Ông Nguyễn Bá Thanh từng “từ chối” dự án tỉ đô giống Formosa.
Ông Nguyễn Bá Thanh từng từ chối dự án tỉ đô giống Formosa
Tại các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh từng nhiều lần công bố việc lãnh đạo TP từ chối các dự án FDI lên đến hàng tỉ USD vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (Ảnh tư liệu: HC)
Như tin đã đưa, sáng 4/8, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 – 2021) đơn vị TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Tại đây, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc, phẫn nộ về vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh Bắc miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Cùng với nhiều cử tri khác, ông Đặng Văn Phương (cựu chiến binh 81 tuổi ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đặt vấn đề: Trong 70 năm tới, ai bảo đảm dự án Formosa sẽ không xả thải độc hại ra môi trường nữa? Vừa rồi có ý kiến chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân nhưng cử tri nơi ông sinh sống không đồng tình vì ngư dân là phải bám biển, bây giờ chuyển họ đi đâu. Chưa kể ngư dân bám biển không chỉ đánh bắt hải sản mà còn vấn đề bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Cử tri Đặng Văn Phương nhấn mạnh: “Về việc này tôi cũng xin nói thêm, cử tri Đà Nẵng rất cám ơn cố Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh đã cự tuyệt dự án này vì ổng biết sẽ ảnh hưởng môi trường rất lớn nên không nhận. Kể cả sau đó ổng cũng không nhận các dự án nhà máy giấy, nhà máy dệt nhuộm nữa…!”.
Việc lãnh đạo TP Đà Nẵng từng nhiều lần từ chối các dự án FDI có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường dù các dự án này có mức vốn đầu tư rất lớn cũng từng được chính ông Nguyễn Bá Thanh vài lần công bố tại các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cũng như tại một số buổi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Theo đó, hồi năm 2007, ông Nguyễn Bá Thanh cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng từng quyết định từ chối ít nhất 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến gần 4 tỉ USD. Trong đó có dự án xây dựng nhà máy thép của liên doanh China Steel Corporation (Đài Loan) – Sumitomo Metal Industries Corp (Nhật) và dự án nhà máy sản xuất bột giấy của Nhật.
Sau đó, ông Nguyễn Bá Thanh còn tiếp tục từ chối dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm của một Công ty Hàn Quốc với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và một Công ty khác của Hàn Quốc cũng đặt vấn đề cần 30ha đất để xây dựng khu liên hợp dệt nhuộm, do hai dự án này có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù cử tri Đặng Văn Phương có phần nhầm lẫn rằng trong số các dự án mà Đà Nẵng từng từ chối có dự án nhà máy thép của Formosa nhưng rõ ràng, nếu các dự án nêu trên không bị ông Nguyễn Bá Thanh cùng lãnh đạo Đà Nẵng mạnh mẽ khước từ thì có thể đến nay TP này cũng phải lãnh những hậu quả môi trường chẳng khác gì Formosa!
Sáng 4/8, PV Infonet đã gọi điện cho ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2006 – 2011, sau đó tiếp tục được bầu giữ chức vụ này nhiệm kỳ 2011 – 2016 nhưng tháng 8/2011 thì được điều động ra giữ chức Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) để tìm hiểu thêm về việc lãnh đạo Đà Nẵng từ chối dự án nhà máy thép 2 tỉ USD của Đài Loan hồi năm 2007.
Ông Trần Văn Minh cho hay, dự án này được Bộ KH-ĐT giới thiệu cho TP Đà Nẵng. Tuy nhiên sau khi xem xét, ông Nguyễn Bá Thanh nhận thấy dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, không phù hợp với định hướng phát triển bền vững của TP nên đã thống nhất với lãnh đạo TP quyết định từ chối, dù khi đó và cả đến hiện nay Đà Nẵng vẫn đang rất “khát” vốn FDI.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi tiếp xúc của tri sáng 4/8, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi nghe các bác ghi nhận sự sáng suốt của đồng chí cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã từ chối mấy dự án gây ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc chúng ta không thể thu hút đầu tư với bằng mọi giá. Cái gì làm ô nhiễm môi trường, không tạo ra giá trị gia tăng cao thì phải nói “Không”!”.
Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh thêm, từ tinh thần của ông Nguyễn Bá Thanh, TP Đà Nẵng cần tiếp tục thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư, nhưng với những dự án gây ô nhiễm môi trường thì phải kiên quyết không. Những dự án không tạo ra giá trị gia tăng cao cũng kiên quyết không. Chỉ có những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và giữ sạch được môi trường thì trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư.
“Formosa là một sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường không chỉ trước mắt mà lâu dài. Khắc phục hậu quả môi trường là rất gian truân, rất vất vả. Hậu quả lớn lắm. Có thể nói sự cố Formosa là bài học lớn, đau xót, cay đắng để chúng ta không được quên rằng phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây là bài học mà chúng ta phải hết sức thấm thía!” – ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.