Áp Dụng Kỹ Thuật Shadowing Trong Luyện Nói Tiếng Anh - ZIM Academy

Phương pháp Shadowing hay còn gọi là kỹ thuật nói nhại xuất hiện lần đầu tiên với cái tên Shadowing Speech vào cuối những năm 1950, đây là một thí nghiệm trong nghiên cứu về nhận thức ngôn ngữ và nói ngọng dẫn đầu bởi Ludmilla Andreevna Chistovich. Trong đó, người tham gia lặp lại lời nói ngay sau khi nghe (thường sử dụng tai nghe để tránh nhiễu âm và tiếng ồn).

Phương pháp Shadowing là gì?

Trong phương pháp Shadowing, thời gian phản ứng từ lúc nghe một từ đến khi phát âm từ đó có thể chỉ kéo dài trong 254 mili giây thậm chí ngắn còn 150 mili giây. Khi một người lặp lại những từ nghe được, họ cũng đồng thời tự động phân tích cú pháp và ngữ nghĩa của những từ đó. Không chỉ là việc đơn thuần đọc to một số từ ngữ, quá trình lặp lại trong kỹ thuật nói nhại đòi hỏi người nói phải phân tích, xử lý thông tin và bắt chước lối diễn đạt của những nội dung nghe được.

Quá trình học tiếng Anh bằng phương pháp Shadowing diễn ra theo những bước cơ bản như sau:

  • Bước 1: Chọn tư liệu nghe (có thể là podcast, video, đoạn hội thoại…)

  • Bước 2: Thực hiện phương pháp shadowing: mở tư liệu nghe đồng thời lặp lại và bắt chước những thông tin nghe được (cố gắng giảm thiểu thời gian phản ứng từ khi nghe đến khi phát âm; đọc to, rõ ràng nhất có thể).

  • Bước 3: Giáo viên/người hướng dẫn nghe đoạn nói của học viên và đưa ra nhận xét, đánh giá.

  • Bước 4: Học viên cải thiện, sửa lỗi thông qua nhận xét của giáo viên và tiếp tục lặp lại quá trình trên.

Có thể thấy, quá trình tương tự xảy ra ở trẻ em khi chúng bắt đầu phát triển khả năng ngôn ngữ. Những người lớn xung quanh trẻ tạo ra một môi trường giao tiếp mà trẻ tiếp xúc liên tục với tiếng mẹ đẻ. Sau đó, chúng bắt chước những gì nghe được và bắt đầu phát triển khả năng nói của mình. Imitation – sự bắt chước, lặp lại là từ khóa quan trọng trong quá trình nói của trẻ em, và người lớn cũng có thể sử dụng phương pháp này để học một ngôn ngữ mới.

Hướng dẫn luyện nói tiếng Anh theo phương pháp Shadowing

Về cơ bản những bước áp dụng phương pháp shadowing đã được trình bày ở trên, tuy nhiên, một số bước vẫn cần diễn giải chi tiết hơn và một số bước khác có thể được thiết kế phù hợp với quá trình tự học của người học ngoại ngữ. Vì vậy, trong phần hai phương pháp luyện nói tiếng Anh bằng phương pháp Shadowing sẽ được trình bày chi tiết để người đọc có thể áp dụng cho mình.

Bước 1: Chọn tư liệu nghe

Trong phương pháp shadowing, việc chọn tư liệu nghe để người học nhại theo là cực kỳ quan trọng. Để lựa được nguồn tư liệu nghe phù hợp, người học cần xem xét đến nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ khó của một bài nói. Các yếu tố đó được trình bày như sau:

Thứ nhất, độ dài của bài nói (Length)

Yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhận thông tin của người học, thời gian bài nói càng kéo dài, lượng thông tin mà người học phải tiếp nhận càng lớn và đòi hỏi não bộ phải hoạt động nhiều hơn.

Thứ hai, tốc độ của bài nói (Speed)

Lượng từ mà người học có thể nghe được mỗi phút (word per minute) thay đổi tùy thuộc nhiều yếu tố chẳng hạn như trình độ ngôn ngữ, sự quen thuộc với chủ đề nghe… Đối với những người mới bắt đầu học ngoại ngữ, tốc độ bài nói tăng có thể khiến mức độ nghe hiểu thông tin đi xuống do họ chưa luyện được phản xạ nghe-hiểu hoặc não bộ không có thời gian để xử lý thông tin.

Thứ ba, độ khó của các từ xuất hiện trong bài nói (Difficulty of words used)

Yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của người học khi nghe mà còn tác động đến tốc độ nói và sự trôi chảy khi họ bắt chước những thông tin đã nghe trong bài. Nếu bài nói có nhiều từ vựng quen thuộc, người nghe sẽ hiểu được thông tin và nói theo dễ dàng hơn nhiều. Ngược lại, trong một đoạn có nhiều từ ngữ chuyên ngành, ít xuất hiện, họ chỉ biết lặp lại một cách vô thức mà không hiểu nội dung mình đang nghe/nói.

Thứ tư, trọng âm và ngữ điệu trong câu (Stress and Intonation)

Khi người học lặp lại thông tin đã nghe, đây là một trong những yếu tố khó bắt chước nhất. Nguyên nhân của điều này là do hệ thống trọng âm, ngữ điệu của ngôn ngữ mẹ đẻ đã thiết lập vững chắc trong não bộ của người học khiến họ không dễ dàng chỉnh sửa thậm chí áp dụng những âm đó vào ngoại ngữ mình đang học.

Vì vậy, những bài nói mà người học chọn để luyện tập phương pháp shadowing cần đáp ứng những tiêu chí sau:

  • Độ dài vừa phải, khi mới bắt đầu đoạn nói không nên kéo dài quá 2-3 phút.

  • Video/audio phải có transcript để giúp người học theo kịp thông tin được nói trong bài

  • Nên là những video do người bản xứ nói (ví dụ như phim, chương trình thực tế, bài diễn thuyết…)

  • Chủ đề của bài nói nên có sự quen thuộc nhất định vơi người học, tránh chủ đề khó, nhiều từ chuyên ngành.

Bước 2: Nghiên cứu transcript

Khi thực hành phương pháp Shadowing, người học không nói nhại ngay lập tức mà phải có sự chuẩn bị để hiểu được những nội dung trong bài nói của người bản ngữ, đây chính là bước nghiên cứu transcript (tức là những nội dung nói trong video/audio đều được trình bày dưới dạng chữ để thuận tiện cho quá trình theo dõi). Khi nghiên cứu transcript, nhiệm vụ của người học là tra từ điển, ghi chép và ghi nhớ tất cả các từ /cách diễn đạt mới lạ xuất hiện trong bài. Người đọc càng hiểu nội dung nói bao nhiêu, quá trình nghe – lặp lại càng dễ dàng bấy nhiêu.

Bước 3: Nghe trước một số lần

Bước này giống như quá trình khởi động trước khi bắt đầu shadowing, giúp cho người học làm quen với âm điệu, phong cách, sự nhấn nhá của người nói trong video/audio. Việc nghe nhiều lần sẽ giúp họ bớt bỡ ngỡ và dễ dàng theo kịp tốc độ của người bản ngữ.

Bước 4: Nói nhại (Shadowing)

Đây là lúc người học chính thức thực hiện Shadowing. Ở một vài lần thực hiện đầu tiên, hãy nhìn vào phần phụ đề hoặc transcript của video. Người nói trong video nói đến đâu, người học cần quan sát phụ đề và nói theo đến đó. Trong quá trình nói cần cố gắng điều chỉnh âm lượng to, rõ ràng và bắt chước giống nhất có thể. Lưu ý, học viên nên đeo tai nghe và đồng thời mở một máy ghi âm bên cạnh để thu âm lại phần shadowing của bản thân nhằm mục đích đánh giá sau đó.

Bước 5: Đánh giá

Sau khi nói thực hiện việc Shadowing xong, học viên mở lại phần ghi âm ở bước trên và nghe xem, phần nói của bản thân đã giống với người nói chưa, chú ý đến phát âm của các từ đơn, nối âm, âm đuôi, trọng âm, ngữ điệu…

Bước 6: Điều chỉnh

Sau khi so sánh đối chiếu với người nói trong video hoặc audio, nếu có sự khác biệt trong cách phát âm, học viên cần gạch chân lại các phần đó và luyện tập cho đến khi cảm thấy hoàn toàn tự tin là đã giống với người bản ngữ. Người học có thể nhờ một người khác lắng nghe xem phần nói của mình đã tự nhiên và trôi chảy chưa.

Xem thêm:

  • Cách áp dụng kỹ thuật Shadowing cải thiện kỹ năng nghe hiểu

  • Cách cải thiện Speaking khi kết hợp Imitation và shadowing

Những ưu điểm của phương pháp Shadowing trong luyện nói tiếng Anh

Không đòi hỏi người học phải đạt được một trình độ đầu vào nhất định

Phương pháp luyện nói tiếng Anh này có thể được áp dụng ở hầu hết mọi đối tượng người học, ngay cả khi họ chỉ mới bắt đầu học hoặc đã đạt đến trình độ khá. Khác biệt duy nhất chính là nguồn tư liệu nghe mà người học chọn lựa sao cho phù hợp với khả năng của mình (Xem phần Các yếu tố ảnh hưởng đến độ khó của một speech trình bày ở phần hai)

Luyện tập phản xạ nghe nói tiếng Anh với phương pháp Shadowing

Phương pháp Shadowing giúp người học hình thành chuỗi phản xạ nghe – nói tức thì. Một vấn đề mà hầu như người học nào cũng mắc phải chính là tốn quá nhiều thời gian để xử lý thông tin khi nói, quá trình đó diễn ra theo con đường:

Lên ý tưởng trong đầu → Dịch/chuyển ngữ Việt - Anh → Nói.

Với phương pháp Shadowing khoảng thời gian dịch/chuyển ngữ bị giảm đi đáng kể. Qua thời gian, khi người học đã quen với việc phản xạ với tiếng Anh khi nói, họ có thể tăng tốc độ nói cũng như cải thiện được sự trôi chảy, mạch lạc trong những nội dung truyền đạt.

Chỉnh sửa phát âm, ngữ điệu giống người bản ngữ

Thực hành kỹ năng nói trong phương pháp shadowing không chỉ đơn thuần là việc đọc một từ/cụm từ/câu. Điểm khác biệt ở đây, chính là tất cả những yếu tố cấu thành nên một bài nói nêu trên (câu, từ …) đều được đặt trong một bối cảnh cụ thể và có sự tương tác nhất định với nhau. Chẳng hạn như hiện tượng nối âm giữa các từ hoặc sự biến âm của mỗi từ dưới tác động của trọng âm và ngữ điệu.

Bắt chước những gì người bản ngữ nói trong audio cho phép người học làm quen được những hiện tượng trên trong tiếng Anh và rèn luyện được khả năng phát âm tự nhiên. Bên cạnh đó sau khi nói bằng Shadowing, ở phần đánh giá, người học có thể đối chiếu và so sánh phần nói của bản thân với audio để có những điều chỉnh phù hợp.

Xem thêm: Cách khắc phục lỗi phát âm phổ biến trong tiếng Anh của người Việt Nam

Nhược điểm của phương pháp shadowing trong luyện nói tiếng Anh

Đây không phải là phương pháp cải thiện tiếng Anh cho hiệu quả tức thì

Hãy nhớ lại ví dụ về trẻ tập nói, chúng không nói trong ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình dài đến hàng năm: mất 4-6 tháng để trẻ bập bẹ những âm tiết đầu tiên và mãi đến khoảng 25-36 tháng mới nói được những câu đơn giản.

Tương tự, phương pháp Shadowing cũng đòi hỏi người học phải kiên nhẫn luyện tập trong một khoảng thời gian nhất định mới thu được thành quả. Thời gian để nhìn thấy tiến bộ với phương pháp Shadowing không cố định mà thay đổi tùy thuộc vào mỗi người học nhưng một điều chắc chắn là họ phải luyện tập đều đặn, thường xuyên trong khoảng thời gian 1-3 tháng.

Thời gian đầu dễ gây chán nản cho người học khi áp dụng phương pháp shadowing

Có nhiều yếu tố khiến kỹ thuật này có thể gây nhàm chán cho người học. Đầu tiên, người học đã được lập trình trong đầu một ngôn ngữ hoàn toàn khác với tiếng Anh, từ tư duy ngôn ngữ đến với cấu tạo khẩu hình đều có sự khác biệt.

Do đó trong quá trình nói nhại, việc bị xoắn lưỡi khi phát âm những từ khó, không theo kịp tốc độ nói của audio hay không thể nghe và xử lý thông tin là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, để luyện tập phương pháp Shadowing một cách hoàn hảo cần phải đi qua khá nhiều bước chẳng hạn như chuẩn bị tư liệu nghe, lọc từ vựng, nói nhại, nghe lại – đánh giá – điều chỉnh. Vì vậy, một lần nữa sự quyết tâm là cần thiết khi học ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Một số nguồn luyện Shadowing tiếng Anh hiệu quả

  • Dành cho người mới bắt đầu

Nếu người học mới bắt đầu, người học có thể chọn bài hát tiếng Anh đơn giản như "Twinkle, Twinkle, Little Star" hoặc "Happy Birthday" trên Youtube. Ngoài ra người học có thể luyện nghe trên trang web British Council

  • Dành cho người học trình độ 5.5 (theo band điểm IELTS) trở lên

Nếu người học đã quen với Shadowing, người học có thể chọn bài nghe từ các nguồn như TED Talks, Ted-Ed, VOA Learning English, BBC Learning English. Một số series phim: How I met your mother, Friends,…

Nguồn luyện ShadowingCác trang web/kênh luyện Shadowing tiếng Anh

Trên thực tế, phương pháp Shadowing được nhiều người áp dụng trong quá trình học ngoại ngữ của họ, thậm chí được nhiều quốc gia đưa vào sử dụng trong việc giảng dạy ngoại ngữ (chẳng hạn như Nhật Bản). Như bất kỳ cách học nào khác, kỹ thuật này có cả những mặt thuận lợi và khó khăn đối với người học. Tuy nhiên, tính kỷ luật và kiên trì sẽ giúp người học tận dụng được Shadowing Technique và đạt được những tiến bộ nhất định trong giao tiếp tiếng Anh.

Đọc thêm: Thời gian phản xạ trong tiếng Anh và cách để cải thiện.

Từ khóa » Học Tiếng Anh Bằng Shadowing