Hành Vi Gây Hấn – Phần I - CSCI INDOCHINA

I/ Dẫn luận

Để làm sáng tỏ loại hành vi có xu hướng “tấn công” người khác và tự tấn công bản thân ở góc độ tâm lý học, phần dẫn luận này sẽ giới thiệu các cách nhìn khác nhau về gây hấn, các nguyên nhân dẫn đến hành vi gây hấn và các phương tiện truyền thông ảnh hưởng tiêu cực tới các hành vi gây hấn. Các thực nghiệm về hành vi gây hấn mặc dù sưu tập chưa được nhiều như những hiện tượng tâm lý xã hội khác. Tuy nhiên, chúng cũng đủ để giới thiệu cho người đọc những khía cạnh thực nghiệm khác nhau về loại hành vi ít được chờ đợi trong xã hội này, ví dụ như thực nghiệm về các yếu tố có khả năng làm tăng hành vi gây hấn ở con người, cũng như những hậu quả của hành vi gây hấn.

Gây hấn (hay còn gọi là xâm kích) được hiểu là hành vi có chủ ý, có ý thức nhằm gây tổn hại hoặc gây thương tích cho người, vật, cho dù mục đích có đạt được hay không. Đó là loại hành vi vi phạm các chuẩn mực xã hội ở khía cạnh pháp luật, đạo đức và tâm lý. Gây hấn còn là hàn vi có ý nghĩa đánh giá về mặt nhân cách xã hội của con người. Ví dụ người con giận dữ không viết thư cho cha mẹ, trong khi biết rằng người mẹ sẽ đau khổ nếu không nhận được thư của nó; hay ông X chuyên ngồi lê đôi mách gây tổn thương đến người khác.

Gây hấn chỉ tính chất của hành vi là tính hung hãn, hung tính, tính xâm kích. Đó là hành vi gây tổn hại, gây thương tích cho người khác hoặc cho mình một cách cố ý và thường có xu hướng dùng sức mạnh cơ học (nắm đấm, đá, đạp, xô, đẩy…), hoặc sử dụng  những vũ khí như gậy gộc, dao… hoặc sử dụng lời nói làm công cụ để tấn công. Nhưng khi vô tình làm ai đó bị thương thì không phải là một hành động gây hấn vì ở đây không có hành động chủ ý làm tổn thương.

Hành vi gây hấn thể hiện những xung động thiên về tính chất bệnh lý, chỉ trạng thái hành động theo từng cơn dữ dội, mà cực điểm người đó có thể gây ra án mạng, tự tử, trốn nhà, bạo động… Đây là trạng thái mất cân bằng tâm lý. Xung động thúc đẩy con người tới hành vi không suy xét, hành vi tàn nhẫn.

Gây hấn thể hiện như một xu hướng tính cách của con người. Ở những người có biểu hiện gây hấn, lời nói và hành động của họ luôn luôn có ý tấn công, đây là một nét nhân cách cảu con người hay còn gọi là “tính hiếu chiến”. Theo Freud giải thích thì năng lượng gây hấn luôn có thiên hướng trào ra từ bên trong cơ thể. Khi bị kích thích năng lượng gây hấn phải được phóng thích ra bên ngoài nhằm vào một đối tượng giao tiếp của chủ thể, lúc đó dường như con người cảm thấy nhẹ nhàng hơn, khoan khoái hơn, vì vậy gây hấn thường nhấn mạnh đến định nghĩa dự định mục đích phía sau của hành vi. Gây hấn thể hiện sự khoan khoái, hài lòng, sung sướng của chủ thể khi họ làm đau một ai đó (Corlson, Marcus – Newhall và Miller, 1989).

Người thường xuyên có hành vi gây hấn luôn có tâm thế giải quyết mâu thuẫn của mình bằng bạo lực một cách dữ dội. Khi gây hấn trở thành một xu hướng nhân cách cảu một người, thì người đó luôn không đủ kiên trì để lắng nghe, không đủ kiên trì để thảo luận và thương lượng cũng như không có kỹ năng điều chỉnh cơn tức giận của mình.

Vai trò vị thế của chủ thể gây hấn về mặt tinh thần đối với đối tượng càng cao thì tổn thương gây ra càng lớn. Dấu hiệu nhận biết ở trẻ em có biểu hiện hung tính là tâm trạng chuyển từ bình thường sang cáu giận, bực tức với tần suất một vài lần trong ngày hoặc tuần.

Nhiều người có sự nhầm lẫn khi đồng nhất khái niệm bạo lực và khái niệm gây hấn. Trong gây hấn có thể có hành vi bạo lực, trong bạo lực cũng có thể biểu hiện rõ thái độ gây hấn. Tuy nhiên chúng không phải là một. Theo Từ điển Tiếng Việt bạo lực là “những hành động dùng sức mạnh để cưỡng bức, trấn áp hay lật đổ”. Bạo lực chủ yếu mổ xẻ hành vi ở góc độ đối tượng bị hại, kết quả của hành động, cụ thể là số thương vong, số thiệt hại về của cải và vật chất…

Hành vi gây hấn tinh thần biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Từ việc cố ý hạ thấp hay không coi trọng giá trị của người khác (cho rằng họ ngu ngốc, phủ nhận thành công của người khác), xúc phạm và hạ thấp người khác trước mặt mọi người, nhận xét về hình thức, trí tuệ, khả năng của người đó bằng những lời lẽ gây tổn thương hay lời lẽ mang tính chất khủng bố, đe dọa tạo ra không khí căng thẳng sợ hãi, lo lắng làm cho người khác luôn cảm thấy không an toàn. Người gây hấn cũng có biểu hiện như phớt lờ, từ chối cũng như không thể hiện tình yêu thương, giấu diếm lời chỉ dẫn khiến người khác gặp nguy hiểm.

Ngoài ra, sự gây hấn còn biểu hiện như xúi giục hay cưỡng ép người khác thực hiện hành vi không phù hợp, khiến người khác phát triển không bình thường về mặt cảm xúc và gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội. Hoặc, tạo quá nhiều áp lực buộc người khác phải làm những điều vượt qua khả năng hoặc không phù hợp với trình độ, lứa tuổi. Hành vi gây hấn còn biểu hiện ở việc tìm mọi cách cô lập không cho ai đó giao tiếp với những người xung quanh, hoặc ngăn cấm tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục… Thậm chí họ còn cảm thấy thích thú khi người khác phải chứng kiến các hành động bạo lực.

Hành vi gây hấn thể hiện rõ nhất khi làm tổn hại bản thân hoặc người khác về mặt thể chất. Gây hấn là những hành động mà người gây hấn sử dụng sức mạnh cơ bắp (tay, chân) hoặc công cụ thậm chí là cả vũ khí để gây đau đớn về thể xác thân thể đối với nạn nhân hoặc tự làm đau mình. Những hành vi phổ biến như đánh, đập, tát, đấm, đá; dùng vật nhọn, sắc cứa vào người gây thương tích.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Kim Quý – đường dây tư vấn 18001567 đã nói về vấn đề rạch tay như một căn bệnh đang lan trong một bộ phận 9X hiện nay: “Đây gọi là hiện tượng tự xâm kích ở trẻ theo cơ chế tự vệ mang tính vô thức. Khi các bạn trẻ gặp khó khăn hay có chuyện buồn, khi nhu cầu không được thỏa mãn một số bạn trẻ sẽ lấy việc tự xâm kích mình để giải quyết cái buồn ấy thay vì sử dụng cơ chế thăng hoa hay cơ chế di chuyển để giải tỏa nỗi buồn ấy ra ngoài, mà trẻ chuyển nỗi buồn ấy vào trong bằng cách đổ lỗi cho bản thân, tự xâm kích, tự hành hạ mình như cắt chân cắt tay mình, tự đánh mình… Cơ chế tự vệ này cực kỳ có hại, nhưng cá biệt một số bạn vẫn sử dụng mỗi khi chống chọi với nỗi buồn. Phần lớn họ là những người bị bệnh thần kinh yếu, mắc bệnh trầm cảm, đặc biệt thường xảy ra ở lứa tuổi dậy thì. Tôi đã từng tư vấn cho một học sinh lớp 10, em đề nghị bố mẹ phải mua xe máy (trong khi gia đình đang không hạnh phúc, bố có bồ). Bố mẹ không mua xe, em phản ứng bằng việc cắt cổ tay, tự xâm kích để kéo sự quan tâm của gia đình về phía mình, và muốn bố mẹ quay về với nhau”. Giải thích về hiện tượng rạch tay này, TS. Kim Quý cho rằng: “Đi cùng với cơ chế tự vệ là cơ chế lây lan, nhiều bạn trẻ thấy bạn bè tự xâm kích có hiệu quả trong việc lôi kéo sự quan tâm của người khác đã chia sẻ với nhau, và việc học nhau rạch tay, cắt cổ tay diễn ra rất nhanh, đặc biệt là ở những trẻ có nhu cầu được yêu thương, được trò chuyện, chia sẻ nhưng không có ai để nói, sử dụng cơ chế tự vệ này để thỏa mãn nhu cầu ấy. Những trẻ bình thường không có vấn đề gì bế tắc thì không xảy ra chuyện này”.

Có thể tiếp cận hành vi gây hấn từ những quan điểm khác nhau trong tâm lý học xã hội.

Quan điểm tự nhiên về hành vi gây hấn được Darwin là người đầu tiên đưa ra trong thuyết tiến hóa của loài người căn cứ trên nguyên lý chọn lọc tự nhiên. Theo ông, khi có nạn đói hoặc chiến tranh, hoặc khi thức ăn trở nên hiếm hoi, sự cạnh tranh xuất hiện, và trong cuộc “đấu tranh sinh tồn sự chọn lọc sẽ tác động làm lợi cho kẻ mạnh. Trong suốt quá trình phát triển của loài người, hung tính đóng vai trò quan trọng trong sự sống còn của các thành viên. Những người săn bắn đầu tiên đôi lúc phải hung hãn để giết các con vật, tiêu diệt các bộ lạc khác, giành bạn tình hoặc giành lãnh thổ khác… Tất cả điều này cho thấy gây hấn như một loại hành vi tự nhiên vốn có ở con người trong quá trình tồn tại và trưởng thành. Tuy nhiên trong xã hội văn minh loại hành vi gây hấn theo kiểu chọn lọc tự nhiên này không được xã hội chấp nhận.

Hành vi gây hấn cũng được xem xét từ nguyên nhân của các chất hóa học. James Dabbs và đồng nghiệp đã tìm thấy một lượng testoteron lớn trong máu của một tên sát nhân hàng loạt. Tiêm chất testoteron (hóc môn giới tính nam) sẽ làm tăng tính hiếu chiến của động vật. Và ở con người cũng có kết quả tương tự. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Những người tù có vi lượng testoterone cao hơn bình thường, họ thường vi phạm luật lệ nhà tù nhiêu hơn đặc biệt là trong những cuộc đối đầu công khai. Còn trong một trường đại học, những sinh viên khó bảo vô trách nhiệm xã hội cũng thường có lượng testerone trung bình cao nhất. Người ta cũng chứng minh được rằng serotonin (chất dẫn đường thần kinh) dường như có thể ngăn được hành vi gây hấn. Đối với động vật, khi dòng chảy của thể chất này bị gián đoạn thì các hành vi hiếu chiến thường xảy ra. Ở người, chúng ta đã chứng minh được rằng những tên tội phạm bạo lực có lượng chất serotonin được sản xuất thấp hơn (Davidson, Putman và Larson, 2000).

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SDCRC

Nguồn tham khảo: Trần Thị Minh Đức – Các thực nghiệm trong tâm lý học xã hội – NXB ĐHQG HN 2008.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Khái Niệm Gây Hấn Là Gì