10 Bệnh Cột Sống Thường Gặp: Nguyên Nhân, Chẩn đoán, Phòng Ngừa
Có thể bạn quan tâm
Các bệnh cột sống tương đối đa dạng như thoái hóa cột sống, viêm cột sống dính khớp, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, gù cột sống… Nhóm bệnh lý này có nhiều nguyên nhân gây ra khác nhau, tại nhiều bộ phận khác nhau. Trang bị kiến thức về nhóm bệnh lý liên quan đến cột sống sẽ giúp chúng ta có định hướng đúng đắn khi thăm khám và điều trị.
Cấu tạo và chức năng của cột sống
Cấu tạo của cột sống
Cột sống là cột trụ chính của cơ thể con người, đi từ mặt dưới xương chẩm tới đỉnh xương cụt. Cột sống của con người gồm 33 – 35 đốt sống chồng lên nhau. Cột sống chia làm 4 đoạn. Mỗi đoạn có một chiều cong và cấu tạo riêng phù hợp với chức năng của đoạn đó, cụ thể:
- Đoạn cổ gồm 7 đốt: Cong lồi ra phía trước.
- Đoạn ngực gồm 12 đốt: Cong lồi ra sau.
- Đoạn thắt lưng gồm 5 đốt: Cong lồi ra trước.
- Đoạn cùng gồm 5 đốt: Những đốt này dính liền với nhau tạo thành xương cùng, cong lồi ra sau.
- Đoạn cụt gồm 4 – 6 đốt sống cuối cùng dính với nhau, tạo thành xương cụt.
- Chiều dài toàn bộ cột sống khoảng 40% so với chiều cao của cơ thể.
Chức năng của cột sống
- Hỗ trợ chống đỡ trọng lực cơ thể, kết nối các xương khác với nhau, giúp vận động của con người trở nên đa dạng và linh hoạt.
- Bảo vệ tủy sống, một bộ phận của hệ thần kinh trung ương và chi phối mọi hoạt động của cơ thể.
- Hình dạng cột sống gần giống chữ S do có 2 đoạn ưỡn tại cổ và thắt lưng, một đoạn gù tại ngực. Nhờ hình dạng này cùng hoạt động của các đĩa đệm sẽ hỗ trợ phân tán lực tác động lên cơ thể.
- Cột sống với các xương sườn, xương chậu tạo thành khung xương để các cơ bám và bảo vệ những tội tạng trong lồng ngực, ổ bụng.
Bệnh về cột sống là gì?
Cột sống tham gia rất nhiều trong mọi hoạt động hàng ngày. Theo đó, nhóm bệnh về cột sống tương đối phổ biến ở những đối tượng lớn tuổi hoặc phải vận động nhiều. (1)
Người bệnh thường đi khám khi xuất hiện các cơn đau tại lưng. Triệu chứng này gây khó chịu, làm công việc đình trệ, khiến người bệnh lo âu và suy nhược.
Tình trạng đau lưng ở cột sống có nguyên nhân tại xương, đĩa đệm giữa những đốt sống, dây chằng quanh cột sống, tủy sống và rễ, dây thần kinh, cơ dọc lưng. Mỗi cơ quan tổn thương sẽ có những biểu hiện riêng biệt. Vì thế, chỉ khi xác định đúng nguyên nhân gây bệnh thì mới mang lại hiệu quả chữa trị cao.
Nguyên nhân gây bệnh lý tại cột sống
Do sự căng thẳng, quá tải
Các bệnh lý tại cột sống gây đau lưng thường gặp là do sự căng giãn quá mức hay chấn thương của những bộ phận như:
- Căng cơ hay dây chằng.
- Co thắt những cơ cạnh cột sống.
- Chấn thương cột sống do gãy xương hay té ngã.
- Những hoạt động có khả năng dẫn tới căng giãn hay co thắt cơ là khi người bệnh gắng sức nâng đỡ vật nặng sai cách hay tập thể dục quá sức, khiến các bộ phận gồng cứng để chịu lực, sau đó bị giãn ra đột ngột, gây đau nhức.
Do bất thường cấu trúc
Tình trạng dị dạng kéo dài hoặc tổn thương về mặt cấu trúc cấp tính làm thay đổi hoạt động sinh lý của cột sống, có khả năng dẫn tới đau lưng. Những dạng bất thường cấu trúc của cột sống như:
- Vỡ đĩa đệm: Đĩa đệm có cấu trúc dạng đĩa nằm giữa những đốt sống, giúp đệm giữa những đốt sống, hỗ trợ đốt sống linh hoạt, có khả năng uốn cong, vặn xoắn. Khi gặp chấn thương quá mức tại lưng gây vỡ đĩa đệm sẽ tạo ra áp lực lớn lên rễ thần kinh, dẫn tới đau lưng, cơn đau có thể lan xuống mông hay đùi.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống: Vận động cột sống quá mức kéo dài hay do lão hóa cơ thể sẽ làm di lệch đĩa đệm, chèn ép vào tủy sống. Khi thần kinh ở đoạn cột sống vùng thắt lưng bị ảnh hưởng có thể gây ra cơn đau thần kinh tọa. Đây là những cơn đau nhói bắt đầu từ mông xuống phía sau chân, cảm giác đau kéo dài có khả năng làm yếu hai chân, tê bì, mất cảm giác và rối loạn đại, tiểu tiện.
- Viêm khớp: Tình trạng này có thể gây ra những vấn đề với khớp ở hông, lương dưới và các nơi khác. Một số trường hợp khối viêm làm thu hẹp không gian quanh tủy sống, gây ra hội chứng hẹp ống sống.
- Thay đổi độ cong của cột sống: Khi tình trạng độ cong sinh lý của cột sống biến dạng tiến triển qua thời gian dài, người bệnh không có biện pháp điều chỉnh đúng cách, sẽ gây mất thăng bằng cho cơ, dây chằng, đĩa đệm. Biến chứng nặng nề là cột sóng bị cong vẹo vĩnh viễn, làm cột sống bị cong sang một bên. Người bệnh bị đau nhức kéo dài, gây khó khăn trong nhiều sinh hoạt hàng ngày.
- Thoái hóa cột sống: Tình trạng thoái hóa đĩa đệm theo thời gian, tuổi tác, vi chấn tái phát nhiều lần sẽ tạo nên sự thay đổi cấu trúc, khả năng chịu áp lực của cột sống giảm, gây đau lưng. Trong giai đoạn thoái hóa cột sống nặng, các gai xương sẽ được hình thành, gây ra tình trạng hẹp ống sống, chèn ép rễ thần kinh, khiến lưng bị đau và rối loạn chức năng thần kinh tại chân.
Do động tác và tư thế
Tình trạng đau lưng trên cột sống có thể là hệ quả của chuỗi hoạt động nặng nhọc hàng ngày hay tư thế xấu như:
- Ngồi khom lưng, bắt chéo hai chân.
- Khi tập luyện, vặn xoắn cột sống quá mức.
- Nâng, đẩy, kéo hay mang xách vật nặng sai tư thế.
- Đeo cặp, túi xách, balo quá nặng, lệch về một bên.
- Thường xuyên phải đứng hay ngồi trong thời gian dài.
- Căng cổ liên tục về trước như khi sử dụng máy tính hoặc lái xe.
- Dùng nệm cứng để nằm ngủ mà không nâng đỡ tốt cho cơ thể, giữ thẳng cột sống.
Nguyên nhân khác
- Xẹp đốt sống: Mỗi đốt sống có hình trụ, trong lòng là mô xương xốp. Khi gặp chấn thương quá mức sẽ gây xẹp đốt sống, biến dạng toàn bộ cấu trúc của cột sống. Ngoài ra, xẹp đốt sống còn có khả năng là do loãng xương, gây gù vẹo cột sống ở người cao tuổi.
- Ung thư cột sống: Khối u trên cột sống có thể đè lên dây thần kinh, làm xuất hiện các cơn đau ở lưng.
- Nhiễm trùng cột sống: Tình trạng sốt, nóng và đau lưng có khả năng là do cột sống đã bị nhiễm trùng.
- Lao cột sống: Lao là một khối viêm áp xe kéo dài, lan ra trong cột sống, làm phá vỡ cấu trúc.
10 bệnh cột sống thường gặp nhất hiện nay
1. Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là bệnh lý mạn tính, tiến triển từ từ. Mức độ đau tăng dần, làm hạn chế hoạt động của người bệnh. Cột sống bị biến dạng mà không xuất hiện tình trạng viêm. Bệnh dẫn tới những tổn thương như thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống, kèm theo những thay đổi tại phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. (2)
Triệu chứng bệnh thường gặp là đau cột sống âm ỉ, đau có tính chất cơ học (cơn đau tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi), cứng cột sống và đau lưng khi ngủ dậy. Trong giai đoạn thoái hóa nặng, người bệnh có thể bị đau liên tục, có cảm giác lụp cụp khi cử động cột sống.
2. Hẹp ống sống
Đây là tình trạng ống sống bị thu hẹp do nhiều nguyên khác nhau, gây chèn ép lên tủy sống và các rễ thần kinh. Triệu chứng bệnh rất đa dạng, phụ thuộc vào vị trí đoạn ống sống bị hẹp, mức độ hẹp sẽ có những biểu hiện khác nhau, từ nhẹ tới nặng như tê vai, mỏi cổ, đau lưng và dây thần kinh hông to có thể lan xuống hai chân, gây phản ứng dị cảm (tê, run), thậm chí liệt (có khả năng liệt hoàn toàn nửa thân dưới hay liệt tứ chi), rối loạn cơ tròn, bí tiểu…
3. Viêm cứng khớp cột sống
Viêm cứng khớp cột sống là tình trạng viêm khớp tại cột sống. Bệnh gây ra những cơn đau lưng kinh niên, thường xuất hiện vào ban đêm, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới giấc ngủ, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh chưa được làm rõ. Bệnh thường xảy ra vào độ tuổi 15 – 30 tuổi, xuất hiện ở nam giới nhiều hơn. Ngoài ra, bệnh còn có tính di truyền.
4. Viêm cột sống dính khớp
Đây là bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi các cơn đau, tổn thương khớp cùng chậu, cột sống, các khớp chi dưới. Bệnh làm một số đốt sống dính lại với nhau gây sưng lên, dẫn tới việc khó cử động làm gù, vẹo và tàn phế.
Một số trường hợp bệnh viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng tới những khớp khác trong cơ thể như khớp háng, khớp gối, bàn chân, dây chằng, thậm chí còn ảnh hưởng tới những bộ phận như tim, gan và phổi.
5. Đau thần kinh toạ
Đau thần kinh tọa là tình trạng cơn đau lan tỏa dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh từ lưng dưới qua hông, mông, xuống dưới từng chân. Bệnh lý này thường chỉ ảnh hưởng tới một bên của cơ thể.
Đau thần kinh tọa xảy ra khi thoát vị đĩa đệm tại cột sống thắt lưng. Những đốt sống được tách ra và được đệm bởi những đĩa tròn cùng các mô liên kết. Nếu một đĩa bị mòn vì chấn thương hay chỉ là sau nhiều năm sử dụng, trung tâm của nó có khả năng bắt đầu đẩy ra khỏi vòng ngoài. Ngoài ra, xương cột sống trên cột sống hay hẹp cột sống chèn ép một phần dây thần kinh, gây viêm, đau và tê ở chân.
6. Khối u cột sống
U cột sống là các khối mô bất thường xuất hiện bên trong hay xung quanh tủy sống và cột sống. Khi các tế bào này tăng trưởng, nhân đôi không kiểm soát, chúng có khả năng tạo thành các khối u trong tủy sống. Đó có thể là khối u lành tính hay ác tính.
U nguyên phát bắt nguồn từ tủy sống hay cột sống. Trong khi, u thứ phát hoặc u di căn là do tế bào ung thư từ cơ quan khác lan tới cột sống. Khối u tại cột sống được phân theo vị trí u. Những vùng chính gồm cột sống cổ, ngực, thắt lưng – cùng. Chúng cũng được phân thành 3 nhóm lớn theo vị trí u như u trong màng cứng – ngoài tủy, u nội tủy và u ngoài màng cứng.
7. Vẹo cột sống
Đây là tình trạng cột sống bị cong bất thường sang một bên của xương sống thẳng. Vẹo cột sống có khả năng làm đầu lệch sang một bên hay hai vai, hai hông mất cân xứng, bên thấp bên cao. Ngoài ra, bệnh lý này có thể làm lồng ngực hay lưng bên thấp bên cao.
Tình trạng cong vẹo nặng có thể gây cản trở những hoạt động của tim, phổi (suy tim, hạn chế hô hấp), làm hơi thở ngắn hay gây đau ngực. Phần lớn tình trạng vẹo cột sống không gây đau nhưng cũng có loại gây đau lưng. Ngoài ra, người bệnh có thể đau lưng do nhiều nguyên nhân khác. Vì thế, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám cẩn thận.
8. Gù cột sống
Đây là hiện tượng bị biến dạng gù cột sống do ít nhất 3 đốt sống liên có góc từ thân đốt ≥ 5° gây nên. Gù cột sống là phần cong về phía trước lưng. Tình trạng cong này vượt quá mức quy định, cong hơn 45° được xem là nghiêm trọng, không bình thường.
9. Chấn thương tủy sống
Những mảnh xương gãy làm tổn thương trực tiếp đến tủy sống hoặc gây chèn ép, làm tăng áp lực trong ống tủy. Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ và vị trí tổn thương. Một số đặc điểm của chấn thương tủy sống người bệnh có thể gặp phải như:
- Yếu liệt một hay nhiều nhóm cơ tại tay hay chân.
- Mất cảm giác hoàn toàn hay một phần tại các vùng tương ứng, tê bì và dị cảm.
- Đau tại vùng cột sốt lưng hay cổ.
- Tiểu tiện không tự chủ.
- Sự thay đổi bất thường của huyết áp.
- Sự thay đổi bất thường của nhiệt độ.
10. Thoát vị đĩa đệm
Bệnh xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường, đâm xuyên qua dây chằng, chèn ép vào những rễ thần kinh, gây đau nhức, tê bì. Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của sang chấn hay do đĩa đệm bị thoái hóa, rách, nứt, có khả năng xảy ra tại bất kỳ khu vực nào của cột sống.
Người bệnh thường gặp hiện tượng đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa). Vì tình trạng thoát vị đĩa đệm tại cột sống lưng là thường gặp nhất.
Chẩn đoán bệnh cột sống
Khi chẩn đoán các bệnh về cột sống thường gặp, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh khởi phát, quan sát cột sống và thực hiện các nghiệm pháp giúp đánh giá đặc điểm của tình trạng đau lưng. Một số chỉ định về hình ảnh học có thể hỗ trợ cho việc chẩn đoán, đặc biệt là với người bệnh đau lưng sau chấn thương hoặc phải chịu đựng cơn đau sau một thời gian dài không đáp ứng điều trị nâng đỡ thông thường. Những phương pháp chẩn đoán các bệnh lý cột sống thường được áp dụng gồm: (3)
- Chụp X-quang: Đây là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất, giúp bác sĩ đánh giá nhanh chóng và cơ bản về cấu trúc những phần cứng như xương đốt sống và tình trạng hẹp lỗ liên hợp.
- Chụp CT: Một số người bệnh sẽ cần chụp CT cột sống để khảo sát sâu hơn về cấu trúc của xương cột sống như trong chẩn đoán lao cột sống, u cột sống…
- Chụp MRI: Khi khảo sát những phần mềm như dây chằng, cơ, ống sống, tủy sống, rễ thần kinh, người bệnh sẽ cần chụp MRI cột sống.
- Đo điện cơ: Nếu nghi ngờ khả năng thần kinh của người bệnh bị chèn ép, bác sĩ sẽ chỉ định đo điện cơ để phát hiện sự bất thường (nếu có) do nguyên nhân này.
Phương pháp điều trị
Nhiều người bị đau do bệnh cột sống thường cố gắng tìm cách tự chữa tại nhà. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức, quá trình chữa trị kéo dài, sai phương pháp sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu muốn điều trị bệnh tận gốc, người bệnh cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời, đúng cách.
Tùy thuộc loại bệnh và tình trạng của người bệnh, phương pháp điều trị của mỗi trường hợp sẽ có sự khác biệt. Một số phương pháp điều trị bệnh cột sống phổ biến như:
- Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc).
- Tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
- Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật điều trị các bệnh lý về cột sống).
Ngoài điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ và tập thể dục với cường độ phù hợp kết hợp nghỉ ngơi để bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Lời khuyên phòng ngừa bệnh
Ngoài yếu tố tuổi tác ảnh hưởng đến sức khỏe của cột sống, chúng ta vẫn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh nếu lưu ý một số điều trong sinh hoạt hằng ngày như:
- Tập thể dục đều đặn: Cần hình thói quen vận động cơ thể đều đặn, nhất là những động tác cử động vùng cột sống. Chăm chỉ tập thể dục giúp duy trì sự chắc khỏe, dẻo dai và linh hoạt cho hệ cơ xương khớp. Bạn nên lưu ý thực hiện đúng cách và đúng tư thế những môn tập luyện, để ngăn ngừa chấn thương.
- Tránh vận động sai tư thế: Hạn chế những tư thế đứng, ngồi khom lưng, khuân vác vật nặng trong thời gian dài để tránh tạo nhiều áp lực lên cột sống.
- Kiểm soát tốt cân nặng: Đây là cách phòng ngừa hiệu quả cho những bệnh lý về cột sống. Vì trọng lượng cơ thể tăng lên, cột sống buộc phải chịu nhiều áp lực, gây tổn thương. Khi có dấu hiệu thừa cân, béo phì, bạn cần nhanh chóng tiến hành chế độ ăn kiêng phù hợp.
- Uống nhiều nước: Nước chiếm khoảng 70% thành phần các mô sụn, giúp duy trì sự trơn tru giữa hai đầu xương, hỗ trợ hoạt động lưu thông của máu. Vì thế, để ngăn ngừa tình trạng đau nhức từ các bệnh lý cột sống, bạn nên uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là vào mùa lạnh.
- Bổ sung đủ dưỡng chất: Các thực phẩm giàu canxi, vitamin D như sữa và các chế phẩm từ sữa, cá hồi, súp lơ, cam, gan, thịt, ngũ cốc, trứng nấm… nên được đưa vào thực đơn mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm axit béo omega, vitamin E và những chất chống oxy từ các loại cá, hạt, rau xanh. Các dưỡng chất này đều rất tốt cho đĩa đệm, đặc biệt là với người bị thoái hóa cột sống.
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, bạn nên dành một chút thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn. Điều này không những giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý về cột sống mà còn cho cơ thể thời gian hồi phục để làm việc tốt và hiệu quả hơn vào ngày hôm sau.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; ThS.BS Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Các bệnh cột sống là tập hợp nhiều bất thường ở những bộ phận khác nhau. Tuy triệu chứng thường gặp nhất là đau lưng nhưng phương pháp chẩn đoán và điều trị sẽ có sự khác biệt theo từng loại bệnh. Do đó, khi cảm thấy đau lưng hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào tại cột sống đã nêu trên, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời và đúng cách, tránh để lại di chứng về sau.
Từ khóa » Giải Phẫu Ct Cột Sống Cổ
-
Quy Trình Chụp Cắt Lớp Vi Tính Cột Sống Cổ Có Dựng Hình 3D - Vinmec
-
Giải Phẫu Cột Sống Và Hình ảnh Chấn Thương Cột Sống Trên Clvt
-
Giải Phẫu Cột Sống Và Hệ Thần Kinh Ngoại Biên - Y Học Cộng Đồng
-
Chấn Thương Cột Sống - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Nghiên Cứu Một Số đặc điểm Giải Phẫu Cột Sống Cổ đoạn C3-C7 ...
-
CT Cột Sống Cổ - Hello Bacsi
-
[PDF] Giải Phẫu Cắt Lớp CT-MRI Tiếng Việt, Full Bộ 3 Cuốn
-
Chẩn đoán X Quang Cột Sống - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Đánh Giá Chỉ Số Giải Phẫu C1, C2 Trên Cắt Lớp Vi Tính Phục Vụ Phẫu ...
-
Phân Chia Mức độ Chèn ép Thần Kinh Trên Phim Chụp Cộng Hưởng Từ ...
-
Thoái Hóa đốt Sống Cổ C5 C6: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và điều Trị
-
️ Bệnh Lý Thoái Hóa Cột Sống
-
Chấn Thương Sọ Não Và Chấn Thương Tuỷ Sống Cổ đồng Thời Sau Tai ...