Xơ Phổi

Xơ phổi

XƠ PHỔI

BS. Trần Thị Vân Thịnh

Trung Tâm Điều Trị Bệnh Hô Hấp Phổi Việt

Nguyên bác sĩ điều trị Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch

Xơ phổi là tình trạng bệnh mạn tính, trong đó mô ở sâu bên trong phổi bị tổn thương, dày lên, cứng hơn do mất tính đàn hồi (tính co giãn), và tạo sẹo. Các sẹo này được gọi là xơ phổi.

1. Các dạng xơ phổi

Xơ phổi có thể xuất hiện sau một số bệnh lý (gọi là xơ phổi thứ phát), hay cũng có thể không tìm thấy bệnh lý nào trước khi xảy ra xơ phổi (gọi là xơ phổi vô căn).

Có 3 dạng xơ phổi:

  • Xơ phổi thứ phát sau khi có tổn thương phổi, chẳng hạn như sau lao phổi, viêm phổi, nhồi máu phổi.
  • Xơ phổi khu trú do hít phải các chất gây kích thích, ví dụ như bụi than, silica.
  • Bệnh phổi mô kẽ lan tỏa (Diffuse parenchymal lung disease, DPLD), Xơ phổi vô căn (idiophathic pulmonary fibrosis, IDF), và bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai (còn gọi là bệnh viêm phổi tăng cảm, extrinsic allergic alveolitis).

2. Xơ phổi thường gặp ở lứa tuổi nào

Xơ phổi có ở mọi nơi trên thế giới, và ở mọi chủng tộc người. Độ tuổi thường gặp là 50-70 tuổi. Tuy nhiên, một số dạng bệnh phổi mô kẽ, chẳng hạn như sarcoidosis, bệnh lý mô liên kết và các bệnh phổi do di truyền, thì thường xảy ra ở người trẻ tuổi hơn. Yếu tố nguy cơ của xơ phổi

  • Do việc dùng thuốc, do môi trường, và nghề nghiệp.
  • Hút thuốc lá, hay có tiền căn hút thuốc lá trước đây.
  • Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
  • Các nguyên nhân nhiễm trùng
  • Do di truyền

3. Nguyên nhân xơ phổi

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xơ phổi

  • Bệnh phổi thứ phát sau tổn thương phổi: lao, viêm phổi, nhồi máu phổi, ..
  • Bệnh bụi phổi: do hít phải các chất như silica, asbestos (còn gọi a-mi-ăng), bụi than ở hầm mỏ, beryl
  • Bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai: bệnh phổi ở người trồng nấm, người nông dân hít phải nấm mốc rơm rạ, người nuôi chim gà vịt ngan....
  • Tiếp xúc với các hóa chất, hơi độc, khí dung: NO,..
  • Bệnh lý mô hạt : sarcoidosis
  • Do một số thuốc: aminodarone, bleomycine, busulfan, nitrofurantoin, methotrexate, penicilamine, và các chất gây kích thích như cocaine, heroin
  • Tiếp xúc với tia xạ
  • Bệnh lý mô liên kết: bệnh xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,
  • Các bệnh hệ thống: viêm gan siêu vi C, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải,
  • Do di truyền: bệnh xơ phổi vô căn có tính chất gia đình, bệnh u xơ cứng củ,…

4. Biểu hiện bệnh xơ phổi

Bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau, tùy theo bệnh lý nền có sẵn. Bệnh có thể xuất hiện cấp tính, với đợt bệnh bùng phát rồi sau đó thuyên giảm; hay cũng có thể xuất hiện bán cấp, với các đợt bệnh tái phát rồi thuyên giảm nhiều lần; hay bệnh cũng có thể xuất hiện âm ỉ, mạn tính, tiến triển từ từ theo thời gian. Các triệu chứng chính gồm có:

  • Khó thở, thở mệt
  • Ho kéo dài
  • Khò khè
  • Ho ra máu
  • Đau ngực

Thăm khám phát hiện rales nổ nhỏ hạt cuối thì hít vào. Tím trung ương, ngón tay dùi trống, tăng áp phổi, suy tim phải là các biểu hiện ở giai đoạn muộn.

Cũng có thể phát hiện tình cờ qua kiểm tra XQ phổi và đo hô hấp ký, chẳng hạn như kiểm tra sức khỏe ở những người có nguy cơ bệnh cao do nghề nghiệp

Hình ảnh ngón tay dùi trống

Ảnh: Ngón tay dùi trống

5. Chẩn đoán phân biệt

Có nhiều các bệnh phổi khác có triệu chứng và dấu hiệu giống với xơ phổi, như:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease – COPD)
  • Hen
  • Giãn phế quản
  • Suy tim xung huyết
  • Bệnh phổi không điển hình
  • Ung thư phổi

6 Các xét nghiệm và khảo sát trong xơ phổi

Bệnh sử và tiền sử: chú ý các yếu tố nguy nghề nghiệp hay môi trường, ví dụ như tiếp xúc a-mi-ăng (asbestos), silica, và các hóa chất có thể đi vào đường hô hấp

  • Công thức máu tổng quát: có thể có thiếu máu nhẹ
  • ESR, CRP: có thể tăng
  • Kháng thể tự miễn: kháng thể kháng nhân, yếu tố thấp
  • Khí máu động mạch: thường thấy giảm độ bão hòa oxy máu
  • Kiểm tra chức năng phổi có thể thấy: hội chứng hạn chế, giảm TLC, giảm RC, giảm RV, giảm trao đổi khí
  • Phim XQ phổi có thể bình thường, hay có thể thấy tổn thương nốt hay lưới. Tổn thương dạng tổ ong (honeycombing) xuất hiện ở giai đoạn trễ, và khi tình trạng bệnh đã nặng.
  • CT scan ngực độ phân giải cao: khảo sát tốt hơn phim XQ phổi.
  • Rửa phế quản phế nang: thường ứng dụng trong nghiên cứu bệnh bệnh phổi vô căn hơn.
  • Sinh thiết phổi: chỉ định trong một số trường hợp với mục đích xác định chẩn đoán.

7 Điều trị xơ phổi Hầu như không có điều trị hiệu quả cho bệnh xơ phổi. Tuy nhiên một số các can thiệp có thể làm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Việc điều trị thay đổi tùy theo từng cá thể. Cần can thiệp vào nguyên nhân gây ra tình trạng xơ phổi, nếu như còn thể.

  • Các điều trị hỗ trợ trong xơ phổi
  • Ngưng thuốc lá
  • Tránh các yếu tố môi trường hay yếu tố nghề nghiệp là nguyên nhân gây ra bệnh (các hóa chất, khói, bụi)
  • Ngưng dùng các thuốc có liên quan hay là nguyên nhân gây ra bệnh
  • Nên tiêm ngừa cúm và ngừa phế cầu
  • Oxy liệu pháp: đối với bệnh nhân thiếu oxy máu
  • Phục hồi chức năng hô hấp
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh

Điều trị thuốc trong xơ phổi

  • Ức chế miễn dịch: corticosteroid và/ hoặc azathioprine
  • Các thuốc ức chế miễn dịch và chống xơ hóa: colchicine, ciclosporin, D-penicillamine, pirfenidone cũng được cho là có tác dụng.
  • N-acetylcystein

Ghép phổi Là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh xơ phổi. Tuy nhiên phẫu thuật ghép phổi có nhiều nguy cơ và biến chứng, và chỉ áp dụng được cho số ít bệnh nhân.

8. Tiên lượng xơ phổi

Thay đổi tùy theo bệnh nhân và mức độ nặng. Các yếu tố cho tiên lượng xấu:

  • Lớn tuổi
  • Nam giới
  • Khó thở nặng
  • Tiền căn hút thuốc lá
  • Giảm chức năng phổi nặng

Biểu hiện tổn thương xơ nặng trên hình ảnh (XQ và CT scan ngực)

  • Kém đáp ứng với điều trị

Có nhiều tổn thương xơ trên khảo sát mô học.

Các tài liệu tham khảo:

http://www.patient.co.uk/doctor/pulmonary-fibrosis

http://www.pulmonaryfibrosis.org

Từ khóa » Xơ Phổi Có Bị Lây Không