nhất định. Ví dụ hai năm nữa tôi sẽ đậu cử nhân và tập trung học anh văn đạt trình độ C. Tôi sẽ tiết kiệm để dành dụm tiền trả học phí thay vì xin cha mẹ. Phấn đấu đến năm 2007 sản phẩm mới của công ty sẽ được tung ra thị trường…
b) Xác định các hành động cần thiết để đạt mục tiêu. Ví dụ như thay đổi trang thiết bị, đào tạo công nhân theo hướng nào đó, muớn chuyên viên cố vấn…
c) Giám sát tiến độ và hành động xem ta có tiến về hướng của mục đích đề ra không. Anh sinh viên trên quyết định sẽ đậu cử nhân trong hai năm nữa, nhưng biến cố nào đó làm anh thi rớt vài môn học. Vì kinh tế gia đính khó khăn, vì anh đau ốm hay ham chơi ? Nếu vì ham chơi thì anh phải điều chỉnh nếp sống. Nếu vì khó khăn kinh tế anh nên điều chỉnh lạI mục đích. Có khi phải tạm thời nghỉ học đi làm nhưng tranh thủ học Anh văn buổi tối chẳng hạn.
d) Quan tâm đến thành quả đạt được ở từng giai đoạn. Ví dụ kế họach xí nghiệp đề ra hoàn toàn hợp lý nhưng các thiết bị mới mua không phù hợp .Cần có biện pháp giảI quyết ngay, nếu không đến năm 2007 sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Có một điều nên nhấn mạnh là sống có mục đích không chỉ nhắm vào sự thành đạt bên ngoài như học vị, chức tước, tiền bạc mà còn nhằm đến sự hoàn thiện bản thân và chất lượng các mối quan hệ gia đình và xã hội.Hôn nhân ngày nay hay thất bại vì người ta chỉ lo vạch ra những mục đích cho sự nghiệp mà không nghĩ rằng trong hôn nhân sống ý thức và có mục đích sẽ giúp nuôi dưỡng hạnh phúc.
Trong thực hiện mục đích và kế họach đề ra cho bản thân, sự nghiệp hay gia đình, kỷ luật với bản thân là điều rất quan trọng.
Sống trung thựcĐó là sự trùng khớp giữa lý tưởng, giá trị, niềm tin và hành vi cụ thể, là sự đi đôi giữa lời nói và việc làm. Tôi có trung thực không ? Người ta có tin tôi không ? Tôi có giữ lời hứa không ? Nếu tôi nói dối, nếu tôi làm ăn gian lận có thể là không ai biết nhưng chính tôi biết. Nếu tôi biết thì thật khó để tôi tôn trọng bản thân, làm sao để tôi tự xây dựng cho mình một ý thức về GTBT ?
Có thể bạn chưa có một ý thức về GTBT cao, nhưng bạn cứ bắt đầu áp dụng các phương châm hành động trên và hãy đi từng bước nhỏ một. Giống như tập thể dục, nếu đang yếu, cố gắng làm từng động tác một và nhẹ nhàng thôi, và mỗi ngày cố lên một chút. Rồi cứ từ từ, sẽ đến lúc việc tập luyện không còn khó khăn nữa và thân thể chúng ta trở nên cường tráng. Tâm hồn chúng ta cũng vậy. Chúc các bạn can đảm và thành công.
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 7: Sức mạnh của tư tưởng
“Trí óc bạn là thỏi nam châm và nó hút về phía mình cái mà bạn nghĩ đến”
Trí óc ta hoạt đông không ngừng dù ta thức hay ngủ. Luôn có những ý tưởng xuất hiện trong đầu dù ta ý thức hay không. Các cuộc nghiên cứu cho thấy hằng ngày có chừng 30.000 đến 50.000 ý tưởng diễn ra trong trí óc ta. Ý tưởng tạo ra cảm xúc và cảm xúc dẫn tới hành động. Bạn X có mặc cảm mình xấu xí và sẽ không thu hút được cảm tình của người khác. Từ đó chị ít chú ý đến việc chăm sóc ngọai hình. Chị rụt rè, e ngại và tránh né các mối quan hệ. Rốt cuộc, chị trở thành một người ít gây được cảm tình.
Khi mới vào đại học ở Mỹ tôi bị xúc động mạnh mẽ trước sự chăm sóc và hướng dẫn tận tình của thầy cô đối với sinh viên nói chung và đặc biệt đối với tôi là sinh viên nước ngoài đầu tiên lúc đó. Tôi bèn ước nguyện là khi thành tài và về nước tôi sẽ làm điều tương tự với tuổI trẻ Việt nam. Sau này tôi không bao giờ hay rất ít khi nghĩ đến ước nguyện này. Vậy mà sau mấy chục năm nó đã trở thành sự thật. Ở tuổI ngoài 70, những vấn đề của tuổi trẻ chiếm vị trí ưu tiên trong các mối quan tâm của tôi.
Ý tưởng như những hạt giống. Nếu gieo vào đầu ta những hạt của bông hoa thì hoa đẹp sẽ nảy nở. Nếu gieo hạt của cỏ dại thì cỏ dại sẽ mọc lên. Ý tưởng đối với tâm trí chúng ta giống như thức ăn đối với cơ thể. Các thức ăn lành mạnh và bổ dưỡng làm cho cơ thể cường tráng, còn thức ăn thiếu chất bổ, thậm chí độc hại sẽ làm ta thiếu năng lượng, mệt mỏi và sinh bệnh. Ý tưởng có thể tích cực như yêu thương, hòa bình, hợp tác, chấp nhận hay tiêu cực như ganh ghét, hoài nghi, cạnh tranh, chối bỏ. Ý tưởng tạo ra cảm xúc và cảm xúc ảnh hưởng tới hành động. Vấn đề có thể được minh họa như sau :
Ý tưởng tiêu cực : tôi ghét các đồng nghiệp của tôi —> Cảm xúc : tức giận, bực bội, căng thẳng
Hành động : bất hợp tác
Kết quả : truyền thông không rõ ràng – quan hệ căng thẳng. Công việc và môi trường kém hiệu quả – không vui vẻ
Ngược lại :
Ý tưởng tích cực : tôi muốn hợp tác —> Cảm xúc : bình thản – hài lòng – hạnh phúc
Hành động : hợp tác – hiệu quả cao
Kết quả : truyền thông rõ ràng hơn, bầu không khí lao động thân thiện, thư giãn, vui vẻ
Ý tưởng ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta. Theo các nghiên cứu y học, 75 đến 90% các bệnh tật có nguồn gốc tâm thể. Chất lượng của ý tưởng ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi chúng ta giận hay căng thẳng (stress), cơ bắp chúng ta cũng bị căng thẳng, hạn chế lưu thông máu huyết tạo ra những điểm bị sức ép gây đau. Nhức đầu, đau cổ, đau vai thường là kết quả của những tư tưởng giận dữ hay căng thẳng. Ngược lại, khi ta có những tư tưởng tích cực và hòa bình trong đầu óc, cơ bắp thư giãn, huyết áp hạ thấp, nhịp tim giảm tốc độ.
Nếu đùng một cái ai đó bảo chúng ta dời sông lấp biển thì ta không đủ can đảm để làm. Nhưng nếu dần dần thay thế các tư tưởng tiêu cực bằng tư tưởng tích cực thì bạn có thể thử chứ ? Biết rằng rất khó thay đổi những tư tưởng đã ăn sâu vào đầu bạn từ lâu, nhưng bạn có thể thử đi từ những bước nhỏ đến các bước lớn.
Ví dụ sáng thức dậy bạn có thể nghĩ đến tình thương của mẹ, công việc đã làm hôm qua được xếp khen, điểm khá cho bài làm trong lớp và cảm ơn cuộc đời. Chắc chắn các tư tưởng tiêu cực vẫn còn lảng vảng trở lại, ví dụ như bạn giận mình vì hôm qua đã quá chén, bi quan về tương lai…Hãy nhẹ nhàng ghi nhận nhưng hãy nghĩ đến những việc bạn có thể làm hôm nay cho bản thân và bạn bè. Các tư tưởng tích cực sẽ kéo theo hành động tích cực, và nếp sống tích cực sẽ lần lần thắng. Hy vọng với sự kiên trì bạn sẽ thành công.
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 8: Rèn luyện đời sống nội tâm.
“Hãy nhìn vào bên trong vì đây là một việc làm đầy an toàn”
Không ít bạn trẻ đã rơi vào ma túy một cách dễ dàng vì sống quá vô tâm, tới đâu hay tới đó, không suy nghĩ, cứ để cuộc sống đẩy đưa như bèo giạt mây trôi. Ta chỉ có thể tự chủ khi có một đời sống nội tâm sâu sắc.
Con người khác vớI các sinh vật khác vì có ý thức. Quan tâm đến đời sống nội tâm không chỉ là vấn đề của tôn giáo hay các vị tu hành. Các nhà võ thuật thành công nhờ rèn luyện nội công. Người dân phương Tây đang đổ xô đi học yoga, thiền vì nếp sống hối hả của xã hội công nghiệp khiến họ không còn khả năng làm chủ bản thân. Trước kia tôi nghĩ chữ “tĩnh tâm” chỉ áp dụng cho sinh họat tôn giáo, ngày nay nhiều tổ chức xã hội quốc tế cũng có hoạt động này. Đó là những buổi họp toàn bộ nhân viên, xa nơi ồn ào, không bận tâm với việc thường ngày , để nhìn lại, xem xét một đoạn đường đã qua của tổ chức và xác định một hướng đi mớI tốt hơn.
Rèn luyện đời sống nột tâm không có gì to tát . Đó là tập thói quen ý thức về bản thân, về ý nghĩ, cảm xúc, hành động hằng ngày của mình. Quan trọng hơn là tìm hiểu tại sao mình suy nghĩ, cảm xúc và hành động như vậy. Trong cuộc sống hối hả, trong thói quen lười hay sợ suy nghĩ ta có xu hướng gạt qua hay đẩy lùi vào tiềm thức những ý tưởng, cảm xúc không vui. Tưởng rằng chúng sẽ biến mất luôn nhưng chúng vẫn còn đó, tích lũy dần và tác động trở lại vào đời sống chúng ta. Ví dụ như mặc cảm tội lỗi, mặc cảm tự ti, sự thù hằn, những nhu cầu chính đáng không được đáp ứng . Chúng sẽ ảnh hưởng cách chúng ta sống, giao tiếp, đốI xử với người chung quanh . Các cuộc nghiên cứu cho thấy người hung hăng với kẻ khác thường là nạn nhân của sự bạo hành khi còn nhỏ.
Do đó, ý thức được những gì xảy ra ngày hôm nay , xử lý đúng mức các sự kiện đã xảy ra giúp ta sống thanh thản, sáng suốt và làm chủ bản thân.
Mỗi ngày vào sáng sớm hay tối trước khi đi ngủ, khi chung quanh đều yên tĩnh, bạn hãy tập thói quen dành 15-20 phút để thả lỏng người , hít thở sâu và nhìn lại một ngày đã qua . Sự kiện nào đã xảy ra, tôi phản ứng với chúng như thế nào . Việc gì được hay chưa được . Cái gì, ai làm cho tôi vui hay buồn . Còn tôi đã làm gì cho ngườI khác vui hay buồn . Tôi sẽ điều chỉnh ra sao để mối quan hệ của tôi với người khác ngày càng tốt đẹp? Tôi sẽ nói không với điều gì và hết lòng làm điều gì ? Tôi sẽ bắt đầu một ngày mới như thế nào để sống lạc quan yêu đời. Tôi sẽ làm một việc gì đó nho nhỏ thôi… Đó là những lời tâm tình rất nhẹ nhàng bạn nói với bản thân.
Bạn cũng có thể dùng một nhật ký không chỉ để ghi những ước mơ lãng mạn bay bổng mà cả những sự kiện biến cố xảy ra hàng ngày trong đời bạn. Thỉnh thoảng đọc lại, suy nghĩ , bạn sẽ hiểu mình thêm và cả hiểu đời nữa .
Sống ý thức giúp bạn tự chủ. Tự chủ được bản thân là tự do vì bạn không còn làm nô lệ của những thói quen hay hành vi tiêu cực. Bạn sẽ không còn lệ thuộc và sẽ trưởng thành .
Hãy thường xuyên đọc sách báo, tham gia thảo luận, diễn đàn để trí óc bạn ngày càng nhạy bén, thích suy nghĩ, làm giàu đời sống nội tâm.
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 9: Hướng nghiệp từ phía các bạn trẻ.
Một quyển sách tâm lý kể về chuyện của John, một doanh nhân cuối đời rơi vào bệnh trầm uất. Cha anh là một nhà doanh nghiệp lỗi lạc muốn anh kế tục sự nghiệp của ông để quản lý tài sản gia đình. Nhưng anh lại rất ghét cái nghề kinh doanh. Để khích anh, ông nói bóng nói gió : “Mày mà làm được cái trò trống gì cho gia đình này…” Tức khí, anh đi học và tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh rồi đứng ra quản lý doanh nghiệp của gia đình. Sau một thời gian, anh đâm ra trầm uất và đi tìm một nhà tâm lý. Cuộc trao đổi cho thấy nguyên nhân là anh đang thực hiện nguyện vọng của cha anh thay vì của chính mình. Do vậy, như các nhà tâm lý nói : “không ai hạnh phúc khi thực hiện một mục đích mà người khác vạch ra cho mình”. Anh đã quyết định bỏ việc kinh doanh và theo đuổi công việc mà anh yêu thích. Có lẽ nhiều bạn trẻ chúng ta khi chọn một công việc ít nghĩ xa như vậy.
Vì sao chọn một công việc mà mình thích ?
“Hãy theo đuổi một công việc gì đó mà bạn thích làm!” Đó là lời khuyên của Bill Gates, một trong những người giàu nhất nước Mỹ mà không có bằng cấp. Có lẽ bên cạnh tình yêu, điều có thể làm cho con người hạnh phúc là công việc mà mình ưa thích, đó là phát huy được tối đa tiềm năng của mình. Nhiều cuộc nghiên cứu nhằm tìm hiểu điều gì làm cho nhân viên gắn bó với cơ quan, xí nghiệp và kết quả cho thấy không có một yếu tố duy nhất mà là một chùm yếu tố, trong đó nổi bật nhất là được làm việc mà họ yêu thích. Thật vậy, điều gì mình thích thì mình làm tốt và luôn muốn hoàn thiện. Nó không chỉ đem lại sự thỏa mãn về tinh thần mà còn uy tín, sự khen thưởng và thăng tiến nghề nghiệp. Có người mà tay nghề đã trở thành cái tên thứ hai. Ví dụ, anh nông dân làm ra máy cắt, ông “thần đèn”, ông giáo X… Với những người này, tiền không còn là yếu tố hàng đầu.
Kinh tế ổn định, nhu cầu cao hơn
Khi kinh tế khó khăn hay khi cá nhân thiếu thốn, họ chấp nhận bất cứ việc gì miễn là có tiền để sống. Khi công việc ổn định, họ mong sự an toàn. Các nhu cầu này thỏa mãn, họ lại muốn tự khẳng định qua công việc. Ở đỉnh cao hơn nữa, lao động sáng tạo là niềm vui, đóng góp cho xã hội là hạnh phúc (Maslow). Làm giàu không phảI là mục đích của những người này.
Những yếu tố tác động.
Ngoài những yếu tố khách quan như tình hình kinh tế chưa ổn định, hệ thống giáo dục khiến bạn trẻ lắm khi khó mà nhận được một tấm bằng đúng ngay trong nghành mình mong muốn, có những yếu tố chủ quan từ phía bạn trẻ khiến việc định hướng nghề nghiệp gặp nhiều hạn chế.
-Không riêng gì trong chọn nghề mà trong cuộc sống nói chung, do giáo dục gia đình và nhà trường, bạn trẻ thường thụ động tuân thủ không dám có ý kiến riêng, ít dám nghĩ đến nơi đến chốn xem mình thật sự muốn gì.
-Lối giáo dục trên cũng ít tạo cơ hội cho bạn trẻ muốn phát hiện và phát huy năng khiếu để từ đó muốn hoàn thiện thêm. Ở trường thì bị nhồI nhét, không được vui trong cái học như các nơi. Ngay cả những trò chơi trên ti vi cũng thử thách trí nhớ, sự tích lũy thông tin hơn là óc sáng tạo.
-Nặng nề hơn hết là sự o ép của cha mẹ. Phần đông cha me giáo dục con em bằng cách áp đặt ước mơ của mình thay vì khơi dậy những ước mơ và tiềm năng của chính chúng. Do đó, các bạn trẻ làm theo ý cha mẹ mà vẫn tưởng đó là ý của mình. Vì tuổI trẻ VN trưởng thành và tự khẳng định trễ nên họ khám phá tính không phù hợp của công việc đã lựa chọn cũng bị trễ.
-Bao trùm là hệ thống giá trị xã hội coi trọng đồng tiền hơn là cuộc sống có ý nghĩa, coi trọng thầy hơn thợ, kỹ thuật hơn xã hội, mà cha mẹ là trung gian áp đặt nó cho tuổi trẻ. Vừa qua tôi gặp một cặp vợ chồng bác sĩ tâm thần người Bỉ. Qua câu chuyện tôi cảm thấy họ là những trí thức đúng nghĩa nhất. Họ bàn từ vấn đề toàn cầu hóa, phát triển kinh tế xã hội, tới gia đình và trẻ em…một cách rất thuyết phục…Điều làm tôi ngạc nhiên là người con trai duy nhất của họ lại học trung cấp điện tử. Ông bà nói: “Nó thích như vậy và chúng tôi tôn trọng sở thích của nó. Và bây giờ, sau ba năm làm việc nó muốn học lên, chúng tôi khuyến khích nó”. Tôi nghĩ, cậu thanh niên này dù là thợ nhưng sống với cha mẹ như vậy anh ta là một người thợ trí thức. Chắc chắn đời sống tinh thần của anh ta không kém phần phong phú. Và tôi đã gặp những người trẻ phương Tây như vậy. Họ không hề có mặc cảm.
-Hai yếu tố gia đình và xã hội có thể xếp vào phần “chủ quan” của bạn trẻ, vì chấp nhận nó hay không thuộc về cách suy nghĩ và lựa chọn của bạn trẻ. Điều này đòi hỏi bạn trẻ phải tự khẳng định nhiều hơn.
Có lẽ quan điểm của tôi có thể gây âu lo cho một số người nhưng một xã hội phát triển đòi hỏi những công dân trưởng thành biết chọn hướng đi của mình để sống hạnh phúc và đóng góp cho một xã hội với nhu cầu ngày càng đa dạng.
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh)
Bài 10 : Chỉ số EQ và vấn đề giáo dục nhân cách
Trí tuệ có đại diện cho nhân cách ? Cốt lõi của việc giáo dục nhân cách ?
Trong sự phát triển tâm lý học ở cả phương Tây và phương Đông, một thời gian rất dài người ta đề cao trí tuệ đến mức xem tài trí như là cốt lõi của nhân cách. Các nhà tuyển dụng trước đây chỉ lấy IQ (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh) làm thước đo giá trị cá nhân. Với cách nhìn như thế, suốt hơn một thế kỷ vừa qua, ngay các nước tự xưng là “văn minh” vẫn coi chỉ số IQ bậc cao là ưu thế tuyệt đối, là yếu tố duy nhất để thành nhân và thành công.
Sai lầm đó mãi đến cuốI thế kỷ 20 mới được phản tỉnh, khi mà các mạng truyền thông Internet với những cấu trúc dữ liệu tối mật của nhiều quốc gia bị đánh cắp hoặc bị quấy rối bởI những “tin tặc” có chỉ số IQ siêu đẳng! Loài người còn phản tỉnh nhiều hơn (dù muộn màng) khi người ta thấy mạng lướI tội phạm quốc tế ngày càng đông, với những tên trùm Mafia vừa cực kỳ thông minh lại cũng cực kỳ gian ác ! Thì ra nếu chỉ đo lường nhân cách theo chỉ số IQ, ta không thể rạch ròi được hai loại người thiện-ác; tốt-xấu; hữu ích-có hại. Thật nguy hiểm nếu kẻ ác lại có chỉ số IQ bậc cao!
Thực tế đã chứng minh nhiều người rất thông minh mà thuộc lọai đục khoét, quấy nhiễu…có hại cho cộng đồng và xã hội. Ngạn ngữ Ý đã có câu: “không phải đằng sau sự thông minh bao giờ cũng có một nhân cách cao cả”. Giá trị bản thân/ giá trị cá nhân được xác định chủ yếu bằng một đại lượng khác, dùng một thước đo khác căn bản hơn, nhân bản hơn. Có ích-không có ích đối với công việc và đối với cộng đồng trước hết xuất phát từ hệ thống cảm xúc của cá nhân trong mốI quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Chỉ số EQ và nhân cách ?
EQ là viết tắt của cụm từ “Emotional Quotient” – chỉ số cảm xúc. Những người có công trong nghiên cứu chẩn đoán và đưa ra chỉ số EQ là hai nhà tâm lý học : Peter Salovey ở ĐH Yale và John Mayer ở ĐH New Hampshire (Mỹ) năm 1996. Nhưng trước đó một năm (1995), trong cuốn sách của mình (vớI tựa đề Emotional Intelligence), nhà tâm lý học Daniel Goleman đã đề cập đến chỉ số cảm xúc trong lĩnh vực trí tuệ, còn gọi là sự thông minh của tâm hồn hoặc thông minh trong cảm xúc.
Trên thực tế, ta thấy có nhiều người không thông minh về chữ nghĩa, về khoa học nhưng họ ứng xử rất nhân bản, rất được lòng người. Họ không được rèn luyện nhiều về tư duy, nhưng họ đã tự rèn luyện nhiều về cảm xúc theo hướng chân, thiện, mỹ. Nhờ vậy, họ vẫn thành công, ít nhất là thành công trong sự chinh phục nhân tâm, đó là sự thành công cơ bản nhất. Một sự rèn luyện mà được như thế có gốc gác từ giáo dục gia đình từ thuở ban sơ, từ thời còn nhỏ.
Hai nhà tâm lý học Peter Salovey và John Mayer đã bỏ ra 15 năm liên tục theo dõi một nhóm trẻ 10 em sống trong những môi trường giáo dục khác nhau (đặc biệt là môi trường gia đình). Thọat đầu, lúc nhóm trẻ đó ở lứa tuổI lên 4 , hai ông đưa từng em vào một căn phòng hấp dẫn với nhiều hoa quả tươi ngon và dặn: hãy ngồi chờ 20 phút sau mới cho ăn thả cửa, còn không thì sau 20 phút chỉ cho ăn một trái nhỏ mà thôi. Nói xong hai ông ra ngoài, để các em được tự do.
Ngay sau khi rời khỏi phòng, nhờ hệ thống camera gắn sẵn ở mỗi phòng, họ thấy 4/10 em luôn dán mắt vào trái cây, nuốt nước miếng liên tục, chỉ sau hơn 5 phút đã vộI lấy 2-3 trái ăn ngấu nghiến. 3/10 em khác chỉ chờ được 10 phút cũng không nhịn nổi, ăn luôn. 1/10 em chờ đến phút thứ 17 rồi cũng ăn. Còn lạI 2/10 em hoặc ngó lơ (không nhìn vào trái cây) rồi nghêu ngao vài câu hát, hoặc gục đầu xuống bàn rồi thiếp ngủ, không ăn.
Tiếp tục theo dõi sự lớn lên của 10 em đó sau 15 năm (đến tuổI 19), các nhà tâm lý học ấy thấy rằng chỉ có hai em nói trên trở thành những công dân vững vàng và chín chắn trong cảm xúc, tự tin và thành đạt trong học tập. Những em khác, nhất là bốn em đã không tự kiềm chế được cảm xúc ngay từ đầu, trở nên có nhiều khuyết tật về tâm hồn: sống ích kỷ, nhiều lòng tham, ngại thử thách, cứng đầu, thích nổi lọan, mau chán nản, khó tự tin…đến mức khó thích ứng với công việc và khó hòa nhập với cuộc sống.
Cuộc khảo sát trên đây cho thấy những biến đổi tâm lý của mỗi cá nhân (và kéo theo là sự hình thành nhân cách) thường xoay quanh “trục” cảm xúc. Và trên thực tế, trục cảm xúc ấy ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến nhân cách và chất lượng sống của cá nhân đó. Nếu trục cảm xúc luôn được điều chỉnh, cải thiện và liên tục được “nâng cấp” theo hướng nhân bản, thì mọi cơ chế họat động của người đó sẽ được hoàn chỉnh dần trên con đường thành nhân và thành công. Chính sự “nâng cấp” ấy đã làm tăng trưởng nhân cách, cũng góp phần tăng trưởng cả IQ và EQ.
Làm sao để nâng cao chỉ số EQ ?
Khi đo (hay tự đo) chỉ số EQ, vấn đề đáng quan tâm không chỉ là xác định được chỉ số EQ của ai đó đang ở vị trí cao hay thấp, mà chủ yếu tự bản thân mỗi người cần có một nhu cầu cải thiên và nâng cao chỉ số đó lên.
Dưới đây là tóm tắt những giải pháp tâm lý được tổng hợp thành “4 không”:
1.Không chạy theo những cảm xúc thấp kém
Đó là những cảm xúc mà chính nó là nguyên nhân đẩy lùi giá trị của bản thân, biến ta thành kẻ nô lệ cho những ham muốn tấm thường, thiên về bản năng. Cần khơi gợi những cảm xúc nhân bản như cảm xúc trí tuệ, cảm xúc nhân ái, cảm xúc đạo nghĩa, cảm xúc trách nhiệm, cảm xúc nghĩa vụ, cảm xúc sáng tạo, cảm xúc nghề nghiệp…”cảm xúc nhân bản” không có nghĩa là đa tình, đa cảm, đa mang, bạ gì cũng rung động.
2.Không lệ thuộc vào cảm xúc của người khác
Dù ngườI khác là thần tượng, không để cảm xúc của họ áp đặt lên ta. Mỗi người cần theo đuổi cảm xúc của riêng mình theo hướng có lợi cho sự phát triển nhân cách và sự tăng trưởng giá trị của bản thân. Dù có trùng hợp với cảm xúc của người khác (đồng cảm) nhưng vẫn nên là cảm xúc của chính mình (không vay mượn, không lệ thuộc), tồn tại theo bản sắc riêng của mình.
3.Không lấy nhận thức cảm tính làm cơ sở cho việc lựa chọn cảm xúc.
Để có những cảm xúc bình thường nhưng lành mạnh và thanh khiết, phải dựa trên một nền tảng nhận thức khoa học (nhất là khoa học nhân văn), kết hợp tư duy nhân văn của cá nhân vớI thực tế tiến bọ của xã hội (đã và đang tồn tại trong truyền thống và hiện đại của văn hóaNgười). Nói cách khác, cảm xúc đó phải có cơ sở lý tính (tỉnh táo để phân tích và lựa chọn trước khi khơi dậy cảm xúc)
4.Không lấy thành tích danh nghĩa làm thước đo cho sự đánh giá cảm xúc.
Danh nghĩa – suy cho cùng chỉ là hình thức, là lớp sơn phết bề ngòai. Trái lại, chính những hiệu quả thực tế và nhũng chất lượng sống đích thực được đem lại từ cảm xúc chân chính mớI là thước đo giá trị của những cảm xúc đó. “Giá trị đích thực của cảm xúc nằm ở thực chất, không ở danh nghĩa” (John Mayer) . Trong thực tế đã tồn tại không ít những thành tích “ảo” và những danh nghĩa “dỏm” dễ làm sai lạc cảm xúc.
OoO
Ở các nước phát triển cao, việc nghiên cứu chỉ số EQ cho phép các công ty tuyển dụng được người có “căn bản” (hơn là chỉ có tay nghề). Họ sẽ lọai người có IQ cao nhưng EQ thấp, để giữ lại người IQ và EQ đều cao. Việc đề bạt và tưởng thưởng cũng thế. Họ quan niệm chỉ số EQ cao cũng là một dạng thông minh đặc biệt. “Nếu IQ là chỉ số đặc trưng cho sự thông minh trí tuệ thì EQ được coi là chỉ số đặc trưng cho sự thông minh tâm hồn”(Peter Salovey).
Quang Dương
Bài đọc thêm về rèn nhân cách
Hãy là chính mình
Lương tâm, sự trung thực, sự liêm khiết: đó là ba giá trị để đối diện với tương lai.
Đối với ông bà nội của tôi, người ta hoặc là sống trung thực hoặc là không. Ông bà đã cho gắn lên tường phòng khách câu châm ngôn sau đây: “Cuộc đời như một cánh đồng phủ đầy tuyết mới; mỗi bước chân của ta sẽ lộ ra con đường ta đi”.
Bằng vào bản năng của mình, họ đã hiểu rằng sống liêm khiết, đó là có một ý thức đạo đức và ý thức này không biến đổi theo lợi ích hay hoàn cảnh nào. Sự liêm khiết là một chuẩn mực cá nhân cho phép tự đánh giá cách ứng xử của mình. Tiếc thay, phẩm chất này mỗi ngày mỗi hiếm đi.
Thế mà sự liêm khiết lại quan trọng cho mọi tầng lớp xã hội, và chúng ta cần phải tự đòi hỏi cho bản thân mình.
Một phương cách tốt để đánh giá sự trung thực của mình là tuân giữ điều mà tôi gọi là “Tam giác liêm khiết”, dựa trên ba nguyên tắc sau đây:
Bảo vệ các xác tín của mình bằng mọi giá:Lấy ví dụ về một nữ y tá bắt đầu ngày làm việc đầu tiên giữa một nhóm bác sĩ phẫu thuật của một bệnh viện nổi tiếng. Cô chịu trách nhiệm về các dụng cụ và thiết bị trong ca phẫu thuật vùng bụng. Cô nói với bác sĩ:
– Bác sĩ chỉ lấy ra 11 miếng bông thấm, trong khi chúng ta đã dùng đến 12 miếng. Chúng ta cần phải tìm ra miếng còn lại.
Bác sĩ đáp:
Share this:
Related
Từ khóa » Ví Dụ Về Tự ý Thức Bản Thân
-
8. Nêu Ví Dụ Về Tự Nhận Thức Bản Thân. Nhận Thức Bản Thân Mang Lại ...
-
Ý Thức. Giải Thích Và Cho Ví Dụ. - Why You Think So
-
Sự Tự Nhận Thức Bản Thân Thực Sự Là Gì (Và Cách Để Ta Có ...
-
Bạn đã Nhận Thức được Bản Thân? - Bond
-
[DOC] TỔNG QUAN VỀ TỰ NHẬN THỨC KHÁI NIỆM CƠ BẢN
-
Ý Thức Là Gì? – Các Thuộc Tính Và Cấu Trúc Của Ý Thức
-
Ví Dụ Về Tự Nhận Thức Bản Thân
-
Ví Dụ Về Tự Nhận Thức Bản Thân GDCD 6 - Học Tốt
-
Kỹ Năng Tự Nhận Thức Bản Thân Là Gì? Tác Dụng Của Kỹ Năng Tự Nhận ...
-
Tự ý Thức Là Gì Cho Ví Dụ
-
Sự Khác Biệt Giữa Tự Nhận Thức Và Tự ý Thức
-
Ý Thức Là Gì? Nguồn Gốc Và Bản Chất Của ý Thức? Lấy Ví Dụ?
-
Kỹ Năng Tự Nhận Thức Bản Thân (mọi điều Bạn Cần Biết) - Sofia Blog