078-PHẬT TỬ NGÀY NAY PHẢI LUÔN NHỚ. TL Thích Thông Lạc

Người đi tu mà không học là tu mù, người có học mà không tu như cái tủ đựng kinh sách.” Người tu có học hiểu mà không thưa hỏi kinh nghiệm của thiện hữu tri thức, tự kiến giải, tự tu thì cũng giống như người đi lạc trong rừng sâu chẳng biết đường ra. Cho nên sự tu hành theo Phật giáo không thưa hỏi, không nghiên cứu thông suốt giáo pháp tu tập thì trăm ngàn người đều tu sai, tu không tới nơi tới chốn, tu vô ích.

 Tự kiến giải tu, đó là một điều sai. Tu tập chưa tới đâu, vội đem ra hướng dẫn người khác tu hành thì cũng giống như người mù dắt một bầy mù đi. Tất cả đều có thể sa hầm lọt hố và chết chùm nhau cả đám trong rừng sâu, trong biển cả, trong sa mạc v.v...

Tất cả những người tu theo đạo Phật hiện nay đều đang đi trên lộ trình này, đang lạc vào mê hồn trận của kiến giải, tưởng giải của các Tổ, của kinh sách các Tổ biên soạn viết ra. Do vậy ngôn ngữ danh từ không đủ để diễn tả chính xác những trạng thái kinh nghiệm tu hành.

Một khi muốn hành động tu tập thân tâm một điều gì thì cần phải thưa hỏi rất kỹ với một thiện hữu tri thức, một người tu hành đã chứng đạt chân lý. Đừng vội vàng nghe những lý thuyết suông của người tu hành chưa chứng đạt chân lý. Đó là sự kiến giải, tưởng giải của họ. Và các bạn cũng đừng tự nghĩ cho rằng mình đã hiểu, rồi cứ theo sự suy nghĩ hiểu biết đó mà tu tập thì chẳng bao giờ tu tập có kết quả, chỉ dậm chân tại chỗ hoặc thành bệnh mà thôi.                 

Sự tu tập như vậy chẳng tu tập đến đâu mà còn dẫn đến chỗ tu sai lạc, nhất là sai lệch vào chổ thiền ức chế tâm rất là nguy hiểm có thể bị điên khùng, tẩu hỏa nhập ma, thường tu hành không tiến bộ, tu mãi chẳng đi đến đâu, lại còn thêm bệnh tật khổ đau, uổng phí một đời tu, chẳng lợi gì cho mình cho người mà chỉ hoài công vô ích.

 Trong phần vấn đạo vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho người, khiến cho mình thông suốt đường lối và phương pháp cách thức tu tập, không còn nghi ngờ đường lối và giáo pháp tu hành của Phật giáo là sai lạc nữa, khiến cho tâm mình tin chắc tu tập sẽ thành công đến nơi đến chốn.

Bắt đầu tu tập từng bước một, không vội vàng, không nôn nóng. Mỗi bước tu tập là mỗi bước đi vững vàng, mỗi kết quả cụ thể. Tu tập như vậy càng ngày càng thấy tiến bộ xả tâm rõ rệt, nhờ tu tập có kết quả nên khiến mình thông suốt, đâu là Chánh pháp của Phật và đâu là tà pháp của ngoại đạo. Và cũng biết rất rõ tà giáo ngoại đạo đang xen lẫn trong giáo pháp của đạo Phật. Biết rõ như vậy nên khiến cho mình vững vàng niềm tin ở chính pháp môn mình đang tu tập. Đó thật là pháp môn của đạo Phật chứ không còn sợ sai lạc vào tà pháp của Đại Thừa như trước kia nữa.

Từ lâu ai cũng đang sống trong sự vô minh, đen tối, mờ mịt, chẳng thấy rõ pháp môn nào của đạo Phật và pháp nào của ngoại đạo. Nhiều khi chúng ta nhận lầm pháp môn của ngoại đạo (Đại Thừa) là pháp môn của Phật. Đó là điều chắc chắn mà không còn ai dám khẳng định giáo pháp Đại Thừa là giáo pháp chân chánh của Phật giáo.

Nhờ có vấn đạo ta mới thoát khỏi màn mây đen tối của các pháp tà sư ngoại đạo đang phủ mờ giáo pháp của Phật giáo từ bao thế kỷ nay.

Nhờ có vấn đạo ta mới hiểu rõ, thế giới siêu hình và hữu hình đều là thế giới tưởng (thế giới không có thật).

Nhờ có vấn đạo ta mới rõ thế giới hữu hình và siêu hình là thế giới tưởng của con người nên mạnh tay đập phá cái thế giới siêu hình mê tín đó đã gây biết bao nhiêu sự rắc rối, tạo biết bao nhiêu hao tốn tiền của và đau khổ của loài người. Cũng vì cái thế giới đó khiến cho con người đánh mất nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Từ thế giới siêu hình đó, con người đã mất đi sức tự lực, chỉ còn lại một tinh thần yếu đuối chờ tha lực, luôn luôn chỉ biết dựa nương và cầu cạnh vào những hình ảnh trừu tượng, mờ ảo của những vị thần linh, của những vị Bồ Tát tưởng tượng thuộc tưởng tri do sự hoạt động của tưởng uẩn tạo ra. Bởi vậy chúng ta cần phải cảnh giác đừng để những mánh khóe lừa đảo của các nhà học giả giàu tưởng tượng.

Nhờ vấn đạo ta mới thấu rõ các pháp thế gian là do duyên hợp nên ta dễ dàng buông xả thế giới hữu hình vật chất.

Nhờ vấn đạo ta đã biết rõ thế giới chúng ta đang sống cũng chỉ là một thế giới tưởng của con người. Nhưng chúng ta đang bị trí tuệ u tối, vô minh che khuất từ biết bao nhiêu đời kiếp, khiến cho con người lầm chấp cho thế giới chúng ta đang sống là thật có. Do cho thế giới chúng ta đang sống là thật có nên dính mắc các pháp, chạy theo các pháp, tạo biết bao điều ác độc đau khổ cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh. Cũng vì thế mà con người chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác mãi mãi không bao giờ dứt.

Nhờ có vấn đạo, ta mới biết cách tu tập xả ly, đoạn diệt thế giới hữu hình và thế giới siêu hình. Chính nhờ ly dục ly ác pháp của ý thức và của tưởng thức mà thân tâm chúng ta mới được thanh thản, an lạc và vô sự.

Nhờ có vấn đạo ta mới thấu rõ thiền định nào đúng, thiền định nào không phải của Phật giáo để không bị giáo pháp Bà La Môn lừa đảo.

              Nhờ có vấn đạo ta mới thấu rõ đạo Phật có bốn loại định:               1, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.               2, Định Vô Lậu.              3, Định Niệm Hơi Thở.              4, Định Sáng Suốt.

Khởi đầu tu bốn loại định này bằng pháp môn Tứ Chánh Cần. Dùng bốn loại định này ngăn ác diệt ác pháp, khởi thiện tăng trưởng thiện pháp tức là diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp.

Nhờ có vấn đạo ta không rơi vào thiền ức chế tâm, và tu tập đúng thiền xả ly tâm nên thân tâm chúng ta thường thanh thản, an lạc và vô sự như đất trời bao la giải thoát.

Nhờ có vấn đạo ta mới thông suốt “Tam Vô Lậu Học.” Đó chính là pháp môn của đạo Phật. Nhờ biết đúng pháp môn của Phật nên không bị tà sư ngoại đạo nào lừa đảo, lường gạt chúng ta được.

Cho nên vấn đạo là một điều cần thiết cho những người mới tu, cũng như người tu lâu năm. Người mới tu cũng cần phải thưa hỏi kỹ để tu tập đúng cách, đúng pháp, nhờ đó tu hành mới có căn bản. Còn người đã tu lâu năm thì gặp nhiều trạng thái kỳ lạ, nhất là tu thiền tưởng, những trạng thái ấy xuất hiện, có khi đúng, cũng có khi sai. Nếu không thưa hỏi kỹ thì có rất nhiều tai hại và còn nguy hiểm đến tánh mạng là khác nữa. Nên vấn đạo có nhiều điều lợi ích rất lớn cho người mới tu, cũng như người tu lâu năm.

Trong giai đoạn Phật giáo hiện nay, người ta bảo rằng Phật giáo có tám mươi bốn ngàn pháp môn. Nếu không vấn đạo rõ ràng, chúng ta sẽ bị Đại Thừa giáo lừa đảo bằng 84 ngàn pháp môn và bằng câu kinh này: “Pháp pháp đều vô ngại và dung thông.” Theo như Đại Thừa thì pháp nào cũng của đạo Phật, người có duyên với pháp môn nào đều tu cũng tốt, cũng được giải thoát, cũng được giác ngộ tùy theo căn cơ của mỗi người có thấp, có cao nên pháp môn tu hành nào cũng vậy. Đó là lối lý luận sai không đúng của Phật giáo.

Đức Phật dạy: “Ngoài Bát Chánh Đạo thì không có pháp môn nào của đạo Phật cả.”

Thế mà hiện giờ tất cả mọi người ai cũng tin lời nói của Đại Thừa: “Pháp pháp đều vô ngại và dung thông,” nhưng không ngờ đã bị lừa đảo, bỏ hết sự nghiệp, gia đình, vợ dại, con thơ, cha già, mẹ yếu và cả cuộc đời mình, cuối cùng tu chẳng thấy gì là giải thoát, là làm chủ sanh tử luân hồi, đoạn diệt tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình.

Bởi vậy, kẻ nào cho rằng tất cả các pháp môn đều tu cũng tốt, cũng được, cũng thiện, cũng được giải thoát, cũng chấm dứt đau khổ và luân hồi, thì đó là kẻ nông nổi, u mê, không biết tai hại về sau như thế nào? Không trí tuệ, thiếu nhận xét, nhắm mắt tin càn, tin bừa, để rồi phải ân hận về sau.

Nếu các pháp tu đều tốt, đều thiện, đều tu tập có kết quả giải thoát như nhau thì đạo Phật ra đời để làm gì? Có phải bằng dư thừa không quý phật tử?

Chúng ta nên tìm hiểu, tại sao Đức Phật tu các pháp môn của ngoại đạo, nhập đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, nghiệm xét lại thấy thân tâm mình không giải thoát, để rồi tự mình phải tìm ra một giáo pháp, một đường lối, một đạo lộ tu tập đi đến giải thoát cứu kính làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà Lục Sư ngoại đạo và các tôn giáo khác thời bấy giờ không có pháp môn này.

Một giáo pháp chỉ có 49 ngày tu tập nhiệt tâm, quyết chí xả ly, lià tâm ham muốn, từ bỏ ác pháp, Ngài đã thành tựu đạo giải thoát, chứng quả Bồ đề.

Sáu năm trời khổ hạnh, Ngài tu tập mọi loại pháp môn ức chế tâm, nhất là pháp môn hơi thở Ngài nín thở ức chế tâm tối đa, tưởng chừng như Ngài sắp chết. Nín thở Ngài tìm thấy pháp môn này không giải thoát, nên Ngài chuyển qua pháp môn ức chế thân khổ hạnh tối đa, ngày ăn bảy hạt mè hoặc một ít cháo đậu. Vì tiết thực nên cơ thể kiệt quệ, Ngài đi hết nổi. Nhờ bát sữa dê phục hồi cơ thể, Ngài tỉnh táo và tư duy, biết các pháp ức chế thân tâm không thể tu tập đi đến giải thoát được, Ngài từ bỏ và viễn ly các pháp đó.

Qua sự tu tập của đức Phật, chúng ta rút tỉa ra được những kinh nghiệm thực tế, cụ thể và đi đến kết luận: Các pháp Đại Thừa và Thiền Đông Độ cùng tất cả các pháp môn của các tôn giáo trên thế gian này không thể làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi của kiếp người.

Giáo pháp Ngài tìm ra được là một giáo pháp không giống bất cứ một giáo pháp nào của Lục Sư ngoại đạo và các tôn giáo khác trên hành tinh này. Vì thế, đạo Phật ra đời không nhai lại bã mía của các tôn giáo khác. Pháp môn của Ngài đi từ sự tu tập sức tỉnh giác để giữ tâm trong chánh niệm, tức là xả tâm ly dục ly ác pháp, không có một chút ức chế tâm nào cả. Lấy tâm nương hành động của thân nội và ngoại tập tỉnh thức chánh niệm để xả dục, xả ác pháp, tránh không đi vào trạng thái tĩnh lặng ức chế tâm mà đi vào trạng thái đoạn diệt tâm tham, sân, si khiến cho tâm thanh thản, an lạc và vô sự để đi vào trạng thái thanh tịnh bất động tâm, tức là thiền định của đạo Phật.

Từ đó suy ra ta biết pháp môn của đạo Phật không giống một pháp môn nào của ngoại đạo. Vì thế, kẻ nào cho rằng 84 ngàn pháp môn là của Phật giáo thì kẻ đó quá si mê, u tối bị tà giáo ngoại đạo lừa đảo mà không biết.

Bởi vậy, vấn đạo là một điều quan trọng hết sức trong giai đoạn Phật giáo hiện nay, khi giáo pháp của đạo Phật đã bị pha trộn nhiều thứ pháp ngoại lai. Vấn đạo khiến chúng ta hiểu rõ, phần đông giáo pháp ngoại đạo phi đạo đức, dạy người cầu tha lực, thường mang đến tai họa khổ đau cho người hơn là mang đến hạnh phúc. Vì hướng dẫn con người đi vào cảnh giới siêu hình mang đầy tính chất mê tín dị đoan, thần thánh hoá, lạc hậu, v.v…

Cho nên trong vấn đề tu tập theo đạo Phật, vấn đạo là điều cần thiết để thăm dò các pháp môn, pháp nào đúng, pháp nào sai, pháp nào tu tập có kết quả cụ thể và thực tế.

Qua cuộc vấn đạo trong bộ sách “Đường Về Xứ Phật” quý vị đã được đọc, quý vị đừng vội vàng tin những lời nói trong đây mà hãy suy nghĩ kỹ, nếu sách chỉ vạch chỗ phi đạo đức xét thấy thật sự là phi đạo đức; chỗ lý luận sai mà thật sai; chỗ tu tập giải thoát mà có giải thoát thật sự; chỗ mê tín lạc hậu đúng là chỗ mê tín lạc hậu thật sự; như vậy thì quý vị hãy tin, còn ngược lại thì quý vị đừng nên tin, vì chúng tôi cũng chỉ là một người như quý vị.

Qua một cuộc vấn đạo, chúng tôi trả lời chỉ muốn làm sáng tỏ lại đạo Phật mà thôi. Bởi vì chúng tôi không muốn đạo Phật mất đi trên thế gian này, nhất là đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật. Một đạo đức sống “không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.”

Nếu đạo Phật mất đi thì loài người trên hành tinh này chịu thiệt thòi một điều rất lớn, một tai họa không thể lường được, một bằng chứng hiển nhiên trên hành tinh này không lúc nào mà chiến tranh chấm dứt. Con người giết con người không gớm tay và không thương xót, đó chỉ vì, đạo Phật có mặt nhưng đạo đức của đạo Phật đã mất từ lâu. Ngày nay con người thiếu đạo đức làm người, một đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người. Trong khi khoa học lại tiến triển phát minh những vật chất phục vụ đời sống rất tiện nghi thì con người càng cần có nền đạo đức nhân bản hơn bao giờ hết.

 Vì vật chất tiện nghi này, tâm dục con người tăng trưởng biến dần con người trở thành ác thú hung dữ. Từ đó con người tự sát mà không biết, tự làm khổ mà không hay, tự chuốc họa vào thân mà không ngờ, nếu không có một đạo đức quân bình với khoa học thì quả địa cầu này một ngày nào đó sẽ bị hủy diệt bởi tâm tham đắm của con người.

Người muốn tu theo đạo Phật cho đúng Chánh pháp của đức Phật thì phải chịu khó nghiên cứu cho kỹ các pháp môn, vì kinh sách hiện giờ toàn là của các nhà học giả biên soạn, đụng đâu viết đó theo sở thích của mình, không có kinh nghiệm tu hành, viết mà chẳng thấy trách nhiệm của mình, chỉ biết nêu tên tuổi (cầu danh). Họ đâu hiểu rằng soạn viết ra kinh sách như vậy là để lại một tai hại cho bao nhiêu thế hệ con người sau này như kinh sách Đại Thừa hiện giờ.

 Muốn soạn viết kinh sách có lợi ích cho người đời sau thì phải có thực hành tu tập đến nơi đến chốn, đời sống phải có một đạo hạnh hẳn hoi, phải nhập được các định, làm chủ được sự sống chết, phải có Tam Minh, đoạn dứt các lậu hoặc, chấm dứt luân hồi sinh tử thì soạn viết kinh sách mới có ích lợi thiết thực cho người đời sau, bằng ngược lại là giết người, không những giết một đời người, mà giết nhiều thế hệ con người. Xin quý phật tử lưu ý những loại kinh sách đang được phổ biến hiện hành.

  Còn ngược lại, tu hành chưa đến đâu, đời sống đạo hạnh chưa ra gì, đức hạnh không có, giới luật vi phạm, thiền định chỉ có hình thức ngồi thiền, sống với những bằng cấp và những kiến giải suông, dựa vào sở tri và nhai lại bã mía của người xưa viết soạn kinh sách thì loại kinh sách đó là kinh sách giết người, giết cả bao thế hệ về tương lai. Phần vấn đạo là phần rất quan trọng nên chúng tôi muốn trả lời cho một câu hỏi nào đều phải đứng trên lập trường đạo đức của đạo Phật mà trả lời.

 Những câu trả lời của chúng tôi đều góp ý xây dựng lại nền đạo đức của Phật giáo đã bị tà sư ngoại đạo (Đại Thừa) đã biến đạo đức của Phật giáo thành một thứ đạo đức mê tín (nhân quả ba đời).

  Thiền định của đạo Phật đã biến thành thiền định ức chế tâm để nhập vào các định tưởng, triển khai tưởng tuệ biến thành một loại thiền miệng (khẩu đầu thiền). Còn loại thiền làm chủ sự sanh, già, bệnh, chết như Tứ Niệm Xứ; làm chủ sống chết và chấm dứt luân hồi như Bốn Thánh Định thì được xem là thiền Tiểu Thừa, là thiền phàm phu, là thiền ngoại đạo. Thật là đau lòng phải không quý phật tử?                                      

Cuối cùng, chúng tôi ngưỡng mong những bậc cao minh, giới đức, đạo hạnh, vì con người trên hành tinh này, vì đạo đức xã hội, vì lợi ích thiết thực chung cho con người và vì đạo Phật, hãy vui lòng chỉ dạy cho chúng tôi những điều còn sai sót, và cùng chung với chúng tôi xây dựng lại một nền đạo đức cho con người, để không còn ai tự làm khổ mình, làm khổ người, thường mang đến cho mọi cá nhân con người một nguồn sống thanh thản, an lạc, vô sự và yên vui; một gia đình hòa hợp, hạnh phúc; một xã hội có trật tự an ninh; một đất nước phồn vinh thịnh vượng; một thế giới hòa bình, an lạc. Và thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo đang bị những trận cuồng phong tà giáo thổi tới tấp sắp bị tàn rụi.

Kính thưa các bậc tôn túc! Quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni cùng quý vị nam nữ phật tử bốn phương.

Phật giáo Đại Thừa đã hoằng truyền một thời gian quá dài, hơn hai ngàn năm trăm năm đủ để chúng ta xác định giáo pháp Đại Thừa là một giáo pháp phi đạo đức, phi chân lý; một giáo pháp đầy mê tín dị đoan, ảo tưởng; một giáo pháp lừa đảo mọi người tu hành chẳng có kết quả giải thoát, chỉ tu danh, tu lợi, tu cấp bằng, tu chùa to, Phật lớn, tu trong dục lạc thế gian.

Vậy kính xin quý vị tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni và nam nữ phật tử bốn phương, đại diện Giáo Hội Phật Giáo xem xét quán triệt đình chỉ ngay những kinh sách phát triển Đại Thừa là giáo pháp không phải Phật thuyết. Đồng thời triển khai kinh sách Nguyên Thủy, xây dựng chương trình giáo dục đào tạo tám lớp (Bát Chánh Đạo) để giảng dạy đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người cho tất cả mọi người.

                                                                                                                               Kính ghi                                                                                                          Trưởng Lão Thích Thông Lạc                                                                                                                          Ngày 5-11-1998

             (Tiêu đề bài viết do GNCN đặt).

Từ khóa » Tl Thích Thông Lạc Dạy Người Cao Tuổi