Thuốc Vinafolin (Ethinylestradiol): Công Dụng, Cách Dùng, Giá Bán

Phụ nữ khi bước vào giai đoạn mãn kinh thường xuất hiện nhiều rối loạn tâm sinh lý, nguy cơ gặp phải các bệnh lý do thay đổi hormone cũng tăng cao. Trong bài viết này, Tintucduoc.com sẽ cung cấp tới độc giả thông tin đầy đủ về thuốc Vinafolin – một trong những liệu pháp thay thế hormon cho phụ nữ mãn kinh.

Vinafolin là thuốc gì?

Vinafolin được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Sinh học Dược phẩm Ba Đình, có thành phần chính là Ethinylestradiol có hàm lượng 0.05 mg cùng một số tá dược khác vừa đủ. Vinafolin được dùng để cải thiện các rối loạn nội tiết thời kỳ mãn kinh và tình trạng thiểu năng tuyến sinh dục ở nữ giới.

Dạng bào chế và đóng gói: Vinafolin được bào chế dạng viên nén dùng đường uống. Mỗi hộp gồm 1 vỉ 10 viên, có đi kèm tờ hướng dẫn sử dụng.

Cơ chế tác dụng của thuốc Vinafolin

Thành phần chính Ethinylestradiol của Vinafolin là một Estrogen thường có trong các loại thuốc uống tránh thai trên thị trường. Ethinylestradiol dùng trong liệu pháp thay thế hormon ở nữ giới mãn kinh nhờ khả năng điều chỉnh biểu hiện của gen.

Nội tiết tố này có khuếch tán thụ động được qua màng tế bào, gắn với các thụ thể chuyển vào nhân, điều tiết quá trình phiên mã của gen đích. Ethinylestradiol giúp làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân rối loạn vận mạch, rối loạn tâm sinh lý, giúp giảm nguy cơ loãng xương ở chị em phụ nữ giai đoạn mãn kinh.

Hình ảnh hộp thuốc Vinafolin
Hình ảnh hộp thuốc Vinafolin

Công dụng – Chỉ định của Vinafolin

Vinafolin được chỉ định trong các trường hợp:

  • Điều trị thay thế hormone ở nữ giới độ tuổi mãn kinh bao gồm các rối loạn vận mạch mức độ trung bình đến nặng; điều trị dự phòng tình trạng loãng xương do mãn kinh; cải thiện các dấu hiệu đi kèm như: đổ mồ hôi, mất ngủ, cáu gắt, dễ nổi nóng hay mệt mỏi.
  • Điều trị hỗ trợ ở nữ giới giảm chức năng tuyến sinh dục, giảm chức năng buồng trứng.
  • Điều trị tạm thời tình trạng Carcinom tuyến tiền liệt tiến triển và không thực hiện mổ được.
  • Ngoài ra thuốc Vinafolin cũng được dùng để cắt sữa, tiêu sữa ở các trường hợp cai sữa mà tuyến sữa không ngừng sản xuất.

Chống chỉ định

Vinafolin chống chỉ định cho các nhóm đối tượng:

  • Bệnh nhân mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng với các thành phần có trong thuốc.
  • Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
  • Bệnh nhân xuất huyết âm đạo bất thường chưa xác định được nguyên nhân.
  • Bệnh nhân có nguy cơ huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch hoặc rối loạn huyết khối nghẽn mạch.
  • Bệnh nhân được chẩn đoán Carcinom vú.

Cách sử dụng thuốc Vinafolin

Vinafolin được dùng đường uống. Thông tin về liều dùng dưới đây mang tính chất tham khảo, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để được hướng dẫn sử dụng mức liều phù hợp nhất:

  • Liều điều trị tình trạng rối loạn vận mạch mức độ trung bình – nặng: mỗi ngày 0.02 – 0.05mg, dùng theo chu kỳ. Liều dùng có thể giảm xuống 0.02 mg/ngày, 2 ngày dùng 1 lần đối với những bệnh nhân đáp ứng tốt với mức liều thấp.
  • Với phụ nữ thời kỳ đầu mãn kinh, vẫn còn kinh nguyệt: dùng liều 0.05mg/ngày trong 3 tuần liên tục, sau đó ngưng dùng thuốc 1 tuần.
  • Phụ nữ thời kỳ cuối mãn kinh: liều dùng 0.02mg/ngày trong vài chu kỳ đầu, sau đó có thể tăng liều lên 0.05 mg/ngày ở những chu kỳ dùng sau đó.
  • Với các rối loạn mức độ nặng hơn, liều dùng có thể tăng tới ngày 3 lần, mỗi lần 0.05mg trong vài tuần, đến khi có cải thiện về lâm sàng thì giảm liều xuống mức duy trì.
  • Liều điều trị tình trạng suy giảm chức năng tuyến sinh dục: mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên 0.05mg, duy trì trong 2 tuần đầu. Sau đó, bệnh nhân nên được sử dụng thêm Progesterone trong nửa sau của chu kỳ dùng thuốc. Sau khoảng 3 – 6 tháng, bệnh nhân nên được theo dõi, kiểm tra để thay đổi liều lượng phù hợp.
  • Liều điều trị tạm thời cho bệnh nhân Carcinom tuyến tiền liệt mức độ nặng không mổ:  mức liều 0.15 – 0.2 mg mỗi ngày. Bệnh nhân cần được đánh giá đồng thời về hiệu quả của liệu pháp, kết hợp xét nghiệm nồng độ acid phosphatase trong huyết thanh. Thời gian điều trị có thể kéo dài trên 3 tháng.

Mức liều và thời gian điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: đặc điểm sinh lý, mức độ bệnh lý và mức độ đáp ứng của cơ thể từng người. Do đó, bạn nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không nên tự ý điều chỉnh liều dùng.

Hình ảnh vỉ thuốc Vinafolin
Hình ảnh vỉ thuốc Vinafolin

Tác dụng phụ của thuốc Vinafolin

Trong thời gian điều trị với Vinafolin, thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Tác dụng phụ trên tiêu hóa: nôn, buồn nôn, chán ăn, bụng chướng, co cứng cơ bụng, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy.
  • Tác dụng phụ trên da: nám da, sạm da, kích ứng da.
  • Tác dụng phụ trên nội tiết, sinh dục: chứng vú to, đau ngực, vô kinh, đau bụng kinh.
  • Tác dụng phụ khác ít gặp: tăng huyết áp, vàng da, viêm tĩnh mạch huyết khối.
  • Người bệnh khi gặp phải một trong các biểu hiện trên, hoặc cơ thể có dấu hiệu bất thường nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc, cần thông báo tới bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách xử trí thích hợp và an toàn nhất.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Vinafolin

Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình điều trị bằng Vinafolin:

  • Vinafolin có thể gây cảm giác chóng mặt, buồn nôn, co cứng cơ bụng, ảnh hưởng đến sự tập trung, do đó cần thận trọng khi dùng thuốc trên người lái xe, vận hành máy móc nguy hiểm.
  • Vinafolin là thuốc kê đơn, bệnh nhân cần thăm khám và có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ trước khi mua và sử dụng thuốc.
  • Thận trọng và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân rối loạn chức năng thận, đau nửa đầu, bệnh nhân động kinh hoặc u xơ cổ tử cung.
  • Với bệnh nhân đái tháo đường hoặc tăng Triglyceride máu, cần tiến hành định lượng nồng độ đường và triglycerid trước và định kỳ trong thời gian điều trị với Vinafolin.
  • Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân được khuyến cáo không nên sử dụng chất kích thích, rượu bia hoặc hút thuốc, đồng thời chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất do thuốc có thể gây ra tình trạng thiếu hụt.
  • Dùng quá liều Vinafolin có thể gây ra tình trạng buồn nôn hoặc gây chảy máu. Tình trạng của bệnh nhân cần được theo dõi và báo với bác sĩ để thực hiện điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
  • Bảo quản thuốc nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời và để xa tầm với của trẻ nhỏ.

Ảnh hưởng của Vinafolin lên phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú

Thời kỳ mang thai: Vinafolin có thể gây tình trạng co thắt tử cung, hoặc gây dị dạng bẩm sinh bao gồm các khuyết tật chi, tim mạch. Do đó, Vinafolin chống chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai. Cần xét nghiệm để khẳng định không mang thai trước khi bắt đầu điều trị bằng Vinafolin.

Thời kỳ cho con bú: Estrogen có thể phân bố vào sữa mẹ, do đó bệnh nhân cần cân nhắc nguy cơ – lợi ích, chỉ dùng thuốc khi được chỉ định và không nên cho con bú trong thời gian dùng thuốc.

Vinafolin bào chế dưới dạng viên nén
Vinafolin bào chế dưới dạng viên nén

Tương tác của thuốc Vinafolin với các thuốc khác

Vinafolin có thể gây ra một số tương tác với các thuốc/nhóm thuốc dưới đây:

  • Các chế phẩm giảm đau, hạ sốt chứa Paracetamol có thể làm tăng mức độ hấp thu Vinafolin tại ruột lên khoảng 20% khi dùng phối hợp. Đồng thời, Vinafolin làm giảm thời gian thanh thải của Paracetamol, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
  • Bệnh nhân đang sử dụng Zidovudin điều trị HIV cần thận trọng để tránh tương tác khi dùng với Vinafolin do Vinafolin có thể làm tăng độc tính của thuốc.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng Imipramin khi dùng với Vinafolin có thể bị giảm tác dụng và tăng độc tính.
  • Kháng sinh Minocycline dùng chung với Vinafolin có thể làm tăng nhiễm sắc tố ở mặt do thuốc.
  • Để hạn chế các phản ứng phụ do tương tác thuốc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về các thuốc hoặc sản phẩm dùng đồng thời với Vinafolin.

Đặc điểm dược động học của Vinafolin

Nghiên cứu về dược động học của Ethinylestradiol cho thấy: Sinh khả dụng dùng đường uống của thuốc khoảng 50 – 60%. Thuốc có tỉ lệ liên kết với protein huyết tương khoảng 95 – 98%, được chuyển hóa qua gan và thanh thải chậm qua phân. Thời gian bán thải của thuốc khoảng 13 – 27 giờ.

Thuốc Vinafolin giá bao nhiêu?

Hiện nay, Vinafolin được bán với mức giá khoảng 25.000 hộp 10 viên. Mức giá trên có thể dao động tùy từng thời điểm và nơi bán.

Thuốc Vinafolin mua ở đâu tại Hà Nội và TPHCM?

Bạn có thể tìm mua Vinafolin tại các nhà thuốc trên toàn quốc, bạn cần chú ý mang theo đơn thuốc được chỉ định khi mua. Đồng thời, bạn nên kiểm tra kỹ về nhãn mác, hạn dùng để đảm bảo mua được thuốc chính hãng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi sử dụng.

Từ khóa » Thuốc Cai Sữa Vinafolin