Xử Lý Dứt điểm Tòa 8B Lê Trực: Bài Học Cho Những Vụ Việc Tồn đọng ...

Tòa nhà 8B, Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình
“Nút thắt” được tháo gỡ

Cùng với nhiều dấu ấn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phòng chống dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong năm 2020, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông lớn, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Trong bối cảnh khối lượng công việc phát sinh rất lớn nhưng lãnh đạo Thành phố vẫn chỉ đạo, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, kéo dài nhiều năm.

Trong số này, công trình 8B Lê Trực là một điển hình trong vi phạm trật tự xây dựng và cũng là vấn đề tồn đọng kéo dài, không chỉ của những người đã nộp tiền mua nhà tại đây mà còn của dư luận khi chứng kiến sự lúng túng trong cưỡng chế, xử lý sai phạm.

Do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực đã xây dựng công trình vượt 1 tầng; tăng 15,89 m chiều cao; sai về khoảng lùi, khoảng giật cấp, dẫn đến tăng diện tích sàn xây dựng lên tới gần 7.000 m2.

Việc vi phạm diễn ra từ năm 2012 nhưng phải đến cuối năm 2016, mới thực hiện xong cưỡng chế giai đoạn 1, phá dỡ được tầng 19 và tầng tum thang của công trình. Giai đoạn 2 với yêu cầu phá dỡ tầng 18 do vi phạm chiều cao theo giấy phép xây dựng nhưng qua gần 4 năm, tức là tới thời điểm đầu năm 2020, công việc vẫn giậm chân tại chỗ, dù Thủ tướng Chính phủ nhiều lần có văn bản chỉ đạo.

Phải đến thời điểm cuối quý I/2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, tinh thần vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và quận Ba Đình, những nút thắt mới được tháo gỡ. Và chỉ sau gần 5 tháng triển khai, từ tháng 4/2020 đến ngày 5/10/2020, việc tháo dỡ, phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực đã hoàn thành.

Chủ tịch UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) Nguyễn Chí Trung cho biết: “Chúng tôi thực hiện tháo dỡ công trình theo từng bước. Trước hết là thông báo với chủ đầu tư việc tiếp tục xử lý công trình sai phạm theo Quyết định cưỡng chế số 32/QĐ-UBND của UBND quận Ba Đình, đồng thời thông báo cho nhân dân trên địa bàn phường, những người dân mua nhà tại đây nắm rõ phương án làm việc”.

Trong suốt quá trình xử lý, việc bảo đảm an toàn về trật tự đô thị, an toàn về công trình, tài sản của chủ đầu tư 8B Lê Trực cũng như cán bộ tham gia cưỡng chế được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Sau khi hoàn tất xử lý phần vi phạm, hiện công trình 8B Lê Trực còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5 m.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, ngày 9/12/2020, UBND quận Ba Đình đã cùng Công ty cổ phần May Lê Trực kiểm tra hiện trạng và tổ chức bàn giao mặt bằng công trình để chủ đầu tư thực hiện chỉnh trang, bảo đảm mỹ quan, kiến trúc đô thị, hoàn thiện phần mái thành dàn hoa, bồn cây và chỉ được phép sử dụng vào các mục đích sử dụng chung của tòa nhà.

Việc xử lý dứt điểm vi phạm tại 8B Lê Trực không chỉ bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, được nhân dân, ghi nhận đánh giá cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hảo (phường Điện Biên, quận Ba Đình) chia sẻ nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, của quận và UBND phường mà công tác phá dỡ giai đoạn 2 của công trình vi phạm 8B Lê Trực đã hoàn thành.

“Với kết quả đó, nhân dân phường Điện Biên hết sức phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Qua vụ việc này, chúng tôi mong muốn tất cả các vi phạm trong trật tự xây dựng cần phải được giải quyết dứt điểm, lập lại kỷ cương phép nước, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền”, ông Hảo nói.

Tạo chuyển biến tích cực đối với những việc tồn đọng nhiều năm

Có thể thấy, việc xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng ở 8B Lê Trực là một trong nhiều ví dụ điển hình khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Thành phố Hà Nội nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực đối với những việc khó, tồn đọng kéo dài nhiều năm.

Một ví dụ “nóng” khác gần đây là những tồn tại, vướng mắc kéo dài nhiều năm tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Thống kê cho thấy, từ giữa năm 2016 đến tháng 10/2020, người dân các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã 7 lần ngăn chặn xe chở rác khiến rác thải ở các quận nội thành và một số huyện ngoại thành bị ùn ứ, gây ảnh hưởng đến môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Chủ trì nhiều cuộc họp với các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe kiến nghị của nhân dân và làm việc với toàn thể các bộ phận liên quan.

Nhấn mạnh, người dân khu vực xử lý rác thải đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với Thành phố, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm, sự chủ động cao; vận dụng tối đa quy định của pháp luật và thẩm quyền của Thành phố, nhưng phải công khai, minh bạch và công bằng.

Từ những chỉ đạo căn cơ, triệt để, quyết liệt của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn đã sốc lại công việc, đến nay tình hình tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đã ổn định và đang triển khai theo đúng tiến độ.

Thùy Linh

Từ khóa » Chủ đầu Tư Nhà Số 8 Lê Trực Là Ai