10 Câu Hỏi Nên Hỏi Về Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu Vô Căn - Hello Bacsi

Khi hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công vào tế bào tiểu cầu khỏe mạnh sẽ gây ra bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn (hay xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch). Bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính và các phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, hay hiện nay được gọi với tên gọi xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, là một tình trạng rối loạn tự miễn khiến tế bào tiểu cầu bị chính hệ miễn dịch của cơ thể phá hủy làm giảm bớt số lượng. Chắc chắn sau khi được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này, bạn sẽ có rất nhiều thắc mắc muốn hỏi bác sĩ để hiểu rõ hơn. Hãy cùng Hello Bacsi tổng hợp 10 câu hỏi mà bạn nên hỏi bác sĩ về căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn này nhé!

1. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì?

Theo như tên gọi lúc trước, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn có nghĩa là chưa biết được căn nguyên rõ ràng gây ra tình trạng này. Các nghiên cứu sau này cũng chỉ biết được bệnh này là một rối loạn tự miễn khiến hệ miễn dịch tấn công nhầm vào chính các tế bào tiểu cầu khỏe mạnh của cơ thể, làm giảm số lượng các tế bào máu này. Tương tự như các bệnh tự miễn khác thì nguyên nhân của rối loạn này vẫn chưa được hiểu rõ.

Một số trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu có liên quan đến các phản ứng miễn dịch do ảnh hưởng từ việc nhiễm trùng virus hay vi khuẩn gần đây. Các virus tồn tại lâu dài như HIV hay viêm gan C cũng có khả năng dẫn đến xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

Khi đã hiểu rõ nguyên nhân cơ bản góp phần gây nên tình trạng bệnh này sẽ giúp bác sĩ xây dựng được kế hoạch điều trị phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng cần điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào do virus gây ra khiến số lượng tiểu cầu giảm thấp.

2. Kết quả lượng tiểu cầu trong máu có ý nghĩa gì?

Tiểu cầu là một loại tế bào máu tham gia vào quá trình hình thành cục máu đông, không để tình trạng chảy máu quá mức diễn ra. Khi lượng tiểu cầu giảm sút, bạn sẽ dễ bị bầm tím và chảy máu hơn bình thường.

Số lượng tiểu cầu bình thường ở trong máu nằm trong khoảng 150.000–450.000 tế bào trên mỗi microlit máu. Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn chỉ có lượng tiểu cầu dưới mức 100.000 tế bào/µl máu. Nếu kết quả cho thấy có ít hơn 20.000 tế bào tiểu cầu/µl máu thì nghĩa là bạn có khả năng bị xuất huyết nội rất cao.

3. Xuất huyết nội có nguy hiểm không?

Xuất huyết (chảy máu) bên trong hay ngoài đều có liên quan đến xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Tuy nhiên, xuất huyết nội có thể gây ra nhiều biến chứng hơn vì bạn không nhận biết được tình trạng chảy máu đang xảy ra bên trong cơ thể. Khi số lượng tiểu cầu càng thấp, nguy cơ bị xuất huyết nội càng cao.

Trong trường hợp nghiêm trọng, xuất huyết giảm tiểu cầu có khi gây chảy máu trong não. Thế nhưng, theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NLHBI) thì đây là trường hợp hiếm khi xảy ra.

4. Liệu có cách nào giúp ngăn ngừa chảy máu và bầm tím?

Khi mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, tình trạng chảy máu bên trong/ngoài hay bầm tím có thể xuất hiện ngay cả khi bạn không bị chấn thương. Nếu bị thương, bạn sẽ có nguy cơ chảy máu nhiều hơn bình thường.

Do đó, bạn cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ thể như đội mũ bảo hiểm và mang các dụng cụ bảo hộ khi tham gia các hoạt động đạp xe, chạy bộ… Bạn cũng phải rất thận trọng khi đi lại trên các bề mặt không bằng phẳng hoặc trơn trượt để đề phòng té ngã.

hãy đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp

5. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn nên tránh làm gì?

Bác sĩ thường khuyên bạn tránh tham gia một số hoạt động nhất định cũng như bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và chấn thương. Tất cả còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Về cơ bản, bạn sẽ cần tránh chơi các môn thể thao tiếp xúc mạnh như bóng đá, bóng rổ…

Tuy nhiên, người bệnh không nhất thiết phải tránh tham gia tất cả mọi hoạt động liên quan đến thể chất. Thực tế, tập luyện thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên sẽ rất hữu ích trong việc giữ cho hệ thống tim mạch luôn khỏe mạnh.

6. Phải làm sao nếu phương pháp điều trị không có hiệu quả?

Nếu các triệu chứng như dễ bị bầm tím hoặc chảy máu ngày một nặng hơn thì có thể phương pháp điều trị hiện tại không có hiệu quả. Một vài triệu chứng khác xuất hiện như có máu trong phân/nước tiểu hoặc kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường đều là dấu hiệu cho thấy cách chữa trị hiện tại chưa có tác dụng.

Trước hết, bác sĩ có thể khuyên bạn ngưng sử dụng các thuốc có khả năng làm tăng xuất huyết như thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc aspirin.

Trường hợp thuốc điều trị của bạn không có tác dụng, hãy hỏi bác sĩ về những lựa chọn điều trị khác cho bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Họ có thể thay đổi thuốc đang dùng hoặc chỉ định các phương pháp điều trị khác như truyền globulin miễn dịch.

7. Có cần cắt bỏ lá lách hay không?

Một số người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn phải phẫu thuật cắt bỏ lá lách. Đây được xem là giải pháp cuối cùng trong điều trị giảm tiểu cầu khi các loại thuốc không có hiệu quả.

Lá lách là cơ quan nằm ở phía trên, bên trái bụng và có nhiệm vụ tạo ra các kháng thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chúng cũng chịu trách nhiệm loại bỏ các tế bào máu, kể cả tiểu cầu, đã hư hỏng ra khỏi máu. Thế nhưng, ở người bị xuất huyểt giảm tiểu cầu vô căn thì lá lách lại tấn công nhầm vào những tế bào tiểu cầu khỏe mạnh.

Phẫu thuật cắt bỏ lá lách sẽ giúp các tế bào tiểu cầu bình thường không bị tấn công nữa và triệu chứng bệnh cũng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, khi cơ thể mất đi lá lách đồng nghĩa với việc nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ cao hơn. Do đó, phẫu thuật cắt bỏ lá lách không được khuyến nghị cho tất cả người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.

8. Tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn là cấp tính hay mạn tính?

Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn có thể là cấp tính (ngắn hạn) hoặc mạn tính (dài hạn). Trong đó, tình trạng cấp tính thường hình thành sau khi bạn bị nhiễm trùng nặng và xuất hiện phổ biến ở trẻ em. Các trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính thường không kéo dài hơn 6 tháng, cho dù có hay không có điều trị. Trong khi đó, xuất huyết giảm tiểu cầu mạn tính sẽ kéo dài lâu hơn và có thể tồn tại suốt đời.

Tuy vậy, tình trạng mạn tính đôi lúc cũng không cần điều trị do còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Để đảm bảo an toàn, tốt hơn hết là bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những lựa chọn điều trị sau khi đã chẩn đoán.

9. Những triệu chứng nghiêm trọng nào cần phải theo dõi?

Những triệu chứng phổ biến của xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn bao gồm xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ hay tím, vết bầm tím và mệt mỏi. Tuy vậy, các triệu chứng trên thường chưa đe dọa đến tính mạng. Nếu thấy các dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên, bạn nên thông báo với bác sĩ để có biện pháp thay đổi kế hoạch điều trị hay làm các xét nghiệm để theo dõi.

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng hoặc chảy máu nào, hãy liên lạc ngay với bác sĩ:

  • Ớn lạnh
  • Sốt cao
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Đau ngực
  • Khó thở

dấu hiệu xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn là cực kỳ mệt mỏi

Nếu bạn bị chảy máu kéo dài mà không ngừng lại, hãy gọi 115 hoặc đến trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

10. Tiên lượng của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu như thế nào?

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia, hầu hết người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn mạn tính đã sống chung với tình trạng này lâu dài mà không có biến chứng lớn nào xảy ra. Một số trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu nhẹ chỉ xuất hiện tạm thời. Thế nhưng, cũng có những trường hợp nghiêm trọng và cần phải điều trị tích cực.

Dựa trên độ tuổi, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với điều trị mà bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng gần đúng nhất có thể. Mặc dù không có cách chữa trị hoàn toàn cho xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn nhưng các phương pháp điều trị kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát được tình trạng bệnh. Tuân theo kế hoạch điều trị là cách tốt nhất giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống ổn định.

 

 

Từ khóa » Suy Giảm Tiểu Cầu Vô Căn