"TẾT MẬU THÂN 1968", "chiến Dịch Sấm Rền" Và "gia đình Tôi"

  • An ninh thành phố Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968
  • Lực lượng an ninh và biệt động Sài Gòn trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
  • An ninh miền Nam với chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968: Dư âm không chỉ là tiếng súng
  • Vận dụng bài học Mậu Thân 1968 trong tình hình mới
  • Cảnh giác trước chiêu trò “vặt” dịp kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

"Tết Mậu Thân 1968" hầu như ai cũng biết.

"Chiến dịch Sấm Rền" thì ít người biết hơn.

Còn "Gia đình tôi" thì không ai biết (trừ hàng xóm).

Thế thì ba cái đó có liên quan gì tới nhau? Ta hãy bắt đầu từ... đầu!

"Tết Mậu Thân 1968" là cột mốc đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ta, thì đã tiến hành cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy" long trời lở đất, lần đầu tiên đồng loạt tấn công vào mọi đô thị dưới quyền kiểm soát của Mỹ- ngụy lúc đó, theo lời "Thơ chúc Tết - Lệnh xung trận" của Bác Hồ: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn".

Mỹ, thì sau đó đã phải chấm dứt "Chiến dịch Sấm rền" (Rolling Thunder) và kéo Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sang Paris, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Dù rằng, "đánh cho Mỹ cút", thì đến 1972, sau "Điện Biên Phủ trên không", ta mới làm được; và "đánh cho ngụy nhào", thì đến 1975 mới thành hiện thực; nhưng Tết Mậu Thân 1968 quả đã là bước ngoặt chiến lược trên biểu đồ chính trị - quân sự Việt Nam cuối thế kỷ XX.

Thế "Chiến dịch Sấm rền" là gì? Nó liên quan gì đến Tết Mậu Thân 1968? Và nó liên quan gì đến "Gia đình tôi", đến cuộc đời tôi?

*

Từ đầu năm 1964, Tổng thống L. Johnson thấy rằng, Mỹ không thể đối phó được với "Cuộc nổi loạn của Việt Cộng"... Do đó, Mỹ càng phải tập trung chú ý vào Bắc Việt Nam, coi Bắc Việt Nam là "nguồn gốc của vấn đề" và "cần phải đặc biệt chú ý đến việc tạo ra những sức ép gây được ảnh hưởng răn đe đối với Hà Nội ở mức đáng tin cậy nhiều nhất" (20-2-1964). Từ đó đến 9-8-1965 (kể cả những vụ ném bom vì "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ"), Mỹ thực hiện kế hoạch trả đũa Bắc Việt Nam (Framing Dart).

Quân Giải phóng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Tuy nhiên, tác dụng răn đe và ngăn chặn của Framing Dart thấp và thế là, từ tháng 3-1965, "Chiến dịch Sấm rền" được thực thi, ban đầu là từ "Khu Bốn cũ", sau đó là phủ lên toàn bộ miền Bắc như ta đã biết, cho đến sau Tết Mậu Thân 1968; Mỹ tính toán về "Sấm rền", qua lời tướng lĩnh họ như sau:

+ Mc.Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời Johnson): "Làm cho các nhà chính trị ở Bắc Việt Nam thấy rõ rằng, họ phải trả giá chừng nào họ còn thực hiện cuộc xâm lược của họ vào miền Nam... Buộc Bắc Việt Nam phải ngồi vào bàn thương lượng và đưa ra những nhượng bộ quan trọng hoặc tốt hơn, từ bỏ hoàn toàn".

+ Đô đốc U.Sarp- Tư lệnh Lục quân Mỹ: "Để gây sức ép với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam cho đến khi họ phải kêu trời!".

+ HK.Johnson- Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ: "Ném bom là một cái gì đó giống như những nhát búa đập đi đập lại. Đến một lúc nào đó, cái khối bê-tông sẽ vỡ ra".

+ C.M. Cllifford - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kế nhiệm Mc.Namara: "Để ngăn chặn việc thâm nhập người và đồ tiếp tế, đạn dược và trang bị vào miền Nam".

+ W.C. Westmoreland - Tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam: "Với mỗi một quả bom chúng ta ném xuống một xe vận tải, chúng ta đã phá hủy 500 trái bom và rốc-két (của đối phương), làm chúng không bắn được sắt thép vào hông và người các thanh niên Mỹ... (Đó còn) là một cử chỉ nhằm nâng đỡ tinh thần quân đội Việt Nam Cộng hòa, là cách tỏ cho họ thấy rằng, Mỹ đang làm mọi việc để ủng hộ họ".

Báo cáo "Về chiến tranh Việt Nam" của U.Sarp và W.C. Westmoreland ghi rõ: "Ngày 2-3-1965, các cuộc oanh tạc "Sấm rền" đầu tiên (nhưng mang tên là "Sấm rền 5") được tiến hành... Trong lệnh chuẩn bị "Sấm rền", có ghi cả những cuộc oanh tạc đêm bằng B52, nhưng trong khi thực hiện thì không yêu cầu máy bay của Bộ Tư lệnh chiến lược (SAC) tham gia. Các hoạt động B52 của SAC không nằm trong "Chiến dịch Sấm rền" mà thuộc một hoạt động riêng biệt tên gọi là Arc Lingt".

Ngoài ném bom, thì các pháo hạm của Hạm đội 7 Mỹ cũng tham gia bắn phá duyên hải miền Bắc với tần suất lớn. Chỉ theo số liệu mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, thì riêng lượng bom Mỹ ném trong "Chiến dịch Sấm rền" (kể cả ở Lào để phá Đường Trường Sơn) đã là như sau: Năm 1965, 315.000 tấn; năm 1966, 512.000 tấn; năm 1967, 932.000 tấn. Tổng cộng là: 1.759.000 tấn! Thế mà, như ta đã biết, vượt qua 3 năm (1965, 1966, 1967) "Sấm rền", "Tết Mậu Thân 1968" long trời lở đất vẫn diễn ra, khiến Mỹ-ngụy phải ngồi vào bàn thương lượng mà không thể ở thế mạnh được.

*

Còn "Gia đình tôi"? Vâng! Nó cũng chỉ là một "tế bào" trong xã hội như mọi gia đình khác. Nó cũng chỉ là giọt nước trong bể cả chiến tranh lúc ấy. Nhưng đôi khi, "nhìn một giọt nước có thể biết cả đại dương". Vậy ta nhìn thử!

Anh trai thứ hai của tôi nhập ngũ năm 1965 và "Đi B" (vào chiến trường miền Nam - vào Tây Nguyên) cùng năm. Anh dùng DKB (tên lửa vác vai). Anh trai thứ tư của tôi nhập ngũ 1965 và năm 1966 thì vào Trường Sơn. Anh ở cao xạ 37 ly, bảo vệ con đường. Tôi lúc đó, là út, đến cuối năm 1968, 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm, "được ưu tiên đi học đại học", vào khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội, khóa 1968-1972, khóa 4 năm đầu tiên của trường đại học này. Nhưng đấy là chuyện 3 năm sau, tính từ 1965.

Thế là, anh em tôi nói riêng và cả nước nói chung, 3 năm ấy, đều "sống" trong "Chiến dịch Sấm rền" của Tổng thống Mỹ L.Johnson! Cái "Tết Mậu Thân 1968" khét tiếng cũng sinh ra từ bối cảnh đó.

Cũng trong 3 năm này, gia đình tôi (gồm bố và mẹ đã già, bố tôi sinh năm 1901, mẹ tôi kém ông 10 tuổi, sinh ra vào năm Tôn Trung Sơn làm Cách mạng Tân Hợi - 1911, ở Trung Hoa), chị dâu - vợ người anh đang ở Tây Nguyên của tôi - cùng một đứa con gái tàn tật bẩm sinh - và tôi) đã phải đón thêm vì "sơ tán": 2 đứa cháu ruột, con anh cả tôi ở Hà Nội; 3 đứa em họ, con bà dì ruột, cũng ở Hà Nội, vì chú rể tôi cũng sắp "Đi B" - vào Bà Đen, Tây Ninh; 2 đứa nhỏ, con của bạn chiến đấu của chú rể tôi - ông ấy cũng ở vào hoàn cảnh tương tự; và 2 ông bà cụ, còn già hơn cả bố mẹ tôi, vốn là chủ nhà cho anh cả tôi ở nhờ nhiều năm trước ở Hà Nội.

Thế là nhà tôi, đang có 5 người, đột nhiên vì "Rolling Thunder" của ông L. Johnson, thành ra có những 14 nhân khẩu! Và tôi, đang là "thằng út", trở thành "anh cả" của 5 đứa em, 3 đứa cháu! Bên lũ trẻ, tôi vừa cùng học hành vừa hợp vào với chúng, thành ra nhóm giúp việc của 4 cụ già. Riêng tôi, còn là lao động duy nhất ở HTX nông nghiệp, để lấy "điểm", từ đó mà có thêm hoa lợi, ngoài những "tiêu chuẩn" của chúng tôi theo quy định "thời chiến" khi ấy.

Vì lẽ đó, mà từ lúc học lớp 7 (cũ), tôi đã có thể ăn "công nhất" từ HTX nông nghiệp, mà người ăn "công nhất" như vậy là người phải làm được cả những công việc khó nhất của nhà nông, như là cày, bừa "ngầm" khi làm ruộng nước; "ống mạ", nghĩa là bừa ngấu và "là phẳng" mặt "dược" để gieo giống... Các "lão nông", các "lực điền" còn lại trong làng, sớm dạy cho tôi những "ngón nghề" ấy!

Và, tôi được "kết nạp Đoàn" ngay trên bờ ruộng, từ khi tôi còn học lớp 7 (cũ), rồi trở thành Liên đội trưởng Liên đội Thiếu niên tiền phong Nguyễn Quốc Trị, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Có thể nói, "Sấm rền" rền suốt tuổi niên thiếu của tôi. Và, "Tết Mậu Thân 68" vừa là niềm vui trẻ trai cùng cả nước, vừa là nỗi khắc khoải lo lắng khôn nguôi cho 2 anh tôi ở chiến trường và gia cảnh riêng lúc đó.

Lịch sử thật buồn và "buồn cười" nữa - cách cả một đại dương, tự dưng cả nhà tôi lại liên quan trực tiếp đến "Sấm rền" của ông L. Johnson!

Tôi nói "trực tiếp", không chỉ vì những điều tôi đã kể, mà còn vì chuyện này: Ngày 5-8-1964, không quân và hải quân Hoa Kỳ bắt đầu đánh phá miền Bắc sau "Sự kiện Vịnh Bắc bộ", thì ngày 8-5-1965, máy bay họ bay qua làng tôi, sát mặt sông Đáy rồi vọt lên cao, đánh vào Hà Nội. Tôi, hồi ấy, như đã nói, là Liên đội trưởng Liên đội Thiếu niên tiền phong xã, đưa các đội viên đi cào cỏ ngoài đồng, theo một "Chiến dịch cào cỏ" của xã - áo trắng, khăn quàng đỏ.

Đột nhiên, một dàn phản lực Mỹ - hình đến trước, tiếng đến sau - bay trên mặt ruộng, mặt sông chừng dăm chục mét, hướng về Hà Nội. Tôi thấy rõ chúng gồm 3 loại: F4H (con ma), F105 (thần sấm) và F8U của riêng hải quân Mỹ. Tới đầu làng tôi, chúng vọt lên cao và chỉ mươi, mười lăm phút sau, một đụn khói đen đã đùn lên, cao dần tới hàng cây số trên trời, cả buổi chưa tan! Sau này, tôi mới rõ, đó là khói đùn lên từ kho xăng Đức Giang, Gia Lâm, vì trúng bom.

Chưa hết! Khi bay ngược trở về, máy bay Mỹ còn rót bom xuống chợ Vân Đình, ngày đang phiên. Hàng chục người chết và bị thương. Hàng xóm tôi, hai ông bà già - đi chợ bán lợn lấy tiền cho con theo học - cũng bị chết giữa chợ. Ít tiếng sau, đò chở xác ông bà về bến xóm tôi. Đội thiếu niên của tôi xuống bến sông, cùng dân làng đưa ông bà lên bờ rồi đưa về nơi an nghỉ. Một người con trai ông bà, sau này làm đến Cục trưởng Cục Hồ sơ Lưu trữ Bộ Công an, hàm Thiếu tướng. Anh ấy là bạn học của tôi, từ cấp I.

Sau "Tết Mậu Thân 1968" vài tháng, tôi, khi đó đang học lớp 10 trường huyện, sơ tán cách nhà 10 cây số, cùng toàn trường ngồi nghe Lâm - một bạn học vừa nhập ngũ năm trước - kể về 40 ngày anh ấy cùng đồng đội chiếm thành phố Huế trong "Tết Mậu Thân 1968". Anh ấy bị cụt một tay ở đó và sau buổi nói chuyện ít ngày, anh ấy giải ngũ. Từ đó, anh ấy có "hỗn danh" là "Lâm cụt".

Rồi L.Johnson "Không ra tranh cử nhiệm kỳ hai" và R.Nixon lên thay. Ông này "Việt Nam hóa chiến tranh" rồi lại "Mỹ hóa chiến tranh" trở lại mà đỉnh cao là dùng B52 đánh cả vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12 năm 1972 trong chiến dịch Linebacker đầy tính hủy diệt... Chuyện ấy cũng đã là lịch sử.

Tháng 3-1971, anh hai tôi hy sinh ở Tây Nguyên. Tháng 5-1972, tôi nhập ngũ nốt, nhằm tới Quảng Trị vì R.Nixon.

Năm 1984, bố tôi mất!

Năm 1992, mẹ tôi đi theo bố tôi.

Những "Nhân chứng chiến tranh" trong "Gia đình tôi" thưa dần! Tôi năm nay cũng đã 68 tuổi, cái tuổi gợi nhớ đến "Tết Mậu Thân 1968".

Từ khóa » Chiến Dịch Sấm Rền 2