10 Ngôi Chùa Cổ ở Hải Phòng - Vương Triều Mạc

10 ngôi chùa cổ ở Hải Phòng

Thành phố Cảng có nhiều chùa cổ, trong đó có những ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi. Điều này thể hiện sự phong phú của nguồn di sản Phật giáo trên đất Hải Phòng, đồng thời cho thấy nhiều nét truyền thống văn hóa và đời sống tâm linh của người dân.

Theo cuốn sách “Chùa cổ Hải Phòng” tập 1, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành, Hải Phòng hiện có 611 ngôi chùa, trong đó có 48 chùa được xếp hạng Di sản Văn hóa cấp quốc gia, 120 chùa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, Di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến cấp thành phố. Báo Hải Phòng điện tử giới thiệu 10 ngôi chùa cổ nổi tiếng trong số đó:

Chùa Hang

Chùa Hang ở khu 1, phường Vạn Sơn (quận Đồ Sơn) là điểm đến thú vị để tìm hiểu về lịch sử Phật giáo, bởi nơi đây là chứng tích của buổi đầu đạo Phật du nhập vào nước ta. Chùa vốn là một hang đá núi, được xây dựng từ trước Công nguyên.

Cuối thời Hùng Vương, nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa này. Hiện, phần hang đá sau Phật điện sâu 25m, có tượng thờ Tổ sư Bần, người viên tịch trong hang hàng nghìn năm trước.

Chùa Mỹ Cụ

Chùa Mỹ Cụ, thuộc thôn Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên). Theo truyền ngôn, chùa có muộn nhất từ thời Tiền Lê (980-1009). Tương truyền, song thân vua Lê Đại Hành đến chùa cầu tự, sau đó sinh ra vị vua thay thế triều Đinh, mở ra triều Lê.

Chùa được thiết kế theo ba tầng, dựa theo thế núi, ẩn hiện trong vườn cổ thụ xanh tươi. Phía trước cửa chùa là vườn tháp cổ dưới bóng những cây vải, nhãn lâu năm.

Chùa Mét

Chùa Mét thuộc thôn Lê Lợi, xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo), có kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn, gồm toà Phật điện 7 gian, nối liền toà nhà thờ tổ 7 gian, đều bằng gỗ lim. Theo truyền ngôn, thuở nhỏ, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được bố mẹ gửi đến học tại chùa này.

Chùa được khởi công xây dựng vào cuối triều Trần (1226 – 1400), do vị tướng nhà Trần là Trần Khắc Trang hưng công xây dựng. Chùa có khuôn viên rộng, có 4 ngôi mộ tháp dựng từ thời Lê. Chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1998.

Chùa Vẽ

Chùa Vẽ nằm ở phường Đông Hải 1, quận Hải An, tương truyền có từ thời nhà Lý. Tương truyền, quá trình chuẩn bị cho trận đánh quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chọn chùa làm mật cứ chỉ đạo các thám binh vẽ địa hình vùng cửa sông Bạch Đằng để xây dựng thế chặn giặc. Sau này, nhiều lần Người về thăm chùa, bỏ tiền riêng giúp tôn tạo chùa, trực tiếp chọn hướng cho ngôi chùa mới.

Nay chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật quy mô lớn, có khuôn viên rộng lớn với các hồ nước, vườn tượng…, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Năm 1994, Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận chùa Vẽ là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Đỏ

Chùa Đỏ ở phường Máy Chai, quận Ngô Quyền. Theo truyền ngôn, năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khi đến vùng An Dương để nghiên cứu trận thuỷ chiến tiêu diệt đoàn thuyền quân Nguyên rút chạy qua cửa Bạch Đằng, đặt đội hoả đầu quân ở chùa này phục dịch ăn uống cho binh sĩ. Nay, toàn bộ chùa là tòa nhà cao đồ sộ, có kiến trúc độc đáo, khu tiền đường có 3 tầng mái cong, hậu cung có 2 tầng mái đao.

Hậu cung có pho tượng Thích Ca Mâu Ni cao 5,5m, ngồi trên tòa sen, được sơn son thếp vàng. Phía sau pho tượng này là hàng nghìn tượng Phật nhỏ được sơn son thếp vàng.

Chùa Dư Hàng

Chùa Dư Hàng thuộc phường Hồ Nam, quận Lê Chân, có kiến trúc cổng kiêm gác chuông cao 3 tầng bề thế. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, gồm tòa Phật điện 7 gian, hai bên là nhà tổ, cổng tam quan. Khuôn viên rợp bóng cây xanh, có vườn tháp, vườn tượng… Đây là chùa cổ có quy mô lớn tại Hải Phòng, được khởi dựng thời Tiền Lê (980 - 1009).

Chùa Dư Hàng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đây là nơi đông đảo nhân dân, phật tử làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh năm 1926; điểm tổ chức “Tuần lễ vàng” năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Dư Hàng là nơi nuôi giấu cán bộ, ủng hộ kháng chiến. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1986.

Chùa tháp Tường Long

Chùa tháp Tường Long được xây dựng năm 1058, trên đỉnh núi nay thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Công trình tháp xưa có 9 tầng, cao khoảng 45m, đã bị thời gian, chiến tranh, thiên tai tàn phá. Nay dấu tích vàng son của công trình cũ còn ở hố khảo cổ ngay cạnh ngôi tháp được phỏng dựng này. Năm 2005, tháp Tường Long được xếp hạng Di tích khảo cổ học cấp quốc gia.

Chùa tháp Tường Long là di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nhiều mặt. Đây cũng là công trình sáng tạo của con người hài hòa tuyệt vời với thiên nhiên miền biển Đồ Sơn. Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa.

Chùa Long Hoa

Tương truyền, chùa Long Hoa trên núi Voi (xã Trường Thành, huyện An Lão) do vua Lý Nhân Tông (1072-1128) hưng công xây dựng. Đây là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của nước Đại Việt thời đó. Ngôi chùa rộng lớn xưa, nay chỉ còn tấm bia khắc trên vách đá trên sườn núi. Phế tích chùa Long Hoa và khu di tích lịch sử danh thắng núi Voi được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1962. Năm 2010, chùa Long Hoa được khởi công phục dựng tại địa điểm mới trên núi Voi. Các hạng mục công trình đang dần hoàn thiện.

Hiện chùa có pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cao hơn 6,5m, uy nghi nhìn xuống đồng bằng mênh mông dưới chân núi Voi.

Chùa Thiểm Khê

Chùa Thiểm Khê ở làng Thiểm Khê (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) được dựng trên sườn núi Thiểm, nhìn ra thung lũng rộng. Xưa chùa nguy nga, tráng lệ, nay dấu tích chỉ còn những cấp nền bạt núi hình bậc thang, nơi chùa mới được xây dựng.

Chùa được xem như “đài tưởng niệm” về chiến thắng Trúc Động lẫy lừng năm 1288 chống giặc Mông- Nguyên. Khi đó, nhân dân Thiểm Khê và quân đội nhà Trần hoàn thành nhiệm vụ bịt đường sông Giá, giữ bí mật cho trận địa mai phục, buộc toàn bộ binh thuyền của giặc xuôi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng, nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cho bố trí sẵn trận địa.

Chùa Hoà Liễu

Chùa Hoà Liễu nằm giữa cánh đồng thôn Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ), có bố cục chữ “Đinh”, 3 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Chùa nằm liền kề với đền Hòa Liễu, nơi tôn thờ bà Thái Hoàng - Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung. Nơi đây hằng năm diễn ra lễ hội “Minh thề” độc đáo, nổi tiếng cả nước.

Trong vườn chùa có 2 ngôi tháp tổ như đài nghiên vươn lên trời xanh. Bên cạnh đó, còn có vườn cây xanh với nhiều cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cụm di tích đền – chùa Hoà Liễu được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1993.

Hân Minh

Nguồn: baohaiphong.com.vn

Từ khóa » Chùa ở Hp