10. Hỏi & đáp (Q & A) - Ngân Hàng Kiến Thức Trồng Mía
Có thể bạn quan tâm
1) Thế nào là một giống mía tốt?
Giống mía tốt chỉ là một khái niệm tương đối. Một giống mía có thể được xem là tốt ở nơi này nhưng lại không thích hợp ở nơi khác và ngược lại. Giống mía chịu hạn tốt chưa hẳn đã chịu được ngập úng, chua phèn. Lại có giống chín sớm, giống chín muộn. Giống có tỉ lệ đường cao nhưng năng suất nông nghiệp lại thấp và ngược lại. Hoặc là, có giống thích hợp với chế biến cơ giới nhưng lại không phù hợp với điều kiện chế biến thủ công,… Ở những quốc gia trồng mía trình độ cơ giới hóa cao, một giống mía tốt còn thể hiện ở đặc điểm có thỏa mãn những yêu cầu của việc sử dụng cơ giới trong canh tác hay không. Chính vì vậy người ta đã đi đến định nghĩa: Trong từng trường hợp cụ thể của một vùng sinh thái, ở một trình độ sản xuất và chế biến nhất định, một giống mía nào đó cho năng suất cao, phẩm chất tốt (nhiều đường) và thích hợp với những điều kiện sản xuất và chế biến thì đó là giống mía tốt và ngược lại
2) Ý nghĩa kinh tế của cơ cấu giống mía sản xuất như thế nào?
Trong thực tế của đời sống, rất khó có thể chọn được một giống mía gọi là lý tưởng, thỏa mãn tất cả những yêu cầu của con người. Thông thường một giống mía có ưu điểm này thì lại mắc nhược điểm khác. Cây mía là nguyên liệu để chế biến đường, hiệu quả kinh tế của mỗi xí nghiệp công nghiệp được tính bằng hiệu suất tổng thu hồi và thời gian của mùa chế biến (dài hay ngắn). Chính vì vậy, với sản xuất các giống mía bao giờ cũng được bố trí thành một cơ cấu để bổ sung cho nhau những ưu điểm và hạn chế nhược điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất và chế biến. Một cơ cấu giống sản xuất hợp lý ở một vùng sinh thái cụ thể tối thiểu cũng phải có từ 3 đến 5 giống mía bao gồm: giống chín sớm, giống chín muộn, giống giàu đường, giống có năng suất nông nghiệp cao,... và thích hợp với các điều kiện mùa vụ sản xuất, chế biến của vùng sao cho đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu chất lượng và rải vụ chế biến.
3) Tiêu chuẩn chung cho một giống mía sản xuất là gì?
Tuyển chọn giống mía tốt cho sản xuất là một việc làm thường xuyên liên tục nhằm tuyển chọn những giống mía mới tốt hơn, thích hợp hơn để thay thế giống mía cũ không còn thích hợp, hoặc bổ sung hoàn thiện cơ cấu giống mía sản xuất đã có, nâng cao không ngừng hiệu quả của sản xuất và chế biến. Dưới đây là tiêu chuẩn chung cho một giống mía sản xuất:
- Năng suất nông nghiệp cao (chú ý giống mía có tốc độ sinh trưởng nhanh).
- Tỉ lệ đường trên mía cao (chú ý giống mía chín sớm hoặc giống có tỉ lệ đường cao ở đầu vụ chế biến).
- Khả năng để lại gốc tốt (tái sinh mạnh).
- Kháng sâu bệnh (các loại sâu, bênh hại quan trọng).
- Thích hợp với điều kiện sinh thái của vùng sản xuất (đất cao, đất thấp, phèn, mặn,...).
- Thích hợp với điều kiện chế biến công nghiệp (cơ giới, bán cơ giới hoặc thủ công,...).
- Không hoặc ít ra hoa.
- Và một số yêu cầu khác.
4) Có thể quan sát đặc điểm hình thái để nhận biết về khả năng tốt, xấu của một giống mía sản xuất hay không?
Đặc điểm hình thái là những dáng nét bên ngoài của cây mía (của một giống mía), người ta có thể quan sát được bằng mắt như: kiểu mọc của cây mía con, màu sắc, hình dạng của dóng mía, mắt mầm, xu thế phát triển của cây mía, bụi mía, số lượng lá và kiểu sắp xếp của bộ lá xanh,... Bằng những kinh nghiệm quan sát thực tế người ta đã rút ra được những nhận xét tốt, xấu về các giống mía khá chính xác. Dưới đây là một vài ví dụ:
- Quan sát ruộng mía thời kỳ đầu sinh trưởng (mía mọc mầm và đẻ nhánh), những cây mía con đâm ngã, đâm xiên về các hướng là giống mía mọc khỏe.
- Xu thế phát triển của bụi mía xum xuê, nhiều cây là giống mía cao sản.
- Xu thế cây làm dóng và tốc độ ra lá nhanh là giống mía có năng suất nông nghiệp cao (giống cao sản).
- Bộ lá phát triển xum xuê và các lá sắp xếp theo chiều xiên có chỉ số quang hợp cao nhất.
- Giống mía có đai sinh trưởng hẹp chống đổ, gãy tốt.
- Giống mía có mắt mầm lồi ra ngoài mọc nhanh hơn nhưng cũng dễ mọc mầm trên thân hơn.
- Giống mía có bộ rễ ăn sâu phát triển khả năng chịu hạn tốt hơn
5) Những ưu điểm và hạn chế của việc nhập giống mía từ nước ngoài?
Đối với mỗi quốc gia trồng mía, cải thiện giống mía sản xuất là một việc làm thường xuyên mang tính chiến lược lâu dài. Bên cạnh việc lai tạo tìm ra những giống mía tốt trong nước người ta cũng rất chú trọng tới việc nhập các giống mía từ nuớc ngoài. Ưu điểm của việc nhập giống mía là:
- Thừa kế được những thành tựu khoa học thế giới về lĩnh vực cây trồng.
- Làm phong phú thêm nguồn tư liệu trong nước (mẫu giống mới) để phục vụ cho công tác nghiên cứu lâu dài.
- Tuyển chọn nhanh những giống mía sản xuất, giảm được thời gian và chi phí nghiên cứu.
- Tuy nhiên, việc nhập nội giống mía cũng có một số hạn chế dưới đây:
- Với những giống mía nhập chỉ có thể lợi dụng được những đặc tính có sẵn mà không tạo ra những đặc tính mới cần thiết.
- Một giống mía được coi là rất tốt của nước ngoài nhưng chưa hẳn đã thích hợp với các điều kiện sinh tháI và sán xuất của nước ta.
Trong quá trình nhập giống, nếu công tác kiểm dịch thực vật làm không tốt sẽ có thể nhập thep vào ruộng mía những sâu, bệnh gây hại nguy hiễm thì hậu quả của nó khó mà lường hết được
6) Sự ra hoa của cây mía có ảnh hưởng gì đối với năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía?
Khi ruộng mía đạt đến độ phát triển toàn diện về mật độ cây, chiều cao, độ lớn và độ chín thì sự ra hoa không ảnh hưởng gì lớn đối với năng suất và hàm lượng đường trên cây mía, nếu ruộng mía được thu hoạch đúng lúc, đúng thời vụ. Tuy nhiên, khi trồng giống mía có đặc tính ra hoa cần chú ý một số điểm dưới đây:
- Đối với giống mía ra hoa sớm không nên trồng vào vụ đầu mưa (ở Nam bộ) vì thời gian quá ngắn chưa đủ để cây mía đạt độ lớn cần thiết đã ra hoa, năng suất mía cây sẽ thấp.
- Trong thời gian mía đang phát triển hoa, đường trên mía giảm do một phần chuyển hóa nuôi hoa, do đó không nên đốn chặt mía vào lúc này làm nguyên liệu chế biến mà phải chờ cho tới khi bông mía chín (rũ cờ), đường trên mía đạt mức tối đa (đạt độ chín sinh lý) thu hoạch là tốt nhất. Cũng không nên để mía đã rũ cờ quá lâu trên đồng ruộng vì đường trên mía sẽ giảm dần theo thời gian về sau.
Để khắc phục nhược điểm năng suất thấp đối với giống mía ra hoa sớm người ta bố trí trồng vào thời vụ cuối mưa (hay vụ thu đông) và sẽ thu hoạch vào đầu mùa chế biến của năm sau ruộng mía sẽ đạt năng suất mía cây và hàm lượng đường mong muốn.
7) Nhân giống mía bằng hom ngọn và nhân giống mía bằng hom thân có gì khác nhau?
Mía là cây trồng nhân bằng hom (nhân vô tính). Hom mía trồng xuống đất các cây mía con sẽ mọc lên từ những mắt mầm và phát triển. Do đó, nhân giống mía bằng hom ngọn (các dóng mía non ớ phần trên) hay hom thân (các dóng mía bánh tẻ ở phần dưới kế tiếp) nếu mắt mầm còn non, tốt đều mọc như nhau.
Trước đây, khi sản xuất còn ít bà con nông dân thường sử dụng phần ngọn mía để làm hom giống trồng. Cách này có lợi là tận dụng được phần ngọn chứa ít đường để làm hom giống (trong thực tế những mắt mầm ở phần ngọn thường mọc nhanh hơn các mắt mầm ở phần thân phía dưới) còn phần thân phía dưới chứa nhiều đường sử dụng làm nguyên liệu. Song cách làm này hệ số nhân rất thấp, thường thu hoạch một diện tích chỉ trồng được một diện tích mới (hệ số nhân bằng một) nên khi muống trồng tăng diện tích hom giống sẽ bị thiếu. Vì vậy để có đủ hom giống cho việc mở rộng diện tích trồng người ta phải lấy thêm phần thân phía dưới gọi là hom hai hoặc hom ba cho đủ. Hiện nay sản xuất mía ngày càng được mở rộng, diện tích trồng mía mỗi năm là rất lớn, để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng hom giống trồng theo kế hoạch người ta thực hiện việc làm ruộng giống riêng để cung cấp hom giống cho sản xuất.
8) Trồng mía bằng mắt mầm có những ưu điểm và nhược điểm gì?
Mắt mầm chính là bộ phận sinh sản vô tính của cây mía. Người ta trồng mía bằng hom nhưng thực chất là trồng bằng mắt mầm. Mỗi hom có 2 - 3 mắt mầm. Nhờ hom mía bảo vệ, mắt mầm không bị sâu bệnh hoặc côn trùng trong đất tấn công trực tiếp và cũng nhờ chất dinh dưỡng, nước dự trữ ở trong hom mía mà mắt mầm hoàn thành được chức năng sinh lý ban đầu là mọc thành cây non để rồi phát triển.
Do trồng mía bằng hom nên mỗi hecta mía trồng mới phải tốn từ 8 đến 10 tấn mía. Vì vậy người ta đã nghĩ đến việc tận dụng lượng mía này bằng cách tách mầm mía ra khỏi thân ươm vào bầu, khi mầm mọc thành cây đem trồng, còn phần thân mía sử dụng làm nguyên liệu chế biến. Cách làm này có ưu điểm là:
- Tận dụng được phần thân mía 8-10 tấn làm nguyên liệu
- Chọn được số mầm tốt để trồng.
- Số lượng mắt mầm trồng giảm chỉ bằng một phần ba trồng bằng hom.
- Giữ, bảo quản giống cho vụ trồng mới trong điều kiện ở những nơi khó khăn không bảo quản được cây giống trên đồng ruộng.
Tuy nhiên, tách mắt mầm trồng trong bầu đất là một công việc hết sức tỉ mỉ, đòi hỏi phải có kỹ thuật và công cụ chuyên dùng để khi tách mầm ra khỏi thân mía mắt mầm không bị tổn thương và mọc tốt.
Do tách mắt mầm ra khỏi thân mía nên dễ bị sâu bệnh tấn công trực tiếp và lượng dinh dưỡng dự trữ không có nên phải bón phân ngay từ đầu để giúp cho cây mầm phát triển.
Cách làm này cũng cần nhiều lao động và chi phí tài chính. Do đó khi áp dung phương pháp tách mầm cần cân nhắc tính toán sao cho có lợi nhất
9) Nhân giống mía bằng phương pháp cấy mô đơn bội có những ưu và nhược điểm gì?
Từ hơn hai thập niên trở lại đây nhiều quốc gia trồng mía trên thế giới đã sử dụng phương pháp cấy mô đơn bội để nhân giống mía. Tức là lấy một mảnh mía ở một bộ phận nào đó của cây mía (giống mía) định nhân, chẳng hạn điểm sinh trưởng hoặc phần bẹ non của lá,… đưa vào môi trường tạo mô sẹo. Rồi từ mô sẹo đã phát triển chuyển qua môi trường tạo cây (đều thực hiện trong phòng thí nghiệm). Khi mía đã thành cây chuyển dần ra ngoài và cuối cùng trồng trên đồng ruộng trong điều kiện môi trường tự nhiên.
Ưu điểm của phương pháp cấy mô đơn bội là hệ số nhân cao. Chỉ cần một lượng vật liệu ban đầu rất nhỏ nhưng sau một thời gian ngắn có thể tạo ra hàng vạn cây con. Lợi dụng ưu thế này người ta đã áp dụng để nhân nhanh các giống mía mới đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Người ta cũng dùng phương pháp cấy mô đơn bội để phục tráng các giống mía cũ và làm sạch mầm bệnh ở những guống mía bị nhiễm v.v…
Bên cạnh những ưu điểm trên, nhân giống mía bằng cấy mô đơn bội cũng có một số nhược điểm cần lưu ý:
- Về nguên lý, cấy mô đơn bội là một phương pháp nhân giống vô tính, tuy nhiên trên thực tế các cây mía con được tạo ra từ trong ống nghiệm không phải 100% mang đầy đủ những đặc tính bản chất của vật liệu khởi đầu mà có một tỉ lệ nhất định đã bị biến dị trong môi trường nhân tạo chuyển thành những dòng mía mới (người ta gọi là những dòng phụ - subclon). Chính vì thế, sau khi các cây con từ trong ống nghiệm trồng ra ngoài đồng ruộng cần phải có sự chọn lọc lại để loại bỏ những cây xấu, kém không phải là giống vật liệu gốc định nhân trước khi sử dụng hom của các dòng phụ này nhân tiếp phổ biến vào sản xuất.
- Nhân giống bằng nuôi cấy mô đơn bội phải có phòng thí nghiệm và những trang thiết bị chuyên dùng cần tiết cùng với một lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật được đào tạo chu đáo.
- Giá thành cây con giống lấy từ ống nghiệm thường cao hơn rất nhiều so với nhân giống bằng hom thông thường.
10) Những giống mía đang trồng phổ biến ở các vùng mía của nước ta và đặc điểm chủ yếu của những giống mía đó?
Giống mía đường đang trồng phổ biến ở các vùng mía ở nước ta hiện nay phải kể tới vài ba chục, chủ yếu là giống mía nhập nội có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới. Từ 1986 – 2012, Viện Nghiên cứu Mía đường đã lần lượt kết luận đưa vào sản xuất 48 giống mía mới. Đặc biệt trong số đó có 10 giống do Viện tự lai tạo mang kí hiệu VN.
Thông tin chi tiết về các giống mía đã được nghiên cứu, kết luận tại đây
11) Chuẩn bị đất trồng mía như thế nào?
Mía là cây trồng hàng năm nhưng chu kỳ kinh tế của ruộng mía lại kéo dài vài ba năm thậm chí năm bảy năm (một vụ tơ + các vụ gốc). Chuẩn bị kỹ và đúng yêu cầu kỹ thuật đất trồng, một mặt sẽ giúp cho mầm mọc nhanh, tỉ lệ mọc cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt đạt năng suất mong muốn, mặt khác còn giúp cho công việc của các bước tiếp theo tiến hành được thuận lợi, nhất là các công việc xử lý, chăm sóc các vụ mía gốc kế sau đó. Mục đích cụ thể của các khâu chuẩn bị đất là:
- Cho phép nước thấm nhanh và giữ ẩm tốt nhằm luôn luôn duy trì một độ ẩm trong đất cần thiết cho quá trình mọc mầm, đẻ nhánh và làm dóng vươn cao của cây mía. Nhất là ở những vùng đất cao, thời gian khô hạn kéo dài không có điều kiện tưới nước, làm đất kỹ sẽ có tác dụng hạn chế sự thiệt hại do khô hạn gây ra.
- Tạo điều kiện cho bộ rễ của mía mọc sâu và lan rộng trong đất hút nước và hấp thụ dinh dưỡng. Một khi đất chuẩn bị không kỹ sẽ cản trở sự phát triển của bộ rễ, làm giảm khả năng hút nước, hấp thu dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến năng suất mía không chỉ vụ tơ mà còn đến cả các vụ mía gốc tiếp theo.
- Đất chuẩn bị kỹ, đúng kỹ thuật còn có tác dụng ngăn cản quá trình rửa trôi, xói mòn đất, nhất là ở những vùng đất có độ dốc và lượng mưa lớn tập trung vào một số thời điểm nhất định.
- Tạo thuận lợi cho các khâu công việc tiếp theo như bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... và xử lý, chăm sóc mía gốc ở các năm sau trong suốt cả chu kỳ sản xuất.
12) Các phương pháp chuẩn bị đất trồng mía như thế nào?
Chuẩn bị đất trồng mía có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp tùy thuộc vào tập quán canh tác, trình độ thâm canh và đặc điểm sinh thái của mỗi vùng cụ thể. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng:
- Phương pháp truyền thống: Phương pháp này là dựa trên nguyên tắc quy định về thời gian từ lần cày vỡ đầu tiên đến khi trồng (đặt hom mía) và số lần cày, bừa thực hiện với các loại công cụ, máy móc nào đó. Đặc điểm của phương pháp này là đất chuẩn bị từ từ với thời gian tương đối dài đảm bảo điều kiện tốt cho đất tơi hả và phân giải các chất hữu cơ như cỏ dại, thân lá, gốc rễ còn ở trên đồng ruộng. Thông thường cách làm này thời gian kéo dài trong khoảng 45 – 60 ngày.
- Phương pháp đặc biệt: Sự khác biệt của phương pháp này với các phương pháp khác là ở chỗ độ sâu cày cần thiết phải đạt ngay từ lần cày đầu tiên và thời gian bắt đầu làm đất cho tới lúc trồng mía chỉ bằng phân nửa thời gian của phương pháp trên. Ưu điểm của phương pháp này có lẽ thời gian chuẩn bị đất ngắn, nhất là vào những thời vụ không cho phép kéo dài thời gian thì cách làm này phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thực hiện trong điều kiện với những loại đất tốt, thuần thục, tơi xốp, đủ ẩm và ít cỏ dại rác lá; đồng thời phải có các máy động lực và canh tác chuyên dùng thích hợp.
- Phương pháp chăm sóc tối thiểu: Phương pháp này dựa trên nguyên tắc sử dụng ờ mức thấp các loại máy móc, công cụ cơ giới trên đồng mía nhằm mục đích giảm độ nén đất và sự xáo trộn những đặc điểm vật lý, hoá học thuỷ văn và vi sinh vốn có của đất. Có lẽ phương pháp này chỉ có ý nghĩa đối với các quốc gia trồng mía có trình độ cơ giới hoá cao, tới mức cần phải hạn chế sự tác hại ngược trở lại của máy móc, còn đối với những nơi sử dụng trình độ cơ giới trong canh tác mía còn thấp hoặc chưa đáng kể như chúng ta thì không có vấn đề ném đất hoặc làm xáo trộn lớn đến những đặc tính của đất.
Ngoài các phương pháp nêu trên còn có một số phương pháp chuẩn bị đất khác dựa vào tập quán canh tác hay đặc điểm riêng của vùng sinh thái như: lên liếp để nâng cao bề mặt của đất trồng mía (vùng đất thấp Tây Nam bộ); trồng dưới rãnh sâu... áp dụng ở những vùng có nhiều gió bão; trồng mía hốc (mía vườn)...
13) Những yêu cầu của khâu kỹ thuật chuẩn bị đất là gì?
Những yêu cầu kỹ thuật của khâu chuẩn bị đất trồng là:
- Đất phải được chuẩn bị kỹ, bằng phẳng, tơi xốp, sạch cỏ và đủ ẩm.
- Phải cày 2 – 3 lần. Hướng cày lần sau phải vuông góc với hướng cày lần trước để tránh lỏi và đạt độ sâu cần thiết. Độ sâu cày bằng máy phải đạt 25 – 30 cm. Độ sâu cày trâu bò 15 – 20 cm.
- Sau mỗi lần cày là một lần bừa. Tuỳ theo tình trạng cụ thể của đất mà số lần bừa có thể tăng lên, sao cho đạt yêu cầu về chất lượng là: loại đường kính viên dưới 3 cm chiếm 80%, loại đường kính viên dưới 5 cm chiếm 20% và không có đất to đường kính viên trên 5 cm.
- Thời gian (khoảng cách) giữa các lần cày, bừa tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của đồng ruộng và mùa vụ cụ thể mà xác định. Thông thường theo phương pháp truyền thống, thời gian từ lúc cày vỡ cho đến lúc đặt hom trồng kéo dài khoảng 45 – 60 ngày. Trong trường hợp ở những nơi đất thụôc, đất nhẹ hoặc đất luân canh với các cây họ đậu, đất trồng rau sạch chuyển qua,... thời gian có thể rút ngắn lại và số lần cày bừa thực tế vẫn có thể giảm so với yêu cầu chung.
14) Đối với đất mía phá gốc trồng lại, khâu chuẩn bị đất phải chú ý những điểm gì?
Đối với đất mía phá gốc trồng lại, việc làm đầu tiên là cày hoặc cuốc bỏ các gốc cũ, để các gốc củ không còn sót lại khi cày phá phải cày vuông góc với hàng mía cũ. Trong trường hợp ruộng mía phá gốc để lâu năm có nhiều lá rác, sâu bệnh, cỏ dại,... có thể cho đốt trước khi cày phá. Sau khi cày hoặc cuốc phá gốc xong cần để một thời gian cho đất hả, các gốc mía cũ khô, chết hoàn toàn.Thời gian này kéo dài khoảng 2 – 3 tuần lễ (cũng có thể kéo dài hơn hoặc rút ngắn lại tuỳ thuộc hiện trạng thực tế của đồng ruộng), kế sau đó là những công việc chung của khâu chuẩn bị đất trồng mới.
Riêng một số khu vực thuộc Tây Nam bộ bị lũ ngập nên mía phải trồng lại hàng năm. Bà con nông ở đây có tập quán khi nước rút hết (khoảng tháng 12) hom mía được trồng vào rãnh giữa hai hàng gốc cũ. Khi mía mọc mầm, đẻ nhánh các hàng gốc cũ được phá bỏ và vun dần vào luống mía mới. Cứ như vậy, các hàng mía được luân phiên trồng lại mỗi năm và trên các hàng gốc cũ được bà con trồng xen cây đậu xanh thu hoạch còn trái còn thân lá đậu vùi vào rãnh mía làm phân bón
15) Tầm quan trọng của thời vụ trồng mía như thế nào?
Tục ngữ xưa nói về kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp có câu “nhất thì nhì thục”. Chữ “thì” ở đây chính là thời vụ. Đối với sản xuất cây mía, thời vụ là một biện pháp kỹ thuật rất quan trọng. Bố trí đúng thời vụ trồng với từng giống mía cụ thể sẽ góp phần:
- Nâng cao năng suất và hàm lượng đường trên mía.
- Kéo dài thời vụ chế biến đường ở các nhà máy.
- Tránh được tình trạng lao động khẩn trương trong các mùa vụ tập trung.
- Khắc phục được một số nhược điểm của giống (như nhược điểm ra hoa sớm.v.v...)
16) Thời vụ trồng mía ở các tỉnh miền Bắc?
Thời vụ trồng mía ở các tỉnh miền Bắc từ trước tới nay đều tập trung vào vụ Đông Xuân. Tức là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thường kết thúc trong tháng 2. Mía thu hoạch 10 – 12 tháng tuổi. Ở thời vụ này cần chú ý tránh tháng rét nhất không nên trồng (thường là tháng giêng) vì nhiệt độ xuống thấp mía mọc chậm và kém.
Bên cạnh vụ trồng Đông – Xuân, ở miền Bắc nhiều nơi cũng đã bắt đầu trồng mía vụ Thu, mía trồng vào tháng 9 và thu hoạch ở tháng 13 đến 15 tháng tuổi. Ưu điểm của vụ trồng này là thời gian mía sinh trưởng dài nên năng suất nông nghiệp cao, trung bình có thể đạt 80 đến trên 100 tấn mía cây/ha. Hạn chế chủ yếu của vụ mía Thu là phải chuẩn bị đất trồng vào thời điểm mùa mưa và trước mùa thu hoạch gặp năm có nhiều gió bão cây dễ bị đỗ gãy. Vì vậy, mía trồng vụ thu cần chọn giống cây cứng, mọc thẳng, chống chịu gió bão tốt và khi vun mía cần chú ý lấp đất kín cổ gốc, nén chặt để hạn chế cây đổ ngã.
17) Thời vụ trồng mía ở vùng Đông Nam Bộ?
Đông Nam Bộ là vùng đất cao, hàng năm có 6 tháng mưa, 6 tháng khô. Trong điều kiện chưa giải quyết được nguồn nước tưới vào các tháng mùa khô, thời vụ trồng mía ở đây được áp dụng là:
- Trồng đầu mưa: từ 15/4 đến 16/6. Mía thu hoạch 10 – 12 tháng tuổi. Ưu điểm của thời vụ này là khi trồng đất đủ ẩm, mầm mọc và đẻ nhánh nhanh, sinh trưởng và phát triển thuận lợi, đảm bảo chắc chắn cho mùa thu hoạch. Tuy nhiên, ở những nơi trồng không có tưới nước, cây mía chỉ sống nhờ nước trời nên thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn năng suất mía cây không cao. Chính vì vậy vụ trồng đầu mưa cần chọn giống có tốc độ sinh trưởng nhanh và không hoặc ra hoa ít để có thể đạt năng suất mía cây mong muốn.
- Trồng cuối mưa: Từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 (kết thúc mùa mưa) , mía thu hoạch 12 – 15 tháng tuổi. Ưu điểm của thời vụ trồng này là thời gian mía sinh trưởng dài hơn nên năng suất công nghiệp cao hơn. Nếu có tưới vào các tháng mùa khô thì năng suất mía vụ trồng cuối mưa sẽ đạt rất cao. Trồng vụ cuối mưa sẽ khắc phục được nhược điểm ra hoa của một số giống mía và đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu có tỉ lệ đường cao ở đầu mùa chế biến của các nhà máy đường. Mía trồng vụ cuối mưa cần chọn giống chịu hạn tốt và chú ý thời điểm khi trồng sau cho lúc ngưng mưa chuyển qua mùa khô ruộng mía đã kết thúc thời kỳ mọc mầm chuyển sang đẻ nhánh (ở thời kỳ đẻ nhánh cây mía chịu hạn tốt nhất).
- Trồng vụ xuân: Từ tháng 12 đến tháng 2 khi mùa mưa đã dứt. Thời vụ trồng này thường được bà con áp dụng ở những nơi đất thấp, giữ ẩm tốt hoặc có điều kiện tưới nước vào các tháng mùa khô. Yêu cầu của vụ trồng này là chuẩn bị đất kỹ (cày sâu, đất tơi, nhỏ).
18) Thời vụ trồng mía ở vùng Tây Nam Bộ?
Vùng mía Tây Nam bộ là vùng đất thấp trồng mía phải lên liếp, đất chua phèn hoặc nhiễm mặn. Tháng 9, 10 hàng năm ở một số địa phương thường bị lũ ngập. Vì vậy trồng mía đây cũng chịu sự chi phối của các đặc điểm trên.
Với vùng đất lên liếp: thời vụ trồng mía chính là đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 6. Mía thu hoạch 10 – 12 tháng tuổi. Vụ trồng cuối mưa ở đây chưa thành phổ biến. Bà con nông dân cho rằng ở vùng đất lên liếp trồng thời vụ cuối mưa khi chuyển qua mùa khô bốc phèn sẽ làm mía chết. Theo chúng tôi, vụ trồng cuối mưa có những ưu điểm như: kéo dài thời gian sinh trưởng của mía làm cho năng suất và tỉ lệ đường trên mía cao hơn, Khắc phục được nhược điểm ra hoa của giống và mùa lũ hàng năm... Do đó cần nghiên cứu đưa thời vụ này vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây mía. Vấn đề cần lưu ý ở thời vụ trồng cuối mưa là sự điều tiết nước trong các mương liếp vào mùa khô để hạn chế sự bốc phèn. Những nơi có điều kiện tưới và giữ nước ngọt ở các mương liếp trong mùa khô thì trồng cuối mưa là một thời vụ mang lại hiệu quả cao cho sản xuất.
Với vùng đất bị ngập lũ hàng năm: Đất trồng mía không lên liếp mà chỉ làm mương nhỏ xung quanh ruộng để tưới và tiêu nước khi cần và mía phá gốc trồng lại sau mỗi vụ thu hoạch. Thời vụ trồng mía ở đây từ cuối tháng 11 đến tháng giêng năm sau. Mía thu hoạch 8 đến 10 tháng tuổi. Đối với vùng đất này cần chọn giống mía chín sớm hoặc có tỉ lệ đường cao đầu vụ chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất.
19) Thời vụ trồng mía ở vùng duyên hải miền Trung?
Vùng mía duyên hải miền trung bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Tỉnh Bình Thuận đặc điểm khí hậu gần với khí hậu Đông Nam Bộ. Tỉnh Ninh Thuận thời gian nắng kéo dài 7 – 8 tháng.
Thời vụ trồng mía ở vùng duyên hải Miền Trung từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Cũng có thể kéo dài tới tháng 4, 5 ở những chân đất thấp giữ ẩm tốt hoặc có điều kiện tưới nước.
Đặc điểm mùa mưa ở các tỉnh duyên hải Miền Trung thường bắt đầu từ tháng 8,9 hàng năm, do vậy, theo chúng tôi, cần nghiên cứu đưa vụ trồng đầu mưa vào sản xuất (tháng 9,10,11), mía cây sẽ thu hoạch 13 đến 16 tháng tuổi. Ưu điểm của vụ trồng này là mía trồng xuống không bị khô hạn, mầm mọc nhanh, kéo dài được thời gian sinh trưởng, và khắc phục nhược điểm ra hoa sớm của một số giống mía, năng suất mía và hàm lượng đường trên mía sẽ cao hơn.
20) Chất lượng của hom giống trồng ảnh hưởng đến kết quả của ruộng mía sản xuất như thế nào?
Chất lượng của hom giống trồng giữ vai trò quyết định đối với kết quả ban đầu và là tiền đề cho các quá trình sinh trưởng và phát triển về sau của ruộng mía sản xuất. Chất lượng hom giống tốt, mầm sẽ mọc tốt, tập trung, hàng mía đủ cây không bị mất quãng tạo thuận lợi cho mía đẻ nhánh nhanh, gọn, đồng đều, đảm bảo mật độ cây cần thiết cho năng suất cao của ruộng mía.
21) Tiêu chuẩn chất lượng hom giống mía tốt bao gồm những chỉ tiêu nào?
Hom giống tốt bao gồm những chỉ tiêu dưới đây:
- Mắt mầm không quá non, không quá già (ở độ bánh tẻ) và không bị xây sát. Tức là lấy phần thân bên trên của cây mía (một phần hom ngọc và một phần hom thân). Thông thường ta lấy hom từ ruộng giống riêng hoặc chọn ruộng mía tốt 6 – 8 tháng tuổi, lấy phần thân mía trên và loại bỏ phần gốc già.
- Hom giống phải đạt độ lớn cần thiết (theo từng loại giống) để mầm có sức mọc tốt và mỗi hom mang từ 2 đến 3 mắt mầm tươi, nguyên vẹn.
- Không mang mầm mống của các loại sâu bệnh hại mía quan trọng.
- Hom giống phải thuần không được lẫn với các giống khác.
- Hom giống chuẩn bị tới đâu trồng ngay tới đó. Nhất thiết không dùng hom giống chặt để quá lâu trên đồng ruộng hoặc sân bãi.
22) Có nhất thiết phải ngâm, ủ hom giống mía trước khi trồng hay không?
Để đảm bảo chất lượng hom giống trồng sau khi chuẩn bị xong đem trồng ngay là tốt nhất. Giống càng tươi càng tốt, không nhất thiết phải cho héo hoặc ngâm ủ rồi mới trồng. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm hom giống càng để lâu trên mặt đất chất lượng càng kém. Hơn nữa, vận chuyển qua lại nhiều lần dễ làm cho mắt mầm bị xây sát hư hỏng lại tốn thêm chi phí, công sức.
Chỉ nên xử lý hoặc ngâm ủ hom giống trong những trường hợp sau:
- Giống mía có đặc tính mọc mầm chậm cần phải xử lý (hoặc ngâm ủ) tạo điều kiện giúp cho mầm mọc nhanh hơn.
- Ở nhũng vùng khí hậu lạnh (miền Bắc vào mùa rét) nhiệt độ thấp hom giống càng được ngâm ủ cho cương lên rồi đem trồng mầm sẽ mọc thuận lợi.
- Ở những vùng có mầm mống của những bệnh nấm hoặc vi khuẩn quan trọng, hom giống cần xử lý để loại trừ khả năng xâm nhập của mầm bệnh.
23) Cách ngâm ủ xử lý hom giống mía như thế nào?
Có nhiều cách ngâm ủ hoặc xử lý hom giống trước khi trồng. Dưới đây là một vài ví dụ cụ thể:
- Đối với giống mía mọc mầm chậm hoặc ở những vùng khí hậu lạnh: Mía giống chặt được bó thành từng bó cả cây ngâm trong nước sạch 24 – 48 giờ (tùy theo tình hình cụ thể của mỗi nơi). Sau đó vớt lên dựng đứng cả bó vào nơi kín, mất hai ba ngày. Chú ý: không được đặt các bó mía nằm ngang nhằm hạn chế không cho rễ hom đâm ra sớm. Khi quan sát thấy mắt mầm cương lên thì chặt thành từng hom đem trồng (loại bỏ các hom mang mắt mầm già, hỏng hoăc kém).
- Đối những nơi có mầm mống của các bệnh nấm hoặc vi khuẩn quan trọng: Hom giống có thể được xử lý bằng cách ngâm trong nước 520C trong khoảng 30 phút rồi sau đó đem trồng. Cũng có thể xử lý bằng cách ngâm hom giống trong nước vôi 2% trong vài giờ đồng hồ rồi sau đó vớt lên trồng.
24) Hom giống trồng người ta thường sử dụng loại mang 3 mắt mầm, vậy có gì khác nhau giữa hom 3 mắt mầm với hom hai mắt mầm và hom, một mắt mầm?
Mắt mầm là bộ phận sinh sản vô tính của cây mía. Mỗi mắt mầm là 1 cây mía non (cây mẹ) từ đó mía đẻ nhánh cấp 1, cấp 2 và tạo thành bụi. Các mắt mầm này hoàn toàn độc lập với nhau khi tách riêng ra thành từng hom mía đem trồng. Tuy nhiên, nếu để các mắt mầm cùng trên cây mía thì theo quy luật mầm trên (non) mọc trước, mầm giữa (bánh tẻ) mọc sau và mầm dưới (già) không mọc. Vì vậy khi trồng mía phải chặt ra thành từng hom và hom 1 mắt mầm mọc nhanh hơn hom 2 mắt mầm và hom 2 mắt mầm mọc nhanh hơn hom 3 mắt mầm. Sở dĩ trong sản xuất người ta sử dụng hom 3 mắt mầm là để đảm bảo độ an toàn cần thiết trong điều kiện sản xuất đại trà. Sử dụng hom 3 mắt mầm có thể mầm mọc chậm hơn một chút nhưng giảm khả năng xâm nhập của sâu bệnh, giảm khả năng tổn hại đến mắt mầm và tăng khả năng dự trữ nước và dinh dưỡng cho cây mầm ở gia đoạn đầu sinh trưởng. Theo chúng tôi, ở những nơi có điều kiện canh tác tốt (trình độ thâm canh cao) có thể trồng mía với hom một mắt hoặc 2 mắt mầm nhằm mục đích giảm lượng hom giống trồng (giảm chi phí) đồng thời giúp cho mầm mọc sớm, tập trung và tỉ lệ mọc cao hơn.
25) Số lượng hom giống mía cần trồng cho một hecta là bao nhiêu?
Số lượng hom giống mía cần để trồng cho một hecta tuỳ thuộc vào mật độ trồng, chất lượng hom giống và khoảng các hàng mía.
Về mật độ trồng: Người ta có thể trồng một hàng hom nối đuôi nhau, hai hàng hom từng đôi một, hai hàng hom đặt theo kiểu nanh sấu. Cũng có nơi người ta đặt xiên theo kiểu xương cá. Theo chúng tôi, nếu chất lượng hom giống tốt chỉ cần trồng một hàng hom nối đuôi nhau hoặc hai hàng hom đặt theo kiểu nanh sấu là được.
Dưới đây là số lượng hom giống trồng cho một hecta (hom đặt 2 hàng theo kiểu nanh sấu) tương ứng với khoảng cách trồng:
- Khoảng cách hàng mía trên 1,4m cần 28 – 30 ngàn hom.
- Khảng cách hàng mía 1,3 – 1,4m cần 30 – 32 ngàn hom.
- Khoảng cách hàng mía 1,0 – 1,2m cần 34 – 36 ngàn hom.
- Khoảng cách hàng mía dưới 1,0m cần 38 – 40 ngàn hom.
26) Sau khi rải hom giống, yêu cầu về lấp đất như thế nào để mầm mía mọc tốt?
Lấp đất là công việc cuối cùng của khâu trồng mía. Việc làm tuy đơn giản nhưng không kém phần quan trọng. Đôi khi chỉ vì chủ quan hoặc không nắm vững kỹ thuật, lấp đất không cẩn thận đã làm cho mầm chết ruộng mía mọc kém dẫn đến năng suất cuối cùng bị giảm. Không những thế còn ảnh hưởng xấu đến cả vụ mía gốc tiếp theo. Dưới đây là một số yêu cầu kỹ thuật lấp đất hom mía trồng:
- Đặt hom giống đến đâu lấp đất ngay đến đó, không được để phơi hom mía giống trên rãnh trồng.
- Đất lấp chỉ cần phủ kín hom mía với độ dày 3 – 5cm là được.
- Đối với khu vực đất cao, khô hạn hoặc trồng mía vào mùa nắng cũng không được lắp đất quá dày mà chỉ lắp đất vừa kín hom như đã hướng dẫn rồi dậm (nén) chặt trên mặt rãnh trồng để giúp cho hom mía tiếp xúc với đất, với các mao mạch dẫn, mầm không bị chết khô và mọc tốt.
- Đối với khu vực đất thấp, đất phèn không đặt hom mía quá sâu và khi lấp đất chỉ cần kín hom là được. Đất lấp quá dày mầm dễ bị úng thối không mọc.Trường hợp đất rãnh trồng bị sình bùn hoặc quá ướt,có thể đặt hom xuyên theo chiều gốc cắm xuống đất, ngọn hướng lên trên và lấp mỏng. Khi mầm mía mọc sẽ xuống đất dần trong quá trình thực hiện các công việc chăm sóc, bón phân và vun trồng cho mía.
27) Tại sao khi trồng mía phải giâm một số hom dự phòng ở hai đầu hàng?
Trong thực tế của sản xuất số mầm mía trồng thường chỉ mọc khoảng 40, 50 – 70% trở lại và số hom không mọc mầm nào cũng không phải là ít. Chính vì vậy, khi ruộng mía kết thúc giai đoạn mọc mầm, trên hàng mía nhiều đoạn bị trống đã không có mầm mọc. Nếu cứ để như thế ruộng mía sẽ thiếu cây, kết quả cuối cùng năng suất sẽ kém. Không những vụ tơ kém mà còn ảnh hưởng xấu đến cả vụ mía gốc năm sau. Mục đích của vụ giâm số hom dự phòng ở hai phía đầu hàng khi trồng là để có cây giậm vào những chỗ mất quãng trên hàng mía do mầm không mọc. Đây là một công việc đơn giản nhẹ nhàng không tốn kém nhiều nhưng hiệu quả lại rất cao, người trồng mía cần lưu ý thực hiện tốt.
28) Trong điều kiện sản xuất mía của ta hiện nay, trồng mía với khoảng cách hàng thế nào là phù hợp?
Khoảng cách hàng có mối quan hệ nghịch với mật độ cây, một trong hai yếu tố cấu thành năng suất nông nghiệp của ruộng mía. Khoảng cách hàng phù hợp ruộng mía sẽ đạt số cây và độ lớn của cây ở mức kinh tế nhất và cho năng suất tối đa. Nếu khoảng cách hàng quá rộng mật độ cây sẽ giảm và ngược lại. Khoảng cách hàng quá hẹp mật độ cây vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm cho độ lớn của cây nhỏ đi, năng suất của ruộng mía cũng sẽ không cao. Không những thế khoảng cách hàng quá hẹp sẽ trở ngại cho các công việc trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, nhất là ở vụ mía gốc. Trên thực tế, đối với mỗi giống mía, mỗi trình độ canh tác nhất định đều có một khoảng cách hàng phù hợp riêng. Cụ thể là:
- Canh tác bằng cơ giới (kể cả khâu thu hoạch),khoảng cách hàng phù hợp: 1,4–1,6m.
- Canh tác thủ công kết hợp với cơ giới, khoảng các hàng phù hợp: 1,2–1,3m.
- Trong điều kiện của ta, canh tác mía chủ yếu là thủ công có kết hợp với một số khâu công việc thực hiện bằng xe cơ giới như làm đất, rạch hàng, xới cỏ,... thì khoảng cách hàng cho năng suất cao nhất là 1,0 – 1,2m.
29) Tầm quan trọng của phân bón cho mía như thế nào?
Mía là cây trồng khả năng sinh khối lớn. Một hecta mía trong vòng một năm có thể cho khối lượng 70,80 đến trên 100 tấn mía cây, nên cây mía cần nhiều chất dinh dưỡng hơn các cây trồng khác. Ở mỗi thời kỳ sinh trưởng yêu cầu về dinh dưỡng đối với cây mía cũng khác nhau. Giai đoạn đầu sinh trưởng, thời kỳ mọc mầm cây mía non sống nhờ chất dinh dưỡng chứa trong hom mía. Sang thời kỳ đẻ nhánh, bộ rễ thứ sinh phát triển cây mía hút dinh dưỡng, nước từ đất và nhu cầu tăng dần lên. Thời kỳ mía giao lá, làm dóng, vươn cao là lúc cây cần nhiều dinh dưỡng. Đến giai đoạn mía chín tích luỹ đường, cây vẫn hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Các chất khoáng chứa trong mía với một tỉ lệ rất nhỏ nhưng lại giữ vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống của cây như các nguyên tố lượng lớn: N,P,K,Ca và các nguyên tố vi lượng,... các chất này một phần có sẵn trong đất, phần chủ yếu còn lại được cung cấp dưới các dạng phân bón: Phân hữu cơ, phân vô cơ, phân vi lượng, phân vi sinh,... Chính vì vậy, bón phân đầy đủ, cân đối và đúng lúc sẽ giúp cho mía sinh trưởng và phát triển tốt; làm tăng năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía, đồng thời còn giúp cho khâu chế luyện ở các nhà máy đường được thuận lợi (lắng trong, kết tinh),...
30) Tại sao trồng mía phải bón lót phân?
Trước khi rải hom mía người ta bón lót dưới rãnh trồng: Toàn bộ lượng phân hữu cơ, phân lân và một phần phân đạm, phân Kali; có thể cả phân vi lượng được trộn với phân hữu cơ. Việc bón lót khi trồng là nhằm giúp cho cây mía ở giai đoạn đầu sinh trưởng có đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Đối với phân hữu cơ, do tiêu hoá chậm nên cần có thời gian dài để phân giải thành chất dinh dưỡng nuôia cây. Song điều quan trọng ở đây là chất hữu cơ sẽ giữ ẩm, làm cho đất tươi xốp tạo điều kiện cho mầm mọc thuận lợi, nhất là mùa khô hạn. Phân lân cũng là loại tiêu hoá chậm, ít di động và cần được bón sâu để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Vì vậy bón lót dinh dưỡng khi trồng là một biện pháp kỹ thuật thâm canh quan trọng làm tăng năng suất và hàm lượng đường trên mía.Một ruộng mía không được bón phân lót mà chỉ bón thúc khi mía đã mọc và phát triển thì tác dụng và hiệu lực đạt rất thấp. Ở những đất có mối hoặc mầm mống của côn trùng và sâu hại khác cần lót thêm cả một ít thuốc trừ mối, trừ sâu như Basudin hoặc Furadan dạng hạt với lượng từ 20 – 25kg/ha. Các loại phân và thuốc được rải dưới rãnh trồng trước khi đặt hom mía. Tốt nhất là dùng thuốc cuốc trộn đều phân, thuốc với đất dưới đáy rãnh trồng sau đó mới rải hom mia
31) Các loại phân bón và tác dụng của chúng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây mía?
Phân bón cho mía cũng như các cây trồng khác gồm có: Phân hữu cơ, phân vô cơ (lượng lớn và vi lượng), phân vi sinh,... Lượng lớn bón của từng loại phân tuỳ thuộc độ màu mỡ cũa đất, mùa vụ, và yêu cầu về năng suất, chất lượng đạt của mỗi loại cây trồng. Dưới đây là tính chất và tác dụng của từng loại phân bón đối với cây mía:
- Phân hữu cơ: Bao gồm các loại phân chuồng (trâu, bò, heo, gà ...), phân rác phế thải chế biến, bùn lọc ở các nhà máy đường, phân xanh,...
- Tác dụng của phân hữu cơ là: một mặt cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, mặt khác (còn quan trọng hơn nhiều) cải thiện tính vật lý của đất, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, giữ ẩm tốt, nhờ vậy cây hấp thụ dinh dưỡng trong đất thuận lợi, cho năng suất mía cao hơn. Ở những đất nghèo chất hữu cơ dù có bón tăng lượng phân khoáng năng suất mía cũng không nâng cao lên được. Đó chính là hiện tượng bà con nông dân trồng mía quen vẫn gọi là “chai đất”.
- Đối với những đất trồng mía liên tục nhiều năm, đất nghèo hữu cơ, đất khô hạn, đất cát pha,... như các vùng đất đồi, đất trung du và Đông Nam bộ đều cần phải bón phân hữu cơ cho mía. Ngay cả đất trồng mía ở Tây Nam bộ có tỉ lệ mùn khá cao khá cũng vẫn phải nghĩ đến việc bón phân hữu cơ cho mía nhằm nâng cao không ngừng năng suất mía cây một cách ổn định là lâu dài.
- Thông thường phân hữu cơ bón lót khi trồng với lượng từ 10 – 20 tấn/ha. Trường hợp bón với không lớn (gấp nhiều lần lượng bón thông thường) thì rải đều trên mặt ruộng trước lần bừa cùng sau đó rạch hàng rải hom trồng. Đối với mía gốc, nếu bón phân hữu cơ phải cày xả xâu hai bên hàng mía, rải phân rồi cày lấp lại. Không bón phân hữu cơ lên trên hàng mía hay mặt ruộng.
Phân vô cơ: Gồm phân đạm, lân, kali và các vị lượng khác.
- Phân đạm (nitơ): Là loại phân bón giữ vai trò rất quan trọng không thể thiếu được trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mía. Tác dụng của phân đạm là giúp cho cây mọc khoẻ, đẻ nhánh nhiều. Ruộng mía được bón đủ đạm cây sinh trưởng và phát triển nhanh, bộ lá xanh tốt. Tính trung bình, để có một tấn mía, cây cần 1,25 kg N đối với mía tơ và sang vụ gốc lượng đạm cần tăng hơn 15 – 20% so với vụ tơ. Ở cây mía, nó có thể hấp thụ một lượng đạm rất lớn trong những tuần đầu của thời kỳ sinh trưởng. Lượng đạm này được dự trữ và cung cấp dần cho cây trong suốt quá trình phát triển về sau. Bón đạm thừa, mất cân đối với các nguyên tố khác (lân và kali) và bón muộn cây mía sẽ bị vóng, chứa nhiều nước, dễ bị nhiễm sâu bệnh, đổ ngã và hàm lượng đường sacarosa trên mía thấp, chất lượng nước mía ép kém.
- Phân lân (phốt pho): là một trong ba nguyên tố lớn chủ yếu tham gia các quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mía. Tác dụng chính của phân lân là giúp cho cây phát triển tốt bộ rễ, nhờ đó sự hấp thụ dinh dưỡng và nước được tốt hơn, khả năng chịu hạn được tăng lên, lân còn tác dụng làm cho cây đẻ nhánh nhiều, khoẻ, tốc độ vươn cao nhanh và giữ cân bằng giữa Đạm – Lân – Kali giúp cho cây phát triển cân đối giữa năng suất và chất lượng. Trong chế biến đường mía, cây mía được bón đầy đủ lân chế biến thuận lợi hơn và chất lượng đường tốt hơn. Thiếu lân bộ rễ cây phát triển kém, đẻ nhánh ít, thân lán nhỏ lại, cằn cỗi. Để có một tấn mía cây cần 0,46 kg P2O5. Tuy nhiên đất trồng mía của ta thường là đất nghèo lân, vì vậy, để đạt năng suất mía cao cần phải bón đủ lân cho ruộng mía.
- Phân kali (potat): là loại phân bón nguyên tố lớn mía cây nhiều nhất. Để tạo ra một tấn mía, cây cần khoảng 2.75 kg K2O. Tác dụng chính của kali là tham gia quá trình tổng hợp và tích luỹ đường. Bón đủ kali mía cứng cáp, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống đỗ ngã; và đặc biệt là làm tăng tỉ lệ đường trên mía đồng thời giúp cho mía chín sớm hơn. Đất thiếu kali sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía
32) Tác dụng của phân vi lượng đối với cây mía như thế nào?
Phân vi lượng gồn những nguyên tố hoá học như Magie (Mg), lưu huỳnh (S), sắt (Fe), Mangan (Mn), đồng (Cu), bo (B), kẽm (Zn), molipden (Mo),... Các nguyên tố hoá học này tham gia thành phần dinh dưỡng cây trồng với một lượng cây trồng rất nhỏ, đến mức người ta ít nghĩ đến vai trò vàv tác dụng của chúng, mặc trên thực tế các chất vi lượng là những tác nhân quan trọng tham gia vào các quá trình sinh lý, sinh hoá của cây trồng nói chung và cây mía nói riêng.
Sở dĩ trước đây người ta ít đề cập đến các nguyên tố vi lượng là vì, một mặt chúng tham gia thành phần dinh dưỡng với một lượng rất nhỏ, mặt khác trong đất cũng đã sẵn có đáp ứng yêu cầu của cây trồng. Nhưng rồi qua quá trình canh tác, hàm lượng các chất vi lượng trong đất cạn kiệt dần lại không được bổ sung thường xuyên dưới dạng phân bón dần dần trở nên thiếu hụt ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đã có những nghiên cứu về các chất vi lượng trong đất và người ta chứng minh rằng, khi bón bổ sung các chất vi lượng năng suất và chất lượng cây mía tăng lên rõ rệt. Từ những kết quả nghiên cứu ấy, một số chế phẩm phân bón có chứa các chất vi lượng đã ra đời đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng đất cho cây mía.
Chất vi lượng thường được phối hợp dưới hình thức một loại phân bón hỗn hợp nào đấy có thể ở dạng khô sử dụng để bón lót hoặc bón thúc, cũng có thể dạng dung dịch phun vào lá.
33) Tác dụng của việc bón vôi cho đất trồng mía là gì?
Không chỉ riêng đất trồng mía mà cả những cây trồng khác trồng trên đất có độ pH thấp (đất chua) đều phải bón vôi (trừ loại cây trồng thích hợp) với đất chua). Tác dụng chính của vôi là khử chua, làm tăng độ pH trong đất, giúp cho mía hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. Mặt khác vôi còn có tác dụng cải thiện đặc tính vật lý của đất, làm cho các hoạt động của vi sinh vật trong đất và phân giải các chất hữu cơ đượt tốt hơn.
Đất trồng mía ở các vùng của nước ta hầu hết là đất chua, độ pH trong khoảng 4 – 5, thậm chí có nơi dưới 4. Do đó bón vôi khử chua ở những đất này là hết sức cần thiết nhằm nâng độ pH lên ngưỡng thích hợp với yêu cầu sinh lý của cây trồng. Tuy nhiên, việc bón vôi nâng cao độ pH trong đất không đơn giản cần phải phân tích đất và xác định cách bón hợp lý. Thông thường ở những đất có độ pH trong khoảng 4 – 5, bón từ 500 – 1.000kg bột vôi nung (CaO)/ha và nếu là bột đá nghiền (CaCO3) thì bón với lượng cao hơn. Bón liên tục trong vài vụ cho tới khi đạt độ pH thích hợp. Không nên bón cùng một lúc với một lượng vôi lớn. Cách bón phổ biến là rải đều vôi trên mặt ruộng trước lần bừa cuối cùng trong khâu chuẩn bị đất. Cũng có thể dùng vôi bột ủ chung với chất hữu cơ hoặc phân chuồng sau đó cho mía dưới dạng phân lót khi trồng cũng rất tốt.
34) Phân vi sinh là gì, tác dụng đối với cây mía như thế nào?
Nguồn dinh dưỡng đất, bên cạnh các chất hữu cơ, các loại muối khoáng (đa lượng và vi lượng) còn có sự hoạt động của các vi sinh vật trong đất. Chính nhờ những hoạt động của các vi sinh vật đã làm phân giải nhanh chóng các chất hữu cơ trong đất, các chất phế thải của đồng ruộng,các xác côn trùng, động vật bị chết... thành các chất dinh dưỡng mà bộ rễ có thể hấp thu để nuôi cây. Nguồn dinh dưỡng được tạo ra từ các hoạt động của vi sinh vật ở trong đất là rất lớn và không thể thiếu được đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Dựa vào đặc tính hoạt động và khả năn sinh khối rất lớn của các vi sinh vật trong đất, người ta đã tiến hành phân lập, nuôi cấy và sản xuất nhân tạo các sinh vật này trong phòng thí nghiệm rồi đưa trở lại đồng ruộng dưới dạng chế phẩm phân bón mang các chủng vi sinh vật hoạt động phân giải chất hữu cơ gọi là phân vi sinh.
Bón phân vi sinh tức là làm tăng lượng vo sinh trong đất tạo điều kiện cho các hoạt độtg phân giải chất hữu cơ trong đất nhanh hơn, mạnh hơn và cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây trồng nhiều hơn so với bình thường không bón.
Xét về mặt nguyên lý thì phân vi sinh là một dạng phân hữu cơ sử dụng bón cho cây rrồng rất tốt trong đó có cây mía. Tuy nhiên, trên hiện trường hiện nay người ta quảng các rất nhiều loại phân vi sinh. Vì vậy, để tránh sự nhầm lẫn, trước khi sử dụng loại nào cần phải được thử nghiệm một cách đầy đủ với cây trồng trên thực tế đồng ruộng
35) Tầm quan trọng của việc trừ cỏ dại cho mía như thế nào?
Đề nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc trừ cỏ dại, chăm sóc bảo vệ cây trồng, tục ngữ xưa đã có câu “công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Cỏ dại không chỉ cạnh tranh ánh sáng, nước, dinh dưỡng với cây trồng mà còn là ký chủ, nơi ẩn náu của các bệnh nấm, vi khuẩn virus và nhiều loại sâu bọ, côn trùng gây hại. Cỏ dại còn gây trở ngại cho các công việc chăm sóc khác, thu hoạch sản phẩm và ảnh hưởng xấu đến cả chất lượng của sản phẩm.
Trên đồng ruộng mía thường có nhiều loại cỏ: cỏ hàng năm (sinh sản) bằng hat, cỏ nhiều năm (sinh sản bằng thân, rễ, củ...), cỏ một lá mầm (lá nhỏ), cỏ hai lá mầm (lá to),... Ở nhũng vùng đất cao, đất đồi gò thường có những loài cỏ rất khó diệt như: cỏ gianh, cỏ mắc cỡ,... Làm cỏ cho mía là một khâu công việc cần nhiều lao động và chi phí tốn kém. Nếu làm cỏ thủ công, mỗi lần phải mất từ 20–30 công/ha mía. Tuy nhiên đó lại là công việc làm tăng năng suất cây trồng. Nhiều kết quả nghiên cứu ghi nhận: trừ cỏ không kịp thời năng suất ruộng mía có thể bị giảm 20 – 30%.
36) Công việc trừ cỏ và chăm sóc mía lần đầu thực hiện vào lúc nào?
Ruộng mía sau khi trồng từ 10 – 15 ngày mầm bắt đầu mọc lên khỏi mặt đất. Thời gian mầm mọc mía kéo dài khoảng 2 – 3 tuần lễ (hoặc lâu hơn) tuỳ thuộc giống mía và thời vụ trồng. Ở miền Bắc, nếu trồng vào mùa rét thì thời gian mầm mọc sẽ chậm và kéo dài nhiều tuần. Như vậy, đợt làm cỏ đầu tiên, kết với các công việc chăm sóc thực hiện trong khoảng từ 4 – 6 tuần lễ từ khi trồng, mía có 5 – 7 lá và bước sang thời kỳ đẻ nhánh. Những công việc cụ thể của đợt làm cỏ và chăm sóc này là:
- Kiểm tra và trồng giậm vào những chỗ bị mất quãng trên hàng mía do hom trồng mầm không mọc để bảo đảm mật độ cây của ruộng mía (sử dụng mầm hom dự phòng ở hai đầu hàng mía đã chuẩn bị để trồng giậm).
- Tiến hành làm cỏ trong và giữa hai hàng mía. Kết hợp diệt cỏ, xới váng đất và bón phân thúc đợt một tạo điều kiện cho đất tơi xốp để bộ rể phát triển và cây đẻ nhánh mạnh.
37) Trừ cỏ và chăm sóc mía lần hai được thực hiện vào lúc nào?
Trừ cỏ và chăm sóc mía lần hai được tiến hành khi mía kết thúc đẻ nhánh chuyển sang thời kỳ làm dóng vươn cao, tức là khoảng 8 – 9 tuần lễ từ khi trồng. Đây là đợt làm cỏ và chăm sóc hết sức quan trọng. Vì ở thời điểm này mía và cỏ dại đều phát mạnh cùng tranh chấp quyết liệt với nhau: nước, dinh dưỡng, ánh sáng và không khí. Những công việc cụ thể của đợt này phải thực hiện là:
Kết hợp diệt cỏ, bón thúc phân đợt hai mía và xuống đất (vun) đầy rãnh trồng để giữ gốc tạo thuận lợi cho cây làm dóng vươn cao (ở những vùng đất thấp mía cần vun vồng thì cũng thực hiện kết hợp luôn ở đợt này).
Kiểm tra sâu bệnh hại mía. Nếu phát hiện có mầm mống của sâu bệnh hại (các loài quan trọng) cần được giải quyết, xử lý kịp thời.
Những nơi có điều kiện về lao động, trước khi vun đất vào gốc mía có thể cho bóc sạch lá chân (gốc sát đất) làm cho đất vun bám sát được vào gốc mía, cây đứng vững hơn và phát triển tốt hơn.
38) Có cần phải làm cỏ và chăm sóc lần ba hay không?
Việc làm cỏ và chăm sóc lần ba tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của ruộng mía. Khi mía đã giao lá (có từ 1 – 3 dóng) tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy còn cỏ thì cho làm thêm lần cuối cùng kết hợp với các công việc chăm sóc như vun lại hàng mía, vét rãnh thoát nước, bóc lá già, chặt bỏ các cây sâu,...
Thông thường, nếu hai đợt chăm sóc trước đã làm tốt thì đợt này không nhất thiết phải làm. Ngược lại, các đợt trước làm không kỹ thì đợt này công việc sẽ nhiều hơn. Trừ cỏ lần này khó hơn các lần trước vì mía đã cao, máy không thể vào được mà chỉ có thể thực hiện bằng lao động thủ công hay hoá chất diệt cỏ.
Trong trường hợp cá biệt có ruộng mía cây mọc kém hoặc ruộng mía sẽ sử dụng làm giống, kết hợp công việc chăm sóc này bổ sung 20 – 25 kg N/ha cho cây phát triển tốt hơn. Tóm lại, một ruộng mía được chăm sóc tốt là phải : đủ cây, đồng đều, sạch cỏ dại, sạch sâu bệnh và phát triển tốt.
39) Những phương pháp nào có thể áp dụng để diệt trừ cỏ dại mía?
Có nhiều phương pháp diệt cỏ dại cho mía và mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, đối với sản xuất, điều chủ yếu là tìm phương pháp nào diệt cỏ triệt để và kinh tế nhất. Dưới đây là phương pháp diệt cỏ trừ cỏ dại có thể áp dụng cho mía:
- Phương pháp thủ công
- Phương pháp cơ giới
- Phương pháp thủ công kết hợp cơ giới
- Phương pháp hoá học
- Phương pháp cơ giới kết hợp với hoá học
- Phương pháp kết hợp cơ giới, hoá học và thủ công.
40) Phương pháp diệt cỏ bằng hoá học có những ưu và nhược điểm gì?
Diệt cỏ bằng hoá học là phương pháp sử dụng các loại thuốc hoá học để diệt trừ cỏ dại cho mía . Phương pháp diệt cỏ bằng hoá học có những ưu điểm và nhược điểm sau:
* Ưu điểm:
- Tốn ít công lao động, diệt cỏ kịp thời vụ triệt để.
- Có thể diệt trên hàng mía trong khi cơ giới không thực hiện được, khắc phục được nhược điểm làm đứt rễ mía và sự nén đất do máy qua lại nhiều lần.
* Nhược điểm:
- Không phải tất cả các loại thuốc trừ cỏ đều chọn lọc. Ngay cả những hoá chất chọn lọc cũng có giới hạn nhất định.
- Xử lý thuốc trừ cỏ liên tục, tác dụng tồn dư có ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng.
- Để cây mía sinh trưởng và phát triển tốt ruộng mía cũng cần được xới xáo cho tơi xốp, thông thoáng,... nhưng sử dụng hoá chất diệt cỏ thì công việc này không thể thực hiện được.
Chính vì vậy để lợi dụng những ưu điểm và hạn chế nhược điểm trên cần có sự kết hợp diệt cỏ bằng hoá học với các phương pháp thủ công và cơ giới trong khâu công việc trừ cỏ dại cho mía nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
41) Những hoá chất diệt cỏ cho cây mía và cách sử dụng?
Các hoá chất diệt cỏ sử dụng phổ biến cho cây mía là: Diuron, Simazin, Atrazin, Ametryn, 2,4D,... với các liều lượng dưới đây:
- Diuron: lượng cần 2 – 3kg
- Simazin, Atrazin: lượng cần 3 – 4 kg
- 2,4D: Lượng cần 1,5 – 2 kg
Có thể sử dụng hỗn hợp Simazin + 2,4D.
Mỗi liều lượng trên được pha trong 400 – 600 lít nước phun trên diện tích còn giữa hai hàng xới bằng cơ giới thì lượng sử dụng bằng một nửa.
Các hoá chất trên có thể xử lý khi cỏ và mía chưa mọc (sau trồng 2 – 3 ngày) hoặc sau khi cỏ đã mọc (cỏ còn nhỏ) hiệu quả đều rất tốt.
Sử dụng các chất diệt cỏ cần chú ý các điểm sau:
- Mỗi loại hoá chất chỉ có thể diệt được một số loài cỏ nhất định, do đó trước khi sử dụng cần xác định thành phần cỏ dại trên ruộng mía để chọn loại thuốc thích hợp.
- Trong các giống mía trồng, có giống không bị ảnh hưởng khi sử dụng hoá chất diệt cỏ nhưng cũng có giống mía mẫn cảm với hoá chất. Vì vậy khi sử dụng phải tìm loại hoá chất diệt cỏ chọn lọc với giống mía đang trồng.
- Khi sử dụng hoá chất diệt cỏ không được phun trực tiếp vào cây mía và cố gắng tránh sự tiếp xúc của hoá chất với lá mía
42) Tác hại của sâu, bệnh đối với cây mía như thế nào?
Mía là cây trồng chứa nhiều dưỡng chất rất hấp dẫn đối với sâu bọ và các loài vật gây hại khác. Ngoài ra, sự có mặt thường xuyên của cây mía trên đồng ruộng cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bọ và các loại bệnh cây ẩn náu tồn tại. Nước ta nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới có gió mùa, điều kiện nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển. Hàng năm, những thiệt hại do sâu bệnh gây ra cho cây mía là rất lớn. Những điều tra của Viện nghiên cứu mía đường công bố thì nước ta hiện nay có trên 30 bệnh cây và trên 20 loài sâu bọ hại mía. Mấy năm gần đây ở hầu hết các vùng mía trong cả nước, sâu bệnh gây hại rất nhiều cho đồng mía. Khu vực các tỉnh Nam bộ mỗi vụ mía sâu đục thân làm giảm không dưới 20% sản lượng mía cây. Vùng mía các tỉnh miền Bắc, rệp bông cũng là đối tượng quan trọng gây thiệt hại không nhỏ trong đồng mía. Bên cạnh đó, các bệnh gây như bệnh than, thối đỏ, cháy lá và các loài sâu bọ, côn trùng gây hại khác như mối, sùng rệp sáp, chụôt,... đều là những đối tượng quan trọng cần có các biện pháp phòng trừ triệt để, bảo vệ sản xuất mùa màng
43) Những bệnh nấm gây hại quan trọng đối với cây mía của ta hiện nay và biện pháp phòng trừ?
Những bệnh nấm, gây hại quan trọng trên đồng mía của ta hiện nay, trước hết phải kể đến là: Bệnh than, bệnh thối đỏ, bệnh cháy lá, bệnh xoắn cổ lá ... Dưới đây là đặc điểm các bệnh này và biện pháp phòng trừ:
* Bệnh Than: Là bệnh hại mía quan trọng ở nước ta, có mầm móng ở hầu hết các vùng. Tác nhân gây bệnh là nấm Ustilago scitaminea Sydow.
- Triệu chứng: Khi bị nấm xâm nhập cây trở nên còi cọc, biến dạng. Từ ngọn mía đâm lên một “roi” than màu đen uốn cong mang đầy bào tử nấm, được bao bọc bởi một màng trắng mỏng. Các bào tử nấm dễ bung ra bay theo gió, theo dòng nước chảy bám vào cây mía xung quanh, theo bánh xe vận chuyển,... lây lan đi rất xa .Tính chất nguy hiểm của bệnh này là mỗi “roi” than mang hàng ngàn bào tử nấm, có khả năng tồn tại rất lâu trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi là phát triển và dễ dàng lây lan trong tự nhiên.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Tuyển chọn giống kháng bệnh, không trồng giống mẫn cảm với bệnh này ở những đất có mầm mống của bào tử nấm.
+ Vệ sinh đồng ruộng và chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng mía. Đối với mía gốc cần vệ sinh kỹ, xử lý loại trừ mầm bệnh trước và sau khi thu hoạch.
+ Trong quá trình chăm sóc mía cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, khi phát hiện cây nhiễm bệnh phải chặt gom lại đốt hoặc chôn sâu không để các bào tử nấm lây lan.
+ Áp dụng phương pháp luân canh mía với các cây trồng khác (chủ yếu là cây họ đậu) để làm giảm và loại trừ mềm bệnh, đồng thời cải thiện độ màu mỡ của đất.
* Bệnh thối đỏ (bệnh rượu): Bệnh thường gặp ở hầu hết các giống mía của ta. Tác nhân gây bệnh là nấm Collectotrichum falcatum Went. hoặc Physalospora tucumanesis Peg. Bệnh có thể xâm nhập qua lá, qua thân và qua rễ từ các vết thương ở những bộ phận này.
- Triệu chứng:
+ Ở lá: Bệnh xuất hiện trên gân lá từ một đốm đỏ dầu tiên sau lan ra hết gân lá.
+ Ở thân: Cây mía bị bệnh khi chẻ đôi quan sát có màu đỏ ở một dóng hay nhiều dóng. Bệnh nấm phát triển làm chuyển hoá đường trên mía thành rượu nên còn gọi là bệnh rượu. Cây mía bị bệnh nặng lá khô dần, cây chết khô từng đoạn hay cả cây làm giảm năng suất và tỉ lệ đường trên mía. Ruộng mía bị bệnh nặng mía tái sinh kém.
- Biện pháp phòng trừ :
+ Tuyển chọn giống kháng bệnh. Phòng trừ sâu đục, côn trùng gây hại và tránh làm tổn thương đến các bộ phận của cây mía, hạn chế khả năng xâm nhập của mầm.
+ Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng mía. Ruộng mía để lưu gốc cần vệ sinh, chăm sóc kịp thời ngay sau thu hoạch để loại trừ nấm mống của bệnh.
+ Mía nguyên liệu sau khi thu hoạch cần vận chuyển nhanh về nhà máy chế biến. Không để mía cây đã chặt quá lâu trên đồng ruộng hay sân bãi để tránh không cho nấm xâm nhập phát triển.
* Bệnh cháy lá: Một bệnh nấm rất thường gặp trên mía. Tác nhân gây bệnh là nấm Stagonospora sacchari Lo and Ling.
- Triệu chứng: Bệnh xuất hiện trên lá. Vết bệnh lúc đầu nhỏ có màu đỏ hoặc màu cà phê, sau đó phát triển dần thành những hình thoi lớn hoặc không xác định. Vết bệnh thường lan từ mép lá vào trong và từ đỉnh tới bẹ. Lá bị bệnh khô dần. Những bụi mía nhiễm bệnh nặng có thể bị chết khô. Cây mía bị bệnh hoạt động quang hợp giảm, năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía thấp.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Tuyển chọn giống kháng bệnh.
+ Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng. Chọn hom giống trồng không mang mầm bệnh. Ruộng mía để gốc cần vệ sinh chăm sóc kịp thời ngay sau khi thu hoạch để loại trừ mầm bệnh.
* Bệnh xoắn cổ lá (còn gọi là nấm pokkah boeing): Tác nhân gây bệnh là nấm Gibberella moniliformis.
- Triệu chứng: Khi mía bị nấm xâm nhập, các lá ngọn bị xoắn lại và biến dạng không phát triển, đồng thời xuất hiện những sọc đỏ trên các lá xoắn biến dạng đó. Bệnh tiến triển làm cho ngọn mía bị thối, cây mía sẽ chết hoặc đâm nhiều mầm nách. Ruộng mía bị nhiễm bệnh nặng năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía đều giảm.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Tuyển chọn giống kháng bệnh.
+ Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng. Ruộng mía để gốc phải vệ sinh, xử lý và chăm sóc ngay sau khi thu hoạch nhằm loại trừ mầm bệnh.
44) Các bệnh vi khuẩn quan trọng hại mía ở nước ta?
Đối với các quốc gia trồng mía trên thế giới, người ta xem các bệnh hại mía do vi khuẩn gây ra là hết sức nguy hiểm, chỉ đứng sau bệnh virus. Ở Việt Nam, qua những kết quả điều tra khảo sát đã ghi nhận bước đầu các bệnh vi khuẩn quan trọng dưới đây:
* Bệnh sọc đỏ:
- Bệnh này thường phát triển mạnh khi độ ẩm không khí cao. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Xanthomonas rubilineans.
- Triệu chứng: Trên lá mía xuất hiện những sọc đỏ nâu hẹp, đều và dài chạy song song với gân lá. Lúc đầu sọc xuất hiện ở giữa phiến lá rồi lan về hai phía và cả trên gân lá, cổ lá. Trong thân mía có thể bị thối và cây chết hàng loạt. Chẻ đôi thân mía quan sát thịt mía có màu cà phê. Trường hợp nhiễm nặng trong ruột mía tạo thành những ngăn bọng. Bệnh sọc đỏ vi khuẩn là một bệnh cây nguy hiểm làm giảm năng suất nông nghiệp và tỉ lệ đường trên mía.
* Bệnh chảy nhựa:
- Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Xanthomonas vascularum.
- Triệu chứng: Từ nửa phiến lá phía trên tới đỉnh lá xuất hiện những sọc màu vàng lốm đốm hoặc vàng cam. Bệnh ít thấy ở lá non mà thường gặp trên các lá già. Các sọc bệnh có thể chạy suốt phiến lá nhưng không bao giờ tới bẹ. Ở cây nhiễm bệnh khi chặt ngang quan sát thấy tiết ra một chất “nhựa” màu vàng. Tác hại của bệnh chảy nhựa không chỉ làm giản năng suất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến cả khâu chế luyện ở nhà máy.
* Bệnh thân nhọn đâm chồi:
- Bệnh này được xếp vào hàng các bệnh vi khuẩn nguy hiểm của thế giới. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Xanthomonas albilineans.
- Triệu chứng: Lúc đầu xuất hiện những sọc màu trắng sữa chạy dọc theo gân lá từ bẹ tới đỉnh lá. Sau đó các sọc đổi màu sang đỏ hoặc tím. Ngọn mía và các lá trở nên cứng, chụm lại ngừng phát triển. Các mắt mầm ở ngọn đâm chồi, cây mía khô dần và chết. Chẻ dọc thân mía quan sát phía trong các mắt mầm có màu hơi đỏ. Ruộng mía bị nhiễm bệnh nặng cây sẽ chết hoặc đâm chồi thân, chồi ngọn làm giảm năng suất nông nghiệp và hàm lượng đường trên mía
45) Trên đồng mía của ta có bệnh virus hay không và giải pháp xử lý như thế nào?
Bệnh hại mía do virus gây ra được xem là bệnh nguy hiểm nhất và là đối tượng kiểm dịch số một của thế giới. Chính vì vậy trong quá trình tuyển chọn giống mía, tất cả các giống, các dòng lai mới đều được nhiễm nhân tạo dịch mang mầm bệnh virus và nếu giống nào, dòng nào mẫn cảm sẽ bị loại trừ ngay. Ở Việt Nam, gần đây ở một số nơi bắt đầu thấy xuất hiện một số bệnh virus hại mía như bệnh khảm lá (mosaic) và bệnh hội chứng vàng lá mía (YLS).
Để phòng tránh hiểm họa của bệnh virus hại mía cần phải hết sức chú ý khâu kiểm dịch khi nhập các giống mía mới từ nước ngoài. Mỗi giống mía nhập nội trước khi chính thức phổ biến vào sản xuất nhất thiết phải qua khâu kiểm dịch và các bước thử nghiệm cần thiết, xác định xem có mang mầm mống của các đối tượng kiểm dịch hay không, thời gian theo dõi tối thiểu từ 6 – 12 tháng. Nếu trong quá trình thử nghiệm phát hiện có dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm thì phải huỷ ngay các mẫu giống đó tại nơi thực hiện công việc kiểm dịch. Trong quá trình sản xuất mía nguyên liệu, nếu phát hiện một giống mía nào đó bị nhiễm bệnh virus thì phải loại trừ ngay giống mía đó ra khỏi cơ cấu giống sản xuất để tránh sự lây lan ra các giống mía khác.
46) Bệnh khảm mía có những dấu hiệu như thế nào và cách phòng trừ?
- Bệnh khảm (Mozaic) là một bệnh do virus gây ra.
- Triệu chứng: Trên những lá mía non xuất hiện những đốm nhỏ đặc trưng, ở đó các chất diệp lục chứa trong lá bị huỷ diệt. Những đốm nhỏ này tạo thành những vết nám không đều nhau và có màu vàng nhạt ở trên lá xanh bình thường. Những vết nám vàng nhạt cũng có thể quan sát thấy bẹ lá nhưng hơi mờ. Ở thân mía khi quan sát các dóng những chấm bệnh có màu đỏ sẫm. Bệnh này lan truyền do các vec–tơ như rầy bắp... Cũng có thể lây lan do các loại sâu bọ chích hút khác, do hom giống mía mang mầm bệnh hoặc dao chặt truyền từ cây bệnh sang cây lành.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Tuyển chọn giống kháng bệnh. Nếu là giống nhập nội mới nhất thiết phải qua khâu kiểm dịch và thử nghiệm một cách nghiêm túc.
+ Ngăn ngừa sự lây lan mầm bệnh bằng cách vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại và các vec–tơ truyền bệnh. Xử lý hom giống bằng nước 52oC trong 30 phút. Tiệt trùng dao chặt mía bằng formol 2%.
Khi phát hiện một giống mía nào đó mang mầm bệnh virus phải loại trừ ngay không để phổ biến trong sản xuất.
47) Các loài sâu đục hại mía quan trọng ở nước ta hiện nay?
Trong các loài sâu hại mía, sâu đục được xem là quan trọng nhất, bởi những thiệt hại kinh tế do chúng gây ra và việc phòng trừ hết sức khó khăn, tốn kém nhiều tiền của công sức. Dưới đây là một số loài sâu đục thân gây hại quan trọng trên đồng mía của ta:
* Sâu đục thân 4 vạch (Chilo sacchariphagus Bojer):
- Đặc điểm hình thái: Sâu màu vàng sáng, trên lưng mỗi đốt có 4 chấm đen nên còn gọi là sâu 4 chấm đen (4 vạch đen). Đây là loại đơn thực khác với loài sâu đục thân mía châu Mỹ Diatraea saccharalis là loài đa thực. Thành trùng là bướm màu vàng nâu, cánh trên có chấm đen, cánh dưới màu trắng.
- Đặc điểm sinh học, sinh thái: Mỗi năm phát sinh 6 đợt. Vòng đời sâu: trứng 6-7 ngày, sâu non 35-40 ngày, nhộng 10-11 ngày, trưởng thành 1-2 ngày. Ngài cái đẻ từ 8- 11 ổ trứng, tổng số khoảng 250 - 300 trứng. Sâu non cũng hại mía mầm nhưng hại mía cây là chính. Sâu chui vào nách lá rồi đục vào thân tạo thành hang ngách, ảnh hưởng đến sự vận chuyển nhựa và làm mía dễ gẫy ngang thân khi có gió. Đường đục cũng tạo cho nấm bệnh thối đỏ xâm nhập. Sâu 4 vạch phá hại mạnh vào mùa mưa cao điểm tháng 7-8 trong năm.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Trồng hom sạch sâu, loại bỏ mầm nước vào tháng thứ 8 hoặc thứ 9 sau trồng hoặc tái sinh gốc. Tránh bón quá nhiều đạm và tiêu nước cho ruộng ngập úng.
+ Bóc lá vào các tháng 5, 7 và tháng 9 sau trồng, tái sinh gốc.
+ Thả ong mắt đỏ Trichogramma chilonis định kỳ 15 ngày/lần để diệt trứng, mỗi lần thả 50 ngàn ong/ha, thả từ tháng thứ 3 - 8 sau trồng.
+ Thả ong kén trắng Cotesia flavipes để diệt sâu non, thả 1 lần/tháng từ khi thấy xuất hiện triệu chứng gây hại, thả 2.000 kén/ha/lần.
+ Có thể dùng các loại thuốc Diaphos (50 ND, 10 H), Padan (95 SP, 4 H) v.v… phun hoặc rải cục bộ, có chọn lọc lên bộ lá những cây bị hại lốm đốm trắng, phun 2 tuần/1 lần, phun liên tục 3 – 5 lần trong khoảng thời gian từ lúc mía 4 – 6 tháng tuổi.
* Sâu đục thân mình tím (Phragmataecia castaneae Hŭbner):
- Đặc điểm hình thái: Sâu non có màu hồng nhạt đến tím, đẫy sức có màu trắng phớt hồng với 4 chấm hơi đỏ trên mỗi đốt cơ thể. Nhộng lúc đầu có màu vàng nhạt, sau khi hình thành vài ngày thì chuyển sang màu sẫm hơn, cuối cùng, khi chuẩn bị vũ hóa, nhộng có màu nâu tối. Đầu nhộng có một gai nhọn trông như mỏ chim, phần đầu nhỏ hơn phần đuôi. Trên mỗi đốt bụng của nhộng có hai hàng gai tạo thành 2 đai rõ rệt. Đốt bụng thứ nhất không có lỗ thở. Các đốt bụng còn lại đều có lỗ thở lộ rõ hình bầu dục. Lưng nhộng gồ cao ở phần bụng. Ngài trưởng thành có màu vàng đất, trên cánh có các chấm màu vàng nghệ nhỏ, cánh ngắn hơn bụng. Các đốt bụng có đai lông ngăn cách. Râu đầu ngắn, 2/3 chiều dài râu ngài cái (phần gốc râu) có dạng răng lược kép, phần roi râu còn lại có dạng sợi chỉ. 3/4 chiều dài râu ngài đực có dạng răng lược kép, phần còn lại cũng có dạng sợi chỉ.
- Đặc điểm sinh học, sinh thái: Sâu phát sinh 2-3 đợt trong năm. Vòng đời sâu: trứng 9-11 ngày, sâu non 55-71 ngày, nhộng 11-15 ngày, trưởng thành 3-5 ngày; mùa đông vòng đời sâu dài hơn. Ngài cái đẻ 2-3 ổ trứng, 300-700 trứng/ổ. Sâu phá hại cả mùa khô lẫn mùa mưa. Sâu non có 8 tuổi, sau khi nở ra khỏi trứng khoảng 15 phút là sâu non phân tán ngay, thường mỗi cây có từ 1 – 2 con tấn công gây hại. Sâu non tuổi nhỏ đục ăn trong bẹ lá theo kiểu vịng trịn (gy ra triệu chứng ho l bn trước), đến cuối tuổi 2, đầu tuổi 3, sâu mới đục vào phần thịt lóng theo 1 đường đục rất thắng từ dưới lên trên (gây ra triệu chứng ngọn teo). Trong quá trình gây hại, sâu rất ít khi đục ra ngoài, phân sâu nén trong đường đục, chỉ đến khi gần hoá nhộng, sâu mới đục 1 lỗ vũ hoá ở phần thân ngọn và chui trở lại đáy đường đục để hoá nhộng.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Giai đoạn cây con 4 – 6 tháng sau trồng hoặc thu hoạch, có thể dùng các loại thuốc Diaphos 50 ND, Vibasu 40 ND, Padan 95 SP, Diaphos 10 H, Padan 4 H v.v… phun hoặc rải cục bộ, có chọn lọc cho những đoạn mía bị hại (triệu chứng héo lá bên), từ 3 - 5 lần cách nhau 14 ngày. Làm như vậy vừa có thể tiết kiệm thuốc trừ sâu, tập trung thuốc đủ liều lượng có thể giết chết sâu ẩn chứa trong thân, vừa chừa lại những khoảng không gian nhất định cho các loài thiên địch cư trú và thực hiện thiên chức của mình.
+ Dùng bẩy đèn bắt trưởng thành vào 2 thời điểm rộ: Tháng 3, 4 và tháng 8, 9.
* Sâu đục thân mình hồng lớn (Sesamia sp.):
- Đặc điểm hình thái: Thân sâu lưng màu hồng nhạt, hai bên sườn xuống bụng màu trắng. Thân chia 12 đốt, có 8 đôi chân. Ba đôi chân thật ở các đốt 1,2,3 và 5 đôi chân giả ở các đốt 6,7,8,9 và 12. Sâu ở tuổi 4,5 thân dài đến 30-40mm. Thành trùng là loại bướm nhỏ màu xám nâu, cánh có sọc đen, đầu to thô, lông rậm nên còn gọi là bướm cú mèo.
- Đặc điểm sinh học, sinh thái: Trong năm sâu phát sinh 5-6 đợt. Vòng đời sâu: trứng 4-6 ngày, sâu non 21-29 ngày, nhộng 10-11 ngày, trưởng thành 4-6 ngày; mùa đông vòng đời sâu dài hơn. Mỗi ngài cái đẻ khoảng 70-100 trứng. Sâu non phá hại vào mùa mưa, mưa càng nhiều sâu phá hại càng mạnh, phá hại trên mía mầm là chính. Khi mới nở, sâu tập trung và gặm bên trong lá, tuổi 2-3 thì phân tán, từ bẹ lá đục vào ngọn và phá hại điểm sinh trưởng làm cho nõn mía bị héo.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Chặt, cắt bỏ ổ sâu định kỳ kể từ đầu vụ mía & giữ cho ruộng luôn sạch cỏ. Diệt chồi vô hiệu ở giai đoạn mía 7-8 tháng tuổi, hạn chế sâu đẻ trứng, nhân nhanh số lượng.
+ Ruộng trồng mới: Bón lót Diaphos 10 H hoặc Padan 4 H cùng với phân lót ngay khi trồng, liều lượng dùng khoảng 30 – 45 kg/ha.
+ Rải thuốc Diaphos 10 H hoặc Padan 4 H ở giai đoạn bị hại nặng hoặc đầu giai đoạn vươn lóng mạnh hoặc 90 ngày sau trồng, liều lượng dùng khoảng 35-40 kg/ha, rải dọc theo hàng mía, dùng cuốc cày vun lấp thuốc, sau đó tưới ẩm nếu cần. Có thể trộn 30 kg thuốc Diaphos 10 H + 50 kg cát, sau đó rắc thuốc lên ngọn lá ở giai đoạn mía vươn lóng mạnh. Tập trung thuốc rắc cho những cây bị hại.
+ Thả ong kén trắng Cotesia sesamiae ký sinh sâu non ở giai đoạn rộ hoặc mía bị hại nặng, liều lượng thả khoảng 5.000 ong/ha/lần thả. Thả 2 lần cách nhau 1 tháng.
48) Các biện pháp phòng trừ chung đối với nhóm sâu đục thân mía như thế nào?
Phòng trừ sâu đục thân mía nói chung là một công việc khó khăn không chỉ ở nước ta mà cả với các quốc gia có nghề trồng mía phát triển. Dưới đây là một số biện pháp chủ yếu:
- Tuyển chọn giống mía kháng sâu đục thân.
- Biện pháp canh tác:
+ Chuẩn bị kỹ đất trồng mía. Ở vùng đất thấp có thể cho ngập nước một thời gian nhằm loại trừ mầm mống của sâu đục thân. Chọn hom giống không mang mầm mống của sâu đục thân.
+ Bón phân đầy đủ và cân đối cho mía mọc tốt. Chăm sóc làm cỏ kịp thời kể cả trên các đường lô bụi rậm xung quanh để loại trừ khả năng ẩn náu của sâu. Nơi có điều kiện về lao động cho bóc lá già, cắt chồi non vô hiệu loại bỏ trứng sâu ở đó.
+ Ruộng mía để gốc, sau thu hoạch phải được vệ sinh, xử lý kịp thời diệt trừ mầm mống của sâu. Bón phân chăm sóc cho mía gốc tái sinh tốt.
- Biện pháp hoá học: Trong thực tế người ta ít dùng thuốc trừ sâu để diệt trừ sâu đục thân hại mía. Vì nếu sử dụng không đúng cách sẽ có tác dụng ngược lại, tức là không diệt được sâu, chi phí tốn kém mà còn gây hại cho môi trường và quần thể thiên địch. Do đó cần thận trọng khi áp dụng biện pháp hoá học. Có thể sử dụng thuốc trừ sâu ở một mức độ có giới hạn, có chọn lọc, kết hợp với các biện pháp khác một cách hợp lý.
- Biện pháp sinh học: Hiện nay nhiều quốc gia trồng mía trên thế giới có xu hướng áp dụng biện pháp sinh học để kiểm soát sâu đục thân mía. Người ta lợi dụng các thiên địch tự nhiên và nuôi nhân tạo để diệt trừ sâu đục. Ở Việt Nam phương pháp này cũng đã và đang được nghiên cứu để áp dụng. Hy vọng trong tương lai sẽ là biện pháp hữu hiệu trong việc kiểm soát các loại sâu đục thân.
- Biện pháp khác: Người ta cũng đã nghĩ ra một số giải pháp khác để kiểm soát tác hại của sâu đục mía như:
+ Làm bẫy bắt bướm sâu.
+ Tạo ra các chất dẫn dụ để diệt bướm sâu hoặc các chất làm mất khả năng sinh sản của chúng chẳng hạn làm tuyệt sinh bướm đực,... sẽ làm giảm mật độ và hạn chế đến mức cao nhất khả năng sinh sản của sâu đục trên đồng mía.
49) Tác hại của mối đất đối với cây mía và biệm pháp kiểm soát?
Mối đất (Odontotermis obesus) là loại côn trùng sống trong đất thường gây hại cho mía và các cây trồng cạn khác. Ở những đất mới khai hoang, đất vùng cao, đồi gò thường có nhiều mối. Mối ăn rỗng hom trồng, đục vào trong gốc, trong thân mía. Thiệt hại về năng suất mía do mối gây ra đôi khi cũng rất lớn. Những ruộng mía bị mối phá cây đỗ ngã hoặc chết khô hàng loạt, mật độ thưa thớt, năng suất kém, mầm gốc chết không mọc.
Cách phòng trừ mối chủ yếu là làm đất kỹ khi trồng, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ sau mỗi lần thu hoạch. Ở những ruộng có mật độ mối cao, sau mỗi chu kỳ trồng mía luân canh với cây trồng khác. Bằng các biện pháp canh tác kể trên mật độ mối sẽ giảm dần và hết. Cũng có thể sử dụng thuốc trừ mối như các loại Basudin hoặc Furadan dạng hạt từ 20 – 25 kg/ha rải theo rãnh đặt hom mía khi trồng
50) Sùng trắng là gì, tác hại đối với mía và biện pháp phòng trừ?
Sùng trắng là ấu trùng của con bọ hung cánh cứng, có thể là màu nâu (Holotrichia sp.), màu đen (Allisonotum impressicole) hay màu xanh lá cây (Anomala sp.). Sùng trắng thường gặp nhiều ở những đất pha cát. Các ấu trùng bọ hung cắn phá hom giống, rễ và gốc mía làm cho cây mọc kém, phát triển chậm, năng suất mía cây thấp.
Phòng trừ sùng trắng chủ yếu bằng các biện pháp canh tác như:
- Chuẩn bị kỹ trước khi trồng. Những nơi có điều kiện cho ruộng ngập nước một thời gian nhằm tiêu diệt mầm mống của sùng.
- Ruộng phá gốc trồng lại cần vệ sinh dọn sạch gốc cũ và làm đất kỹ để sùng không còn sót lại trong đất.
- Sau mỗi chu kỳ trồng mía cần luân canh với cây trồng khác (chủ yếu là cây họ đậu) để sùng không còn điều kiện tồn tại
51) Tác hại của rệp xơ bông trắng đối với cây mía và biện pháp kiểm soát?
Rệp xơ bông trắng (Ceratovacuna lanigera) là loại rệp hại mía có nhiều ở vùng mía Miền Bắc. Rệp bám vào mặt dưới của lá (thường là những bụi mía rậm rạp) chích hút nhựa làm cho cây cằn lại, phát triển chậm. Những bụi mía bị rệp nặng cây cân nhẹ, tỉ lệ đường giảm. Ruộng mía bị rệp để gốc kém. Rệp xơ bông trắng lây lan và phát triển rất nhanh. Chỉ một vài điểm ban đầu nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sau một thời gian ngắn sẽ lây lan ra khắp ruộng mía.
Biện pháp kiểm soát:
- Tuyển chọn giống mía kháng rệp (trong thực tế có nhiều giống kháng rệp).
- Chuẩn bị đất trồng kỹ. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện có rệp, nếu ít có thể cắt lá đốt hoặc chôn sâu. Nơi có điều kiện về lao động có thể cho bóc lá già làm cho ruộng mía bớt rậm rạp, thông thoáng. Ruộng mía để gốc cần vệ sinh và xử lý ngay sau thu hoạch để loại bỏ mầm mống của rệp.
- Trong trường hợp ruộng mía bị rệp nặng có thể dùng thuốc trừ sâu phun để kiểm soát.
52) Tác hại của rệp sáp đối với cây mía và biện pháp phòng trừ?
Rệp sáp (Pseudococcus sacchari) có thân hình bầu dục, màu hồng, ngoài có lớp sáp trắng bao bọc. Loài rệp này thường sống tập trung ở các mấu của dóng mía phía trong bẹ lá. Rệp hút nhựa của cây làm cho mía phát triển kém, năng suất mía và đường giảm.
Biện pháp phòng trừ:
- Tuyển chọn giống kháng rệp.
- Chuẩn bị kỹ đất trồng. Chọn hom giống trồng không mang mầm bệnh của rệp. Nơi có điều kiện về lao động nên bóc các lá già rậm rạp và đốt tại chỗ nhằm loại trừ những bẹ lá mang rệp.
- Ruộng mía để gốc, sau thu hoạch cần vệ sinh và chăm sóc kịp thời để mầm mống tái sinh tốt và diệt trừ các mầm móng của rệp
53) Tuyến trùng là gì, tác hại đối với cây mía và biện pháp phòng trừ?
Tuyến trùng (nematode) là loài động vật thân mềm (nhuyễn thể) sống trong đất, hình dạng giống như những con giun con rất nhỏ, hoạt động xung quanh vùng rễ cây trồng, trong đó có cây mía. Tuyến trùng chích hút làm cho rễ mía sưng lên, thối đen rồi chết hoặc làm giảm khả năng hút nước và hấp thụ dinh dưỡng. Cây mía bị tuyến trùng xâm nhập sinh trưởng kém, còi cọc, lá úa vàng,... Làm cho năng suất mía cây và đường trên mía thấp. Tuyến trùng thường có nhiều ở những vùng đất cao.
Biện pháp phòng trừ:
- Chuẩn bị kỹ đất trồng mía (những đất đã từng trồng đay thường có nhiều tuyến trùng).
- Luân canh đất trồng mía với những cây trồng khác sau mỗi chu kỳ trồng mía nhằm loại trừ dần mầm mống của tuyến trùng.
- Cũng có thể sử dụng thuốc hoá học rãi theo rãnh đặt hom mía khi trồng ở những đất có mật độ tuyến trùng cao.
54) Thế nào là độ chín của mía?
Mía là nguyên liệu chế biến đường. Hàm lượng đường trên mía (độ Pol) càng cao thì tỉ lệ đường (sacaro) thu hồi ở các nhà máy đường càng tăng. Để có được đường trên mía cao, ngoài bản chất của giống, kỹ thuật trồng trọt,... thì mía thu hoạch làm nguyên liệu phải đạt độ chín cần thiết. Sở dĩ trong những năm qua tỉ lệ đường thu hồi ở các nhà máy đạt thấp, bên cạnh các nguyên liệu khác, một nguyên nhân chúng tôi cho rất quan trọng đó là mía nguyên liệu thu hoạch đưa vào chế biến còn non, chưa đạt độ chín cần thiết.
- Độ chín của mía có hai khái niệm: chín sinh lý và chín nguyên liệu.
- Chín sinh lý là cây mía đã già,hàm lượng đường trên mía đạt mức tối đa như bản chất của giống.
- Chín nguyên liệu là ở một thời điểm nào đó hàm lượng đường trên mía đã đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu có thể thu hoạch để chế biến, mặc dù cây mía vẫn chưa đạt độ chín cao nhất (chín sinh lý) như bản chất của giống.
55) Vì sao mía chưa đạt độ chín vẫn thu hoạch để làm nguyên liệu?
Sở dĩ có tình hình như vậy vì các lý do dưới đây:
- Đầu mùa chế biến (tháng 10, 11) nhiệt độ và độ ẩm còn cao, cây mía vẫn tiếp tục sinh trưởng, kể cả những giống mía chín sớm, tuy nhiên, do yêu cầu công suất của nhà máy đường nên vẫn phải thu hoạch cả ruộng những chưa đạt độ chín cần thiết.
- Do cơ chế thị trường,nhiều khi người trồng mía chỉ quan tâm đến vấn đề giá cả và năng suất nông nghiệp mà ít chú ý đến độ chín của ruộng mía.Vì vậy, khi được giá, khi có người mua thì dù bất kể đó là loại mía nào, non hay già đều thu hoạch để bán.
Để khắc phục nhược điểm trên, tuyển chọn giống mía, người ta rất chú ý đến những giống mía giàu đường, đặc biệt là giống có tỉ lệ đường cao đầu vụ nhằm nâng cao chất lượng cây mía nguyên liệu góp phần làm tăng tỉ lệ đường thu hồi ở các nhà máy đường.
56) Căn cứ vào những đặc điểm nào để nhận biết ruộng mía đã chín hay chưa?
Đánh giá độ chín của ruộng mía người ta thường dựa vào những căn cứ sau:
- Đặc điểm của giống: Giống chín sớm (ngắn ngày), giống chín muộn (dài ngày), giống giàu đường,...
- Tuổi mía: Cùng một giống mía, ruộng có nhiều tháng tuổi mía sẽ già hơn và đường tích luỹ nhiều hơn (chín hơn).
- Điều kiện khí hậu: Nhiệt độ, độ ẩm giảm, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm tăng, tốc độ chín của mía tăng nhanh.
- Loại mía: Mía trồng vụ xuân, trồng đầu mưa thời gian thu hoạch ngắn hơn mía trồng vụ thu và cuối mưa. Cùng một giống mía, cùng thời gian sinh trưởng, mía gốc già hơn mía tơ.
- Quan sát bằng kinh nghiệm: Mía già (chín) màu da sẫm lại, ít phấn, lá khô nhiều, nước trên bẹ lá giảm. Và khi ăn (cảm quan) mía rất ngọt,...
57) Phương pháp xác định chuẩn xác độ chín của mía như thế nào?
Có nhiều phương pháp xác định độ chín chuẩn xác và hàm lượng đường trên mía như đo độ Bx trực tiếp trên đồng ruộng hay lấy mẫu mía phân tích trong phòng thí nghiệm:
- Đo độ Bx trực tiếp: Sử dụng máy khúc xạ kế cầm tay (Refractomet), một dụng cụ đo đơn giản, đo dộ Bx mía ngay tại ruộng. Nếu số đo độ Bx giữa gốc và ngọn (phần làm nguyên liệu) chênh lệch khoảng một độ (Bx gốc – Bx ngọn » 1 độ) là mía đã đạt độ chín.
- Phân tích trong phòng thí nghiệm: mỗi ruộng mía lấy một số cây mẫu ở các điểm khác nhau phân tích xác định các chỉ số công nghiệp như độ Bx, độ Po, độ thuần khiết (AP), RS, tỉ lệ xơ và CCS,... trước khi cho thu hoạch.
- Nếu thực hiện được như vậy, chất lượng nguyên liệu sẽ được đảm bảo và hiệu quả của chế biến sẽ cao hơn rất nhiều
58) Quy chuẩn chất lượng mía nguyên liệu đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay?
Năm 2012 Bộ Nông và PTNT đã ban hành ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu kèm theo Thông tư số 29/2012/TT-BNNPTNT ngày 03/07/2012. Chi tiết nội dung quy chuẩn có thể xem và tải về tại đây.
59) Mùa thu hoạch và chế biến đường mía ở vùng mía của nước ta như thế nào?
Ở nước ta mùa thu hoạch mía và chế biến đường thường bắt đầu từ tháng 10,11 năm trước đến tháng 4,5 của năm sau. Vì vào các tháng này rất ít mưa, nhiệt độ thấp (miền Bắc) và mùa khô (miền Nam), điều kiện khí hậu thuận lợi cho mía chín – thu hoạch - vận chuyển và chế biến. Cụ thể với các vùng là:
- Vùng mía miền Bắc: Mùa thu hoạch mía - chế biến đường bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau với khu vực đồng bằng, Còn vùng trung du, đất cao có thể kéo dài sang hết tháng 4.
- Vùng mía Quảng Ngãi và Duyên Hải miền trung: Mùa thu hoạch mía - chế biến đường bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 6. Riêng khu vực nhà máy đường Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) mùa chế biến có thể kéo dài 8 tháng.
- Vùng mía các tỉnh Nam Bộ: mùa thu hoạch mía chế biến đường bắt đầu từ giữa tháng 11 và kết thúc vào tháng 4,5 năm sau. Riêng khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ở Tây Nam bộ mía thường phải thu hoạch sớm hơn để tránh lũ.
Tuy nhiên hàng năm, tuỳ theo từng tình hình diễn biến của thời tiết khí hậu, tình hình sản xuất mía và diều kiện chế biến, mùa thu hoạch mía - chế biến đường ở các vùng vẫn có sự điều chỉnh cho phù hợp.
60) Khi thu hoạch mía cần chú ý những điều gì?
Ở nước ta cho đến nay công việc thu hoạch mía vẫn là lao động thủ công với các công cụ thô sơ như con dao hoặc chiếc búa (cũng có nơi sử dụng loại cuốc chặt),... Để giúp cho công việc thu hoạch được tốt và góp phần làm tăng năng suất ruộng mía, trong khâu thu hoạch cần chú ý một số điểm dưới đây:
- Dụng cụ thu hoạch mía (dao búa hoặc cuốc chặt) phải sắt bén. Khi chặt phải chặt sát mặt đất, tránh làm dập gốc. Chặt một lượt tất cả các cây kể cả những cây chết và cây mầm để ruộng mía sạch, tái sinh đồng đều (nếu để lưu gốc).
- Không thu hoạch các ruộng mía sẽ để gốc vào các thời điểm thời tiết khí hậu không thuận lợi cho mầm gốc tái sinh như giá rét (miền Băc), khô hạn (Đông Nam Bộ), úng ngập (Tây nam Bộ),...
- Mía thu hoạch tới đâu vận chuyển chế biến ngay tới đó. Không để mía thu hoạch quá lâu trên đồng ruộng, sân bãi, vừa làm giảm năng suất mía, vừa làm giảm đường trên mía.
- Ruộng mía thu hoạch vào ngày mùa mưa, không để cho xe máy chạy qua làm hư gốc và nén đất gây trở ngại cho công việc xử lý, chăm sóc mía gốc về sau
61) Ý nghĩa kinh tế, kỹ thuật xử lý và chăm sóc mía gốc như thế nào?
- Ý nghĩa kinh tế của mía gốc:
+ Mía là cây trồng hàng năm, tuy nhiên xét về khả năng tái sinh lưu gốc thì lại là cây nhiều năm, tức là trồng một lần nhưng thu hoạch nhiều vụ (năm). Một ruộng mía tốt, chu kỳ kinh tế có thể kéo dài 5- 7 năm. Lợi ích kinh tế của vụ mía gốc là:
+ Giảm khoảng 30% chi phí sản xuất so với mía vụ tơ (giảm chi phí khâu làm đất, giống mía, công trồng,...).
+ Mía gốc mọc mầm, đẻ nhánh và làm dóng vươn cao sớm hơn so với mía tơ cùng thời gian. Số cây trên mỗi bụi mía gốc (ở một vụ) nếu được xử lý, chăm sóc kịp thời thường nhiều hơn ở mía tơ. Do đó, năng suất mía cây, hàm lượng đường trên mía gốc cao hơn mía tơ.
+ Giá thành của mía gốc thấp hơn rất nhiều so với mía tơ và hiệu quả kinh tế của mía gốc cao hơn vụ mía tơ.
- Kỹ thuật xử lý, chăm sóc mía gốc:
+ Để ruộng mía gốc sinh trưởng và phát triển tốt, các bước công việc xử lý và chăm sóc cần phải thực hiện là:
+ Sau khi thu hoạch xong, ruộng mía để lưu gốc phải được xử lý ngay. Dùng cuốc hoặc dao thật sắc chặt ngang sát mặt đất theo hàng mía tất cả những gốc chặt còn cao, những cây chết khô và mầm non chưa chặt. Tiếp đó, dùng máy băm (nếu có) băm nát các lá thân khô trên mặt ruộng hoặc gom theo rãnh giữa hai hàng mía để hoai mục thành phân bón. Những nơi thấy cần thiết cũng có thể cho đốt những rác, lá khô để chống cháy và làm sạch ruộng. Tuyệt đối không được đốt lá khi mầm gốc đã mọc hoặc đang vào giữa thời kỳ mùa khô.
+ Dùng máy, trâu bò kéo hoặc lao động thủ công cày hoặc cuốc xả hai bên gốc theo chiều hàng mía làm đứt những rể mía già và những gốc mía đâm ra ngoài. Tiếp đó bón phân vào gốc mía (tương đương với lượng bón lót ở mía tơ) rồi cày hoặc cuốc lắp đất lại cho kín gốc mía. Nơi có điều kiện tưới nước thì dẫn nước vào ruộng để mầm gốc mọc thuận lợi.
+ Khi mầm gốc đã mọc đều, tiến hành kiểm tra và giậm những đoạn mất quãng không có cây trên hàng mía để bảo đảm mật độ cây cần thiết của ruộng gốc. Có thể xẻ ngay những bụi gốc nhiều cây giậm vào chỗ gốc không mọc. Kinh nghiệm một số nơi, khi xử lý gốc thu hoạch người ta giâm sẵn một số hom mía dự phòng với cùng giống mía của ruộng để gốc, để mầm hom mọc đồng thời với mầm gốc và lúc này chỉ việc bứng những hom giâm đã mọc trồng giậm vào nơi thiếu cây. Cần chú ý: những hốc đào giậm phải làm đất cho tơi nhỏ và bón phân lót đầy đủ.
+ Những công việc chăm sóc tiếp theo như làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh,... vào các giai đoạn sinh trưởng của mía được thực hiện đầy đủ và kịp thời như đối với các ruộng mía trồng mới khác. Riêng lượng phân đạm ở mía gốc thường bón tăng hơn từ 15 - 20% so với lượng mía tơ.
62) Đối với ruộng mía để lưu gốc cần phải chú ý những điểm gì?
Ruộng mía để lưu gốc cần chú ý một số điểm dưới đây:
- Ruộng mía để lưu gốc phải chọn giống có khả năng tái sinh mạnh.
- Mía gốc phải chọn những ruộng mía tốt, đủ cây không mất quãng nhiều, không bị nhiễm sâu bệnh nặng.
- Ruộng mía để lưu gốc phải chọn thời điểm thu hoạch thích hợp để mầm mống gốc tái sinh thuận lợi. Tránh không thu hoạch ruộng mía sẽ để gốc vào các thời điểm giá rét, khô hạn hay úng ngập.
- Sau khi thu hoạch mía tơ, ruộng để gốc phải được xử lý, chăm sóc ngay tạo điều kiện cho mầm mọc nhanh và phát triển tốt.
63) Ruộng mía để gốc có nên đốt lá hay không?
Việc đốt lá hay không đốt lá ruộng để gốc tuỳ thuộc điều kiện cụ thể của tình hình và thời điểm thu hoạch ruộng mía để gốc. Đốt lá hay không đốt lá đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó.
- Về ưu điểm: Không đốt lá sẽ giữ được lớp mùn che phủ trên mặt ruộng và giữ nguyên thành phần vi sinh vật hoạt động trong đất. Nhờ lớp lá khô che phủ đất giữ được ẩm trong các tháng mùa khô hạn và hạn chế được sự phát triển của cỏ dại.
- Về nhược điểm: Ở Đông Nam bộ và một số nơi khác mùa khô mía dễ bị cháy. Ruộng không đốt lá nếu bị cháy khi mầm gốc đã mọc xem như phải phá bỏ. Ruộng để lá việc chăm sóc xới cỏ, bón phân phòng trừ sâu bệnh,... ít nhiều cũng bị trở ngại.
Tóm lại việc đốt lá hay không đối với ruộng mía để gốc cần xem xét tình hình cụ thể mà xử lý sao cho đạt được hiệu quả sản xuất cao nhất
64) Vì sao đất trồng mía phải luân canh với cây trồng khác?
Không phải riêng cây mía mà các cây trồng khác cũng vậy, sau một thời gian canh tác độ màu mỡ trong đất giảm đi rất nhiều, nhất là chất mùn và các chất nguyên tố lớn. Mặc dù hàng năm người ta vẫn cung cấp một lượng dinh dưỡng nhất định cho cây trồng dưới dạng phân bón cũng không thể bù đắp được độ màu mỡ đã mất do cây trồng hấp thu và quá trình rửa trôi, xói mòn năm này qua năm khác. Những biểu hiện rõ nhất của sự thoái hoá này là đất ngày càng trở nên chai cứng hơn, độ tươi xốp giảm, khả năng thoát nước giữ ẩm kém và đặc biệt là năng suất cây trồng có xu hướng giảm dần, bên cạnh đó có các loại sâu bệnh lại ngày một gia tăng.
Xuất phát từ tình hình thực tế như vậy, người ta xem việc luân canh, xen canh đất trồng mía với một số cây trồng khác (chủ yếu là cây họ đậu) là một giải pháp canh tác hữu hiệu nhằm cải thiện và nâng cao độ phì nhiêu của đất trồng mía, làm giảm và loại trừ thành phần sâu bệnh gây hại, góp phần làm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất của cây mía.
65) Công thức luân canh ở một số vùng mía như thế nào?
Ở một số vùng mía trên phạm vi cả nước, bà con trồng mía có những công thức luân canh, xen canh thật hay mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Dưới dây xin được giới thiệu một vài công thức:
- Vùng mía đồng bằng Bắc bộ (và những nơi cần điều kiện):
+ Trồng mía xen họ đậu hoặc xen lạc trong mía. Thu trái. Vùi toàn bộ thân lá vào gốc mía làm phân bón.
+ Sau một hoặc hai chu kỳ trồng mía (3 - 6 năm) luân canh với lúa hoặc các cây rau màu khác (khoai tây, khoai lang, rau màu vụ đông,...) rồi trở lại trồng mía.
- Vùng đất cao (Đông Nam bộ và những nơi cùng điều kiện): Trồng mía, trồng xen trong mía các cây họ đậu (đậu xanh, đậu đen, đâu nành) ở những nơi có điều kiện. Thu trái. Vùi thân lá cây đậu vào gốc mía làm phân bón. Sau một hoặc hai chu kỳ trồng mía (3 – 6 năm) luân canh đất trồng mía với cây họ đậu (1 – 2 vụ đậu liên tiếp). Thu một phần trái còn toàn bộ cày vùi làm phân bón. Hoặc cho đất nghỉ ngơi 6 tháng rồi lại tiếp tục trồng mía.
- Vùng đất thấp (Tây Nam bộ và những nơi cùng điều kiện):
+ Khu vực trồng mía lên liếp: Trồng mía. Xen canh cây họ đậu trong mía. Thu trái vùi thân lá vào gốc làm phân bón. Sau một hoặc hai chu kỳ trồng mía (3 – 6 năm) luân canh với các cây họ đậu một năm, vét lại mương rãnh và đắp lại liếp rồi tiếp tục trồng mía trở lại.
+ Khu vực không lên liếp mía trồng lại hàng năm: Trồng mía. Xen họ đậu xanh giữa hai hàng mía. Thu trái, vùi toàn bộ thân lá vào gốc mía làm phân bón. Sau 3 – 4 vụ trồng mía (3 – 4 năm ) luân canh hai vụ lúa cao sản hoặc một vụ mía một vụ màu rồi tiếp tục trồng mía trở lại
66) Tầm quan trọng của nước đối với cây mía?
- Mía là cây trồng cạn nhưng lại rất cần nước. Nước chiếm trên 70% khối lượng cây mía thu hoạch. Ruộng mía được cung cấp đủ nước, cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất nông nghiệp cao. Ngựợc lại, ruộng mía thiếu nược, khô hạn cây phát triển kém, còi cọc, năng suất nông nghiệp thấp, có khi chỉ bằng phân nửa ruộng có tưới. Điều này đã cắt nghĩa vì sao năng suất mía của chúng ta hiện nay còn quá thấp nhất là những vùng khô hạn không có nước tưới. Theo những kết quả nghiên cứu thu được, mỗi ngày một cây mía tiêu hao khoảng 750gr nước và một ruộng mía có mật độ 62 ngàn cây tiêu hao khoảng 140 m3 nước/tháng.
- Ở nước ta cây mía sống hoàn toàn nhờ nước trời. Tổng lựơng mưa cả năm thì cao nhưng lại dồn vào các tháng mùa mưa còn mùa nắng thì nhiều nơi hoàn toàn không có mưa (vùng Nam Bộ), cây mía thực chất chỉ sinh trưởng và phát triển trong vòng từ 6 – 8 tháng. Rõ ràng nếu giải quyết được vấn đề thủy lợi, có nước tưới vào các tháng mùa khô thì năng suất cây mía của chúng ta sẽ tăng lên gấp bội, đồng thời giảm được thiệt hại về năng suất mía khi kéo dài mùa chế biến về cuối vụ ép.
67) Các phương pháp tưới và lượng nước tưới cần cho mía như thế nào?
- Có nhiều phương pháp tưới cho mía như: Tưới tràn, tưới theo rãnh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt,... Mỗi phương pháp tưới kể trên đều có mặt ưu, mặt khuyết và những yêu cầu kỹ thuật riêng. Áp dụng phương pháp nào là tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nơi và từng thời điểm sinh trưởng của cây mía. Tưới tràn, tưới theo rãnh đơn giản nhưng tốn nhiều nước. Tưới phun mưa chỉ có thể áp dụng khi cây mía còn nhỏ. Phương pháp hiện đại nhất hiện nay được áp dụng ở các quốc gia trồng mía có trình độ kỹ thuật cao là tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm được nước vừa điêu tiết được lượng cần theo từng giai đọan sinh trưởng của cây trồng. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn.
- Về lượng nước tưới: Ở mùa mưa, lượng nước tưới cần không nhiều, chỉ là bổ sung vào những thời điểm đột xuất như lúc trồng (nếu ruộng không đủ ẩm) hoặc gặp hạn giữa vụ,... Nước tưới chỉ thực sự cần thiết vào mùa nắng. Ở thời điểm mùa khô hạn, mỗi lần tưới cần từ 300 – 500 m3/ha, đồng thời căn cứ vào tốc độ bốc hơi nước ở mỗi khu vực mà xác định các lần tưới tiếp theo. Thông thường vào mùa khô hạn khoảng cách mỗi lần tưới từ 10 – 15 ngày.
68) Vì sao trồng mía phải chọn đất thoát nước tốt và những nơi không bị úng ngập?
Mía là cây trồng cần nước nhưng lại rất sợ nước úng ngập. Vì vậy khi trồng mía phải chọn đất thoát nước tốt, không bị úng ngập. Ở vùng mía Tây Nam bộ, do đất thấp nên người ta phải lên liếp, tức là nâng mặt ruộng cao lên mới trồng được mía. Nếu ruộng mía thoát nước kém hoặc úng ngập bộ rễ mía sẽ phát triển kém hoặc bị chết, thối làm cho cây sinh trưởng kém, vàng úa, có khi chết hàng loạt. Do đó, khi thiết kế đồng ruộng trồng mía bao giờ cũng phải có hệ thống mương rãnh tưới tiêu đi cùng với nhau để đảm bảo tưới hoặc tiêu nước khi cần thiết.
69) Thế nào là khảo nghiệm giống DUS và quy phạm khảo nghiệm giống mía DUS đang áp dụng hiện nay ở Việt Nam?
Khảo nghiệm DUS (Distinctness, Uniformity and Stability) là quá trình đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng mới.
Quy phạm khảo nghiệm giống mía DUS có thể xem và tải về tại đây.
70) Thế nào là khảo nghiệm VCU và quy phạm khảo nghiệm giống mía VCU đang áp dụng hiện nay ở Việt Nam?
Khảo nghiệm VCU (Value of Cultivation and Use) là quá trình đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống cây trồng mới như: năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, tính thích ứng và khả năng sản xuất hạt giống. Khảo nghiệm VCU gồm khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất;
Quy phạm khảo nghiệm giống mía VCU có thể xem và tải về tại đây.
Từ khóa » Cây Mía Voi Vàng
-
Hiệu Quả Trồng Mía Vàng ở Hồ Bốn - Báo Yên Bái
-
Không Nên ồ ạt Mở Rộng Trồng Mía Vàng
-
Giống Cây Mía Voi Vàng... - Vườn ươm Giống Cây Trồng Bảo An
-
By Vườn ươm Giống Cây Trồng Bảo An | Giống Cây Mía Voi Vàng #19K
-
Đây Là Cách để Người Trồng Mía Không Bị Thua Thiệt | HGTV - YouTube
-
Mía Voi Vàng Nam Mỹ - YouTube
-
Để Cây Mía “ngọt” Hơn - Đảng Bộ Tỉnh Tuyên Quang
-
Để Cây Mía “ngọt” Hơn Với Nhà Nông: Bài Cuối: Tạo Cú Hích Từ Kinh Tế ...
-
Cây Giống Mía Lau Tím Ấn Độ | Shopee Việt Nam
-
Cách Trồng Cây Mía Và Giá Trị Kinh Tế Cây Mía đem Lại
-
3. Những đặc điểm Của Cây Mía - Ngân Hàng Kiến Thức Trồng Mía
-
Nông Dân Hòa Bắc Phấn Khởi Khi Mía được Mùa