10 Nguyên Nhân Gây Ngứa Chân Và Cách điều Trị - Hello Bacsi

Ngứa chân là cảm giác khó chịu mà bất kỳ ai đều có thể gặp phải. Tình trạng này thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn mà bạn cần quan tâm.

Cùng tìm hiểu các nguyên nhân phổ biến gây ngứa chân và cách khắc phục bị ngứa ở chân ngay trong bài viết sau.

Tình trạng ngứa chân

Da chân rất dễ bị mẩn ngứa do thường xuyên phải chịu tác động từ môi trường:

  • Bụi bặm
  • Nhiệt độ khắc nghiệt
  • Tiếp xúc trực tiếp với nước và các chất gây kích ứng
  • Đi giày hầm bí chân, nhiều vi khuẩn…

Những tác nhân này khiến da chân khô, ngứa, phát ban hoặc thậm chí là nhiễm nấm làm tăng cảm giác muốn gãi. Hầu hết các trường hợp nổi mẩn và ngứa ở chân không đáng lo ngại. Tuy nhiên có một số trường hợp là biểu hiện bên ngoài của một số tình trạng da tiềm ẩn hoặc bệnh lý nghiêm trọng.

Nếu bạn cảm thấy bàn chân bị kích ứng dữ dội, khó chịu khi ngứa lòng bàn chân vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, cảm giác này kèm theo phát ban, da gà hoặc mụn nước hoặc kéo dài hơn hai tuần, có thể bạn đang mắc một bệnh lý cần điều trị.

10 nguyên nhân khiến bạn bị ngứa chân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa bàn chân, bao gồm:

1. Khô da

Tình trạng ngứa chân nhưng không nổi mẩn của bạn có thể khiến khô da do thời tiết, mất nước hoặc sử dụng mỹ phẩm. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng khô mà da chân của bạn sẽ bị nứt, da bị bong tróc, thô ráp kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị khô và ngứa chân nếu mắc các bệnh ngoài da như bệnh chàm hoặc vảy nến.

bị ngứa chân do bệnh vảy nến
Tình trạng khô da chân có thể gây ra những cơn ngứa khó chịu

2. Ngứa chân do cạo lông

Đôi khi, việc cạo lông chân có thể gây ra tình trạng lông mọc ngược (sợi lông không mọc ra bên ngoài mà cuộn lại rồi đâm ngược vào bên trong da). Việc cạo lông chân bị ngứa sẽ hình thành những nốt mụn mủ, sưng đỏ và gây ngứa vùng da chân.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị ngứa chân do da bị khô ở khu vực vừa được cạo lông. Tình trạng này có thể xuất hiện khoảng 12-48 giờ sau khi bạn cạo lông chân.

3. Côn trùng cắn

Côn trùng đốt (vết muỗi đốt, kiến đốt, ong đốt…) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa chân. Thông thường, các vết cắn này chỉ gây sưng và ngứa nhẹ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp côn trùng cắn gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Nhịp tim nhanh
  • Buồn nôn và nôn
Ngứa chân do hội chứng chân không yên
Vết ngứa do côn trùng ngắn có thể diễn tiến nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách

Nếu các triệu chứng trên xảy ra, bạn cần gọi ngay cho cấp cứu để được chăm sóc y tế khẩn cấp.

4. Ngứa chân do dị ứng

Bạn có thể bị ngứa chân khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Ví dụ: Nếu bạn dị ứng với cỏ, bạn sẽ bị ngứa chân khi ngồi chơi cùng bạn bè trên bãi cỏ.

Tình trạng ngứa cũng xảy ra nếu bạn dị ứng với các sản phẩm làm đẹp hoặc vệ sinh sai cách vùng chân, bao gồm kem tẩy lông, kem dưỡng da và một số loại xà phòng. Các vết sưng có thể xuất hiện ngay sau khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, dẫn đến hiện tượng phát ban trên da và ngứa ngáy.

Ngứa chân do dị ứng mỹ phẩm
Dị ứng với các sản phẩm làm đẹp hoặc vệ sinh sai cách vùng chân cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa chân thường gặp

Ngoài ra, bạn cũng có thể bị ngứa do dị ứng thuốc. Một số loại thuốc thường gây ra phản ứng dị ứng là:

  • Thuốc kháng sinh gốc Penicillin
  • Thuốc sulfa
  • Thuốc chống co giật
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
  • Thuốc hóa trị

5. Tiểu đường

Ngứa chân có thể là một dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tiểu đường. Trong trường hợp bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước đây thì hiện tượng ngứa ngáy ở chân cho thấy mức glucose của bạn đang bị mất kiểm soát. Điều này được giải thích là do nồng độ glucose cao làm tổn thương các sợi thần kinh trong cơ thể, dẫn đến tình trạng viêm, kích ứng và gây ngứa da.

Bên cạnh đó, hoạt động tuần hoàn suy giảm khi bị tiểu đường cũng có thể khiến da bị khô và ngứa.

6. Viêm nang lông

Viêm nang lông là một bệnh lý về da xảy ra khi các nang lông bị viêm. Lông tóc xoăn, mụn trứng cá hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch là những yếu tố rủi ro phổ biến dẫn dến tình trạng này.

Triệu chứng điển hình của bệnh là sự xuất hiện của một cụm mụn ngứa trên chân, khu vực xung quanh cụm mụn đỏ lên và đau rát. Bên cạnh đó, một số người còn bị nổi mụn nước, chảy mủ khi vỡ mụn.

7. Giãn mạch máu

Tập thể dục là cách tuyệt vời giúp bạn giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện một số tình trạng bệnh lý mãn tính. Tuy nhiên, khi bắt đầu một hình thức tập thể dục mới, bạn có thể cảm thấy ngứa ở chân.

Một số người cảm thấy ngứa trong lúc hoặc sau khi đi bộ, chạy bộ và tập luyện các bài tập khác. Nguyên nhân là do khi hoạt động, mao mạch ở chân giãn nở, làm tăng lưu lượng máu đến cơ bắp và các dây thần kinh xung quanh.

Ngứa chân do giãn mạch máu chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ giảm dần khi cơ thể bạn bắt đầu thích nghi với cường độ luyện tập mới.

8. Hội chứng chân không yên (RLS)

Hội chứng chân không yên là tình trạng khiến người bệnh luôn cảm thấy bồn chồn, khó chịu ở chân, buộc người bệnh phải di chuyển liên tục. Cảm giác này nhận thấy rõ nhất khi người bệnh nghỉ ngơi, chẳng hạn như lúc ngồi hoặc nằm. Hội chứng chân không yên có thể gây khó ngủ vào ban đêm, khiến người bệnh suy nhược, mệt mỏi và mất tập trung trong công việc.

Hiện nay, y học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này. Các chuyên gia cho rằng hội chứng có thể xuất hiện do sự mất cân bằng các hóa chất trong não liên quan đến chuyển động cơ bắp.

9. Tác dụng phụ của thuốc

Đôi khi, ngứa chân có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Trong đó, bị ngứa do dùng thuốc giảm đau nhóm opioid là phổ biến nhất. Thông thường, cảm giác ngứa do những nguyên nhân này thường không đi kèm phát ban hoặc nổi mề đay.

Một số loại thuốc trị ung thư cũng gây ra cảm giác ngứa và có thể kèm theo các triệu chứng về da khác.

10. Ngứa chân do một số bệnh lý khác

Mặc dù không phổ biến nhưng ngứa chân có thể là một dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng sau:

  • U lympho: Cảm giác ngứa thường xảy ra ở những người mắc u lympho Hodgkin và u lympho tế bào T ở da.
  • Ung thư da: Trong đa số trường hợp, dấu hiệu nhận biết duy nhất của bệnh ung thư da là một đốm nhỏ như nốt ruồi trên da. Đôi khi, đốm da này sẽ gây ngứa cho bạn.
  • Bệnh thận tiến triển: Ngứa ngáy là triệu chứng phổ biến khi thận bắt đầu suy giảm chức năng và người bệnh cần tiến hành lọc máu.
  • Bệnh gan: Viêm gan C, xơ gan hoặc tắc ống mật có thể gây ngứa da.
  • Bệnh tuyến giáp. Các vấn đề về tuyến giáp có thể là nguyên nhân dẫn đến ngứa chân. Trong một số trường hợp, bệnh lý tuyến giáp còn gây phát ban da mãn tính.

Điều trị tình trạng ngứa chân

Các phương pháp điều trị tình trạng ngứa chân sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu ngứa chân là do khô da, bạn có thể sử dụng kem hoặc gel bôi để giữ ẩm cho đôi chân của mình. Bạn cũng nên thực hiện các bước giữ ẩm cho da trước, sau khi cạo lông và sau khi tắm.

Một số sản phẩm đặc trị có thể giúp bạn giảm ngứa, bao gồm

  • Kem chống ngứa
  • Hydrocortison
  • Thuốc bôi ngoài da calamine.
  • Bạn cũng có thể dùng thuốc kháng histamine đường uống để kiểm soát phản ứng dị ứng

Thuốc kháng histamin

Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bạn nên đến bệnh viện để điều trị. Bác sĩ có thể kê toa kem bôi steroid nếu bạn bị khô, viêm và ngứa da.

Trong trường hợp viêm nang lông, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống để điều trị ngứa chân. Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp giúp bạn kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu.

Biện pháp khắc phục ngứa chân tại nhà

Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà sau để giảm ngứa chân:

  • Chườm lạnh: Chườm một túi nước đá vào vùng chân bị ngứa trong 10-20 phút. Lặp lại việc này nhiều lần trong ngày để giảm cảm giác ngứa.
  • Tắm nước ấm: Nếu chân bị ngứa sau khi tắm, hãy thử tắm trong nước mát hoặc nước ấm thay vì nước nóng. Đồng thời, bạn nên giới hạn thời gian tắm không quá 20 phút để tránh làm da bị khô.
  • Tắm với bột yến mạch: Bột yến mạch keo là một chất chống viêm tự nhiên và được dùng để cải thiện các tình trạng da khô, ngứa. Tắm nhẹ nhàng với bột yến mạch keo cũng là một cách giảm ngứa chân hiệu quả.
  • Nha đam: Nha đam cũng có đặc tính chống viêm, giảm đau, khô và kích ứng da.

Phòng ngừa tình trạng ngứa chân

Để ngăn ngừa tình trạng ngứa chân, bạn có thể áp dụng các cách đơn giản sau:
  • Thoa kem dưỡng ẩm cho chân ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau khi tắm để ngăn ngừa khô da và ngứa chân.
  • Tránh sử dụng xà phòng, kem dưỡng da và bột giặt có mùi thơm vì các sản phẩm này có thể gây kích ứng da.
  • Mặc áo quần thoáng mát để giảm nguy cơ lông mọc ngược trên chân.
  • Cạo lông chân đúng cách: Cạo lông bằng dao cạo cũ có thể khiến lông mọc ngược vào bên trong và gây ngứa chân. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng dao cạo sắc và luôn cạo theo hướng mọc của lông. Luôn nhớ thoa gel hoặc kem dưỡng ẩm cho chân sau khi cạo lông.

Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?

Tình trạng ngứa chân thường không quá nghiêm trọng và có thể tự thuyên giảm bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu ngứa chân không cải thiện hoặc kèm theo sự xuất hiện của các vết sưng, nổi mẩn hoặc đau kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám. Ngứa chân dai dẳng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng da, tiểu đường hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Bạn cũng nên đi gặp bác sĩ nếu ngứa chân gây cản trở việc nghỉ ngơi, ngủ hoặc các sinh hoạt khác trong cuộc sống.

Nguyên nhân gây ngứa chân có thể xuất phát từ các vấn đề rất thường gặp như khô da hoặc côn trùng cắn. Tuy nhiên,  cũng có thể do các tình trạng nguy hiểm hơn gây ra. Do đó, bạn không nên bỏ qua triệu chứng này, đặc biệt là khi nó kéo dài hoặc đi kèm các biểu hiện bất thường khác.

Từ khóa » Chân Nổi Mẩn đỏ