10 Lỗi Thường Gặp Trong Resume Các Nhà Tuyển Dụng Ghét Nhất

10 loi thuong gap trong resume nha tuyen dung ghet nhat

Có thể nói Resume chính là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa đến với công việc mình mong ước. Nếu bạn đã nộp hồ sơ nhiều lần nhưng vẫn không có công ty nào nhận thì hãy kiểm tra xem bạn có vô tình phạm phải những lỗi thường gặp trong Resume dưới đây không. Công cuộc tìm kiếm việc làm vốn đã không dễ dàng khi phải cạnh tranh với nhiều ứng viên khác nên việc tránh những lỗi cơ bản này là điều bắt buộc phải làm nếu bạn không muốn vụt mất cơ hội thêm lần nữa.

>> Phân biệt CV và Resume

1. Tập tin không mở được

Chưa cần biết trong Resume của bạn viết gì hay thành tích của bạn nổi trội ra sao nhưng chỉ cần các nhà tuyển dụng không đọc được tập tin bạn gửi thì coi như bạn đã vụt mất cơ hội. Để tránh tình huống này, các bạn nên lưu Resume của mình ở định dạng mà bất kì thiết bị nào cũng có thể đọc được. Ngoài ra, định dạng này cũng phải đảm bảo được cách bạn trình bày trong Resume không bị thay đổi khi được xem ở máy khác.

Trong số các loại định dạng phổ biến, PDF là lựa chọn tối ưu khi giữ nguyên cách trình bày của bạn cũng như có thể tương thích với mọi máy tính hiện nay. Đối với các bạn sử dụng hệ điều hành Windows, bạn có thể lưu tập tin Microsoft Word thành định dạng PDF bằng cách vào tab File, chọn Save As. Khi bảng thông báo hiện ra, ở ô “Save as Type” bạn chọn “PDF” rồi lưu lại.

Trong trường hợp bạn gửi Resume của mình thông qua Google Drive, bạn nên chắc chắn đã kích hoạt lựa chọn cho phép người nhận xem tập tin của mình. Thông thường nếu bạn chưa kích hoạt tính năng này thì hệ thống Gmail sẽ thông báo ngay khi bạn nhấn nút “send” và có thể điều chỉnh lại ngay lập tức. Tuy nhiên, HCVN vẫn khuyên các bạn nên gửi hồ sơ định dạng PDF của mình bằng cách đính kèm trực tiếp vào email.

2. Địa chỉ email không chuyên nghiệp

Địa chỉ email là một chi tiết rất nhỏ nhưng luôn được các nhà tuyển dụng quan tâm. Nếu email của bạn được tạo từ thời trung học với những địa chỉ “không thể trẻ con hơn” như co_be_u_sau@gmail.com hay anh_chang_si_tinh@yahoo.com thì bạn nên tạo một địa chỉ email mới ngay hôm nay. Bạn chỉ có thể dùng các địa chỉ email trên để trò chuyện với bạn bè nhưng trong môi trường công sở chuyên nghiệp thì không bao giờ phù hợp.

Địa chỉ email chuyên nghiệp đơn giản nhất bạn có thể tạo là dùng chính tên của bạn hoặc có thể thêm một vài chữ số hoặc kí hiệu riêng dễ nhớ. Bạn đừng cố gắng làm địa chỉ email của mình trở nên phức tạp vì như vậy có nghĩa xác suất người khác đánh sai email của bạn sẽ càng cao. Sẽ thế nào nếu bạn được nhận vào làm nhưng phía công ty lại lỡ điền nhầm email của bạn trong thư chúc mừng do địa chỉ email quá rắc rối? Ngoài ra, nếu bạn ứng tuyển cho một công việc liên quan đến công nghệ thì một email với tên miền riêng của bạn sẽ tạo ấn tượng rất tốt với nhà tuyển dụng.

>> Thư xin việc đã quá lỗi thời, thay vào đó hãy đầu tư vào những điều này

>> Ý tưởng CV độc đáo đã khiến CEO của AirBnB phải chú ý

3. Resume được trình bày một cách khó đọc

Các nhà tuyển dụng có thói quen nhìn tổng thể toàn bộ Resume của bạn để xem cách trình bày có dễ chịu không trước khi bắt đầu đọc. Chính vì lý do này nên bạn cần chăm chút cho phần trình bày của Resume.

Lỗi các bạn thường gặp khiến Resume khó đọc nằm ở loại font chữ bạn chọn. Font chữ càng ngoằn ngoèo thì càng khó đọc nên các bạn nên tránh chọn các loại font thư pháp. Font chữ phổ biến nhất đối với Resume là Times New Roman, kích cỡ 12 và màu đen. Đây cũng là font chữ tương thích rất tốt với tiếng Việt có dấu. Ngoài ra bạn có thể chọn các font chữ đơn giản khác cũng rất phổ biến như Arial, Tahoma.

Bạn nên sử dụng duy nhất một font để hồ sơ của mình trông gọn gàng và sạch đẹp. Riêng với những bạn ứng tuyển cho vị trí “chuyên viên thiết kế đồ họa” (graphic designer) thì bạn có thể tha hồ sáng tạo với Resume của mình nhưng tốt nhất chỉ nên dừng lại ở hai font.

Ngoài font chữ thì một số định dạng khác bạn cũng nên để tâm như:

  • Căn chỉnh lề cho các đoạn thật ngay ngắn.

  • Làm nổi bật ý chính bằng cách bôi đen hoặc in nghiêng một cách thống nhất từ trên xuống dưới.

  • Sử dụng tính năng bullet point để hệ thống các ý nhỏ.

>> 4 điều nên đề cập trong CV của một du học sinh

>> Trải nghiệm du học giúp ích gì trong quá trình xin việc

4. Liệt kê các kĩ năng quá mức cần thiết

Đối với một số nghề nhất định, các ứng viên thường liệt kê một số kĩ năng để chứng tỏ mức độ phù hợp của bản thân với công việc. Tuy nhiên, bạn chỉ nên liệt kê các kĩ năng mình có thể sử dụng một cách thành thục. Chỉ vì muốn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng mà bạn nêu luôn các kĩ năng mình biết sơ sơ thì coi chừng bạn sẽ rơi vào tình trạng ú ớ trong buổi phỏng vấn khi người ta bất chợt kiểm tra. Ví dụ như nếu bạn chỉ lưu loát tiếng Anh thì đừng thêm tiếng Pháp vào mặc dù bạn có học tiếng Pháp khoảng vài tháng.

Trường hợp khác là bạn cố tình liệt kê các kĩ năng hoàn toàn không liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Điều này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không thật sự tìm hiểu kĩ tính chất công việc. Ví dụ như bạn có giỏi Photoshop như thế nào thì cũng hoàn toàn không liên quan đến vị trí kế toán nên đừng thêm vào Resume.

5. Dòng chữ “biết sử dụng Microsoft Word/ Excel/ Power Point”

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều không mấy ấn tượng khi đọc đến dòng này vì kĩ năng sử dụng cơ bản các phần mềm trong bộ Microsoft Office là điều sinh viên tốt nghiệp nào cũng phải biết. Nếu bạn có thể đánh một bài luận trong Word, thực hiện vài lệnh cơ bản trong Excel và hoàn thành một bài thuyết trình đơn giản với Power Point thì bạn không cần phải liệt kê điều này trong Resume. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự có thể sử dụng phần mềm một cách điêu luyện như thao tác vô số lệnh phức tạp trong Excel thì bạn có thể thêm vào để tạo ấn tượng với các nhà tuyển dụng.

>> 5 bài học giúp tôi được nhận vào làm sau đợt thực tập

6. Sử dụng đại từ nhân xưng trong Resume

Bạn không nên xưng “tôi” hoặc dùng “của tôi” trong bản Resume của mình vì sẽ khiến hồ sơ của bạn trở nên dài dòng không cần thiết. Thay vào đó, bạn chỉ nên ghi các câu không có chủ ngữ ở dạng gạch đầu dòng hoặc bullet point để nhà tuyển dụng dễ theo dõi. Ví dụ:

11/2015 – 06/ 2016: Làm biên tập viên cho trang tin du học Hotcourses Vietnam

Trong trường hợp Resume của bạn được viết bằng tiếng Anh thì các động từ vẫn nên được chia ở ngôi thứ nhất số ít.

7. Sai chính tả và ngữ pháp

Việc sai chính tả hoặc mắc lỗi ngữ pháp tưởng nhỏ nhặt nhưng có thể khiến bạn bị loại ngay từ vòng hồ sơ. Chính tả và ngữ pháp chính là điều các nhà tuyển dụng dùng để đánh giá sự cẩn thận và tỉ mỉ của ứng viên. Bạn nên kiểm tra chính tả cũng như ngữ pháp của mình càng nhiều lần càng tốt. Nếu bạn sử dụng tiếng Anh để viết Resume thì lưu ý sử dụng thì quá khứ cho các công việc đã làm và thì hiện tại cho công việc đang làm. Ví dụ:

  • 12/ 2015 – present: Write articles for Hotcourses Vietnam

  • 11/ 2014 – 11/ 2015: Wrote articles for Teen Magazine

8. Liệt kê các công việc không liên quan đến vị trí đang ứng tuyển

Resume không nên là nơi bạn liệt kê tất cả mọi công việc bạn đã làm hoặc mọi chuyến đi tình nguyện bạn từng tham gia. Bạn nên chọn lọc lại những kinh nghiệm bạn cho rằng có liên quan ít nhiều đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Ví dụ như nếu bạn muốn trở thành cộng tác viên viết bài thì việc bạn đã từng làm phục vụ ở quán cà phê hoàn toàn không liên quan. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp với rất ít kinh nghiệm làm việc thì bạn có thể ghi các công việc không liên quan trong Resume của mình.

>> Tại sao các nhà tuyển dụng thích “chiếu cố” cựu du học sinh?

9. Resume quá dài dòng

Thông thường các nhà tuyển dụng chỉ dành ra khoảng 6 giây để lướt qua Resume của một ứng viên để quyết định có đọc tiếp hay không. Nếu họ thấy Resume có quá nhiều chữ và được trình bày một cách dài dòng thì có thể họ sẽ bỏ qua hồ sơ ấy. Các bạn nên thông cảm cho các nhà tuyển dụng vì họ phải đọc một lúc hàng ngàn hồ sơ nên không thể nào đủ kiên nhẫn đọc các bản Resume dài như tờ sớ.

Để tránh tình trạng này, bạn nên lược bỏ những từ không cần thiết để cho câu cú càng súc tích càng tốt. Cố gắng sử dụng bullet point để Resume của mình dễ đọc hơn. Bạn chỉ nên liệt kê thành tích của mình trong vòng 5 năm trở lại, cái nào gần nhất thì đặt lên trước. Nếu thành tích trong quá khứ của bạn cách thời điểm hiện tại hơn 5 năm nhưng không thực sự nổi bật thì bạn nên lược bớt để Resume ngắn gọn hơn. Độ dài tối đa của Resume là 2 trang A4.

>> Những thắc mắc phổ biến khi soạn CV

10. Nội dung email của bạn không được chăm chút

Đôi khi vì các bạn quá bận tâm chăm chút cho Resume nên quên mất trước khi nhà tuyển dụng bấm nút tải Resume của bạn thì họ phải đọc nội dung của email trước. Nếu email của bạn không có tiêu đề và thậm chí không có nội dung gì thì yên tâm rằng họ sẽ chẳng bao giờ đọc Resume của bạn. Vì sao? Bởi vì họ không thấy được sự tôn trọng tối thiểu của bạn dành cho họ.

Đối với tiêu đề email, bạn chỉ cần điền đơn giản và ngắn gọn ví dụ như “Hồ sơ ứng tuyển vị trí biên tập viên Hotcourses Vietnam” hoặc “Application: Country Editor at Hotcourses Vietnam” là đủ. Đối với nội dung email, bạn nên có câu chào hỏi và giới thiệu ngắn khoảng 2, 3 dòng về bản thân và lý do gửi email này. Cuối email bạn có thể ghi “vui lòng liên hệ với tôi qua số điện thoại xxx nếu cần thiết” và bắt buộc phải có câu “Cảm ơn”.

Cuối cùng, đừng quên đặt tên tập tin Resume của bạn một cách chuyên nghiệp. Ví dụ: DoAnKhang_Resume_HotcoursesVietnam

HCVN chúc các bạn sẽ sớm có được công việc mà mình ưng ý!

Nguồn tham khảo: Hubspot

Từ khóa » Dài Như Tờ Sớ