Đặt Catheter Tĩnh Mạch Trung Tâm | BvNTP

II. CHỈ ĐỊNH

  • Nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài.
  • Truyền dịch với nhu cầu nồng độ thẩm thấu cao, nồng độ Glucose cao > 12,5%.
  • Người bệnh có tình trạng bệnh cần duy trì các loại thuốc cần đưa vào tĩnh mạch lớn / tĩnh mạch trung tâm: Các thuốc vận mạch.

II. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Không tìm được tĩnh mạch ngoại vi.
  • Huyết khối tĩnh mạch.
  • Suy thận giai đoạn cuối.

III. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

01 bác sĩ hoặc điều dưỡng đã được đào tạo thực hiện thủ thuật, 01 điều dưỡng phụ giúp.

2. Phương tiện

2.1. Dụng cụ vô khuẩn

– Catheter các cỡ tùy theo bệnh nhi và loại catheter sẵn có ở bệnh viện

+ Vygon silicone 24G 2F 1 nòng, dài 30cm

+ Vygon Nutrioline Twinflo polyurethane 23G (2F) 2 nòng, dài 30cm

+ Vygon Premicath polyurethane 28G (1F) 1 nòng, dài 20cm

– Bộ dụng cụ đặt catheter TMTT từ tĩnh mạch ngoại vi

+ Kéo

+ Kẹp phẫu tích không mấu

+ Gạc vô trùng.

+ Bát kền

+ Găng tay vô khuẩn

+ Áo choàng mổ, mũ, khẩu trang.

+ Khăn trải vô khuẩn có lỗ và không lỗ

+ Bơm tiêm 10ml, chạc ba không dây.

2.2 . Thuốc và dung dịch sát trùng

  • Nước muối sinh lý 0,9%
  • Cồn 700, Betadin10% hoặc cồn Iot 1%
  • Heparine
  • Dung dịch sát trùng nhanh

2.3. Dụng cụ sạch

  • Giường sưởi hoặc lồng ấp
  • Băng dính trong Tegaderm , băng dính dạng sợi (Sterile strips)
  • Thước dây
  • Bàn đặt dụng cụ

3. Bệnh nhi

  • Giải thích với gia đình của trẻ về thủ thuật sẽ tiến hành
  • Bộc lộ tối đa vùng cơ thể dự định đặt catheter, đặt ở tư thế thuận tiện nhất cho quá trình làm thủ thuật.
  • Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, gắn monitoring theo dõi liên tục
  • Dùng thuốc giảm đau, an thần trước khi thực hiện thủ thuật.

4. Hồ sơ bệnh án

Ghi đầy đủ y lệnh

VI. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ, bệnh án

2. Kiểm tra người bệnh

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Chọn vị trí đặt catheter

  • Lựa chọn tĩnh mạch to, đường đi khá thẳng, nhìn rõ nhất.
  • Các tĩnh mạch thường được lựa chọn

+ Chi trên: Thường được lựa chọn hơn. Tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền

+ Chi dưới: Tĩnh mạch hiển

+ Đầu, cổ (Hạn chế sử dụng): Tĩnh mạch thái dương, tĩnh mạch cảnh

  • Xác định vị trí đích mong muốn của catheter

+ Trung thất trên, cạnh ức phải: Khi đặt catheter từ tĩnh mạch ngoại vi ở chi trên, hoặc vùng đầu, cổ

+ Mũi ức: Khi đặt catheter từ tĩnh mạch ngoại vi ở chi dưới.

  • Đo chiều dài từ vị trí xác định tĩnh mạch ngoại vi định chọc đến vị trí đích đã xác định theo đường đi của tĩnh mạch đó.

3.2. Các bước đặt catheter

  • Người thực hiện thủ thuật đội mũ, đeo khẩu trang, rửa tay, mặc áo vô trùng, đi găng vô trùng.
  • Trải khăn vô trùng lên bàn đặt dụng cụ.
  • Sắp xếp các dụng cụ vô khuẩn lên bàn đặt dụng cụ
  • Đuổi khí trong lòng catheter bằng dung dịch NaCl 0,9% pha Heparine 1 đơn vị/1ml
  • Lấy Betadine vào bát kền.
  • Sát khuẩn 2 lần theo hình xoáy trôn ốc từ tĩnh mạch đã xác định sẽ đặt catheter ra toàn bộ cánh tay/ chân đó bằng bông cồn và gạc vô trùng tẩm betadine.
  • Trải săng có lỗ vô khuẩn lên người bệnh sao cho chỉ có cánh tay/ chân đã được sát khuẩn được bộc lộ trên săng.
  • Đọc, xem lại hướng dẫn đặt catheter trong bộ dụng cụ đặt catheter, mỗi loại có cách thức riêng, có loại kim chọc tĩnh mạch riêng.
  • Người làm thủ thuật dùng kim chọc tĩnh mạch chọc vào tĩnh mạch, dừng lại khi thấy có máu ra tốt ở đốc
  • Giữ đốc kim thật chắc bằng 1 tay, tay kia cầm kẹp phẫu tích không mấu luồn catheter vào trong lòng kim chọc tĩnh mạch, từ từ đưa sâu vào trong cho đến mức mong muốn.
  • Giữ chắc catheter ở vị trí xâm nhập vào tĩnh mạch, từ từ, nhẹ nhàng rút kim chọc tĩnh mạch ra. Lưu ý catheter cũng thường bị kéo theo ra, vì thế khi luồn catheter vào tĩnh mạch, nên đưa sâu hơn mức mong muốn 2-3cm.
  • Để tách rời kim chọc tĩnh mạch khỏi catheter, thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của bộ dụng cụ đặt catheter.
  • Chỉnh lại vị trí catheter để có đúng vị trí mong muốn. Rút thử máu để kiểm tra, nhưng không thực hiện động tác này riêng với loại catheter Premicath 28G.
  • Bơm đẩy lại máu vào trong lòng mạch. Chỉ dùng bơm 10 ml để tránh tạo áp lực quá lớn trong lòng catheter.

3.3. Cố định Catheter

  • Dùng băng dính sợi vô trùng (3 sợi) cố định catheter.
  • Dùng cả miếng băng dính trong lớn che phủ toàn bộ phần catheter ngoài da cho đến tận đầu nối của catheter. Lưu ý điểm catheter đi qua da cần phải quan sát được rõ và ở vùng trung tâm của miếng băng dính trong.

3.4. Kiểm tra vị trí của Catheter

  • Vị trí đầu catheter cần được xác định bằng chụp phim Xquang
  • Nếu không nhìn rõ đầu catheter cần chụp phim có bơm thuốc cản quang hoặc siêu âm tim kiểm tra.

​​​​​​​

VII. THEO DÕI

  • Trường hợp người bệnh quá nhỏ, tĩnh mạch nhỏ, có thể sử dụng kim luồn 24G và Catheter Premicath 28G.
  • Để đảm bảo quá trình chăm sóc catheter phải thực hiện đúng quy trình
  • Nếu thấy có máu trong catheter cần phải bơm dịch natriclorua 0,9% pha heparine tráng catheter ngay.
  • Để tránh làm dập, tổn thương catheter, chỉ nên dùng loại bơm 10 ml hoặc lớn hơn để bơm dịch vào Catheter
  • Ghi chép hồ sơ

+ Ngày, thời gian đặt catheter

+ Loại catherter, kích cỡ.

+ Vị trí đặt catheter

+ Chiều dài catheter đưa vào tĩnh mạch.

+ Vị trí của đầu catheter tại tĩnh mạch trung tâm

VIII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1. Nhiễm trùng

Là biến chứng thường gặp nhất. Chưa có bằng chứng về thời gian có thể lưu “longline”. Tuy nhiên thời gian lưu catheter kéo dài là dấu hiệu dự báo nhiễm trùng.

2. Các biến chứng về mạch: Huyết khối, nghẽn mạch

  • Nghẽn mạch phổi
  • Nghẽn mạch do khí.
  • Huyết khối tĩnh mạch thận
  • Huyết khối trong buồng tim
  • Huyết khối nhiễm trùng

3. Tổn thương tổ chức

Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

4. Tràn dịch

Là những biến chứng nặng nhưng hiếm gặp. Gồm có: tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn máu màng phổi, tràn dịch dưỡng chấp, tràn dịch màng bụng.

5. Catheter

Sai vị trí, tắc, dập, vỡ, xoắn…

6. Rối loạn nhịp tim

7. Liệt cơ hoành do tổn thương dây thần kinh hoành

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Cách đặt Catheter Tĩnh Mạch Trung Tâm