Số hóa truyền hình giai đoạn 2 tại các tỉnh trung du sẽ khó khăn

Chương trình Số hóa truyền hình giai đoạn 2 tại các tỉnh trung du sẽ khó khăn

– Những khó khăn về địa lý sẽ khiến giai đoạn hai của số hóa truyền hình khó khăn hơn giai đoạn một, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Phan Tâm cho biết.

– Khi triển khai số hóa truyền hình giai đoạn một, việc tắt sóng và hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số (set top box) diễn ra ở các thành phố nên việc triển khai khá thuận lợi. Tuy nhiên giai đoạn hai khi triển khai ở các tỉnh, khu vực trung du sẽ gặp khó khăn về đi lại, và về vùng phủ sóng, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết.

dscf6401

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT phát biểu khai mạc hội thảo – Ảnh: H.Đ

– Chiều 14/10, Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp với Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam đã tổ chức Hội thảo “Triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2 tại khu vực Đồng bằng Nam bộ”. Chủ trì hội thảo là ông Phan Tâm, cùng đại diện lãnh đạo của hơn 20 Sở Thông tin – Truyền thông và 20 Đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam.

– Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết vào ngày 19/10 sắp tới, ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam sẽ họp để có đánh giá chính thức kết quả thực hiện giai đoạn 1 Quyết định số 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, đồng thời thảo luận triển khai giai đoạn 2 của đề án số hóa truyền hình.

  – Ban chỉ đạo sẽ rút kinh nghiệm của giai đoạn 1 là gì, khó khăn thách thức của giai đoạn 2 là gì để triển khai thành công hơn. Do đó hội thảo hôm 14/10 thảo luận để góp ý kiến cho ban chỉ đạo số hóa truyền hình, tham mưu cho ban chỉ đạo ở giai đoạn 2.

– Ông Phan Tâm cho biết giai đoạn một của đề án đã triển khai thành công, là kết quả nỗ lực của nhiều cơ quan ban ngành. Đặc biệt là vai trò của Sở TT-TT các tỉnh, vai trò của các công ty truyền dẫn phát sóng khu vực, các đài phát thanh truyền hình địa phương đã phối hợp chặt chẽ với nhau, dùng chung cơ sở hạ tầng, phối hợp với nhau, để đạt được vùng phủ sóng và chất lượng phủ sóng truyền hình số theo đúng tiêu chuẩn đề án 2451. Theo yêu cầu của đề án, vùng phủ sóng của truyền hình số phải rộng bằng hoặc tương đương truyền hình analog ở các khu vực triển khai, sau khi tắt sóng analog.

dscf6405

Hội thảo “Triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2 tại khu vực Đồng bằng Nam bộ”

– Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Quỹ Viễn thông công ích đã có sự hỗ trợ kịp thời thiết bị set top box đối với những hộ nghèo và cận nghèo, nhằm đảm bảo quyền cơ bản về tiếp cận thông tin của người dân. Ngoài ra, giai đoạn một đã có sự điều chỉnh lùi lộ trình tắt sóng analog, từ 31/12/2015 như kế hoạch xuống 15/8/2016 để người dân chuyển đổi kịp thời.

images-1

– Ở giai đoạn 2 sẽ có nhiều khó khăn hơn khi triển khai. Ví dụ các địa bàn vùng trung du, vùng lõm sẽ khó đảm bảo việc phủ sóng đầy đủ. Ngoài ra, việc hỗ trợ thiết bị set top box ở giai đoạn 2 sẽ khó khăn hơn, vì phải đi xuống các khu vực để trang bị cho người dân, đường sá không thuận lợi như các khu vực thành phố ở giai đoạn một. Thứ trưởng đề nghị sự phối hợp của các Sở TT-TT tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, phối hợp các Sở Lao động – Thương binh – Xã hội để lập danh sách hộ nghèo và cận nghèo nhanh hơn, để khi thủ tục đầu tư mua sắm set top box được khai thông thì đơn vị trúng thầu xuống hỗ trợ được ngay. Thứ trưởng cho rằng giai đoạn hai cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của địa phương.

– Sau khi triển khai giai đoạn 2 của đề án, sẽ còn tiếp giai đoạn 3. Dự kiến sẽ tắt hoàn toàn sóng Truyền hình analog vào 31/12/2019.

Hải Đăng