Những điều Cần Biết Trong Chẩn đoán Và điều Trị Hiếm Muộn

1. Nên đi khám và xét nghiệm hiếm muộn khi nào?

Thông thường, vợ chồng bạn nên đi khám và xét nghiệm hiếm muộn khi không thể có thai sau một năm giao hợp đều đặn và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào hoặc người vợ không thể mang thai cho tới khi sinh em bé.

Nên đi khám và xét nghiệm vào ngày 2 hoặc ngày 3 của chu kỳ kinh nguyệt của vợ để bệnh viện có thể làm các xét nghiệm liên quan tốt nhất.

2. Các xét nghiệm thông thường được thực hiện trong việc chuẩn đoán hiếm muộn?

  • Tinh dịch đồ
  • Xét nghiệm đánh giá nội tiết buồng trứng: Nồng độ Anti-Mullerian Hormone (AMH), Nồng độ FSH và Estradiol
  • Siêu âm phụ khoa.
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung (SIS)
  • HSG: chụp phim X-quang buồng tử cung – vòi trứng có cản quang
  • Nội soi buồng tử cung và ổ bụng theo chỉ định bác sĩ

Lưu ý, không phải quá trình khám hiếm muộn nào cũng bắt buộc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trên, một số trường hợp còn phải thực hiện thêm các xét nghiệm khác.

3. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản thường gặp?

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra Uterine Insemination – IUI) là kỹ thuật đưa tinh trùng đã được lọc rửa trực tiếp vào buồng tử cung.

Bơm tinh trùng còn có lợi điểm là mang tinh trùng có độ di động tốt, khả năng thụ tinh cao, cô đặc trong một thể tích nhỏ đến gần trứng hơn quanh thời điểm rụng trứng giúp tăng khả năng thụ thai.

Điều kiện và đối tượng áp dụng phương pháp này bao gồm:

Đối với nam:

  • Tinh trùng ít, tinh trùng kém di động mức độ nhẹ, hoặc phối hợp các yếu tố trên với mức độ nhẹ

Đối với nữ:

  • Rụng trứng không đều
  • Lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ và trung bình
  • Vô sinh chưa rõ nguyên nhân

Điều kiện thực hiện:

  • Ít nhất 1 trong 2 ống dẫn trứng phải thông
  • Buồng trứng còn hoạt động
  • Tinh trùng bất thường mức độ nhẹ hoặc vừa (dựa theo kết quả tinh dịch đồ)

Đây là kỹ thuật đơn giản, ít tốn kém trong việc điều trị hiếm muộn.

Thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp trong điều trị hiếm muộn. Các bước thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:

Bước 1: Khám, tư vấn và làm các xét nghiệm trên cả hai vợ chồng.

Bước 2: Kích thích buồng trứng, nhằm mục đích tạo ra nhiều nang noãn và hình thành các trứng tốt.

Bước 3: Chọc hút trứng, lấy trứng từ trong nang noãn ra ngoài

Bước 4: Lấy tinh trùng từ người chồng (trứng và tinh trùng được lấy cùng một ngày)

Bước 5: Cho trứng và tinh trùng gặp nhau để hình thành phôi một cách tự nhiên (kỹ thuật IVF). Hoặc sử dụng kĩ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) để phôi được hình thành.

Bước 6: Nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm. Phôi sẽ được nuôi trong khoảng 3 tới 5 ngày tùy thuộc vào chất lượng và số lượng phôi được tạo thành.

Bước 7: Chuyển phôi vào tử cung bằng ống chuyển phôi. Các phôi còn dư sẽ được lưu trữ tại bệnh viện. Nếu chu kỳ chuyển phôi đầu tiên thất bại, các phôi lưu trữ này sẽ được rã đông để chuyển phôi lại.

Bước 8: Hai tuần sau chuyển phôi, xét nghiệm để xác định có thai hay không.

Sau chuyển phôi, bệnh nhân nghỉ ngơi, sau đó hoạt động lại bình thường và kiêng làm những việc nặng. Không cần thiết phải nằm nghỉ liên tục tại giường 1 -2  tuần theo quan niệm trước đây.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc 18 Đại Lộ Bình Dương, TP. Thuận An, Tỉnh Bình Dương Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ Quốc tế Hạnh Phúc – Q.1 97 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Thành, Quận 1, TP.HCM Phòng khám Quốc tế Hạnh Phúc – Q.2 Lầu 5 – Estella Place, 88 Song Hành, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM Hotline: 1900 6765 Website: www.hanhphuchospital.com Fanpage: www.facebook.com/HANHPHUCHospital/

Từ khóa » Chẩn đoán Hiếm Muộn