Hoa Văn Trên Gốm Thời Trần Trong BTTT - MyThuatMS

Hoa văn trên gốm thời Trần trong BTTT

Hoa văn trên gốm thời Trần trong BTTT cơ bản

1. Hoa văn trong trang trí hình cơ bản:

Trong tự nhiên có rất nhiều hình dạng khác nhau với những đặc điểm khác nhau. Hình cơ bản ở đây được nhắc đến đó chính là hình vuông, chữ nhật, tròn và tam giác đều. Trang trí cơ bản là cách sắp xếp các yếu tố tạo hình như đường nét, màu sắc, hình mảng, đậm nhạt theo các nguyên tắc trang trí để tạo nên một bố cục hợp lí, có chính phụ, màu sắc hài hòa, thống nhất về nội dung và hình thức. Khi làm một bài tập trang trí, sinh viên cần nắm rõ hai nguyên tắc cơ bản sau:

- Tương phản - Cân đối: Tương phản là nguyên tắc luôn được sử dụng nhằm tạo sự đa dạng và phong phú trong nghệ thuật tạo hình. Có mảng to thì phải có mảng nhỏ, có sáng thì cần có tối, có nét cong phải có nét thẳng, nét xiên, nét gấp khúc… Đối với màu sắc thì trong gam nóng làm chủ đạo nhưng vẫn không thể thiếu sự xuất hiện của gam lạnh. Và ngược lại gam lạnh là chủ đạo song không thể thiếu gam nóng. Sự Tương phản bổ trợ cho nhau, làm tôn nhau lên. Giống như sự hài hòa của vũ trụ là phải hòa hợp âm dương vậy. Nguyên tắc cân đối là một nguyên tắc quan trọng trong trang trang trí bởi sự hài hòa, hợp lí, cân đối luôn định hình cái đẹp. Sự cân đối có nghĩa là các mảng, các họa tiết, các độ đậm nhạt và màu sắc phải được bố trí cân bằng, thuận mắt cho người xem. Một bài trang trí đẹp phải đảm bảo yếu tố đó. Khi thực hiện bài tập trang trí, sinh viên cần đảm bảo các yêu cầu:

- Bố cục: Phân bố mảng chính phụ rõ ràng, cân đối, rõ trọng tâm

- Hình mảng cần có sự đa dạng về kích thước và hình thể

- Có sự bố trí mảng đặc và mảng rỗng phù hợp. Mảng đặc ở đây là mảng có họa tiết, và mảng rỗng đó chính là mảng không có họa tiết (mảng nền). Sự linh hoạt giữa mảng đặc và mảng rỗng tạo điểm nghỉ mắt cho người xem, làm tập trung, rõ hơn chủ đề và ý đồ trang trí.

- Đường nét trong trang trí có chức năng tạo ra hình họa tiết, làm phong phú cho các mảng và liên kết các mảng tạo sự uyển chuyển, nhịp nhàng cho bố cục. Vì vậy có nét to, nét nhỏ; nét dài, nét ngắn… để có sự đa dạng về nét.

- Họa tiết sử dụng trang trí nên được chắt lọc, cách điệu, và nghiên cứu để phù hợp với hình.

- Độ đậm nhạt nên có 3 sắc độ: đậm, trung gian và sáng. Sự phân bố độ đậm nhạt trong bố cục trang trí cũng nên theo nhịp điệu. làm nổi bật phần chính và giảm sắc độ ở những chi tiết phụ. Khi vẽ, tốt nhất nên dùng màu trung gian trước, sau đó chỗ nào cần chú ý, tập trung, nhấn mạnh bằng màu đậm và sáng theo ý đồ trang trí.

- Màu sắc có sự phù hợp với họa tiết và tạo phong cách, sắc thái riêng. Nên đi theo hòa sắc, màu chủ đạo. Các hình cơ bản là một bố cục khép kín, trọn vẹn trong chu vi hình trang trí. Do vậy, khi trang trí cần phải dựa vào tính chất, đặc điểm của mỗi hình để sắp xếp bố cục và các yếu tố tạo hình phù hợp. Hình vuông là tứ giác có các cạnh bằng nhau, song song từng đôi và có bốn góc vuông, tâm là giao điểm của hai đường chéo góc. Khoảng cách từ tâm đến các góc bằng nhau, nhưng dài hơn khoảng cách từ tâm đến trung điểm các cạnh.Vì vậy, khi bố cục trang trí hình vuông, chúng ta cần chú ý trọng tâm của hình và bốn góc, bốn cạnh. Khi làm một bài trang trí hình vuông cần chú ý bố cục phân chia mảng. Chúng ta có thể sử dụng dạng bố cục đăng đối hoặc dạng bố cục tự do, không đăng đối. Dựa vào cấu trúc hình vuông, có thể sắp xếp các mảng chính phụ xoay theo dạng hình tròn, hình thoi, hình vuông đều tạo những hiệu quả tốt. Có thể đưa các họa tiết chính chạy theo đường chéo, hoặc chạy theo khoảng trống chia cácô của các đường chéo. Mảng chính có thể tập trung vào chính giữa tâm hình vuông, hoặc nằm ở khoảng giữa, hoặc có thể nằm ở các góc. Song điều quan trọng là dù mảng chính nằm ở vị trí nào đều phải là mảng chiếm diện tích lớn, màu sắc tập trung và là đề tài chính trang trí trong hình vuông. Bên cạnh đó các mảng phụ, phụ trợ cho mảng chính cũng hết sức quan trọng. Mảng phụ là một phần của họa tiết chính, cũng có thể là một họa tiết riêng biệt nhưng phải có sự liên quan với mảng họa tiết chính. Để cho bố cục có sự liên kết chặt chẽ, chúng ta nên có thêm những mảng liên kết giữa mảng chính và mảng phụ. Vừa tạo sự vững chắc, vừa tạo nên nhiều tầng không gian trong bài trang trí. Họa tiết hoa sen, hoa cúc, lá cách điệu, động vật… trên gốm thời Trần đều có thể biến hóa thành các họa tiết trang trí trong hình vuông. Có thể lấy một cụm họa tiết hoặc một họa tiết đưa vào thông qua các quy tắc trang trí để trang trí trong hình vuông. Từ trang trí hình vuông, chúng ta có thể đưa ứng dụng trang trí trên thân áo, hoặc phụ kiện trang sức trong thời trang.

VD: Ứng dụng họa tiết hoa dây trên thạp gốm vào bài trang trí hình vuông

trang tri 1

Bài trang trí hình vuông của sv Hoàng Thị H. lớp K10B – TKTT, ứng dụng họa tiết hoa dây trên thạp gốm hoa nâu. (a- bản nét; b- bản đậm nhạt đen trắng; c, d các phương án màu)

Bài trang trí sử dụng hình ảnh hoa cách điệu với các lớp cánh đăng đối hai bên lên bố cục hình vuông. Trong đó mảng chính là họa tiết hoa lớn, mảng phụ là những cành lá dây chạy vòng quanh cách góc hình vuông, điểm xuyết những hoa nhỏ ở các góc và đoạn giữa của các cạnh. Trên bố cục của hình vuông, các họa tiết được sắp xếp chạy theo các đường chéo, cạnh góc với các các nguyên tắc đăng đối, lặp lại, xen kẽ ở tất cả các yếu tố tạo hình. Màu sắc sử dụng hai tông màu chính là xanh lá và cam. Đây là một cặp màu ăn ý, bổ sung nóng lạnh cho nhau tạo nên thế cân bằng về thị giác. Các mảng màu mặc dù khác biệt về độ nóng lạnh nhưng vẫn phù hợp với nhau bởi màu nền và các mảng màu trung gian chuyển sắc. Hình chữ nhật là tứ giác có hai cặp cạnh song song nhưng mỗi cặp cạnh lại có độ dài khác nhau. Hình có bốn góc vuông, và trọng tâm của hình cũng là giao điểm của hai đường chéo góc. Vì vậy khi bố cục cần chú ý cạnh có độ dài, và sự chênh lệch giữa hai cạnh. Cũng chính có sự chênh lệch đó mà hình chữ nhật có bố cục linh hoạt hơn hình vuông. Khi phân chia mảng trên bố cục hình chữ nhật, chủ yếu mảng chính nằm ở vị trí trung tâm hình và lan ra phần giữa của hình, các mảng góc là các mảng phụ, phụ trợ cho mảng hình chính. Các họa tiết chính có thể chạy theo đường chéo của hình, hoặc bố trí theo dạng đăng đối trên dưới, hoặc theo cặp họa tiết và có thể theo dạng phá thế. Mỗi một cách thức sắp xếp lại có những mảng phụ và mảng liên kết phù hợp với từng cấu trúc họa tiết.Cách trang trí của hình chữ nhật rất gần với đường diềm và có tính ứng dụng cao. Vd: Có thể lấy họa tiết hoa dây cách điệu trên gốm hoa nâu làm họa tiết chính trên trang trí chữ nhật, với những mảng phụ là họa tiết dây lá, kết hợp với hoa nhỏ ở các góc. Bài trang trí hình chữ nhật được sử dụng họa tiết hình voi trên thạp gốm hoa nâu thời Trần.

hoa van 3

Bài trang trí hình chữ nhật của sv Giang Thị Diệu L. lớp K10B – TKTT, ứng dụng họa tiết hình voi trên thạp gốm hoa nâu.

Bài vẽ được sử dụng tông màu ốc nâu vàng với mảng họa tiết chính là hình cặp voi chạy quanh một mảng hình tròn nhỏ có họa tiết ở tâm hình chữ nhật. Mảng phụ ở các góc và chạy xung quanh các cạnh hình chữ nhật sử dụng lặp lại hình và màu ở mảng chính. Tất cả các mảng hình đều được sắp xếp theo lối đăng đối qua các trục, đường chéo của hình chữ nhật. Trong đó có sự thay đổi, phá thế về nét và màu sắc. Các nét cong đan xen với các nét thẳng ngắn, mảng lớn xen với các mảng nhỏ, mảng sáng chen với các mảng tối thay đổi liên tục tạo cảm giác chuyển động. Từ bố cục đó có thể làm ra nhiều tông màu thay đổi khác nhau theo độ đậm nhạt đã tìm. Hình tròn được tạo nên bởi một đường cong khép kín. Khoảng cách từ đường tròn vào đến tâm luôn bằng nhau. Sự phân bố luôn dẫn mắt nhìn vào tâm hình tròn. Hình tròn có thể tạo ra các hình tròn đồng tâm chạy trên diện tích hình tròn, hoặc chia thành các cung hình quạt đều nhau. Bố cục chia mảng trên hình tròn chủ yếu tập trung vào phần giữa hoặc khoảng giữa của hình. Bố cục có thể chạy theo dạng hình tròn đồng tâm, có thể theo lối chia hình quạt, cũng có thể theo dạng hình vuông nằm trong diện tích hình tròn, hoặc theo lối phá thế. Ở dạng bố cục này luôn tạo cảm giác chuyển động, vui vẻ. Hình tròn sử dụng họa tiết hoa dây trên thạp gốm ứng dụng theo lối vòng xoáy tròn, lặp đi lặp lại tạo sự chuyển động với nhiều phương án màu khác nhau.

hoa van 6

Bài trang trí hình tròn của sv Hoàng Thị Kim A. lớp K10A- TKTT ứng dụng họa tiết hoa dây trên gạch lát nền.

Ở bố cục này về mảng họa tiết khá đơn giản, do vậy khi phối hợp màu sắc đã cài thêm những nét nhỏ và ngắn trên các chi tiết tạo sự sinh động và chi tiết cho bài vẽ. Cũng từ một họa tiết có thể thay đổi chiều hướng xoay của các bông hoa để tạo nên một bố cục mới. Hay bố cục sử dụng họa tiết hình con hổ trên thạp gốm hoa nâu.

hoa van 4

Bài trang trí hình tròn của sv Nguyễn Thị Ng. lớp K10B – TKTT, ứng dụng họa tiết hình Hổ trên thạp gốm hoa nâu và một số phương án màu

Trong đó sắp xếp hình con Hổ chạy vòng quanh tâm hình tròn là họa tiết chính. Các mảng phụ trợ là những mảng hình núi lượn sóng chạy phía ngoài với hướng ngược lại mảng chính. Đưa thêm mảng liên kết trong ngoài tạo nên một bố cục vững chãi, chuyển động không ngừng. Bài vẽ sử dụng gam màu cam đậm và xanh lá, kết hợp với các mảng đậm nhạt hợp lý gợi nên nhiều tầng không gian cho bài vẽ.

Hình tam giác đều là đa giác có ba cạnh và ba góc bằng nhau và bằng 60 độ. Tâm của hình tam giác là giao điểm của ba đường trung tuyến của ba góc. Do vậy khi trang trí hình tam giác đều cần chú ý đến bố cục góc và tâm của hình. Hình tam giác cân luôn tạo thế cân bằng đối với thị giác. Bố cục mảng chính có thể tập trung vào trung tâm hoặc có thể tập trung ra các góc, kèm với các họa tiết mảng phụ phù hợp với từng bố cục.

Sử dụng họa tiết hoa cách điệu trên gốm đất nung (gạch lát nền) ứng dụng lên hình tam giác.

hoa van

Bài trang trí hình tam giác của sv Nguyễn Thị Thu H. lớp K10B – TKTT ứng dụng họa tiết hoa dây và một số phương án màu

Họa tiết chính là mảng hoa được lặp lại theo ba góc của hình tam giác, kết hợp dây lá leo là mảng phụ đi ra các đầu góc của hình tam giác. Các họa tiết chính phụ đều được tìm theo các đường trung tuyến của hình tam giác đều. Đường nét ở các mảng họa tiết chuyển theo các nét cong mềm mại. Các nét cong dài của dây cành kết hợp nét cong ngắn của hoa, với các chiều hướng xoay khác nhau tạo sự chuyển động. màu sắc là đỏ và xanh lá là cặp màu Tương phản tạo sự nổi bật, song vẫn ăn nhập vào với nhau thành một thể thống nhất nhờ có sự pha trộn màu và những nét màu vàng đan xen.

Các họa tiết trên gốm thời Trần có tính chắt lọc và cách điệu cao, có thể dùng nguyên cả họa tiết áp dụng vào các hình cơ bản hoặc có thể dựa vào họa tiết đó để biến chuyển thành các họa tiết đẹp, phù hợp hơn với thể loại hình trang trí. Màu sắc của các loại gốm, đặc biệt là gốm hoa nâu đã là một tông màu mang tính cổ xưa, đẹp một cách nhuần nhụy, nếu sử dụng tông màu có tinh thần đó thì càng tăng tính độc đáo và thêm ý nghĩa cho bài tập.

2. Hoa văn trong trang trí đường diềm:

Đường diềm là một thể loại trang trí cơ bản có tính ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Chúng ta thường gặp những họa tiết trang trí xung quanh đồ gốm sứ như bát, đĩa, lọ hoa, liễn, thạp, ấm chén… trên những văn tự, bia đá, kiến trúc chùa chiền, lăng tẩm…và đặc biệt là rất nhiều trên các bộ váy áo của các dân tộc được trang trí kéo dài liên tục tạo thành một dải trang trí có thể nhắc lại, xen kẽ với nhau một cách sinh động, đẹp mắt. Những họa tiết chạy dài liên tục với mục đích làm đẹp những vật dụng được trang trí và không gian cần trang trí đó được gọi là đường diềm. Trang trí đường diềm là thể loại trang trí mà trong đó, người họa sĩ sắp xếp các mảng họa tiết, vận dụng các nguyên tắc trang trí cơ bản để tạo thành dải trang trí kéo dài, liên tục, hài hòa, cân bằng về đường nét, hình khối, màu sắc, đậm nhạt… Đường diềm được giới hạn trên dưới bằng những nẹp kéo dài, họa tiết được nhắc lại và mở rộng không có giới hạn ở hai đầu. Nẹp có thể là dải băng dài, hoặc là dải họa tiết nhỏ, phụ trợ cho họa tiết lớn phía bên trong. Do nhu cầu về trang trí rất rộng rãi nên đường diềm cũng có nhiều thể loại và hình thức phong phú về đề tài, cách thức, đường nét hình mảng, màu sắc… từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mục đích và không gian sử dụng trang trí. Ví dụ: đường diềm trên bia đá thường có những dạng họa tiết rồng, hoa lá cách điệu gọi là diềm bia; đường diềm trên gấu áo, váy, ô, khăn, thảm gọi là diềm áo, diềm thảm, diềm khăn; trên tường nhà gọi là diềm tường. Đối với mỗi mục đích trang trí khác nhau, đường diềm cũng có những kích thước và chiều hướng khác nhau. Ví dụ: diềm chân tường được đi theo chiều ngang và có kích thước lớn hơn so với đường diềm ở gấu áo, khăn, ấm chén. Đường diềm có thể đi theo chiều thẳng đứng, hoặc uốn lượn lựa theo hình thể của vật trang trí. Ví dụ: đường diềm đi theo hình vuông của bằng khen. Đường diềm cong của đường tròn, hay trên vòm bia đá. Đường diềm thẳng đứng của nẹp áo. Từ ngàn xưa, ông cha chúng ta đã sáng tạo và sử dụng đường diềm để trang trí lên những vật dụng và được lưu giữ lại như trên mặt trống đồng, trên các công trình kiến trúc, bia, văn tự, đồ gốm sứ. Trên mặt trống đồng Đông Sơn có trang trí những đường kỉ hà sóng nước, hình tượng chim lạc, biểu tượng của nền văn minh lúa nước… những cảnh sinh hoạt của con người, muông thú đều chạy theo các đường tròn đồng tâm bao quanh mặt trống. Tổng thể tạo nên sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian. Trên bia đá, đường diềm thường hay sử dụng họa tiết rồng, hoa lá cách điệu, tạo vẻ trang trọng, uy nghi cho không gian đình chùa, miếu mạo. Loại hình trang trí đường diềm hội tụ đầy đủ các nguyên tắc trang trí cơ bản như: Đăng đối, nhắc lại, xen kẽ, phá thế… Nguyên tắc thường xuyên được sử dụng trong trang trí đường diềm chính là nhắc lại. Đặc biệt các thủ pháp sắp xếp họa tiết nhắc lại cùng chiều, nhắc lại xoay chiều, đảo chiều tạo nên sự uyển chuyển, phong phú cho nhịp điệu bố cục. Sự lặp lại tạo đường lượn, gợi cảm giác vận động trong bố cục. Những đường diềm có họa tiết phức tạp thường hay được kết hợp sử dụng thêm nguyên tắc thứ hai là xen kẽ. Nguyên tắc này giúp bố cục đường diềm tăng sự sinh động và đa dạng. Có thể sắp xếp xen kẽ những mảng họa tiết lớn bên cạnh những mảng họa tiết nhỏ, mảng đơn giản cạnh mảng có nhiều chi tiết, mảng sáng bên cạnh mảng tối, nóng bên cạnh lạnh… Nguyên tắc đối xứng cũng được sử dụng trong trang trí đường diềm để tạo sự cân bằng cho bố cục. Họa tiết có thể đối xứng theo chiều trên dưới, hoặc theo chiều phải trái để tạo nên một đơn vị họa tiết mới giống nhau. Nguyên tắc phá thế trong đường diềm tạo sự thú vị, vui mắt, tạo nhịp điệu cho bố cục. Phá thế có thể thể hiện qua đường nét, màu sắc, đậm nhạt, mảng miếng to nhỏ khác nhau, chiều hướng của các họa tiết trong đường diềm. Chính vì vậy đường diềm có những ưu thế phù hợp trong rất nhiều các thể loại trang trí ứng dụng. Trong phương pháp tiến hành một bài trang trí đường diềm cũng giống như những bài trang trí cơ bản khác. Song lưu ý, đối với đường diềm có tính ứng dụng cao, chúng ta phải suy nghĩ, tìm hiều đường diềm đó phục vụ cho không gian nào? Đối tượng nào sử dụng? Đặc điểm của văn hóa, truyền thống và chất liệu thể hiện đường diềm đó để có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra chúng ta có thể kết hợp các loại họa tiết khác nhau, phối hợp bố cục mảng hợp lí để tạo ra những đường diềm mới, đẹp, và có thể phù hợp hơn với nhu cầu ứng dụng thực tiễn cụ thể mà vẫn giữ được tinh thần của hoa văn trên gốm thời Trần. Đường diềm được sử dụng họa tiết hình ngựa phi trên gốm hoa nâu thời Trần kết hợp họa tiết mây

hoa van 5

hoa van 9b

Bài trang trí đường diềm của sv Nguyễn Tuấn A. lớp K10B – TKTT ứng dụng hình ngựa và mây trên gốm hoa nâu với một số phương án màu

Họa tiết hình ngựa rất động, đẹp và duyên dáng thể hiện một con ngựa đang phi nước đại tung vó lên cao, xen kẽ với dải mây với những cuộn tròn vần vũ được thể hiện bằng những nét cong mềm mại. Cặp họa tiết lặp đi lặp lại tạo thành một dải đường diềm dài sinh động, thể hiện được tốc độ nhanh như gió của con ngựa. Màu sắc được kết hợp trên nền xanh cây đậm, họa tiết hình con ngựa có màu cam trung gian và bộ phận yên ngựa trên lưng ngựa là mảng sáng nhất có màu vàng, kéo chạy màu sang các chi tiết phụ trợ xung quanh tạo nên một bố cục cân bằng, hài hòa. Họa tiết hình đoàn người trên thạp gốm thời Trần vốn sẵn đã là đường diềm, nên khi đặt trong bố cục bài trang trí này chỉ kéo thêm những mảng phụ trợ về nền và màu cho bố cục mảng vững chắc hơn. Tạo hình độc đáo tạo nên vẻ đẹp mang tính dân gian cho bài vẽ.

hoa van 10

Bài trang trí đường diềm của sv Nguyễn Thị Ph. lớp K10B – TKTT, ứng dụng dải đồ án hình người trên thạp gốm hoa nâu với một số phương án màu

Trong thời trang, đường diềm xuất hiện nhiều trong trang phục các dân tộc thiểu số với nhiều hình thức trang trí khác nhau như: cạp váy, gấu váy, tay áo, trên khăn đội đầu (Piêu). Các dải Họa tiết được dệt, thêu trên váy áo thổ cẩm với các họa tiết, hoa văn hình kỷ hà như: trang phục người Dao, H.Mông, Mƣờng, Thái, Êđê… Trong thiết kế thời trang hiện đại, nghệ thuật trang trí là một phần không thể tách rời trong việc hình thành nên các giá trị thẩm mỹ cho bộ trang phục. Đối với bố cục trang phục, thì hình thức trang trí đường diềm được ứng dụng Tương đối linh hoạt. Trang trí đường diềm được sử dụng rộng rãi trên các thể loại trang phục bằng các hình thức thêu, đính, đáp các dải đường diềm muôn hình muôn vẻ, có lúc là đường diềm đăng ten được đáp trên váy, áo có lúc lại thấy đường diềm với các họa tiết hiện đại được in hoặc thêu trên cạp quần jean … cách sử dụng đường diềm luôn luôn thay đổi ở mỗi phong cách thiết kế trên mỗi loại trang phục. Nghệ thuật trang trí đường diềm luôn mang lại một cảm giác về cổ điển, tính truyền thống trên các sản phẩm thời trang mà nó được ứng dụng.

3. Hoa văn trong trang trí nền hoa:

Nền hoa là một hình thức nâng cao từ trang trí hình cơ bản. Trang trí nền hoa được ứng dụng rất nhiều trong đời sống của con người. Như kiến trúc, in ấn, và đặc biệt là thời trang. Nền hoa có mặt trên khắp nơi trên thế giới, và mỗi nơi đều có những đặc trưng riêng đại diện cho các nền văn hóa khác nhau nhờ vào những họa tiết, hoa văn. Nền hoa là một bố cục nền trải rộng không giới hạn. Trang trí nền hoa là trang trí mở, trong đó người họa sĩ vận dụng các nguyên tắc trang trí cơ bản để sắp xếp những mảng miếng, đường nét, màu sắc, hình khối, đậm nhạt theo một quy luật thống nhất, nhắc lại không giới hạn để tạo một nền hoa có sự hài hòa, cân bằng, đẹp mắt. Cũng chính nền hoa là một dạng trang trí có tính ứng dụng rất rộng rãi nên khi sáng tạo, người vẽ cần phải xác định mục đích sử dụng của nền hoa. Ví dụ: nền hoa dùng trong kiến trúc khác nền hoa dùng trong thời trang. Khi đó nền hoa sẽ chịu ảnh hưởng của không gian sử dụng, ví như nền hoa của giấy dán tường sẽ chịu sự chi phối của đồ đạc trong phòng; hay nền hoa trang trí trên vải dành cho nam giới khác nền hoa dành cho nữ giới. Do vậy, với vai trò làm nền, phụ thuộc vào công nghệ làm ra sản phẩm mang tính ứng dụng như in, dệt…nền hoa thường được tiết kế với màu sắc, họa tiết mang tính hài hòa, phù hợp với sản phẩm. Trang trí nền hoa là một dạng trang trí mở nên khi trình bày phải thể hiện tính đa chiều của nó. Các họa tiết kéo về các hướng và có dấu hiệu còn tiếp diễn. Và trang trí mang tính mở rộng nhưng không có nghĩa là không theo một quy luật nào. Các họa tiết đều tuân thủ theo một quy luật thống nhất mà người sáng tạo quy định. Nguyên tắc bất di bất dịch trong nền hoa đó chính là nhắc lại. Nguyên tắc này giúp tạo tính liên tục, không giới hạn của trang trí nền. Nhắc lại cũng tạo sự thống nhất của bố cục. Có thể nhắc lại một họa tiết đơn giản, hoặc nhiều họa tiết. Nhắc lại nhưng xoay chiều, hoặc nhắc lại nhưng có sự thay đổi về kích thước hoặc thay đổi về màu sắc. Bên cạnh nguyên tắc chủ đạo là nhắc lại, nền hoa còn có thể sử dụng những nguyên tắc trang trí phối hợp khác như đối xứng, xen kẽ, hay phá thế. Họa tiết được sắp xếp theonguyên tắc đối xứng, ngược chiều qua một trục tạo thành đơn vị họa tiết hoàn chỉnh. Đối xứng ở đây có thể là đối xứng hoàn toàn cả về màu sắc, đậm nhạt, mảng miếng, nét...hay đối xứng một phần như giống hình mà không giống màu sắc. Trong quá trình thực hiện đối xứng làm nhân rộng hơn diện tích, vì vậy tạo được không gian bố cục không giới hạn. Nguyên tắc xen kẽ sử dụng trên nền hoa theo những quy luật định sẵn của người vẽ cho sự thay đổi sinh động. Những mảng họa tiết to nhỏ xen kẽ nhau trên nền hoa trải dài, có sự khác biệt về hình song vẫn liên kết với nhau thành một thể thống nhất nhờ màu sắc, đặc điểm họa tiết. Bên cạnh đó, nguyên tắc phá thế được sử dụng nhiều trong quá trình nghiên cứu hình thể, đường nét, chiều hướng vận động cũng như bố cục. Tạo cho bố cục có sự chuyển động vui mắt, lặp lại nhưng không nhàm chán. Nếu quan sát kĩ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, trong trang trí nền hoa có sự kết hợp, góp mặt của nhiều hình trang trí cơ bản. Với một mẫu họa tiết được sắp đặt trong một khuôn hình cụ thể, nếu nhân rộng ra, xếp các hình đó cạnh nhau sẽ tạo ra những mảng hình hoàn toàn mới chính là vải hoa. Trong trang trí nền hoa, các họa tiết hoa lá, động vật rất được ƣa dùng. Bởi vậy, những họa tiết trên gốm thời Trần với chủ yếu phần lớn là hoa sen, hoa cúc, hoa lá dây cách điệu và động vật rất phù hợp để làm họa tiết trang trí nền. Những họa tiết trên gốm Trần tự thân sắp xếp lặp đi lặp lại đã là một nền hoa có tính ứng dụng. Người vẽ có thể sử dụng nguyên bản các họa tiết đó, hoặc kết hợp với nhau, hoặc có sự biến đổi nhưng không làm mất đi bản chất của hoa văn để tạo ra rất nhiều những sản phẩm nền hoa khác nhau với mọi mục đích sử dụng. Các họa tiết có thể là hình rồng, phƣợng, mây, sóng nước, hoa lá, động vật, chim muông, con người với nhiều cách thể hiện khác nhau như để nguyên cả cụm họa tiết, hoặc trích đoạn họa tiết, thay đổi màu sắc, độ đậm nhạt và phối hợp các nguyên tắc trang trí theo các quy luật khác nhau tạo nên sự phong phú, tính ứng dụng thực tiễn. Ví dụ như bài trang trí nền hoa sử dụng họa tiết chim Chào mào trên thạp gốm hoa nâu.

hoa van 11

Bài trang trí nền hoa của sv Giang Thị Diệu L. lớp K10 B ứng dụng họa tiết hình chim chào mào trên thạp gốm hoa nâu

Sinh viên đã sử dụng nguyên bản họa tiết chim chào mào, kết hợp sắp xếp lặp đi lặp lại, đối xứng nhau thành từng cặp, đặt theo từng ô nền lượn sóng tạo nhịp điệu chuyển động vui mắt cho bố cục. Bài vẽ sử dụng gam màu ốc ấm áp, điểm xuyết những chấm màu nóng tạo điểm nhấn nhỏ nhưng không bị lắt nhắt, vẫn giữ được cái chung của tông màu chủ đạo. Trang trí nền hoa sử dụng nguyên họa tiết trên thạp gốm hoa nâu thời Trần.

hoa van 12

Bài trang trí nền hoa của sv Trương Văn Đ. lớp K10B – TKTT, ứng dụng họa tiết hoa dây

Chỉ đơn giản là dùng họa tiết hoa dây kết hợp lá nhỏ mềm mại lượn theo hình sin, được sắp xếp lặp đi lặp lại trên một nền đơn sắc. Song bài trang trí vẫn hấp dẫn bởi cách sử dụng màu chi tiết trên họa tiết, gài thêm những nét mảnh vào viền cánh hoa, gân lá tạo sự cân bằng về màu sắc và đậm nhạt cho tổng thể bài trang trí. Ngoài sử dụng trong ngành in ấn, quảng cáo, hay kiến trúc hết sức phổ biến thì trang trí nền hoa là một phần cực quan trọng trong ngành thời trang. Bởi nguyên liệu chính làm nên những bộ trang phục đó chính là các loại vải, trong đó có vải hoa. Trong cuộc sống, do nhu cầu, sở thích của bản thân, của công việc, độ tuổi, quan niệm, văn hóa khác nhau mà tạo nên những phong cách riêng cho từng cá nhân, từng dân tộc. Hoa văn trên trang phục, hoa văn trên bia đá hay hoa văn trên đồ gốm cũng là một kênh phản ánh đời sống tinh thần và văn hóa của con người. Những miếng vải có họa tiết trang trí là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Vải hoa xuất hiện trên trang phục quần áo, váy, mũ nón, khăn, rèm, chăn gối…với mẫu mã phong phú cả về chất liệu lẫn họa tiết. Không ai có thể phủ nhận được sức mạnh và vẻ đẹp của vải hoa mang lại. Từ những miếng vải thổ cẩm họa tiết hình kỉ hà với công nghệ in sáp ong của người Mông hay đến vải lụa Vạn Phúc mềm mƣợt có những họa tiết chìm, nổi tinh xảo trên bề mặt vải đều có những dạng hoa văn đặc trưng cho từng vùng miền rất đa dạng. Cụ thể như khi chúng ta nhìn vào trang phục của các nữ tiếp viên hàng không Thái Lan và Singapo đều được may từ vải hoa, song khi nhìn họa tiết trên trang phục là có thể biết trang phục đó đến từ nước nào. Tính vùng miền và tính dân tộc thể hiện khá rõ trên các dạng hoa văn vải hoa. Với công nghệ in và dệt ngày càng hiện đại, trang trí nền vải đã có những kiểu phức tạp, màu sắc đẹp, khuôn khổ lớn phục vụ cho nền công nghiệp thời trang ngày càng phát triển. Cũng giống như các bài trang trí cơ bản khác, bài tập trang trí nền hoa cũng yêu cầu tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Tìm ý tưởng, họa tiết. Dựa vào tính ứng dụng của nền hoa mà tìm tài liệu cho phù hợp. Đối với sinh viên thiết kế thời trang yêu cầu các em tìm ý tưởng, họa tiết trang trí vải hoa cụ thể cho từng lứa tuổi tự chọn, từng phong cách khác nhau và gợi ý những gam màu xu hướng từng năm. Dự tính diện tích cũng như tỉ lệ họa tiết theo dạng chia ô to - nhỏ, thưa - mau. Có thể chia ô theo hình chữ nhật, hình vuông, hình ô chéo, đường chéo, đường zích zắc, đường lượn, hình tròn…

Bước 2: Phác thảo tìm mảng và đậm nhạt. Tìm mảng có chính phụ, to nhỏ, kết hợp đan xen mảng chi tiết và mảng trống. Đậm nhạt có hệ thống liên kết với nhau, nên đủ độ đậm, trung gian và sáng.

Bước 3: Phác thảo màu. Trong bước tìm phác thảo màu, sinh viên nên thể hiện nhiều phương án với các gam màu khác nhau, sắc thái khác nhau dựa trên cơ sở phác thảo đậm nhạt để có lựa chọn tối ưu nhất.

Bước 4: Phóng hình và thể hiện bài.

Bước 5: Trình bày bài. Như vậy trang trí nền hoa là dạng bài rất gần với chuyên ngành TKTT. Từ những họa tiết trên gốm thời Trần qua sự sáng tạo của các em sinh viên thể hiện được những mẫu vải hoa đa dạng, sang trọng, độc đáo, mang nét “cổ”, gợi ý tưởng sáng tác và nguyên liệu cho các bộ sưu tập thời trang mang tính ứng dụng.

- Theo Mai Thị Điệp -

>>> Hoa văn về đề tài hiện thực (Phần 1)

>>> Nét, mảng và màu sắc trong NT trang trí

>>> Sáng tạo họa tiết trang trí

Từ khóa » Họa Tiết Thời Trần