Ngài là một nhà truyền giáo kiên trì không biết mệt, bằng lời nói và việc làm, tại nhiều giáo xứ cho đến khi bị bắt năm 1835. Giáo dân của ngài quyên góp đủ tiền để chuộc ngài. Sau đó ngài đổi tên từ Dũng thành Lạc để che dấu căn cước, và rời sang một vùng khác để tiếp tục sứ mạng. Trước hết Cha Dũng được sai đi giúp Cha Khiết ở Ðồng Chuối rồi giúp Cha Thi ở xứ Ðoài và Cha Duyệt ở Sơn Miêng. Sau đó Ðức Cha cử ngài làm chính xứ Kẻ Ðầm lúc ngài 40 tuổi. Ở đâu Cha Dũng cũng được mọi người quí mến vì ngài đối xử khôn khéo lại giảng đạo sốt sắng. Ngài rất nhiệm nhặt trong việc ăn mặc, Mùa chay, ngài ăn chay mọi ngày, nhiều khi cả những ngày thứ Tư và thứ Sáu trong năm nữa. Trong thời kỳ bị cấm đạo Cha Dũng phải trà trộn ở trong nhà giáo dân, nếu họ dọn cơm thịt hay cá lớn thì ngài trách: “Ðừng làm như vậy, hãy mua tôm tép như thường dân khác mà ăn”. Cha Dũng còn có lòng thương giúp những người nghèo túng. Khi được mời đi kẻ liệt, ngài đi một mình để tránh cho các thầy khỏi bị bắt. Khi không đi làm phúc được, Cha Dũng thường sai các các thầy đi các nơi để thăm hỏi và khuyên bảo giáo dân tìm đến ngài mà xưng tội. Lúc ngài coi xứ Kẻ Ðầm thì các nhà chung đã phải rỡ hết. Năm 1835 ông Lý Nhâm vì ghét Tổng Thìn là người có đạo, muốn cho ông phải tội đã đem lính đến bắt Cha Dũng cùng với 30 giáo dân đang xem lễ ở Kẻ Sui. Ông Tổng Thìn phải đưa 6 nén bạc cho quan huyện Hào Khánh ở Ðôn Thư xin liệu việc với quan phủ cho khỏi án. Quan huyện lấy 4 nén còn hai nén cho người nhà quan phủ và trình rằng: “Cậu tôi về xem lễ ở Kẻ Sui mà quan bắt thì xin tha”. Cha Dũng được tha về còn những người khác bị giam lại 21 ngày. Sau đó Cha Dũng phải đổi tên là Lạc vì quan quân đã biết tên ngài. Cha Lạc thường hay xuống tỉnh Nam Ðịnh thăm viếng an ủi các giáo dân bị bắt. Ngài nói với những người khác rằng: “Những người chết vì đạo thì được lên thiên đàng ngay, còn tôi cứ phải ẩn trốn và mất nhiều tiền bạc mới thoát khỏi tay các quan, thà rằng tôi bị bắt và chết vì đạo thì hơn”. Sau 7 năm làm cha Sở Kẻ Ðầm, khoảng 4 năm sau lần bị bắt trước, Cha Lạc bị bắt lại ngày 10-11-1839, khi ngài sang thăm và xưng tội với Cha già Thi ở Kẻ Sui. Ông Lý Pháp không biết Cha Lạc nên có nhiều người dục ngài trốn đi, nhưng ngài nói: “Phó mặc cho ý Thiên Chúa, đây sẽ là lần thứ hai tôi bị bắt vì Chúa Giêsu Kitô”. Vì vậy khi Lý Pháp hỏi ngài có phải là cụ đạo không, ngài nhận ngay nên bị bắt trói lại. Giáo dân muốn có cha giúp đỡ phần thiêng liêng cho họ nên đã phải chạy tiền mới xin cho Cha Lạc được tự do. Cha Lạc dùng thuyền về nhà nhưng trên đường gặp mưa gió lớn phải đến một nhà quen trú ẩn. Cũng lúc đó, vì nghe Lý Pháp bắt được cụ đạo nên quan huyện đang dẫn người đi tới. Người nhà thấy vậy vội hô lên nho nhỏ để người chèo thuyền không ghé lên bờ: “Quan! Quan!” Nhưng người chèo thuyền lại nghĩ là người ta nói đùa nên cứ ghé lên bờ. Cha Lạc liền bị chận hỏi, ngài nhận mình là cụ đạo nên bị bắt trói còn những người khác chạy trốn được. Ðêm ấy Cha Lạc ngồi nói chuyện vui vẻ với linh canh và người nhà quan. Cha nói: “Vua cấm đạo và Ðức Chúa Trời định cho tôi phải bắt, tôi không sợ gì, trái lại vui nữa là khác”. Sáng hôm sau quan ngồi ăn một mâm, Cha Lạc cũng ngồi ăn một mâm, quan nói: “Ông ngồi một mình một mâm thì cũng là quan bên đời”. Trước khi đưa về huyện, quan sai làm gông bằng tre nhẹ đeo vào cổ Cha Lạc. Về tới huyện Bình Lục, quan nói với Cha Lạc: “Tôi không có ý bắt ông nhưng kẻ tố giác cứ lên cáo mãi nên tôi phải đi”. Cha Lạc thưa lại: “Ông không có ý bắt tôi thì hãy tha tôi về”. Quan đáp: “Bây giờ sự việc đã lộ rồi không làm gì được nữa”. Quan nói như vậy là có ý muốn ăn tiền đút lót, nên giáo dân lo gom góp tiền, và ông Cửu Bình cũng muốn cầm cả cơ nghiệp để có đủ tiền chuộc cha về, ông viết thư cho ngài: “Thưa cha, cha chịu chết thì một mình cha lên thiên đàng, mà nếu cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ, vậy xin cha nghĩ lại”. Nhưng cha Lạc đã cấm họ đem tiền chuộc, cha nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì đó đúng là thánh ý Chúa định cho tôi như vậy, anh chị em đừng mất tiền chuộc tôi làm gì”. Ðức Cha Retord (Liêu) cũng sai Thầy Sự mang 5 nén bạc đi chuộc Cha Thi và Cha Lạc, đức cha nói: “Hai cụ ấy tốt lắm, có thể chuộc được thì chuộc”. Cha Lạc nói lại với Thầy Sự: “Thầy nghĩ mà xem, tôi cũng như Thánh Phêrô, khi phải bắt lần trước được giáo dân cầu nguyện cho và được về, lần thứ hai giáo dân cũng lo liệu cho được thoát khỏi, nhưng ý Chúa đã định cho tôi phải chết vì Người như thánh Phêrô, thì nói bổn đạo đừng chuộc tôi nữa”. Quan huyện lấy lời ngọt ngào dụ dỗ hai cha quá khóa, với Cha Lạc ông nói: “Thầy đạo, thầy biết nhiều chữ nghĩa và còn trẻ nữa thì tại sao lại muốn chết, có phải là uổng không? Hãy tin tôi đi, nhắm mắt lại bước qua ảnh thánh hoặc chỉ đi vòng chung quanh, nếu thầy muốn thì để cho lính của tôi khiêng thầy qua, tôi sẽ làm án tha ngay”. Cha Lạc dõng dạc thưa lại: “Tôi không bao giờ làm theo ý quan vừa nói đâu. Hãy khép án tôi phải cắt trăm mảnh thì hơn”. Không lay chuyển được lòng hai cha, quan huyện làm tờ trình là bắt được hai cha ở ngoài ruộng để không ai bị phiền vạ lây, rồi dẫn giải cả hai về Hà Nội giao cho quan án. Về sau Cha Lạc sai người nhà mang rượu và 100 viên thuốc biếu quan huyện để cám ơn ông đã khai như vậy. Với giáo dân đi theo tiễn đưa khóc lóc, Cha Lạc nói: “Chúng tôi cám ơn anh chị em, anh chị em hãy về nhà và sốt sắng làm tôi thờ phượng Chúa cũng như là chúng tôi còn ở giữa anh chị em. Than khóc như thế này không có ích lợi gì mà còn tăng thêm sự phiền khổ cho chúng tôi”. Ngay ngày hôm sau khi vào nhà tù ở Hà Nội, ngày 17-11, các quan bắt đầu cuộc thẩm vấn, chính Cha Lạc thuật lại trong thơ gởi cho Ðức Cha Jeantet như sau: “Ngày 17, quan đã giao nộp chúng con cho quan án để truyền lệnh bắt chúng con bước qua ảnh thánh giá. Vì chúng con từ khước nên năm sáu anh linh xấn lại khiêng chúng con qua. Cha Thi đã ôm được thánh giá nhấc lên và hôn kính. Phần con, con cho chân lên rất cao và nói với họ: “Hãy chặt bớt chân ta đi, ta rất bằng lòng chứ đừng hòng trông ta chối đạo”. Sau đó quan lại hỏi vì sao đạo không cho phép thờ kính tổ tiên. Con đáp lại: “Nếu có ai chào khi cha mẹ đang ngủ thì không có kể là tôn kính bởi vì các ngài không biết gì. Cũng một lẽ ấy còn mạnh hơn đối với người đã chết”. Ngày 19 các quan lại gọi chúng con ra tòa lần thứ hai để ép buộc chúng con. Lần này họ bắt con đeo gông nặng hơn, và ngày 21 lại thay bằng xiềng. Xiềng của Cha Thi nhẹ hơn. Bốn ngày đầu con cứ chảy nước mắt hoài khi nghĩ đến các cha thừa sai và các anh em con. Nhưng từ ngày 15 tới nay thì con vui vẻ và bằng lòng, coi các khổ cực như không. Con thương Cha Thi vì tuổi cao không kham nổi những khốn khổ. Chúa đã thêm sức cho chúng con để không lo lắng gì nữa”. Ðức Cha Jeantet viết thư cho hai cha để nâng đỡ các ngài bền gan chịu khổ cho đến cùng và xin Cha Lạc thuật lại các câu đối đáp với các quan. Cha Lạc đã viết thư trả lời: “Thưa Ðức Cha, khi chúng con được thư đức cha an ủi thì cảm động chảy nước mắt ra. Chúng con là gì mà được các cha thương lo lắng. Chúng con không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của chúng con. Riêng với đức cha, xin đức cha cầu cùng Chúa cho chúng con được giữ nghĩa cùng Chúa cho đến cùng. Chúng con đã viết tất cả những gì xảy ra cho chúng con trong tù cho đến bây giờ, con vẫn phải đối đáp những lời châm biếm của các người tù khác châm biếm đạo thánh. Con xin đức cha thương nhớ đến chúng con. Trong nhà tù rất khó viết thư cũng như nhận thư. Con không còn gì để viết. Vững mạnh như núi thái. Trần An Dũng”. Ngày 30-11, các quan cho đòi hai cha lên để ký nhận bản ản. Tuy nhiên các quan còn cố ép các cha quá khóa. Một người nhắc đến việc Thầy Phanxicô đã muốn chết hơn là chối đạo. Cha Lạc nhân cơ hội nói lên sự can đảm của mình: “Người tín hữu mà quan vừa nói chỉ là một đồ đệ của chúng tôi, đã biết chọn nghĩa vụ hơn là sự sống. Còn chúng tôi là các thầy đạo lại kém lòng can đảm hơn không dám đi theo con đường chúng tôi đã vạch ra cho họ sao? Không bao giờ, thưa các quan, các quan đừng chờ đợi việc hèn nhát này”. Các quan bế mạc phiên tòa nói với nhau: “Bọn chúng bám vào tôn giáo đến nỗi điên khùng”. Ba lần bị tra khảo nhưng các ngài không bị đánh đập tàn nhẫn, chỉ một vài cái tát mà thôi. Cha Lạc làm một bài thơ gửi cho Cha Thực nói lên chí khí của người Kitô: Lạc rầy đã rõ chốn quân quan. Bút chép thơ này gửi thở than. Lòng nhớ bạn non còn vất vả. Dạ thương khách chạy chưa yên hàn. Ðông qua tiết lại thời xuân tới. Khổ tạm mai sau hưởng phúc an. Làm kẻ anh hùng chi quản khó. Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn. Tuy không phải chịu khốn khổ nhiều nhưng lòng các cha hằng muốn cho mình được xứng đáng đổ máu đào vì Chúa. Các ngài xin với những người nhà cầu nguyện để các ngài được bền vững trong khi chờ án tử. Các quan đã làm án xử trảm cho các ngài. Ngày 20 Cha Trân mang Mình Thánh Chúa cho hai cha. Ngày hôm sau bản châu phê án được mang về tới Hà Nội. Cha Dũng cùng với Cha già Thi vui mừng hát thánh ca theo chân lý hình ra khỏi thành. Tới nơi, các ngài quì cầu nguyện, ngước mắt lên trời và nghiêng cổ ra cho lý hình chém. Nhiều người làm chứng là đã nhìn thấy một con chim trắng, to lớn hơn chim bồ cầu, bay lượn trên các ngài lúc hành quyết. Lệnh quan vừa dứt, đầu Cha Dũng cũng rơi xuống đất. Cha được phong Á Thánh năm 1900. Ngày Lễ: 26 tháng 12. vncatholic.org Trường Thi Tử Đạo Anrê Trần An Dũng Lạc linh mục Năm Ất Mão (1795) quê thực Bắc Ninh Kinh tế yếu kém gia đình Cho Thầy Kẻ giảng thuận tình chăm lo Rồi sau đó Thầy cho rửa tội Chọn quan thầy dẫn lối Anrê Dũng xin chủng viện cho về Bố nuôi linh hướng tên đề Cha Lan Vào chủng viện thuộc làng Vĩnh Trị Rất siêng năng hoan hỉ tươi vui Xã giao chia sẻ ngọt bùi Văn thơ năng khiếu tới lui viết liền Cậu chỉ đọc khỏi biên, khỏi chép Khoảng vài lần cậu ghép thành thơ Mười năm Thầy giảng đón chờ Ba năm Thần học ngày giờ thụ phong Lên bàn thánh quan phòng của Chúa Ðược sai đi đồng lúa chín vàng Phó xứ Ðồng Chuối, Hà Nam Cùng Cha Chính Khiết sẻ san giúp người Rồi sau đó đổi rời nhiệm sở Giúp Cha Thi về ở Xứ Ðoài Ðây là Giáo xứ thứ hai Sau rồi lại đổi cử ngài Sơn Miêng Giúp Cha Thuyết, ơn trên đã định Ðưa ngài lên Cha Chính Kẻ Ðầm Nơi đâu Ngài cũng nhiệt tâm Ăn chay nhiệm nhặt đạt tầm mức cao Rất ưu ái người nào nghèo khổ Cha sẻ chia, ban bố Tin mừng Vua Minh Mạng đã bỗng dưng Gắt gao chiếu chỉ đến từng xã thôn Sai quân lính lập đồn chặn lối Cha đợi chờ trời tối đi xa Giáo dân ẩn nấp trong nhà Kẻ Rọi lập xứ để mà giảng rao Cha dâng lễ, ập vào quân lính Cởi áo liền Cha đứng với dân Ba mươi người bắt toàn phần Tổng Thìn đem bạc thân nhân chuộc về Rồi sau đấy đổi xê tên Lạc Lần thứ hai xứ khác Kẻ Sông Thói quen hàng tháng băng đồng Cha Thi, Cha Lạc hai ông giải hòa Lý trưởng Pháp vô nhà vây bắt Cả hai Cha chúng đặt giá cao Hai trăm quan chuộc bỏ vào Giáo dân cố chạy không sao đủ tiền Viên Lý trưởng ông liền tuyên bố Tha Cha Lạc đủ số tha Thi Ðường về thuyền chở Cha đi Trời mưa gió lớn phải thì ghé vô Vào nhà trú chúng hô bắt giải Huyện Bình Lục gặp lại Cha Thi Một lần nữa giáo hữu đi Lo tiền chuộc lại Cha thì khuyên can Ðây ý Chúa, Ngài ban ơn phúc Thánh Phêrô tới lúc mất đầu Cảm tình mọi giới từ lâu Quan Huyện Bình Lục ngõ hầu ủi an Truyền dọn cơm trên bàn tử tế Trả lại ngay áo lễ hai Cha Thanh minh quan Huyện nói là Triều đình cấm đạo đâu mà phải ta Sau ba bữa chuyển ra Hà Nội Các giáo dân kéo vội đi theo Quan liền hỏi Ðạo Trưởng nghèo Sao dân thương tiếc thuyền chèo người đông Một phụ nữ thưa ông quan Huyện Cha dạy khuyên thực hiện điều lành Yêu người mến Chúa vinh danh Hai Cha dừng lại chân thành ủi an Tại Hà Nội dã man tra hỏi Nhưng hai Cha chẳng nói một lời Lính vua trảm quyết tới nơi Giáo dân tiếp tế kịp thời mang cơm Hai Cha sống giản đơn mọi cách Dặn họ đừng mang xách thịt vô Ăn chay, tích trữ lương khô Cha Tân tiếp tế đem vô Máu Mình Ngày xử án lý hình tới nói Theo lệnh vua buộc trói thi hành Hai Cha cầu nguyện vinh danh Chém ngoài Cầu Giấy ngoại thành Thủ Ðô Năm Kỷ Hợi (1839) tung hô tử đạo Biện pháp này chỉ bạo quan quân Roma phong thánh tới gần Suy tôn Canh Tý (1900) dành phần Anrê ================== Bài Họa Dũng Lạc xưa rầy chốn cửa quan Cực hình vui nhận chẳng van than Giáo dân luôn nhớ giờ kinh nguyện Huynh đệ cầu mong biết gắn hàn Phú Quý trần gian cơn gió lốc Hồng ân Thiên Chúa phúc bình an Chia tay tạm biệt hằng mong đợi Thiên Quốc gặp nhau Chúa dẫn đàng Lời bất hủ: Lễ các Thánh 1-11-1839 linh mục Trân đưa Mình Thánh vào ngục, vừa thấy cha Lạc đã ra chào đón: "Xin chào bác, tôi đợi bác đã lâu vì hết lương thực rồi". Sau đó cha cung kính rước lễ, và trao Mình Thánh cho cha già Thi. Cuối năm 1839 quan công bố án tử hình. Trước phút hành quyết người lý hình đến nói với cha: "Chúng tôi không biết các thầy tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên. Xin các thầy đừng chấp". |