10 Bài Hát Làm Nên Tên Tuổi Ca Sĩ Băng Châu Trước Năm 1975

Băng Châu là một trong những ca sĩ tiêu biểu của làng nhạc vàng trước năm 1975. Cho dù tên tuổi của Băng Châu có thể không sánh ngang được với các ca sĩ đàn chị đi trước, và giọng hát của cô cũng không thể so được với những “huyền thoại” như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Phương Dung… Nhưng với sự đào tạo và nâng đỡ của người thầy Duy Khánh, Băng Châu vẫn tạo được dấu ấn đậm nét với khán giả không chỉ nhờ nhan sắc, mà còn nhờ những bản thu âm rất tuyệt vời đến nay vẫn được nhiều người tìm nghe sau 50 năm.

Nhà Văn Hồ Trường An đã ca ngợi giọng hát của Băng Châu như sau:

“Giọng hát Băng Châu mềm mại ngọt ngào. Cô được cái ưu điểm là dàn trải làn hơi đâu ra đó. Tiếng hát của Băng Châu là tiếng hát buồn man mác của người cô phụ đêm đêm chong đèn ngồi bên song cửa nhìn bóng trăng tà ngoài song và đối diện với ngọn hàn đăng trong cô phòng.

Tiếng hát cô lúc buồn theo mùi hương nguyệt quế ngào ngạt tỏa ra chung quanh khuôn viên của căn nhà kia, từ lúc đèn đêm thắp sáng cho tới lúc cửa sổ khép kín và ánh đèn trong hương khuê phụt tắt. Đó là lúc hương cau, hương bưởi và hương dạ lý thay nhau lan tỏa trong sương khuya và trong những cơn gió mỏng hiu hiu. Những mùi hương ấy ở chốn cùng thôn tuyệt tái thì ngoài nàng ra không có ai thưởng thức chúng, cho nên đó cũng chỉ là những thứ hương bị quên lãng và bị nhốt chung một phận buồn như nàng”.

Sau đây là những bài hát đã làm nên tên tuổi Băng Châu trước năm 1975:

Nhớ Nhau Hoài

Xem bài khác

Nhạc vàng và “nỗi buồn nhân văn” – Nghe lại tuyển chọn những bài nhạc vàng buồn nhất

Nghe nhạc: Nói Với Người Tình (Chế Linh & Thanh Tuyền)

Ca khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ thơ Thiên Hà này là ca khúc đầu tiên mà Băng Châu thu thanh vào dĩa nhựa. Ngay sau đó, cô được nhạc sĩ Châu Kỳ mời xuất hiện trên chương trình Tiếng Thùy Dương phát trên đài truyền hình để hát chính ca khúc này, để rồi từ đó, khuôn mặt khả ái cùng giọng hát nhẹ nhàng của cô đã được xuất hiện lần đầu và chinh phục được các tầng lớp khán giả yêu nhạc vàng thập niên 1970.

Click để nghe Nhớ Nhau Hoài

Qua Cơn Mê

Nếu như Nhớ Nhau Hoài là ca khúc giới thiệu được tên tuổi Băng Châu với công chúng, thì Qua Cơn Mê là ca khúc đưa tên tuổi của cô vút cao trong làng nhạc. Bản thu này được “thầy Duy Khánh” giới thiệu trong băng nhạc Trường Sơn trước năm 1975, để rồi từ đó ca khúc này đóng dấu vào tên tuổi Băng Châu suốt gần 50 năm qua.

Click để nghe Qua Cơn Mê

Thực ra người thu âm bài này đầu tiên là Duy Khánh trong đĩa nhựa, sau đó Băng Châu thu âm lại vào băng cối, và từ đó Qua Cơn Mê với tiếng hát Băng Châu đã trở thành một hiện tượng trên khắp miền Nam, được phát gần như suốt cả ngày trên các đài phát thanh ở Sài Gòn. Thời điểm đó đang diễn ra hoà đàm Ba Lê, và bài hát này thể hiện những khát vọng lớn lao về hoà bình, đúng với tâm trạng chung của hầu hết những quân – dân miền Nam lúc đó.

Viết Thư Tình

Bài hát rất hay này của nhạc sĩ Trúc Phương còn có tên khác là Thư Gửi Người Miền Xa, là một trong những bài nhạc lính được yêu thích nhất.

Bài hát này được Trúc Ly thu thanh đầu tiên trong dĩa nhựa, nhưng bản thu của Băng Châu trong băng cối Trường Sơn vào thập niên 1970 mới được biết đến nhiều hơn và đến nay vẫn được nhiều người tìm nghe.

Click để nghe Viết Thư Tình

Chiều Thương Đô Thị

Ca khúc nổi tiếng của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh cùng hợp soạn này đã được rất nhiều ca sĩ hát. Giữa rất nhiều phiên bản khác nhau, bản thu của Băng Châu trước năm 1975 vẫn được nhiều người yêu thích.

Chiều Thương Đô Thị được sáng tác từ năm 1961, nhạc sĩ Song Ngọc viết phần nhạc và Hoài Linh viết lời, có nội dung là một người bạn (Hoài Linh) đưa tiễn một người lính trẻ (Song Ngọc) lên đường tòng chinh.

Thời điểm này nhạc sĩ Hoài Linh là cảnh sát thuộc Nha cảnh sát quốc gia, ở lại Sài Gòn làm việc, còn nhạc sĩ Song Ngọc đi vào quân trường Thủ Đức và được huấn luyện gian khổ ở nơi xa đô thành.

Click để nghe Chiều Thương Đô Thị

“Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng: Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư Không tan theo cùng hư vô Không theo tháng năm phai mờ Tình nào tha thiết anh ơi?”

Đêm Trao Kỷ Niệm

Nhiều người không biết rằng ca khúc rất tình cảm này là một sáng tác nổi tiếng của cố nghệ sĩ Hùng Cường, 1 trong tứ trụ nhạc vàng. Sau năm 1975, bài hát rất nổi tiếng với đôi song ca Duy Khánh – Hương Lan. Còn trước năm 1975, Băng Châu đã ghi dấu ấn với ca khúc này:

Click để nghe Đêm Trao Kỷ Niệm

Lời Của Mẹ

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Tấn An này còn có tên khác là Rồi 20 Năm Sau, được hầu hết các nữ ca sĩ danh tiếng nhất của nhạc vàng hát. Tuy nhiên Băng Châu – với thế mạnh là một người miền Tây, có giọng hát ngọt ngào rất phù hợp với bài hát có điệu ru hời này.

Click để nghe Lời Của Mẹ

Nhật Ký Hai Đứa Mình

Giọng hát của Băng Châu cũng được yêu thích với ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác:

Click để nghe Nhật Ký 2 Đứa Mình

Băng Châu là học trò của ca nhạc sĩ Duy Khánh, được đích thân danh ca huyền thoại, cũng là một nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng này giúp đỡ và lăng xê, đặc biệt là với những bài hát do chính Duy Khánh sáng tác như Sao Không Thấy Anh Về, Mùa Chia Tay, Trường Cũ Tình Xưa…

Click để nghe Sao Không Thấy Anh Về

Click để nghe Mùa Chia Tay

Click để nghe Trường Cũ Tình Xưa

Mời bạn nghe thêm video 30 bài hát hay nhất của Băng Châu thu âm trước 1975 sau đây:

Click để nghe

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Share 0 Tags: băng châu

Từ khóa » Ca Sĩ Băng Châu Trước 1975