10 Món Canh Có Tác Dụng "bổ Máu", Người Bị Thiếu Máu, ốm Yếu, Mới ...

Những món canh dưới đây không chỉ bổ máu, cung cấp dinh dưỡng, vitamin mà còn giúp cơ thể thải độc, như một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, tư bổ tâm, thận, đỡ mệt mỏi đau lưng… Em chia sẻ để mọi người có thể áp dụng nấu cho cả nhà nhé! Mẹ bầu, người già đến trẻ nhỏ đều ăn được hết đó.

10 món canh có tác dụng “bổ máu”, người bị thiếu máu, ốm yếu, mới phẫu thuật nên ăn: Vừa lành vừa bổ

1. Canh bầu nấu nghêu

Vốn là thực phẩm giàu phốt pho, protein, vitamin A, C, sắt, kẽm… nghêu rất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt chính vì lượng sắt trong nghêu nhiều hơn cả thịt bò nên rất bổ máu, thích hợp cho bà bầu, trẻ em và những người ốm yếu cần bồi bổ. Ăn nghêu còn tăng cường hệ miễn dịch, giúp người cảm bệnh mau khỏi ốm, người bình thường thì càng khỏe mạnh hơn, ngừa loãng xương, tốt cho tim mạch, đẹp da, phòng bệnh tiểu đường.

Nguyên liệu

  • Nghều tươi: 1 kg
  • Bầu: 500g
  • Gừng tươi: một nhánh nhỏ
  • Hành lá với rau mùi: 100g
  • Hành khô,tỏi: 50g
  • Ớt sừng: 5 quả
  • Hạt nêm, nước mắm, bột ngọt, tiêu với ớt bột, dầu ăn

Cách làm

Trước tiên bạn lấy vài nhánh gừng tươi gọt bỏ vỏ rồi rửa sạch với nước sau đó dùng dao sắc thái sợi chỉ nhỏ dài. Hành khô cùng với tỏi thì bạn bóc vỏ rồi băm cho thật nhỏ. Bầu thì bạn dùng nạo gọt vỏ rồi rửa sạch sau đó mới dùng dao dọc đôi quả bầu ra rồi moi cho sạch ruột và thái miếng mỏng vừa ăn. Ớt sừng thì bạn rửa sạch rồi thái lát, ½ trộn với 3 thìa nước mắm ngon để ăn kèm với canh cho đậm đà. Hành lá cùng với rau mùi thì bạn nhặt sạch rồi rửa sạch với nước, hành lá bạn thái nhỏ, rau mùi thì cắt khúc vừa ăn.

Nghêu sau khi mua về thì bạn có thể ngâm ngay vòa chậu nước vo gạo chừng 3 đền 4 tiếng cho chúng nhả sạch cát bẩn và nhớt chúng ngậm trong miệng. Nếu bạn không chuẩn bị được nước vo gạo thì bạn có thể ngâm chúng vào chậu nước sạch nhưng trong thời gian ngâm thì bạn cần thay nước 1 tiếng một lần. Sau khi hết thời gian ngâm thì bạn vớt chúng ra rửa lại với nước rồi mới cho vào nồi luộc chín cùng với gừng thái chỉ. Bạn có thể cho lượng nước vừa đủ để nấu món canh nghêu với bầu thêm ngon ngọt nhé.

Khi nghêu vừa chín tới mở miệng thì bạn chắt riêng phần nước ra một bát tô để lắng cặn còn phần nghêu thì bạn lọc lấy thịt nghêu rồi rửa sạch chúng lại với nước sau đó cho chúng vào ướp ½ hành tỏi vừa băm nhỏ, 1 thìa canh hạt nêm, ½ nước mắm, 1 thìa canh bột ngọt cùng với ½ tiêu say trong khoảng thời gian chừng 20 phút cho thịt nghêu ngấm đều gia vị.

Bắc chảo lên bếp rồi cho hành tỏi băm vào phi thơm cùng với một chút dầu ăn và ½ thìa canh ớt bột để món canh thêm hấp dẫn. Sau đó bạn mới cho thịt nghêu đã ướp vào xào nhanh tay khoảng 1 phút cho thịt nghêu chín mềm rồi mới cho nước luộc nghêu vừa chắt cặn vào đun cùng, bạn nêm thêm chút hạt nêm cùng với ½ thìa muối tinh, 1 thìa canh bột ngọt cho canh đậm đà hơn và đun sôi nồi canh lên.

Khi thấy nước canh sôi thì bạn dùng thìa vớt toàn bộ bọt nổi lên để nước canh được trong ngọn ngọt hơn rồi bạn mới cho bầu thái lát mỏng vào đun cùng cho tới khi sôi lại chừng 2 đến 3 phút rồi nếm lại cho vừa ăn rồi mới cho hành lá vào nồi canh và tắt bếp.

2. Canh rau dền thịt nạc băm

Canh rau dền nấu thịt băm là một rất phổ biến với tất cả các gia đình vì món ăn dễ làm, có vị ngọt mát và màu sắc bắt mắt.

Rau dền có tính hàn, khi kết hợp với thịt nạc không chỉ dễ ăn mà còn có tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, giải độc, giúp cơ thể hồng hào, khỏe khoắn.

Nguyên liệu:

  • Rau dền: 2 bó
  • Thịt heo: 200 gr
  • Hành tím: 1 củ
  • Hạt nêm, muối, mì chính, tiêu

Cách nấu:

Bước 1: Sơ chế rau dền, thịt heo

Thịt heo mua về ta đem rửa sạch với nước, dùng dao băm thật nhỏ và cho ra bát. Bạn cho 1/3 thìa cà phê tiêu, ½ thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa nước mắm vào bát, trộn đều lên để ướp thịt heo.

Với rau dền, nhặt bỏ phần gốc già, lá vàng rồi đem rửa với nước, dùng dao thái nhỏ.

Hành tím ta lột vỏ, băm nhỏ.

Bước 2: Nấu rau dền với thịt băm

Đầu tiên đặt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào nồi sau đó cho hành vào phi thơm lên. Tiếp đến ta cho thịt băm vào đảo săn lại rồi đổ nước vào nấu sôi lên.

Khi nước sôi bạn cho rau dền vào nấu khoảng 4-5 phút cho rau chín, trong khi nấu ta nêm nếm gia vị cho vừa miệng sau đó tắt bếp.

Cuối cùng ta cho canh ra bát là có thể thưởng thức ngay cùng gia đình.

3. Canh mướp nấu hẹ

Theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng điều kinh, chỉ đới, bình can tức phong, thanh nhiệt, nhuận da, thông kinh lạc, thông đại tiểu tiện, hành huyết mạch. Theo y dược học hiện đại, quả mướp có chứa nhiều nước, protid, lipid, glucid, xenlulo, canxi, photpho, sắt, beta-caroten, B1, B6, B2, C…

Vì vậy, không chỉ giúp bổ huyết, món canh mướp nấu hẹ còn có công dụng trị ho, trị cảm cúm, hạ sốt cực kỳ hiệu quả. Vì bản thân trái mướp rất giàu dưỡng chất, nó kết hợp với lá hẹ (nổi tiếng trong việc hạ sốt, giải cảm) tạo thành món canh ngon và cũng là bài thuốc hay vô cùng.

Nguyên liệu:

  • 2 quả mướp cỡ vừa
  • 200g lá hẹ
  • 3 củ tỏi bóc vỏ
  • 4 con tôm
  • Vài con tôm nõn khô (nếu thích)
  • 1 muỗng dầu ăn
  • 4½ cup nước
  • 1/4 thìa cà phê đường
  • 1/2 thìa cà phê muối
  • 1 thìa cà phê nước mắm
  • 1/2 cup hành xanh thái nhỏ
  • Một ít tiêu đen

Chế biến:

Gọt vỏ mướp, rửa sạch và cắt miếng. Rửa lá hẹ và cắt thành khúc. Băm tôm và tỏi. Sau đó thái hành xanh. Bạn có thể thái cả tôm nõn khô nếu dùng, nhưng nhớ là ngâm chúng trong nước khoảng 4 tiếng cho mềm nhé.

Lấy nồi, cho dầu ăn, tỏi băm nhỏ, tôm khô và tôm tươi băm nhỏ, xào đến khi tôm tươi chuyển màu hồng, đổ vào 4 ½ chén nước.

Đun sôi nước rồi cho mướp vào. Để sôi liu riu trong khoảng 5 phút. Cho ½ thìa cà phê đường, ½ thìa cà phê muối và 1 thìa cà phê nước mắm.

Để sôi liu riu thêm khoảng vài phút nữa. Bây giờ cho lá hẹ, quấy và cho hành xanh vào, rắc thêm ít tiêu đen là bạn đã hoàn thành.

4. Canh củ dền đỏ

Củ dền đỏ rất nhiều virtamin và khoáng chất. Không chỉ vậy, trong loại củ này chứa hàm lượng chất sắt cao (>5mcg sắt/100g củ dền), giúp tái tạo và sản sinh ra nhiều tế bào máu, nhanh chóng bổ sung lượng máu thiếu hụt trong cơ thể.

Củ dền đỏ có thể đem hầm với xương và nhiều rau củ khác là món canh bổ máu giúp thanh nhiệt giải độc cơ thể.

Nguyên Liệu

  • 2 củ dền
  • 3 củ cà rốt
  • 3 củ khoai tây
  • 2 g hạt sen
  • Bột ngọt, hạt nêm, muối, đường, hành, ngò

Cách làm

Hạt sen rửa sạch.

Gọt vỏ, rửa sạch các loại củ. Củ dền (cắt làm 6) – cà rốt (cắt lát xéo vừa) – khoai tây (chỉ nên cắt làm 4 vì cắt nhỏ sẽ dễ bị báy)

Bắt nồi nước sôi cho thịt vào trụng, đổ đi. Bắt 1 nồi nước khác nấu đến khi thịt sôi thì cho củ dền vào nấu trước vì củ dền rất lâu mềm.

Nấu củ dền 15′ nước sẽ có màu đỏ rất đẹp. Nêm hạt nêm, bột ngọt rồi thả cà rốt + hạt sen vào.

Nấu cà rốt + hạt sen 5-10′ cho khoai tây vào nấu 5′ nêm muối, chút đương để tăng gia vị – tắt bếp cho hành + ngò cắt nhỏ vào.

5. Canh rau đay

Trong 100g rau đay có chứa đến 7.7mcg vi chất sắt, nên đây là món ăn rất tốt cho những người thiếu máu. Ngoài ra, rau đay nấu với cua đồng còn là món canh dân dã được nhiều người yêu thích, có tác dụng giải nhiệt, dễ tiêu, bổ sung canxi, thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng bức, người mệt mỏi, chán ăn.

Nguyên liệu

  • Thịt cua đồng: 200g
  • Rau đay: 1 mớ
  • Mồng tơi: 1 mớ
  • Mướp hương: 1 quả (nếu có)
  • Hành khô
  • Các gia vị thông thường

Sơ chế nguyên liệu

Cua đồng mua ở chợ và nhờ người bán lọc lấy gạch và xay phần thịt luôn để tiết kiệm thời gian và công sức (đặc biệt đối với người không biết làm cua). Bạn hoàn toàn đảm bảo được vấn đề vệ sinh khi quan sát được quá trình làm cua của người bán và chủ động yêu cầu người bán rửa sạch cua trước khi

Để riêng phần gạch cua ra bát riêng, sau đó tiến hành lọc phần thịt cua đã xay sẵn.

Cho phần thịt cua vào tô nước và dùng đũa khuấy đều, sau đó lọc qua rây sang 1 tô khác để loại bỏ phần bã vỏ cua.

Bạn có thể lọc thêm 2-3 lần để phần thịt cua không còn dính cặn vỏ cua, khi ăn sẽ có cảm giác lạo xạo rất khó chịu.

Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.

Rau đay, mồng tơi nhặt sạch, ngâm với nước muối pha loãng rồi vớt ra, rửa lại với 2 -3 lần nước nữa rồi cho ra rổ để ráo. Sau khi rau ráo nước thì xắt nhỏ.

Mướp hương nạo vỏ, rửa sạch, thái khúc vừa ăn. Lưu ý đừng thái mướp hương quá bé, khi nấu canh cua sẽ bị nhũn.

Cách nấu canh cua rau đay

Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa dầu ăn vào phi thơm hành khô, sau đó cho phần gạch cua vào để chưng, hạ lửa nhỏ và thêm 1/2 thìa nước mắm vào để gạch cua thơm và đậm đà hơn. Đảo đều tay và chưng đến khi thấy phần gạch cua vàng ươm, sền sệt lại là được.

Phần gạch cua sau khi chưng thì cho riêng ra bát.

Đổ phần nước thịt cua đã lọc kỹ vào nồi, thêm 1 thìa mì chính, 1 thìa nhỏ bột canh vào khuấy nhanh theo hướng cùng chiều kim đồng hồ, để lửa hơi lớn. Nấu đến khi thấy nước canh cua gần sôi thì hạ lửa liu riu để phần thịt cua nổi lên trên bề mặt canh và kết thành từng tảng.

Sau khoảng 2-3 phút thì dùng muôi hớt các tảng thịt cua cho ra bát. Dùng đũa để khuấy đều nước canh cua để phần thịt cua không bị dính dưới đáy nồi, đồng thời tăng lửa lớn lên. Đến khi nước canh bùng sôi lên thì cho rau đay, mồng tơi và mướp hương vào, dùng muôi đảo đều và vẫn để lửa lớn để rau được xanh.

Đổ gạch cua và thịt cua lên trên bề mặt bát canh để tăng thêm độ hấp dẫn cho món canh cua thơm ngon này. Canh cua rau đay mồng tơi nên ăn lúc nóng, ăn kèm với cà muối rất hợp vị và đưa cơm.

6. Canh rau mồng tơi

Không chỉ rau đay, lượng sắt trong mồng tơi cũng khá cao (3.75mcg/ 100g rau) ngoài việc giúp cơ thể tổ hợp lượng máu cần thiết còn có thể cung cấp lượng lớn chất sơ và nhiều vitamin như: vitamin A, C, K, chất diệp lục, folate, magie, … Trong đó, vitamin K có thể kích thích protein có thể giúp máu đông, thích hợp cầm máu cho vết thương. Vitamin C có thể thúc đẩy nhanh quá trình hấp thu chất sắt trong cơ thể.

Ngoài ra, món canh rau mồng tơi nấu với cua hoặc tôm khô hay tôm tươi, … cũng đều là món ăn khoái khẩu của nhiều người, giúp thanh nhiệt cơ thể một cách nhanh chóng.

Nguyên liệu:

  • Mồng tơi: 1 bó
  • Tôm tươi: 100gam
  • Dầu ăn, hành khô
  • Các loại gia vị: Muối, hạt nêm, mì chính, nước mắm,..

Cách nấu

Nếu bạn dùng tôm khô thì cần ngâm trong nước cho mềm rồi giã dập tôm. Nếu chọn tôm tươi để nấu thì nên bóc vở và rút chỉ. Dùng dao hoặc chày gỗ đập dâp cho vào cái cối giã mịn. Sau đó, lấy phần thịt tôm đem ướp cùng một ít tiêu, hạt nêm, dầu ăn tầm 15 – 20 phút cho ngấm gia vị. Nước giã tôm bỏ vào chén để khi nấu canh sẽ đậm đà hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể canh tép nấu mồng tơi

Rau mùng tơi nên chọn những lá và phần ngọn non. Rau mua về nhặt sạch, rửa và ngâm với nước muối rồi đem thái nhỏ. Hãy thử canh rau đay mồng tơi nấu tôm khô.

Đem hành khô đi bóc vỏ băm nhỏ. Cho chút dầu vào nồi đun nóng và cho hành khô vào phi thơm. Tiếp đến cho tôm vào xào cùng, thêm chút gia vị cho thấm. Cho nước giã tôm và một lượng nước nấu canh đủ ăn vào nồi, đun sôi.

Trong khi nước sôi, bạn dùng muỗng hớt bọt và nêm gia vị cho vừa ăn. Nước sôi thì cho rau mồng tơi vào nấu cho sôi lại, đảo đều cho rau mồng tơi chín tới là được. Tắt bếp, bắc nồi xuống để nguội, canh mồng tơi mướp nấu tôm.

7. Canh rau ngót

Theo Đông y, rau ngót có tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ huyết, nhuận tràng…. Thành phần dinh dưỡng của rau ngót chứa lượng đạm thực vật cao nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật.

Ngoài ra, ượng chất sắt trong 100g rau ngót chứa tới 2.7mcg cùng hàng loạt các vitamin B1, B2, B6, … Khoáng chất magie, kali, protein và chất sơ, … có ích cho sức khỏe. Rau ngót thích hợp nấu canh thịt băm, tôm băm hoặc tôm khô có tác dụng thanh nhiệt rất hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • 200g thịt thăn
  • 1 mớ rau ngót xanh
  • Hành khô
  • Bột canh, hạt nêm

Thực hiện:

Bước 1: Rau ngót tướt phần lá, bỏ cọng, rửa sạch rồi vò nát vừa phải.

Bước 2: Thịt thăn bằm nhỏ rồi ướp với một ít hạt nêm.

Bước 3: Chuẩn bị nồi, thêm 2 muỗng dầu vào phi thơm hành khô băm, sau đó trút thịt vào đảo qua.

Bước 4: Thêm nước vào nồi, nêm thêm 1 muỗng cà phê bột canh. Khi nước trong nồi sôi thì thả rau vào đun sôi trong vòng 2 phút để rau vừa chín mềm rồi tắt bếp, nêm thêm hạt nêm tùy khẩu vị.

8. Canh đu đủ chín

Trong đu đủ chín chứa nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe như: Vitamin A, C, sắt (2.6mcg/ 100g đu đủ chín), …. Đây là loại trái cây dễ tiêu hóa, rất thích hợp để có thể hấp thụ dinh dưỡng tẩm bổ cho máu.

Đủ đủ chín mềm có thể bổ ra ăn trực tiếp hoặc xay sinh tốt. Với đu đủ vừa mới chín có thể nấu với xương lợn ăn để trở thành món canh bổ máu giúp thanh nhiệt giải độc cơ thể.

Nguyên Liệu

  • 3 lạng xương sườn heo
  • 1 quả đu đủ hườm
  • Gia vị: muối, hạt nêm, nướcc mắm, hạt tiêu
  • 1 muỗng canh dầu ăn
  • Rau ngò, hành lá, hành tím

Cách làm

Xương sườn chặt miếng nhỏ vừa ăn, ngâm với nước muối loãng 10 phút rồi rửa sạch. Ướp với 1 muỗng cafe hạt nêm, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng canh nước mắm, hành tím giã nhuyễn, để 5-10 phút cho ngấm.

Đu đủ gọt sạch vỏ, bỏ ruột rồi cắt khúc.

Bắc nồi lên bếp, cho dầu và hành tím giã nhuyễn vào phi vàng có mùi thơm thì cho xương vào đảo đều cho sườn săn lại.

Khi thấy sườn săn lại thì cho vào một bát nước nóng, hầm sườn khoảng 10 phút cho sườn mềm.

Sườn đã mềm thơm thì cho đu đủ vào, chờ nước sôi lại khoảng 2 phút là được vì đu đủ hườm rất nhanh chín, lúc này mình nêm nếm lại gia vị cho ngon miệng là xong.

Múc canh ra bát, cho vào ít hạt tiêu và lá hành ngò cho thơm, giờ thì măm măm thôi nào!

9. Canh sườn non củ cải trắng

Vốn là thực phẩm giàu chất xơ, canxi, sắt, axit folic, choline, vitamin C, B3, magie, phốt pho, kali, natri… nên củ cải trắng rất bổ máu cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, theo Đông y, củ cải có vị cay ngọt, tính bình, có tác dụng lưu thông hơi thở, trừ đờm, hỗ trợ tiêu hóa, lợi tiểu, tiêu thũng, giải độc. Vì vậy, mẹ bầu, và trẻ nhỏ khi ăn canh củ cải trắng sẽ trị được bệnh viêm khí phế quản, ho nhiều đờm, khản tiếng, nôn ra máu, chảy máu cam, đái tháo đường, kiết lỵ.

Nguyên liệu:

  • 300 gr xương thịt, có thể dùng đùi heo hoặc chân giò tuỳ thích
  • 2 củ cải trắng
  • Hành, ngò

Cách làm:

Bước 1: Phần xương thịt rửa sạch rồi luộc sơ qua với nước và chút muối, xong vớt ra rửa lại lần nữa cho sạch. Củ cải bào bỏ vỏ, cắt khúc vừa ăn. Hành ngò cắt nhỏ.

Bước 2: Đun sôi nước ta cho phần xương vào, thêm 1 muỗng muối, 1/2 muỗng bột ngọt để lửa nhỏ, thấy phần thịt hơi mềm thì vớt bọt cho nước trong. Tiếp tục cho củ cải vào nấu, tới khi thấy củ cải chuyển màu trong thì nêm thêm chút nước mắm cho vừa miệng.

Bước 3: Cho canh ra tô, thêm hành ngò và tiêu lên mặt.

10. Canh bí đao nấu gà

Món canh bí đao nấu thịt gà ăn rất phù hợp để bồi bổ cơ thể do có được những lợi ích quý giá từ nguyên liệu bí đao và thịt gà, giúp khí huyết dồi dào, lưu thông trơn tru, bổ máu… Thậm chí còn có thể phòng và chữa được các bệnh cảm sốt, bệnh đường hô hấp như ho, sổ mũi…

Bí đao: Là loại quả có tính thanh mát giúp giải nhiệt không thể lý tưởng hơn. Tính mát từ loại quả này có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như: hen suyễn, ho gà, ngộ độc, ung thư họng, nổi nhọt,… Hơn nữa, bí đao đặc biệt rất có công hiệu trong phòng và điều trị các bệnh liên quan đường hô hấp, ho, khạc đờm, đái tháo đường, phù tay chân khi mang thai, bệnh gan…

Thịt gà: Trong thịt gà chứa 1,5 mg sắt mỗi khẩu phần 226g, nên kết hợp với bí đao để có món canh bổ máu, thanh nhiệt giải độc cơ thể rất hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • 200 gram thịt gà ta
  • 300 gram bí xanh
  • 1 củ gừng nhỏ
  • Mùi tàu, hành lá, hành củ
  • Gia vị: muối, hạt nêm

Cách làm:

Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch cắt thành miếng vừa ăn.

Thịt gà làm sạch, rửa với nước và cắt thành miếng vuông vừa ăn.

Ướp sơ thịt gà với hạt nêm, đường, hành tím giã nát khoảng 10-15 phút. Tiếp đó, cho thịt gà vào xào săn. Khi thịt gà đã săn lại cho nước vào đun sôi.

Khi nước sôi, thả bí xanh vào đun thêm vài phút cho bí chín. Nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm một chút gừng sau đó cho thêm ít hành lá, mùi tàu vào là dùng được.

You may also like

  1. 50 công thức món ăn mặn hàng ngày ngon cơm dễ làm
  2. Cách làm 30 món chè, kem, thạch ngọt mát đơn giản mà ngon miệng
  3. Tổng hợp 30 món bún, phở, miến, mì ngon hấp dẫn và dễ nấu tại nhà
  4. 30 món thịt heo ngon dễ làm, ăn cả tháng vẫn thấy thòm thèm
  5. Tổng hợp 20 công thức món ngon ngày Tết không thể bỏ qua
  6. Tổng hợp cách nấu 33 món xôi đặc biệt mềm dẻo, thơm ngon

Từ khóa » Các Loại Canh Bổ Dưỡng