Mò Hoa đỏ, Cây Thuốc Nam Nhiều Công Dụng

Nếu ai đã nhìn thấy cây Mò hoa đỏ 1 lần rồi, chắc hẳn sẽ không thể quên được những chùm hoa đỏ sặc sỡ trên đầu cành. Tuy rất nổi bật, nhưng ít ai dám lại gần, vì cho rằng loài cây này có 1 loại bọ đỏ bé li ti rất thích bám lên "vùng kín". Mò hoa đỏ là cây thuốc quý với nhiều công dụng được dùng trong nhiều các bài thuốc dân gian.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường gọi: Mò hoa đỏ

- Tên khác: Mò đỏ, Xích đồng nam, Bấn đỏ, Vây đỏ, Bọ đỏ, Ngọc nữ đỏ, Lẹo cái, Co púng pính (tiếng người Thái)

- Tên khoa học: Clerodendrum paniculatum L.

- Họ: thuộc họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae.

Cây mò hoa đỏ

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Không khó để nhận biết cây mò đỏ trong tự nhiên. Thân cao chừng 1m hoặc hơn, lá màu xanh sẫm, mọc đối, gốc hình tim, chia 5 thùy không đều, mép có răng cưa nhỏ. Cụm hoa đỏ sặc sỡ ở đầu cành, chiều dài chùm hoa chừng 20-30cm, nhị và nhuỵ mọc thò ra ngoài. Quả hạch màu đen nằm trong đài hoa màu đỏ tồn tại. Mùa hoa quả tháng 5-11.

Quan sát kỹ hơn thì thấy thân cây này dạng vuông ở trên, phía dưới gốc tròn, cây ít phân cành, cụm hoa hình xim hai ngả mọc ở ngọn thân, hoa tuy đẹp nhưng không tỏa ra hương thơm.

─────

C. BỘ PHẬN DÙNG MÒ HOA ĐỎ

Cây mò đỏ chứa Alcaloid, Flavonoid, muối calci.

Dùng chủ yếu là lá và rễ (Radix et Folium Clerodendri Paniculati). Đôi khi cũng dùng toàn thân.

Thời gian thu hái tốt nhất là lúc cây sắp ra hoa, thu hái về rửa sạch, băm ngắn, sấy hoặc phơi khô dùng dần.

─────

D. TÍNH VỊ, CÔNG DỤNG CÂY MÒ HOA ĐỎ

Mò hoa đỏ có vị hơi đắng, mùi hôi, tính mát. Có công dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, tiêu viêm. Được dùng trong các bài thuốc trị đái buốt, đái dắt, bạch đới, khí hư, rối loạn kinh nguyệt, vàng da, tăng huyết áp, gân xương đau nhức, mỏi lưng, mụn nhọt lở ngứa...

Thường được dùng ở dạng thuốc sắc, phối hợp với các vị thuốc khác.

─────

E. NHỮNG BÀI THUỐC DÙNG MÒ HOA ĐỎ

Nhiều người lầm tưởng cây mò hoa đỏ (hay còn gọi xích đồng nam) thì chỉ dùng cho những chứng bệnh của nam giới, nhưng thực tế kinh nghiệm trong Đông y đánh giá cây thuốc này được dùng khá nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh của chị em phụ nữ, dưới đây là những bài tiêu biểu:

1. Đến tháng đau bụng kinh, kinh không đều:

Phụ nữ đến tháng bị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều thì dùng bài này: Lá xích đồng nam, hương phụ (củ gấu), ngải cứu, ích mẫu, mỗi vị 6g; nước 700ml, sắc trong 30 phút, chia 2 - 3 lần uống trong ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường cho dễ uống. Uống trước khi có kinh khoảng 10 ngày, sau đó có thể uống liền từ 2 - 3 tháng, có tác dụng lưu thông khí huyết và giảm đau.

2. Phụ nữ ra bạch đới, khí hư:

Mò hoa đỏ, ích mẫu, ngải cứu, hương phụ, trần bì, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 2 - 3 tuần sau chu kỳ kinh nguyệt. Dùng nhắc lại liệu trình thứ hai vào sau kỳ kinh tháng sau.

2. Chữa xích bạch đới ra chất trắng như mũi hay đỏ nhạt như máu cá, âm đạo ngứa ngáy, đái ra nước vàng đục hay đỏ nhạt:

Bạch đồng nữ, Xích đồng nam lấy cả hoa, lá mỗi thứ một nắm 15g phơi héo, Bồ công anh 12g, Rau dừa nước 15g, sắc uống.

3. Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều, tiểu buốt, đi tiểu ra máu:

Rễ mò hoa đỏ, lá Huyết dụ, búp non Mía dò, Bầu đất, mã đề, mỗi thứ 10-15g, thái nhỏ, phơi khô, sao cho thơm sắc với 500 ml nước, còn 150 ml chia uống 2 lần trong ngày.

4. Chữa khí hư thể can uất:

Biểu hiện của bệnh này là ra khí hư màu đỏ nhợt, hoặc trắng, chất đặc dính, dai dẳng không dứt, hành kinh không đúng ngày ngày miệng đắng, cổ khô, tiểu tiện vàng,…

Cách dùng: Mò hoa đỏ (sao vàng) 40g, thanh bì 20g, bạch đồng nữ (sao vàng) 40g, dái nghệ vàng 20g, quả dành dành (sao cháy) 20g, cam thảo dây 16g.

Các vị sao chế xong, cho vào ấm, đổ 800ml nước, sắc nhỏ lửa còn 250ml uống. Uống 10 ngày là một liệu trình.

5. Chữa sản phụ sau khi ra nhiều khí hư.

Dùng lá cây mía tím 30g, lá huyết dụ 20g, mò hoa trắng, mò hoa đỏ mỗi vị 12g. Tất cả đem thái nhỏ, sao vàng, sắc nước uống thay trà hằng ngày.

Cây mò hoa đỏ, xích đồng nam

Bên cạnh những bài thuốc tốt cho chị em, mò hoa đỏ còn được dùng trong các bài thuốc đái dắt, đái ra máu, huyết áp cao, bệnh xương khớp...

1. Chữa các chứng lậu đái buốt, đái dắt, đái ra máu, ra sỏi, đái chất nhầy:

Mò đỏ, Mò trắng, Cỏ chỉ thiên, rễ Cỏ tranh, Cỏ bấc, thịt Ốc nhồi, mỗi thứ một nắm, sắc uống

2. Chữa tiểu buốt, tiểu rắt do nhiệt:

Mò hoa đỏ, bạch đồng nữ, cỏ chỉ thiên, rễ cỏ tranh, cỏ bấc, mỗi thứ khoảng 16 - 20g. Sắc với 1 lít nước, còn lại 350ml, chia 2 lần uống lúc đói. Uống 5 - 7 ngày.

3. Hỗ trợ điều trị thấp khớp sưng đau thuộc thể nhiệt:

Mò hoa đỏ 80g, dây gắm 120g; đơn tướng quân, đơn mặt trời, đơn răng cưa, cà gai leo, cành dâu, cây tầm xuân, mỗi vị 8g. Cho 700ml nước, sắc trong nửa giờ, chia 2 - 3 lần uống trong ngày, dùng liền 1 tuần.

4. Chữa vàng da và niêm mạc:

Biểu hiện của bệnh là niêm mạc mắt bị vàng thẫm, kiểm nghiệm nước tiểu có sắc tố mật.

Rễ bạch đồng nữ hoặc xích đồng nam, sắc uống mỗi ngày một thang.

5. Chữa cao huyết áp:

Lá Mò hoa đỏ khô, Cam thảo nam, Cúc hoa mỗi vị 12g, Hoa hòe 6g. Tất cả phơi khô, sao qua cho thơm. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

6. Điều can, giải uất, thanh nhiệt:

Mò hoa đỏ (sao vàng) 40g, mò hoa trắng (sao vàng) mỗi vị 40g; thanh bì, quả dành dành (sao cháy), dái nghệ vàng mỗi vị 20g, cam thảo dây 16g. Các vị sao chế xong, cho vào ấm, đổ 800ml nước, sắc lấy 250ml uống.

7. Trị thấp khớp, sưng nóng đỏ đau thuộc thể nhiệt:

Mò đỏ 80g, Dây gắm 120g, cây Tâm xuân, Đơn tướng quân, Đơn mặt trời, Đơn răng cưa, Cà gai leo, Cành dâu mỗi vị 8g. Sắc, chia 2 lần uống, mỗi ngày một thang.

8. Nấu nước tắm chữa mẩn ngứa cho trẻ nhỏ:

Kinh nghiệm dân gian hái lá mò đỏ kết hợp với các cây thuốc khác như lá khế, sài đất, lá sả.. để chữa mẩn ngứa ở trẻ nhỏ.

Chú ý:

- Không dùng cây này cho phụ nữ đang mang thai.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

─────

Trên đây là những bài thuốc hay, những kinh nghiệm dân gian từ cây mò hoa đỏ, nếu bạn chưa có dịp bắt gặp cây thuốc này trong tự nhiên, hãy bớt chút thời gian theo dõi video dưới đây của chúng tôi và đừng quên chia sẻ bài viết này cho nhiều người cùng biết bạn nhé. Cảm ơn ban!

Từ khóa » Cây Bấn Hoa đỏ