1. Khảo Cứu Văn Bản Thi Ca Của Hoàng Đức Lương

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Chủ đề >> Nghiên cứu Văn bản
Nguyễn Thị Thanh Chung
Khảo cứu thi ca của Hoàng Đức Lương (Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr. 36-47)

Cập nhật lúc 16h22, ngày 28/12/2014

KHẢO CỨU THI CA CỦA HOÀNG ĐỨC LƯƠNG

TS. NGUYỄN THỊ THANH CHUNG

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Hoàng Đức Lương không chỉ để lại danh tiếng khi biên soạn Trích diễm thi tập, ông còn là thi nhân với nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Từ khi bài Tựa của tập thơ được biên soạn vào cuối thế kỷ XV được đưa vào nhà trường phổ thông(1), ngày càng nhiều người đặt câu hỏi về sự nghiệp và vẻ đẹp thi ca của nhân vật trí thức đóng góp to lớn cho lịch sử văn học dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng khảo sát văn bản và khai thác một số đặc điểm nổi bật trong những sáng tác thi ca của ông.

1. Khảo cứu văn bản thi ca của Hoàng Đức Lương

Theo khảo sát của chúng tôi, thơ của Hoàng Đức Lương hiện còn trong 3 thi tuyển gồm Trích diễm thi tập (từ đây gọi tắt là Trích diễm), Toàn Việt thi lục (từ đây gọi tắt là Toàn Việt), Hoàng Việt thi tuyển (từ đây gọi tắt là Hoàng Việt). Phần đầu của bài viếthướng đến xác định một số vấn đề văn bản học của những thi phẩm này.

Trích diễm, thi tuyển xuất hiện cuối cùng trong cả một hệ thống những công trình sưu tập thơ văn Lý - Trần ở thế kỉ XV, được Hoàng Đức Lương biên soạn và hoàn thành vào năm 1497. Tham khảo thành quả của một số nhà nghiên cứu về văn bản Trích diễm, chúng tôi có thể khái quát tình hình văn bản như sau: Văn bản gốc hiện đã bị thất lạc. Đến năm 1957, Vụ Bảo tồn Bảo tàng mới sưu tầm được một bản chép tay ký hiệu HN.279. Thư viện Quốc gia đã chụp lại bằng máy pilôrit, văn bản mang kí hiệu R.2248-50. Thư viện Khoa học xã hội đã chép tay thành bản VHv.2573 và Viện Văn học chép tay thành bản HN.290. Hai kí hiệu sách HN.279 và HN.290 vốn được được lưu giữ ở thư viện nhưng hiện nay đã thất lạc. Vì vậy, chúng tôi khảo sát thơ của Hoàng Đức Lương trong Trích diễm, văn bản mang kí hiệu VHv.2573 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN). Sách gồm 6 quyển, thơ của Hoàng Đức Lương tại quyển 1 và quyển 6. Trong quyển 1, thơ của ông tại trang 10, 11, 12, gồm 18 bài, bắt đầu ghi chữ Chuyết tác phụ(2), Ngũ ngôn tuyệt cú (những tác phẩm vụng về chép thêm, Ngũ ngôn tuyệt cú). Trong quyển 6, thơ của ông tại trang 68, 69, 70, gồm 6 bài, bắt đầu ghi chữ Chuyết tác phụ, Thất ngôn tuyệt cú (những tác phẩm vụng về chép thêm, Thất ngôn tuyệt cú). Số bài thơ của Hoàng Đức Lương trong Trích diễm gồm 24 bài, tính chi tiết là 27 bài.

Toàn Việt, bộ hợp tuyển thơ chữ Hán của Việt Nam do Lê Quý Đôn (1726 - 1784) biên tập, được hoàn thành năm 1768, chưa được in, hiện nay còn biết được 13 bản. Chúng tôi khảo sát thơ của Hoàng Đức Lương trong 3 bản đã được nhóm nghiên cứu về thi tuyển chữ Hán Việt Nam khẳng định là những bản “quan trọng nhất”(3), gồm các kí hiệu A.3200, A.132, A.1262. Trong 3 văn bản này, thơ của Hoàng Đức Lương đều ở quyển 14. Đối với phần thơ của Hoàng Đức Lương, chúng tôi chọn bản mang kí hiệu A.3200 là văn bản cơ sở vì bản A.1262 chữ viết thảo khó đọc, bản A.132 còn nhầm lẫn nhan đề và nội dung tác phẩm(4). Trong bản A.3200, thơ của Hoàng Đức Lương gồm 25 bài, tính chi tiết là 28 bài. 25 bài thơ này được chia thành 2 phần: Cổ thể thi ngũ thủ (thơ cổ thể, 5 bài) và Cận thể thi nhị thập thủ (thơ cận thể, 20 bài).

Hoàng Việt(5), tuyển tập thơ Việt Nam do Bùi Huy Bích biên tập, được hoàn thành vào năm 1788, được khắc in vào năm 1825. Chúng tôi đã khảo sát sách mang kí hiệu VHv.1477, VHV.1451, A.2857, A.608, VHc.1103, VHc.1104 tại VNCHN và nhận định những văn bản này đều được in từ 1 ván khắc. Trong đó, thơ của Hoàng Đức Lương thuộc quyển 4, gồm các tờ 21, 22, 23. Số bài thơ của Hoàng Đức Lương được tuyển chọn là 10 bài. Những bài này trùng khớp với các bài thơ của Hoàng Đức Lương trong Trích diễmToàn Việt. Bài Du Phật Tích sơn Thiên Phúc tự trong Hoàng Việt cũng gồm 2 bài như Toàn Việt.

Trên cơ sở khảo sát thơ của Hoàng Đức Lương trong 3 thi tuyển trên, chúng tôi nhận định như sau:

Thơ của Hoàng Đức Lương trong Trích diễm là 24 bài (tính chi tiết 27 bài), trong Toàn Việt là 25 bài (tính chi tiết 28), trong Hoàng Việt là 10 bài. Phần khảo sát cụ thể cho thấy Hoàng Việt chỉ tuyển chọn, không phân loại, các bài đều trùng với Trích diễmToàn Việt. Sự chênh nhau giữa tổng số 24 bài trong Trích diễm và 25 bài của Toàn Việt do 1 bài Thôn cư trong Trích diễm được tách thành 2 bài trong Toàn Việt. Từ góc độ nội dung và thể loại, 2 bài Thôn cư gồm 1 bài thuộc cổ thể và 1 bài thuộc cận thể trong Toàn Việt là hợp lý. Dựa vào sự khác biệt ở mục lục và chính văn của Trích diễm và nội dung tác phẩm, có thể tách nhan đề gồm 1 bài Lâm cư (viết về cuộc sống thanh tĩnh nơi núi rừng), 1 bài Thôn cư (viết về khung cảnh sinh hoạt ở nông thôn). Ngoài ra, bài Du Phật Tích sơn Thiên Phúc tự gồm 2 bài theo Toàn ViệtHoàng Việt (bổ sung thêm 1 bài so với Trích diễm).

Như vậy, thơ của Hoàng Đức Lương gồm 25 bài (19 bài ngũ ngôn tuyệt cú và 6 bài thất ngôn tuyệt cú), chi tiết là 28 (22 bài ngũ ngôn tuyệt cú và 6 bài thất ngôn tuyệt cú). Cụ thể như sau: 1/ 下觀書 (Thụ hạ quan thư - Xem sách dưới bóng cây). 2/ 春光睡覺偶成 (Xuân quang thụy giác ngẫu thành - Ngẫu hứng làm thơ khi ngủ dậy vào ngày xuân). 3/ 道上 (Đạo thượng - Trên đường). 4/ (Lâm cư - Cuộc sống nơi núi rừng). 5/ (Thôn cư - Cuộc sống nơi thôn quê). 6/ 蟋蟀 (Tất suất - Tiếng dế). 7/ 長信宮二絕 (Trường Tín cung nhị tuyệt - Hai bài tuyệt cú về cung Trường Tín). 8/ 風雨夜 (Phong vũ dạ - Đêm mưa gió). 9/ 題野寺(Đề dã tự - Đề vào chùa nơi hoang dã). 10/ 遊敬主山寺 (Du Kính Chủ sơn tự - Thăm chùa trên núi Kính Chủ). 11/ 舟過求官江 (Chu quá Cầu Quan giang - Thuyền qua sông Cầu Quan). 12/ 遊佛跡山天福寺 (Du Phật Tích sơn Thiên Phúc tự- Thăm chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích). 13/ 冬興 (Đông hứng - Cảm hứng mùa đông). 14/ 自嘲 (Tự trào - Tự cười mình). 15/ 坡疊驛偶作 (Pha Điệp dịch ngẫu tác - Ngẫu hứng làm thơ ở trạm Pha Điệp). 16/ 安慶曉寒 (An Khánh hiểu hàn - Sớm lạnh ở An Khánh). 17/ 楊子江閑步 (Dương Tử giang tử nhàn bộ - Dạo bước bên sông Dương Tử). 18/ (Bệnh Tỉ Khâu ni - Thăm bệnh Tỉ khâu ni). 19/ 秋江送別二絕 (Thu giang tống biệt nhị tuyệt - Hai bài tuyệt cú về cảnh tiễn biệt bên sông mùa thu). 20/ 客中 (Khách trung - Trong cảnh lữ khách). 21/ 黃塘夜泊 (Hoàng Đường dạ bạc - Đêm đỗ thuyền ở Hoàng Đường). 22/ 題釆石謫仙樓 (Đề Thái Thạch Trích Tiên lâu - Đề lầu Trích Tiên ở Thái Thạch). 23/ 題准陰廟 (Đề Hoài Âm miếu - Đề vào miếu Hoài Âm). 24/ 歌風臺 (Ca Phong đài - Đài Ca Phong).25/ 曉立偶成 (Hiểu lập ngẫu thành - Ngẫu hứng viết xong thơ vào sáng sớm).

Khảo sát văn bản cho thấy các bài thơ trong các thi tập dị biệt về văn tự do hình thể văn tự gần giống nhau ( - , - , - - ), từ đồng nghĩa, gần nghĩa ( - , - , - , - ), từ đồng âm ( - ), dị biệt làm thay đổi nghĩa (陰簿 - , 無人夢忽 - 與人夢勿驚)… Việc khảo dị, và xác lập văn bản, dịch chú 28 bài thơ chúng tôi đã hoàn thành trong 1 bài viết khác(6). Trong bài viết này, chúng tôi hướng đến khai thác giá trị thơ của Hoàng Đức Lương.

2. Giá trị thơ ca của Hoàng Đức Lương

Thơ chữ Hán của Hoàng Đức Lương khẳng định một gương mặt thi ca của thế kỉ XV, góp phần thúc đẩy sự phát triển thơ ca của dân tộc. Gần ba mươi bài thơ đong đầy vẻ đẹp thanh tĩnh, sinh động của thiên nhiên tạo vật cùng cuộc sống con người, kí thác tâm sự thi nhân về đời tư và nhân tình thế thái. Tất cả được thể hiện bằng tài năng nắm bắt linh hồn cảnh vật, nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, ngòi bút giàu suy tưởng triết lý… Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu 3 giá trị có sự kết hợp đặc sắc cả nội dung và nghệ thuật gồm: Tình yêu cuộc sống kí thác vào ngôn từ và hình tượng; Nỗi cô đơn hiện hữu trong bức tranh thơ cô quạnh, tĩnh lặng; Khát vọng trở về hàm ẩn chất triết lý sâu xa.

2.1. Tình yêu cuộc sống kí thác vào ngôn từ và hình tượng

Khi viết lời tựa cho Trích diễm thi tập, Hoàng Đức Lương bày tỏ quan niệm về thơ ca: “Đối với thơ ca, người xưa thường ví von với nem chả hoặc gấm vóc. Nem chả là vị tuyệt ngon ở đời, gấm vóc là mầu tuyệt đẹp trong thiên hạ. Phàm là người có miệng, có mắt thì biết quý trọng, không vứt bỏ khinh thường. Tuy nhiên, sắc đẹp của thơ lại ở ngoài mọi sắc đẹp, mắt thường không thấy được; vị ngon của thơ lại ở ngoài mọi vị ngon, miệng thường không nếm thấy. Chỉ có thi nhân mới có thể thấy được sắc đẹp đó, nếm được vị ngon đó”(7). Cái đẹp của thơ khác với những cái đẹp thông thường dễ nhận, dễ biết. Cảm nhận cái đẹp vượt lên cái đẹp thông thường ấy cũng cần nhiều tố chất, năng lực cảm thụ văn chương, đến mức tác giả khẳng định: chỉ có thi nhân mới làm được điều đó. Nhưng quan niệm này là một phần trong cách nhìn nhận của Hoàng Đức Lương về thơ. Vì trong thực tiễn sáng tác, ông mong muốn dùng thơ của mình để dạy bảo con cháu trong gia đình (dụng vi gia đình chi huấn). Ông đã đề cao chức năng, khả năng bồi tài, hướng thiện, nâng đỡ tâm hồn con người của thi ca. Sự khiêm tốn của thi nhân cùng mục đích vừa cao quý vừa giản dị mà ông hướng tới đã in dấu vào thơ. Những giáo huấn trong thơ ông không phải lời lẽ khô khan cứng nhắc mà bằng cách tế nhị và hiệu quả hơn nhiều. Người đọc cảm nhận rõ nét một tâm hồn đôn hậu, chân thành, dung dị hiện hữu trong thơ. Thi nhân vui vẻ bày tỏ những sở thích cá nhân, đặc biệt thú vui làm thơ viết trong bài Tự trào (Tự cười mình):

性癖殊堪笑,

吟多亦不工.

夜深纔得句,

猛起急呼童.

(Tính tích thù kham tiếu/Ngâm đa diệc bất công/Dạ thâm tài đắc cú/Mãnh khởi cấp hô đồng - Thói quen thành tính riêng đáng cười/ Ngâm nga nhiều nhưng thơ chẳng khéo/ Đêm khuya vừa mới được câu thơ/ Bật dậy vội vàng gọi trẻ nhỏ). Chất đời thường trong câu chuyện gửi vào ngôn từ nghệ thuật, trở thành thế mạnh đem đến sự sinh động cho thơ. Lời thơ giản dị như bạn kể cho bạn, bố kể cho con, ông kể cho cháu. Chúng ta làm một phép so sánh: Phan Ngọc thống kê trong Đường thi tập I không có chữ hồ (), có 4 chữ chi (), 7 chữ giả (), 4 chữ (). Vậy mà, bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt hai mươi chữ Tự trào có hư từ xuất hiện ở hấu hết các câu thơ như thậm (), diệc (), tài (). Phan Ngọc nhận định: trong thơ Đường, “tất cả mọi hư từ chỉ những thao tác của tư duy đều bị loại trừ hết như kì (), cái (), tắc (), phù (), phàm (), cố (), hựu ()… (vì) thơ Đường chấp nhận làm tiền đề cho cái mã của nó là tính đồng nhất của những hiện tượng mà giác quan cho là mâu thuẫn(8). Theo chúng tôi, hư từ vốn để diễn đạt nội dung, tư tưởng, ý tứ được tường minh. Các mối quan hệ được xác lập càng minh bạch thì chất khẩu ngữ, đời thường càng rõ nét. Ngôn từ đời thường trong thơ biểu hiện mối tương quan giữa hình thức, nội dung, nhất là ý thức về quan niệm nghệ thuật. Có lẽ, đây là một bước tiếp nối dòng thơ ca thế sự thời Lý - Trần, góp phần đánh dấu quan niệm về một con người đời thường đã nảy mầm trong thơ ca Việt Nam thời trung đại. Những xúc cảm, trạng thái trong cuộc sống thường nhật như vui buồn, ngạc nhiên, hoảng sợ, vội vàng… trở thành đối tượng thẩm mĩ của thơ ca. “Cái được biểu đạt” này cần “cái biểu đạt” là ngôn từ đời thường, thậm chí là khẩu ngữ. Nền văn học Việt Nam do đó mà từng bước thay đổi…

Hoàng Đức Lương luôn trân trọng cuộc đời, khát khao sự sống. Thơ của ông tươi tắn, sinh động, căng tràn sinh khí. Nói như Lưu Hiệp trong thiên Thể tính sách Văn tâm điêu long: “Văn chương mỗi người khác nhau như mây trời biến hóa, bút pháp của mỗi người thay đổi đa dạng tựa sóng xô. Văn chương nhất nhất gắn liền với tài năng, phong cách không thể tách rời khí chất (…) Mỗi người sáng tác theo tâm tính của mình tạo thành những phong cách như từng khuôn mặt”(9). Cảnh thôn quê trong bài Thôn cư là một minh chứng:

正眠,

.

,

.

(Tang ám tàm chinh miên/ Thiềm đê yến sơ nhũ/ Lực quyện hà sừ quy/ Trú vĩnh cưu thanh ngọ - Cây dâu ngả bóng tằm đang ngủ/ Mái nhà thấp chim yến bắt đầu được mớm mồi/ Người làm sức mệt nên vác bừa trở về/ Đẫy buổi, tiếng chim cưu đã giữa trưa). Làng quê tràn đầy năng lượng trong giấc ngủ no nê của tằm nương bóng dâu, trong vẻ háo hức của chim non bắt đầu được mớm mồi, trong tiếng cưu thong thả cất tiếng ban trưa. Ngay cả chữ quyện (mệt mỏi) cũng đồng nghĩa với sự thảnh thơi của người nông dân vác cày bừa trở về khi xong việc ruộng đồng. Hình tượng nghệ thuật mang thông điệp của một trái tim luôn hòa nhịp cùng làng quê gợi nhớ đến những vần thơ của Đào Uyên Minh, một phong cách thi ca mẫu mực. Nhà thơ điền viên của Trung Hoa cũng có nhiều tứ thơ vui tươi, như bài Vị Xuyên điền gia: ,. , (Trĩ cẩu mạch miêu tú/ Tàm miên tang diệp hi/ Nông phu hà sừ lập/ Tương kiến ngữ y y - Chim trĩ kêu lúa mạch trổ bông/ Tằm ngủ lá cây dâu thưa dần/ Người nông phu vác bừa đứng/ Gặp nhau nói chuyện xôn xao)…

Như vậy, phong cách giản dị hồn hậu trong thơ của Hoàng Đức Lương biểu hiện nhân sinh quan luôn hướng đến sự sống, tấm lòng trân trọng những niềm vui bình dị, đời thường và được biểu hiện bằng một nghệ thuật thi ca điêu luyện từ ngôn ngữ đến hình tượng. Những bài thơ như Thôn cư, Tự trào… trở thành tác phẩm khởi nguyên cho dòng mạch thơ ca hướng đến cái thực rất đời thường của thơ ca chữ Hán Việt Nam thời Trung đại.

2.2. Nỗi cô đơn hiện hữu trong bức tranh thơ cô quạnh, tĩnh lặng

Trái với với niềm tin yêu cuộc sống ùa vào thơ, Hoàng Đức Lương bày tỏ niềm cô đơn vô hạn gửi trong những bức tranh thơ cô quạnh, tĩnh lặng. Cô đơn như lúc thi nhân tiễn biệt bên dòng sông thu (bài Thu giang tống biệt), khi đêm đỗ thuyền ở Hoàng Đường (bài Hoàng Đường dạ bạc), thời điểm tỉnh dậy vào buổi sáng (bài Hiểu lập ngẫu thành). Nỗi cô đơn ẩn trong những sự vật đơn lẻ, riêng biệt, cô độc. Một cánh chim hồng lạc lõng trĩu nặng bóng chiều: Vãn đạp cô hồng ảnh (Ánh chiều muộn trĩu nặng bóng chim hồng cô quạnh). Một con thuyền lặng lẽ trong đêm vắng: Giang thượng cô chu khách dạ trì (Con thuyền cô đơn trên sông, khách thả thuyền nhè nhẹ trong đêm). Một áng mây lẻ loi trên bầu trời vô định: Du du thiên tận bất tri xứ/ Vọng đoạn cô vân nhất bán gian (Vời vợi bầu trời vô tận, không biết ở chốn nào/ Hút trong tầm mắt là mây cô đơn, một áng nhẹ trôi)…

Nỗi cô đơn còn bộc lộ trong ý thức về sự vắng bóng con người như: cửu bệnh vô nhân vấn (bệnh lâu mà không người hỏi han), vô nhân mộng hốt kinh (không người chợt giật mình trong giấc mộng), ngư nhân vô tứ lân (nhà chài không xóm làng). Cảnh ngộ không cùng ai (vô nhân cộng) luôn để lại niềm bâng khuâng khôn tả (bài Xuân quang thụy giác ngẫu thành):

門庭風雨過,

睡覺無人共.

深院靜陰陰,

寒簾辰自動.

(Môn đình phong vũ quá/ Thụy giác vô nhân cộng/ Thâm viện tĩnh âm âm/ Hàn liêm thìn tự động - Cổng nhà, gió mưa qua/ Ngủ dậy, chẳng ai cùng/ Chốn sâu kín yên tĩnh, xa xăm/ Rèm lạnh thỉnh thoảng tự lay động). Những từ vô nhân, vô nhân cộng, vô tứ lân chứa đựng khát vọng tìm kiếm tri âm khi người thơ cất tiếng: có ai biết chăng? (hữu thùy tri). Sự ngóng vọng càng da diết bao nhiêu, nỗi khắc khoải càng day dứt tâm can nhường ấy. Người đi tìm hồn đồng điệu nhận ra chẳng mấy người hiểu mình (bài Trường Tín cung):

体弱霜應覺,

衿寒秋亦悲.

不辭雙淚盡,

心事有誰知.

(Thể sấu sương ưng giác/ Khâm hàn thu diệc bi/ Bất từ song lệ tận/ Tâm sự hữu thùy tri - Cơ thể hao gầy sương xuống là biết rõ/ Chăn lạnh mà thu cũng buồn/ Chẳng nói nên lời hai hàng lệ cạn khô/ Nỗi niềm này có ai thấu tỏ). Bài thơ Trường Tín Cung diễn tả chuyển biến nội tâm của cung nữ nơi cung điện lộng lẫy nhưng lạnh lẽo: / / 粧成凝曉/更欲洗鉛 (Ân đoạn do nghi mộng/ Đăng hàn bất tác hoa/ Trang thành ngưng hiểu tọa/ Cánh dục tẩy diên hoa - Ân huệ hết còn ngờ là giấc mộng/ Đèn lạnh không thành những đốm lửa/ Trang điểm xong ngồi yên trong sáng sớm/ Lại muốn tẩy sạch phấn son). Sự bàng hoàng đến chán chường được gửi trong hàng loạt hành động: nghi mộng, ngưng hiểu tọa, dục tẩy diên hoa… tất yếu sẽ thành nỗi vô vọng đầy vơi. Thi nhân tinh tế nắm bắt cảm xúc và tâm lý nhân vật trữ tình vì ông đồng cảm mãnh liệt với sự tuyệt vọng của họ (bài Hoàng Đường dạ bạc):

江上孤舟客夜遲,一般心事少人知.無端睡起憑高枕,月淡風輕細細吹.

黃堂夜泊

(Giang thượng cô chu khách dạ trì/ Nhất ban tâm sự thiểu nhân tri/ Vô đoan thụy khởi bằng cao chẩm/ Nguyệt đạm phong khinh tế tế xuy - Con thuyền cô đơn trên sông, khách thả thuyền chậm rãi trong đêm/ Một bầu tâm sự ít người thấu hiểu/ Vô cớ tỉnh giấc tựa gối cao/ Trăng mờ gió nhẹ hiu hiu thổi). Cô đơn nhất là khi người ta tận cảm sự đơn độc mà không tìm được lối thoát. Ý thức này hiện hữu trong hình ảnh một con người giữa không gian tĩnh lặng (bài Dương Tử giang nhàn bộ):

柳下柴扉靜,

漁家無四鄰.

日斜江上路,

何處獨歸人.

(Liễu hạ sài môn tĩnh/ Ngư gia vô tứ lân/ Nhật tà giang thượng lộ/ Hà xứ độc quy nhân - Dưới liễu cửa liếp vắng /Nhà chài không láng giềng/ Tà dương chiếu trên con đường bên sông/ Ở chốn nào người trở về một mình). Không gian yên tĩnh được tái hiện trong một bài thơ giàu chất họa và suy tưởng. Ba câu đầu hiển hiện trước mắt người đọc sự vật hữu hình: sài môn (cửa liếp), ngư gia (nhà thuyền chài), nhật tà (mặt trời xế bóng). Nhưng câu cuối là một bóng người cô độc ở chốn bất định trong tâm tưởng. Sự đối lập giữa những cái thực và không thực đã nhấn mạnh nỗi đau có thật. Bài thơ gợi nhớ đến cuộc chia tay của Lưu Trường Khanh khi tiễn ngài Linh Triệt (bài Tống Linh Triệt Thượng nhân): 蒼蒼竹林寺/ 杳杳鐘聲晚/ 荷笠帶斜陽/ 青山獨歸遠 (Thương thương Trúc Lâm tự/Diểu diểu thanh chung vãn/ Hà lạp đới tà dương/ Thanh sơn độc quy viễn - Xanh xanh chùa Trúc lâm/ Mênh mang tiếng chuông chiều/ Nón sen vương tà dương/ Núi xanh một mình trở về trên đường thẳm)…

Trong thơ Hoàng Đức Lương, cảnh tĩnh vắng được gọi tên bằng những từ tĩnh, vô tứ lân và bằng nghệ thuật dĩ động tả tĩnh. Âm thanh của đêm, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng côn trùng rả rích càng làm cho cảnh thêm tĩnh, người thêm sầu khổ (bài Phong vũ dạ):

風雨三更夜,

螿四壁秋.

淒涼吟况,

獨掩小窗幽.

(Phong vũ tam canh dạ/ Cung tương tứ bích thu/ Thê lương ngâm huống vị/ Độc yểm tiểu song u - Mưa gió đêm canh ba/ Tiếng dế trong bốn vách tường chính là tiếng thu/ Thê lương ngâm ngợi ý vị tình cảnh này/ Một mình vén cửa sổ nhỏ thấy vắng vẻ cô tịch). Hai câu đầu xác định thời gian canh ba, đêm, mùa thu và không gian bốn vách tường. Gió, mưa, dế mèn đều trở nên vô hình trong đêm nhưng âm thanh của chúng lại vang động, rền rĩ. Tác giả không sử dụng động từ như xuy, kiếu, trích, minh mà động từ hóa danh từ vũ, phong, cung tương. Để những hành động thuộc về con người ngâm (ngâm thơ trước cảnh thê lương), yểm (che song cửa nhỏ) trực tiếp xuất hiện trong hai câu cuối mang sức ám ảnh về nỗi đơn độc, vô vọng.

Thi nhân gửi lòng mình vào bức tranh thơ tĩnh lặng, cô quạnh. Nỗi cô đơn tưởng như đối lập với tâm hồn tin yêu sự sống nhưng dù vui hay buồn, lạc quan hay bi quan vẫn là tấm lòng luôn tha thiết với cuộc đời. Và tâm hồn ẩy còn mang khát vọng trở về được gửi vào thơ hàm ẩn chất triết lý sâu xa…

2. 3. Khát vọng trở về hàm ẩn chất triết lý sâu xa

Xưa, Đào Tiềm từ chức Bành Trạch lệnh vì chán cảnh quan trường đã viết khúc Quy khứ lai từ: Quy khứ lai hề, điền viên tương vu, hồ bất quy! Ký tự dĩ tâm vi hình dịch, hề trù trướng nhi độc bi ? Ngộ dĩ vãng chi bất gián, tri lai giả chi khả truy. Thực mê đồ kỳ vị viễn, giác kim thị nhi tạc phi (Về đi thôi hề, ruộng vườn sắp hoang vu, sao không về? Đã tự đem lòng cho thân hình sai khiến, sao còn một mình đau thương? Hiểu rằng chuyện đã qua thì không thể thay đổi, biết tương lai có thể theo đuổi. Quả là, đường mê ta chưa đi xa, hôm nay phải còn hôm qua trái)(10). Nguyễn Trãi cũng viết trong Côn Sơn ca: Vấn quân hà bất quy khứ lai? Bán sinh trần thổ trường giao cốc/ Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên/ Ẩm thủy phạn sơ tùy phận túc. (Hỏi ngài sao chẳng về đi, nửa đời bụi trần mãi đeo đuổi/ Muôn chuông chín đỉnh đâu là chuyện tất nhiên/ Uống nước lã ăn rau tùy phận mình mà thấy đủ)(11). Nhiều nhà Nho đã rời bỏ hoạn lộ để trở về khi bất lực với thời cuộc, đó là một con đường quen thuộc.

Khát vọng trở về trong thơ Hoàng Đức Lương gợi mở từ hình ảnh con người trăn trở, bất an. Khi đậu thuyền đêm ở bến Hoàng Đường (bài Hoàng Đường dạ bạc): /(Vô đoan thụy khởi bằng cao chẩm/ Nguyệt đạm phong khinh tế tế xuy - Vô cớ tỉnh giấc tựa gối cao/ Trăng mờ gió nhẹ hiu hiu thổi). Khi nghe tiếng dế kêu rầu rĩ trong đêm (bài Tất suất): 月下長鳴訴/ 令人枕未安/ 更秋意苦/霧濕草窗寒(Nguyệt hạ trường minh tố/ Lệnh nhân chẩm vị an/ Tam canh thu ý khổ/ Lộ thấp thảo song hàn - Dưới trăng mãi kêu than/ Khiến người ngủ chẳng an/ Canh ba niềm thu thật thê lương/ Mù làm ướt cỏ bên song lạnh). Ngay cả khi Du ngoạn ở chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích, con người cũng gặp phải giấc mộng kinh hoàng giữa không gian tĩnh đến độ chỉ nghe tiếng lá cây rơi: 簷下枕石眠/ 樹老秋陰簿/ 無人夢忽驚/ 空庭山葉落(Thiềm hạ chẩm thạch miên/ Thụ lão thu âm tỗn/ Vô nhân mộng hốt kinh/ Không đình sơn diệp lạc - Mái nhà thấp, gối đầu lên đá ngủ/ Cây già bóng thu mỏng manh/ Không người trong giấc mộng chợt giật mình hoảng sợ/ Sân vắng lá cây trên núi rơi)…

Tại sao ông bất an đến vậy? Phải chăng, trạng thái xúc cảm nảy sinh từ chiêm nghiệm thâm trầm về kiếp người (bài Đạo Thượng):

路遠無盡頭,

古今長歸去.

今人未肯休,

古人在何處.

(Lộ viễn vô tận đầu/ Cổ kim trường quy khứ/ Kim nhân vị khẳng hưu/ Cổ nhân tại hà xứ - Đường thẳm chốn vô tận (chẳng biết điểm bắt đầu và nơi kết thúc)/ Xưa nay (người ta) vẫn mãi trở về rồi ra đi/ Người nay chưa chịu dừng bước/ Người xưa ở chốn nào?). Bài thơ gợi nhớ nỗi cô đơn vượt không gian và thời gian của Trần Tử Ngang trong Đăng U Châu đài ca: (Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả /Niệm thiên địa chi du du / Độc thương nhiên nhi thế hạ - Trước không thấy người xưa/ Sau chẳng thấy người sau/ Ngẫm trời đất thật vô cùng/ Một mình xót xa mà rơi lệ)(12). Khi nhận xét về thơ ca phương Đông, nhà văn hóa học Will Durant đã viết: “Thơ phải cho ta thấy cả bức tranh trong một vài nét, phải diễn tả một triết lí trong một vài hàng, một ý nghĩa sâu sắc trong một vài chữ… (Và mang những khoảng trống ngữ nghĩa) chỉ người phương Đông mới bổ sung được”(13). Hoàng Đức Lương đã gửi chiêm nghiệm trong bài thơ ngũ ngôn cổ thể vần trắc mang âm hưởng trầm mặc, trang nhã, cổ kính, kinh điển. Trong câu hỏi “người xưa bây giờ ở chốn nào?” ẩn chứa nỗi hoang mang, lo sợ, mất niềm tin, không phương hướng về con đường mình đã chọn và đang đi.

Vị quan triều Lê này từng đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất (1478) dưới triều Lê Thánh Tông, được bổ chức quan đến Tham nghị. Năm 1489, ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc giao thiệp với nhà Minh, trở về được thăng Tả Thị lang Bộ Hộ. Như vậy, ông từng đỗ đạt, làm quan, được trọng dụng. Nhưng ông quan niệm thế nào về đường công danh? Thi nhân nói rõ cảnh làm quan khiến ông không thể chủ động thực hiện sở nguyện của mình. Khi thăm chùa trên núi Kính Chủ (bài Du Kính Chỉ sơn tự), ông viết:

勝地遊雖遍,

關山合有詩.

官身無定跡,

未敢與僧期.

(Thắng địa du tuy biến/ Quan sơn hợp hữu thi/Quan thân vô định tích/Vị cảm dữ tăng kỳ - Cảnh đẹp rong chơi nhiều/ Về chốn quan san thấy ưa chuộng mà có thơ/Thân làm quan nên không ở nơi yên định/ Cho nên chẳng dám hẹn cùng sư). Thời đại cũng cho ta hiểu hơn về tâm sự này của ông. Có nhà nghiên cứu đã nhận định: “Hoàng Đức Lương hình như không gửi gắm trong thơ mình một ý tưởng gì cao xa, kể cả những bài thơ sứ trình. Có lẽ vì ông sống trong một giai đoạn thịnh trị và cuộc đời xung quanh đủ làm ông yên tâm với nó”(13). Năm sinh năm mất của Hoàng Đức Lương hiện vẫn chưa minh xác, nhưng chúng ta còn biết được một số mốc thời gian trong cuộc đời ông. Ông đỗ đạt năm 1478, đi sứ năm 1489, được thăng Tả nghị phu sau khi đi sứ về, hoàn thành bộ Trích Diễm thi tập năm 1497. Như vậy, ông làm quan vào lúc nhà nước phong kiến Lê Sơ đang trên đà suy thoái, biến loạn, sụp đổ. Càng về sau sự khủng hoảng càng lớn, đặc biệt sau khi Lê Thánh Tông mất năm 1497, Lê Uy Mục tàn bạo lên ngôi năm 1504. Trong hoàn cảnh này, người mang lòng yêu đời, đam mê sự sống bình yên tự tại giữa thiên nhiên bắt đầu cảm thấy chốn quan trường đầy gượng ép và bất lực trước thời cuộc. Thậm chí, ông còn nuối tiếc vì không “sớm biết công danh chẳng phải đất lành”. Tâm sự day dứt trong niềm cảm thương danh tướng vô địch thiên hạ được Hán Cao Tổ ca ngợi “nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng". Hàn Tín từng giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên cơ đồ nhà Hán, nhưng cuối cùng lại bị hãm hại thảm thương. Khi đi sứ qua miếu Hàn Tín, Hoàng Đức Lương xúc động (bài Đề Hoài Âm miếu):

項王不用寧非命,

漢祖施恩豈是心.

早識功名非善地,

只應垂釣老准陰.

(Hạng Vương bất dụng ninh phi mệnh/ Hán Tổ thi ân khởi thị tâm/ Tảo thức công danh, phi thiện địa/ Chỉ ưng thùy điếu lão Hoài Âm - Hạng Vương không dùng, đâu vì không mệnh/ Hán Cao Tổ thi ân, há phải là tâm/ Nếu sớm biết công danh chẳng phải là nơi đất lành/ Thì chỉ cần buông câu đến già ở đất Hoài Âm). Thi nhân tìm thấy sự đồng điệu trong cuộc đời vị anh hùng cái thế. Nhân vật Hàn Tín trực tiếp khơi dậy nguồn xúc cảm của tác giả, trở thành đối tượng để nhà thơ gửi gắm tình cảm, chiêm nghiệm, triết lý. Dù không trực tiếp bộc lộ cái tôi cá nhân nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra tâm sự và suy tưởng của nhà thơ ẩn chứa trong nhân vật trữ tình, bởi vì tự biểu hiện cái tôi tác giả thuộc giá trị tự thân của thơ ca.

Cuộc quan trường gò bó, chuyện công danh chẳng phải đất lành nên ông mang khát vọng trở về sống giữa thiên nhiên. Trong bài Lâm cư, thi nhân dùng từ “đam”(đam mê, say đắm, đắm chìm) và gọi sự ưa chuộng này là “tính tích” (tính đã thành cái tật cố hữu, không thể thay đổi):

性癖耽幽靜,

閑軒近薜蘿.

風波往來路,

晴卷綠陰多.

(Tính tích đam u tĩnh/ Nhàn hiên cận bệ la/ Phong ba vãng lai lộ/Tình quyển lục âm đa - Thói quen thành bản tính là ưa sự thâm u tĩnh mịch/ Hiên nhàn gần nơi đám cỏ bệ la/ Mưa gió trên con đường qua lại/ Trời tạnh thu gom hết gió mưa chỉ có bóng cây xanh). Tính ưa u tĩnh nên ông hướng đến cuộc sống nhàn dật. Bệ la tức bệ lệ và nhữ la, cây hoang dã thường bám vào vách núi, cây rừng, vách tường nhà. Trong Sơn quỷ thuộc Cửu ca của Sở từ có hình ảnh quỷ trong núi mặc áo bệ lệ trông như người. Vì vậy, từ bệ lệ cũng dùng để chỉ trang phục của cao sĩ hoặc người ở ẩn. Về sau, thơ ca còn dùng từ bệ la để chỉ chỗ ở của cao sĩ, người ở ẩn. Trong Hán ngữ có từ bệ la y (chỉ trang phục của người ở ẩn), bệ la tử (người ở ẩn)… Ở đây, Hoàng Đức Lương viết nhàn hiên cận bệ la, gần chốn ẩn dật mà chưa phải chốn ẩn dật. Nhưng khát vọng sống giữa núi rừng thiên nhiên của một đời người chẳng thể nguôi ngoai khi ông đã nhìn rõ nẻo thanh vân chẳng phải chỉ toàn mây xanh… Chẳng biết trong đời có chặng nào ông được thỏa nguyện hay không? Hy vọng là có bởi ông vẫn xem mình mang mối lương duyên tiền kiếp với thiên nhiên (bài Chu quá Cầu Quan giang): 林壑前緣有/ 青山認昔人/ 此辰初識面/ 他日已相親(Lâm hác tiền duyên hữu/ Thanh sơn nhận tích nhân/ Thử thìn sơ thức diện, Tha nhật dĩ tương thân - Thú lâm tuyền vốn là tiền duyên/ Núi xanh nhận rõ người xưa/ Lúc này bắt đầu biết mặt/Ngày khác đã trở thành người thân của nhau)…

Thi ca cho ta hiểu hơn về con người và tài năng Hoàng Đức Lương. Ông trân trọng, tin yêu cuộc sống nhưng đơn độc bởi không người tri kỉ giữa buổi suy vong của thời đại. Trái tim chất chứa ưu tư tìm về con đường nhiều nhà Nho đã chọn với khát vọng được tự do tự tại nơi sơn thủy điền viên. Nhà thơ đã gửi nhân sinh quan, tâm sự, hoài bão trong những bài thơ hàm súc, đúng như Lê Quý Đôn nhận định: 詞章清麗, 情景兼到 (Từ chương thanh lệ, tình cảnh kiêm đáo - Lời thơ trong sáng đẹp đẽ, cảnh và tình đều sâu sắc)!

Chú thích:

1. Lời đề tựa cho tập thơ được đưa vào giảng dạy ở chương trình Trung học phổ thông. Bài 21, sách Ngữ văn 10, tập 2, Nxb. Giáo dục, H. 2010.

1.Khi viết lời tựa cho Trích diễm thi tập, Hoàng Đức Lương đã viết: Ở cuối cùng các quyển ấy, mạn phép phụ thêm những bài vụng về do tôi làm cốt để làm sách dạy trong gia đình.

2.Tham khảo bài Tổng quan thực trạng văn bản và hướng nghiên cứu hệ thống thi tuyển chữ Hán Việt Nam trên trang web: nguvan.hnue.vn

3.Bài thơ nhan đề Đông hứng (dưới chữ Đông hứng có hai chữ nhỏ hơn ghi Trần sự, hai chữ đầu tiên của bài Đông hứng)nhưng văn bản thuộc bài Tự trào.

4.Hoàng Việt thi tuyển có tên lúc đầu là Thi saohay Hoàng Việt thi sao, được làm xong vào mùa thu năm Mậu Thân (1788) dưới triều Lê Chiêu Thống. Năm 1825 dưới triều Minh Mạng, học trò Bùi Huy Bích là Phạm Hy Văn đem khắc in, mới lấy tên là Hoàng Việt thi tuyển. Theo bài tựa và bài tiểu dẫn in trong sách, thì đây là một tuyển tập thơ chữ Hán của các thi gia Việt Nam từ đời , Trần đến cuối đời (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII) do Bùi Huy Bích tuyển chọn trong các tập thơ cổ, trong đó có sách Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Thi gia tinh tuyển của Dương Đức Nhan, Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương, Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Ngoài ra, trong sách còn có phụ thêm thơ riêng của người biên tập là Bùi Huy Bích.

5.Bài viết được in trong cuốn Nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2013, tr.299-322.

6.Nguyên văn là:, . , . , . , , , , . - Cổ nhân ư thi hữu dĩ khoái chá dụ chi, hữu dĩ cẩm tú dụ chi. Khoái chá thiên hạ chi tuyệt vị, cẩm tú thiên hạ chi tuyệt sắc. Phàm hữu khẩu nhãn giả giai tri quý trọng, bất khinh tiết việt. Chí như thi giả, nãi sắc ngoại chi sắc, bất khả dĩ thường mục thị, vị ngoại chi vị bất khả dĩ thường khẩu thường. Duy thi nhân vi năng đổ nhi cam chi.

7.Phan Ngọc: “Thử tìm hiểu tứ thơ Đường”, Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt thời Đường, Nxb. Văn học, H. 2007, tr.328.

8.Khâu Chấn Thanh: Lí luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc(Mai Xuân Hải dịch), Nxb. Văn học, H. 2001, tr.258.

9.Nguyên văn: 兮,, 歸!役, ,

10.Nguyên văn: 來、半然、飲

11.Nguyên văn: 人,後. 悠,獨

12.Will Durant: Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1990, tr.160.

13.Nhiều tác giả: Từ điển văn học bộ mới, Nxb. Thế giới, H. 2004, tr.614.

Tư liệu tham khảo chính

1. , kí hiệu VHv.2573, VNCHN

2. , kí hiệu A.3200, A.132, A.1262, VNCHN.

3. , kí hiệu VHv.1477, VHv.1451, A.2857, A.608, VHc.1103, VHc.1104, VNCHN.

4. , kí hiệu A.2171; , kí hiệu VHv.2392, VNCHN.

5. , , , 1994.

6. Nguyễn Huệ Chi: Tìm hiểu Trích diễm thi tập bộ sách kết thúc cho một giai đoạn nghiên cứu, sưu tập thơ văn Lý - Trần, Tạp chí Văn học, 1972, số 4, tr.122-136.

7. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 1990.

8. Lại Văn Hùng: Hoàng Đức Lương - Quan niệm thi học, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, năm 2007, số 4, tr.51-61.

9. Hà Minh - Nguyễn Thanh Tùng: Tổng quan thực trạng văn bản và hướng nghiên cứu hệ thống thi tuyển chữ Hán Việt Nam trên trang web: nguvan.hnue.vn./.

(Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr. 36-47)

Tải về nội dung chi tiết tại đây:
In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Viết Chữ Lương Bằng Tiếng Hán