TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ

Quá trình giải quyết vụ án dân sự được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:

I/- CẤP SƠ THẨM

Bước 1: Thụ lý vụ án

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

- Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay Giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.

Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.

Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

- Chánh án tòa phân công Thẩm phán xem xét đơn (Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn)

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán đước phân công xem xét đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 2: Chuẩn bị xét xử

- Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

- Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng.

- Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

+ Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

+ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

+ Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

+ Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (Điều 203)

Bước 3: Hòa giải vụ án

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 205 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS.

+ Ra quyết định hòa giải thành khi không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận;

+ Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.

Bước 4: Mở phiên tòa xét xử

Theo quy định tại Điều 222 BLTTDS 2015 phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 tại BLTTHS, gồm: Đương sự; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định; Người phiên dịch và Kiểm sát viên.

*/ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TẠI TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM

1/ Chuẩn bị khai mạc phiên tòa (Điều 237): Thư ký phiên Tòa phải tiến hành các Công việc sau:

- Phổ biến nội quy,

- Kiểm tra, xác định sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án; nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do,

- Ổn định trật tự trong phòng xử án,

- Yêu cầu mọi người đứng dâỵ khi HĐXX vào phòng xử án.

2/ Thủ tục bắt đầu phiên tòa: (Điều 239 - Điều 246)

-  Khai mạc phiên tòa (Điều 239)

+ Chủ tọa phiên tòa khai mạc và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử;

+ Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự, người tham gia tố tụng khác;

+ Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền, nghĩa vụ của đương sự và của người tham gia tố tụng khác;

+ Chủ toạ phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch;

+ Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không;

+ Yêu cầu người làm chứng cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên;

+ Yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.

3/ Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa (Điều 247 – Điều 263)

- Hỏi tại phiên tòa: thứ tự hỏi tại phiên tòa (Điều 249)

+ Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hỏi trước, tiếp đến bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

+ Những người tham gia tố tụng khác;

+ Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;

+ Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

- Thủ tục tranh luận tại phiên tòa (Điều 260): Đây là hoạt động trung tâm của phiên tòa, bảo đảm cho đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án.

- Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận. (Điều 263)

4/ Nghị án và tuyên án

-  Nghị án (Điều 264): Là việc Hội đồng xét xử xem xét, quyết định giải quyết vụ án. Có thể trở lại việc hỏi và tranh luận (Điều 265).

- Tuyên án (Điều 267): Sau khi bản án đã được thông qua, Hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử để tuyên án.

II/- CẤP PHÚC THẨM

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

1/ Kháng cáo:

- Người có quyền kháng cáo (Điều 271): Đương sự; Người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

- Thời hạn kháng cáo (Điều 273):

+ Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án;

Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

+ Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

2/ Kháng nghị:

- Thẩm quyền kháng nghị (Điều 278): Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

- Thời hạn kháng nghị (Điều 280):

+ Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

+ Đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

*/ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TẠI TÒA ÁN CẤP PHÚC THẨM

Bước 1: Thụ lý vụ án (Điều 285)

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 2: Chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 285 – Điều 292)

- Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

+ Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.

- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Bước 3: Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm

- Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba thẩm phán.

Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.

- Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

*/ THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, kết luận trong bản án không phù hợp Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án.

Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự

- Đương sự đươc quyền bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm (Điều 330), thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm điều 335.

- Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi cho các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.

- Sau đó, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền:

+ Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa Điều 344.

+ Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm Điều 345.

+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án Điều 346.

+ Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật Điều 347

Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định

*/ THỦ TỤC TÁI THẨM

Có căn cứ quy định tại điều 352 khi phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;…

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

- Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền:

+ Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.

+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

Bài viết khác

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHAI NHẬN THỪA KẾ HÀNH VI ÉP NGƯỜI KHÁC VIẾT GIẤY NỢ NHẰM MỤC ĐÍCH ĐÒI TIỀN CÓ BỊ TRUY TỐ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG? Chưa hết thời hạn hợp đồng công ty có được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không? HÀNH VI VU KHỐNG TRÊN MẠNG XÃ HỘI Xin giấy xác nhận độc thân khi đã ly hôn tại tòa ? QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TÀI SẢN GÓP VỐN CHUYỂN NHƯỢNG BĐS ĐANG THẾ CHẤP TẠI NGÂN HÀNG NĂM 2023 TỐ CÁO và TỐ GIÁC khác nhau như thế nào? MỘT SỐ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG THƯƠNG LƯỢNG THỜI ĐIỂM CUỐI CÙNG ĐƯỢC ĐƯA RA YÊU CẦU PHẢN TỐ, YÊU CẦU ĐỘC LẬP

Từ khóa » đình Chỉ Giải Quyết Vụ án Dân Sự Là Gì