10 Cách Hiệu Quả Nhất để Tiêu Diệt Vi Khuẩn Gây Mụn - Suckhoe123

Nội dung chính của bài viết

  • Vi khuẩn mụn p. acnes chỉ gây ra vấn đề khi chúng sinh sôi quá mức, còn khi tồn tại với số lượng nhỏ, vi khuẩn lại có lợi cho da.
  • Benzoyl peroxide có tác dụng diệt vi khuẩn nhưng chỉ có hiệu quả khi được dùng kèm theo quy trình dưỡng da.
  • Dầu tràm trà và mật ong đều có tác dụng trị viêm, giúp mụn giảm sưng đỏ và diệt vi khuẩn.
  • Tretinoin, Isotretinoin và Differin không có tác dụng diệt vi khuẩn nhưng có thể lấy đi nguồn thức ăn của vi khuẩn.
  • Các loại kháng sinh trị mụn dạng uống có thể làm răng chuyển màu ở những người dưới 22 tuổi.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về 10 phương pháp được dùng phổ biến nhất để trị mụn kèm theo ưu điểm và nhược điểm của từng loại.

Vi khuẩn p. acnes không phải nguyên nhân gây mụn

Ở đa số mọi người, vi khuẩn Propionibacterium acnes (p. acnes) là một loài sinh vật tự nhiên sống trên da. Làn da tạo ra dầu để duy trì kết cấu đàn hồi, linh hoạt và khi bị tác động, làn da sẽ sản sinh ra nhiều dầu hơn bình thường. Điều này là một phần trong phản ứng bình thường của cả cơ thể với các tác động từ cả bên ngoài lẫn bên trong và cũng là một phần trong phản ứng của da với các tác nhân có hại, ví dụ như các chất gây dị ứng, các chất gây kích ứng, nhiệt độ cao hay sự chà xát lên da.

Dầu trong lỗ chân lông là nguồn thức ăn của vi khuẩn. Khi da tiết nhiều dầu, vi khuẩn sẽ có nhiều thức ăn và khi sự tiết dầu giảm, vi khuẩn sẽ bắt đầu tiết ra các axit béo. Những axit béo này là chất có ích cho da nhưng lại là chất độc đối với vi khuẩn. Bình thường vi khuẩn không gây ra mụn do chúng bị đẩy lên bề mặt da và sau đó bị rửa trôi. Vấn đề chỉ thực sự xảy ra khi dầu thừa và vi khuẩn bị kẹt lại do lỗ chân lông khép chặt hoặc do bã nhờn bít lỗ chân lông.

Khi lỗ chân lông bị bít, vi khuẩn mụn p. acnes sẽ tìm đường khác để thoát ra ngoài và tiếp tục sinh sôi ở những lỗ chân lông khác. Chúng tiết ra các chất làm tế bào da trở nên nhạy cảm hơn với sự tấn công từ hệ miễn dịch, do đó trong khi tấn công vi khuẩn, hệ miễn dịch còn hủy diệt luôn cả các tế bào da. Điều này khiến da bị sưng đỏ và khi nốt mụn vỡ ra, vi khuẩn sẽ thoát ra ngoài. Tuy nhiên, nếu nặn, bóp mụn thì vi khuẩn sẽ bị đẩy vào trong da và bị kẹt lại bên dưới lớp da khỏe, do đó nốt mụn ban đầu sẽ biến thành mụn bọc hay mụn viêm.

Tiêu diệt vi khuẩn mà không làm hại đến da

Nhiều sản phẩm ngăn ngừa sự hình thành của mụn bọc bằng cách phá hủy các tế bào da. Điều này có tác dụng nhưng sẽ để lại sẹo và gây khó chịu cho người dùng. Bên cạnh đó vẫn có những sản phẩm kiểm soát mụn mà không hề gây kích ứng, viêm hay làm tổn thường da.

1. Benzoyl peroxide

Benzoyl peroxide hay còn gọi là BP, là một thành phần có trong rất nhiều sản phẩm trị mụn cả kê đơn và không kê đơn. Benzoyl peroxide khi tiếp xúc với da sẽ phân hủy thành hai hợp chất đều có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và giảm mức độ nhạy cảm của da với hệ miễn dịch. Sau khi bôi BP, gần như toàn bộ vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt trong vòng 48 giờ.

Nhược điểm của BP là chất này chỉ có tác dụng ngăn chặn các phản ứng viêm mới chứ không có khả năng điều trị tình trạng viêm sẵn có trên da. Ngoài ra, BP còn làm da bị khô. Khi bị khô, da sẽ co lại và lại gây tắc lỗ chân lông. Nếu bạn chỉ dùng BP mà không kèm theo các bước chăm sóc da khác, thì bạn vẫn sẽ trị được mụn nhưng lại khiến mụn mới mọc ra ở những vùng da khác. Khi dùng kèm với sữa rửa mặt và kem dưỡng ẩm, BP sẽ mang lại hiệu quả trị mụn cao hơn, nhất là khi điều trị mụn vùng lưng và ngực.

2. Tinh dầu tràm trà (tea tree oil)

Tinh dầu tràm trà là loại thảo dược đứng đầu trong các loại thảo dược trị mụn. Giống như benzoyl peroxide, tình dầu tràm trà cũng có công dụng diệt vi khuẩn mụn p. acnes trong lỗ chân lông nhưng thời gian để tiêu diệt hết vi khuẩn lại mất đến 72 tiếng, lâu hơn BP. Tuy nhiên, tinh dầu tràm trà còn có tác dụng làm mụn giảm sưng đỏ và khác với BP, tinh dầu tràm trà không làm khô da và cũng không thêm mụn mới.

Tuy vậy, hiện nay có nhiều sản phẩm chỉ có mùi tràm trà nhưng lại không có đủ nồng độ tinh dầu trong thành phần để có thể diệt vi khuẩn. Thông thường, một sản phẩm cần có nồng độ tinh dầu tràm trà ít nhất là 5% thì mới có hiệu quả. Ngoài ra, đã có nhiều báo cáo y tế cho thấy dầu tràm trà có thể ngăn cản sự hoạt động của hormone testosterone ở những bé trai chưa dậy thì. Do đó, để an toàn thì bố mẹ không nên dùng dầu tràm trà cho trẻ dưới 12 tuổi. Khi mới dùng, bạn nên thử một giọt sản phẩm lên da cánh tay và đợi trong 12 tiếng để đảm bảo da không bị dị ứng rồi mới dùng cho mặt.

3. Cúc vạn thọ

Cúc vạn thọ là một loại hoa thuộc họ cúc. Loài cây này được dùng trong các sản phẩm chăm sóc da dành cho người bị eczema, điều trị côn trùng cắn và các sản phẩm trị mụn trứng cá.

Cúc vạn thọ có chứa các hợp chất chống viêm tự nhiên giống như aspirin. Loài cây này còn chứa các hợp chất có khả năng tiêu diệt cả vi khuẩn mụn p. acnes và vi khuẩn tụ cầu – loại vi khuẩn gây ra các nốt mụn giống như mụn mủ, có nhân mủ vàng bên trong. Các sản phẩm cúc vạn thọ dạng gel sẽ có hiệu quả cao hơn so với dạng sữa rửa mặt có cùng thành phần. Cũng giống như nhiều sản phẩm khác, nếu dùng một sản phẩm có thành phần cúc vạn thọ lần đầu tiên, bạn cũng nên thử các phản ứng dị ứng trước rồi mới dùng.

4. Chất sát khuẩn Triclosan

Triclosan khi có nồng độ cao sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn và các tế bào da bằng cách phá hủy lớp màng bảo vệ bên ngoài. Ở nồng độ thấp, triclosan vẫn có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng cách vô hiệu hóa khả năng dùng axit béo của chúng và vì vi khuẩn cần axit béo làm thức ăn nên chúng sẽ dần bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, nếu một sản phẩm có nồng đọ Triclosan quá cao thì sẽ gây hại cho da và nếu có nồng độ thấp thì lại chỉ tiêu diệt được vi khuẩn gây mụn p. acnes mà không có tác dụng đối với tụ cầu khuẩn. Khi vi khuẩn gây mụn p. acnes bị tiêu diệt, tụ cầu khuẩn sẽ độc chiếm nguồn thức ăn, độ ẩm trong da, và sinh sôi mạnh mẽ. Lúc này, những nốt mụn mủ ban đầu sẽ bị thay thế bởi tình trạng nhiễm khuẩn tụ cầu. Do đó, bạn không nên dùng các sản phẩm có triclosan để trị mụn trứng cá, nếu không vấn đề sẽ càng thêm tệ hơn.

5. Tretinoin dạng bôi

Tretinoin – thành phần chính trong các loại kem bôi như Retin-A hay Avita - thực chất không có tác dụng diệt vi khuẩn. Chất này hoạt động chủ yếu bằng cách kích thích da phát triển và làm mở lỗ chân lông để các tác nhân gây hại bên trong được đẩy ra ngoài. Tretinoin còn có tác dụng chống lại các tác động lên da, làm giảm sự nhạy cảm của tế bào da đối với hệ miễn dịch và với vi khuẩn. Do tretinoin có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn nên các loại thuốc có thành phần tretinoin cần được dùng dưới sự giám sát của bác sĩ.

6. Isotretinoin

Isotretinoin hay còn được biết đến dưới cái tên Accutane, là một loại thuốc trị mụn khác cũng có tác dụng kích thích sự phát triển của da. Ngoài ra, với khả năng thu nhỏ tuyến bã nhờn, Isotretinoin còn khiến vi khuẩn mất đi nguồn thức ăn và làm mở lỗ chân lông. Giống như Retin-A, Accutane cũng có rất nhiều tác dụng phụ và cần được dùng dưới sự giám sát của bác sĩ.

7. Adapalene (Differin)

Adapalene là một loại thuốc trị mụn được bán dưới tên thuốc Differin và được sản xuất dưới cả dạng kem và dạng gel. Adapalene có tác dụng làm mở lỗ chân lông và chống lại các phản ứng viêm do vi khuẩn mụn gây ra. Adapalene không có tác dụng diệt khuẩn trực tiếp mà chỉ làm cho lỗ chân lông mở ra để đưa vi khuẩn gây mụn ra ngoài.

8. Minocycline

Loại thuốc kháng sinh này có khả năng điều trị cả mụn trứng cá và các vấn đề nhiễm khuẩn da khác. Tuy nhiên, minocycline lại có thể làm men răng, lợi chuyển màng xanh, xám hoặc đen. Do đó, tại Mỹ, các bác sĩ thường không kê minocycline cho những người chưa thay răng vĩnh viễn và tại Châu Âu, bác sĩ còn không kê loại kháng sinh này cho người dưới 22 tuổi.

9. Tetracycline

Đây là loại kháng sinh được dùng phổ biến trong điều trị mụn. Tuy nhiên, tetracycline và các loại kháng sinh khác cùng nhóm lại có vấn đề là chúng đều có thể gây ra các vấn đề về thận cho người dùng.

Khi bạn dùng bất kì loại thuốc kháng sinh nào để trị mụn, bạn nên dùng thêm benzoyl peroxide hoặc dầu tràm trà để tiêu diệt những vi khuẩn kháng thuốc mà thuốc kháng sinh bỏ sót lại.

10. Mật ong

Mật ong, đặc biệt là mật ong Manuka là một chất sát khuẩn tự nhiên, có tác dụng diệt được rất nhiều loại vi khuẩn và nấm mốc gây hại cho da. Mật ong manuka là một loại mật ong hảo hạng được sản xuất bằng cách nuôi ong bằng hoa tràm trà. Nhờ đó, loại mật ong này còn có thêm tác dụng của tràm trà và có khả năng trị được nhiều loại vi khuẩn hơn.

Từ khóa » Cách Sát Khuẩn Da Mặt