10 Bệnh Tâm Lý Mà Chúng Ta Thường Nhầm Tưởng Là Tính Cách

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam năn 2023, cả nước có đến 14 triệu người mắc bệnh rối loạn tâm thần hay còn có thể gọi là bệnh tâm lý. Trong đó bao gồm nhiều rối loạn tâm thần khác nhau như trầm cảm, sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt…

Để bạn có được một cái nhìn tổng quát hơn về các bệnh tâm lý, HelloBacsi sẽ chỉ ra các bệnh tâm lý thường gặp hiện nay, đồng thời chỉ ra các triệu chứng đi kèm để bạn có thể hiểu được rõ ràng, chính xác và không bị nhầm lẫn với tính cách bình thường của một người.

1. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội & Tính cách bốc đồng

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder – ASPD) là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần khiến cho một cá nhân có khuynh thướng thực hiện các hành vi, mà có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhưng không hề cảm thấy hối hận. Họ có thể tỏ ra thiếu tôn trọng người khác, hung hăng, bạo lực hay thậm chí là liều lĩnh. 

Những biểu hiện của một người rối loạn nhân cách chống đối xã hội:

  • Tính cách hung hăng, thù địch, bạo lực với người khác.
  • Có hành vi liều lĩnh, bốc đồng, chấp nhận vi phạm pháp luật.
  • Lợi dụng lòng tin của người khác để thao túng tâm lý cho lợi ích cá nhân.
  • Không tỏ ra sự ăn năn, hối hận hay lo lắng về hành vi sai trái của bản thân.
  • Thường xuyên vắng mặt tại chỗ làm, bỏ dở công việc đang làm và chấp nhận nghỉ việc ngay nếu có bị sa thải.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở mỗi người sẽ có những biểu hiện ra bên ngoài khác nhau. Ngoài ra, để có thể chẩn đoán hay nhận định một người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thì phải cần đến sự chẩn đoán của chuyên gia và bác sĩ.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường bị nhầm lẫn với tính cách bốc đồng
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường bị nhầm lẫn với tính cách bốc đồng

2. Rối loạn nhân cách phân liệt & Tính cách nhút nhát

Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid Personality Disorder – SPD) là tình trạng một người rất ít thể hiện cảm xúc, suy nghĩ hoặc bất kỳ điều gì ra bên ngoài; hoặc cũng có thể hiểu là họ gặp khó khăn trong việc bày tỏ và bộc lộ bản thân.

Các triệu chứng của rối loạn nhân cách phân liệt:

  • Muốn ở một mình và làm các hoạt động một mình.
  • Không muốn hoặc không thích những mối quan hệ thân thiết.
  • Ít có ham muốn tình dục và không mấy hứng thú về tình dục.
  • Ít khi vui vẻ, hài hước, tỏ ra thờ ơ và không quan tâm mọi người xung quanh,
  • Không phản ứng trước cả lời khen hay lời chê của người khác.
Một người bị bệnh tâm lý rối loạn nhân cách phân liệt thường bị người khác đánh giá là khó gần, không có bạn bè, ít giao tiếp hay cụ thể hơn được xem là người hướng nội, người có tính cách nhút nhát.

3. Rối loạn nhân cách gây hấn thụ động & Tính cách trì hoãn

Những người hay trì hoãn thường không tuân theo các luật lệ hoặc quy tắc xã hội. Họ thường làm các việc cần thiết một cách chậm trễ. Triệu chứng này có thể là biểu hiện của rối loạn nhân cách gây hấn thụ động (passive-aggressive personality disorder). Ngoài ra, còn có thể kèm theo đó là chứng trầm cảm dai dẳng.

Đối với một số người, tính cách trì hoãn có thể là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điều này có thể trở thành vấn đề đáng lo nếu xuất hiện một số dấu hiệu:

  • Tốc độ làm việc rất chậm và hiệu suất kém
  • Cảm thấy khó chịu khi phải đáp ứng yêu cầu làm một việc nào đó
  • Phản ứng tiêu cực với những lời khuyên của mọi người xung quanh
  • Thường xuyên cảm thấy tức giận một cách vô lý.
Bạn nên đặt mình trong hoàn cảnh của mọi người để có thể thấu hiểu cảm xúc của họ và từ đó cải thiện những biểu hiện của mình tốt hơn. Liệu pháp này sẽ giúp bạn giảm bớt trì hoãn và cảm thông cho người khác nhiều hơn.

Bệnh tâm lý

4. Rối loạn nhân cách ranh giới & Tính cách bốc đồng

Nếu một người không cố gắng kiểm soát cơn giận của họ thì có thể là dấu hiệu của rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder – BPD). Một trong những biểu hiện là họ nhanh chóng thay đổi quan điểm thất thường. Ví dụ, bạn nghĩ rằng ăn trứng chiên có hại cho dạ dày và bạn ghét điều này. Tuy nhiên, chỉ sang ngày hôm sau bạn lại chiên trứng cho bữa ăn sáng.

Tất nhiên, tính cách bốc đồng đơn giản không hẳn là tiêu cực. Đây chỉ trở thành một căn bệnh tâm lý nếu bạn mắc phải những biểu hiện như:

  • Dễ thay đổi bạn bè và người yêu
  • Thường xuyên tiêu tiền hoang phí mà không suy nghĩ
  • Hành vi nguy hiểm bốc đồng: Lái xe không cẩn thận, tự cắt tay, tự làm tổn thương cơ thể
  • Thay đổi tâm trạng thất thường và thường có cảm giác chán nản, mệt mỏi
  • Nỗ lực điên cuồng để tránh bị gia đình và bạn bè bỏ rơi 
Một trong những cách chữa trị tốt nhất cho căn bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ranh giới là kiểm soát tốt cơn giận dữ và tự nhận thức bản thân. Bạn có thể tự thưởng cho mình một món quà để tạo động lực thay đổi mỗi ngày.

5. Rối loạn nhân cách tránh né & Tính cách tự ti

Những người có tính cách tự ti thường có xu hướng tự trách và đổ lỗi cho bản thân. Họ trốn tránh giải quyết vấn đề và chọn cách tránh né. Tình trạng này được gọi là rối loạn nhân cách tránh né (avoidant personality disorder – AvPD). Thậm chí họ có thể gặp hoảng loạn, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.

Thái độ tự phê bình bản thân chỉ có ích với mức độ vừa phải. Điều đó đủ để tạo động lực cho chúng ta cố gắng và tự phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, tính cách tự ti có thể chuyển thành bệnh tâm lý với những biểu hiện như:

  • Tự trách bản thân khi nhận những lời chỉ trích hoặc lời từ chối 
  • Né tránh làm những điều dại dột hoặc ngớ ngẩn trước mặt mọi người Phóng đại những khó khăn, rủi ro tiềm ẩn của những hành động vốn dĩ rất bình thường
  • Luôn né tránh giao tiếp với mọi người vì sợ bản thân sẽ nói sai điều gì đó.
  • Luôn nghĩ rằng bản thân không đủ năng lực, không hấp dẫn hoặc kém cỏi
Suy nghĩ tích cực và lạc quan chính là phương pháp chữa trị tốt trong trường hợp bệnh tâm lý tránh né. Hãy ghi ra những dự  đoán về kết quả của một hành động mà bạn sẽ thực hiện và ghi lại cả kết quả tích cực và tiêu cực. Để nếu lần sau bạn có suy đoán tiêu cực về kết quả thì đọc lại và trấn an bản thân rằng mọi chuyện sẽ ổn.
Bệnh tâm lý rối loạn nhân cách tránh né thường bị nhầm lẫn với tính cách tự ti
Bệnh tâm lý rối loạn nhân cách tránh né thường bị nhầm lẫn với tính cách tự ti

6. Rối loạn nhân cách hoang tưởng & Tính cách đa nghi

Một người đa nghi sẽ làm những điều khiến họ thất vọng, đau khổ. Điều này dễ dẫn đến chứng bệnh tâm lý rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid personality disorder – PPD).

Một số biểu hiện phổ biến của rối loạn này là:

  • Thường xuyên nghi ngờ sự chung thủy  của người yêu
  • Tìm kiếm những ý nghĩa đằng sau hành động của một người
  • Luôn cảm thấy mọi người xung quanh có lỗi với mình
  • Không hề có chút hài hước nào trong cuộc sống hằng ngày.
Hãy tạo một danh sách những người mà bạn quen biết, và mỗi lần có ai đó đáp ứng sự mong đợi của bạn, hãy thêm một dấu cộng vào tên của họ. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua được tính đa nghi của mình và tin tưởng người khác nhiều hơn.

7. Rối loạn nhân cách phụ thuộc & Tính cách dễ thỏa hiệp

Việc phụ thuộc vào bạn bè hay gia đình là biểu hiện khá bình thường đối với mọi người. Tuy nhiên, nó được xem là rối loạn nhân cách phụ thuộc (dependent personality disorder – DPD) nếu bạn dựa dẫm vào người khác quá mức. Bạn sẽ thấy khó khăn hoặc thậm chí không thể đưa ra quyết định nếu không được sự chấp nhận của một ai đó.

Căn bệnh tâm lý này cũng có một vài dấu hiệu như:

  • Dễ dàng chấp nhận thỏa hiệp với mọi người xung quanh dù biết rằng họ đã sai
  • Luôn cần sự che chở, bao bọc, không thể tự lập được
  • Làm những hành động khó chịu cho bản thân chỉ để làm vừa lòng người khác

Ngay cả việc đưa ra những quyết định không quan trọng cũng có thể trở thành một nhiệm vụ quá sức và đòi hỏi sự trấn an của nhiều người khác.

Để loại bỏ căn bệnh tâm lý rối loạn nhân cách phụ thuộc thì bạn cần nhìn nhận lại năng lực của mình. Mỗi lần bạn muốn thỏa hiệp với một ai đó, chỉ cần nhìn vào danh sách này và tự cổ vũ bản thân. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và giữ vững lập trường trước lời nói của người khác.

8. Rối loạn nhân cách kịch tính & Tính cách phô trương

Sự nhạy cảm quá mức có thể là một triệu chứng của rối loạn nhân cách kịch tính (histrionic personality disorder), Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều muốn thu hút sự chú ý với mọi người. Tuy nhiên, có đôi khi điều này thể hiện bằng sự bộc lộ cảm xúc hoặc gây chú ý quá mức . Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến của rối loạn nhân cách kịch tính như:

  • Mong muốn được giúp đỡ, chấp nhận hoặc khen ngợi từ ai đó thái quá
  • Không có khả năng tập trung làm việc trong thời gian dài
  • Bộc lộ cảm xúc thái quá 
  • Ghét sự trì hoãn khi bạn mong muốn làm điều gì đó ngay lập tức.
Để ngăn ngừa chứng rối loạn nhân cách kịch tính, bạn hãy tập kỹ thuật hít thở sâu mỗi khi cảm xúc dâng trào. Bạn có thể tập thói quen chia nhỏ công việc để hạn chế áp lực khi phải xử lý quá nhiều việc cùng lúc.

9. Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế & Tính cách cầu toàn

Những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo một cách liều lĩnh và cố chấp quá mức có thể mắc phải bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive personality disorder). Rối loạn này xuất phát từ môi trường mà bạn đang sống, luôn chú ý quá đáng đến tiểu tiết và trật tự sắp xếp, tự kỷ luật và kiểm soát bản thân thái quá.

Phần lớn chúng ta đều theo đuổi và cố gắng đáp ứng những kỳ vọng này nhưng khi sự theo đuổi và đòi hỏi quá mức và cứng nhắc thì nó lại có thể dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng đáng lưu tâm.

Một người cầu toàn quá mức thường có những dấu hiệu phổ biến như:

  • Bận tâm đến từng chi tiết, quy tắc, lịch trình.
  • Không vứt bỏ được những vật đã hỏng hóc, không còn giá trị sử dụng thậm chí chúng không có giá trị gì về mặt tình cảm.
  • Lao đầu vào công việc quá nhiều đến mức bỏ qua những hoạt động thư giãn và tình bạn (trừ trường hợp có nhu cầu rõ rệt về tài chính).
  • Mong muốn làm hết việc của người khác vì nghĩ rằng họ sẽ không làm tốt và hoàn hảo được hoặc miễn cưỡng khi phải giao nhiệm vụ cho người khác hoặc khi phải làm việc với người khác trừ khi bản thân người khác hoàn toàn làm theo đúng chính xác những gì mà mình muốn.
Bạn nên ngồi thiền mỗi ngày hoặc nhắm mắt nghe nhạc, massage để thư giãn. Sau đó, ghi lại những điều bạn đã thực hiện được vào những ngày không thư giãn và những ngày thư giãn. Điều này sẽ chứng minh rằng dành thời gian thư giãn sẽ không làm giảm hiệu suất làm việc của bạn.
Bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường bị nhầm lẫn với tính cách cầu toàn
Bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường bị nhầm lẫn với tính cách cầu toàn

10. Rối loạn nhân cách ái kỷ & Tính cách tự cao

Tự đánh giá cao bản thân là tốt hơn nhiều so với việc tự trách móc bản thân. Tuy nhiên, bạn có thể mắc bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder) khi bạn cảm thấy bản thân tài giỏi, quyến rũ hay thậm chí là tốt nhất so với mọi người.

Bạn dễ mắc chứng trầm cảm và có cảm giác tự ti nếu không được công nhận xứng đáng. Dưới đây là một vài dấu hiệu của rối loạn nhân cách này:

  • Giận dữ thái quá khi nhận lời chỉ trích hoặc phê bình bản thân
  • Lợi dụng mọi người để đạt được mục tiêu của bản thân
  • Hành vi, thái độ kiêu ngạo, tự xem bản thân là vượt trội so với những người khác và xứng đáng được đối xử đặc biệt.
  • Liên tục mơ ước bản thân trở thành người giàu có, thành công, xinh đẹp và tỏa sáng
  • Ghen tị với người khác và tin rằng người khác đang ghen tị với chính mình
Để giải quyết căn bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ái kỷ, bạn nên giảm bớt mục tiêu của mình trong phạm vi có thể đạt được. Đừng đặt kỳ vọng quá cao để rồi cảm thấy thất vọng với tất cả mọi chuyện xảy ra không như ý nhé.

Kết luận

Hy vọng qua bài viết này, bạn ít nhiều đã hiểu được sự khác biệt giữa tính cách bình thường của một người và các bệnh tâm lý có triệu chứng tương tự. Mặc dù trên thực tế để có thể phân biệt giữa tính cách và bệnh lý của một người là không dễ. Vậy nên, để hiểu được tính cách của một người, bạn hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu, để trò chuyện và ở bên cạnh họ.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Các Chứng Rối Loạn Tâm Lý