10 Tác Dụng Của Cải Thảo - Xếp Vào 'top đầu' Rau Xanh Bổ Dưỡng - VOH

Mục lục
  1. Tìm hiểu về cải thảo
  2. Tác dụng của cải thảo với sức khỏe
    1. Kích thích tiêu hóa
    2. Củng cố xương chắc khỏe
    3. Tác dụng của cải thảo giảm lượng cholesterol
    4. Phòng chống ung thư
    5. Tốt cho hệ thần kinh
    6. Tăng cường sức đề kháng
    7. Ngăn ngừa thiếu máu
    8. Kiểm soát lượng đường trong máu
    9. Ngăn ngừa bệnh hen suyễn
    10. Dưỡng da mịn màng
  3. Bà bầu ăn cải thảo được không?
  4. Cải thảo nấu gì ngon?
  5. Một số tác hại của cải thảo khi dùng sai cách
    1. Gây lạnh bụng, tiêu chảy
    2. Nôn ói, ngộ độc
  6. Thành phần dinh dưỡng của cải thảo

Bước vào những tháng cuối năm, khi tiết trời dần chuyển lạnh, người ta lại thấy trong bữa cơm gia đình xuất hiện nhiều hơn các loại rau xanh đặc trưng như cải thảo. Những cây cải thảo giòn ngọt, được thu hoạch đúng mùa vụ nên vừa đạt chất lượng tốt, vừa có giá thành hợp lý.

1. Tìm hiểu về cải thảo

Có thể bạn chưa biết, cải thảo còn được gọi là cải bao, cải cuốn, cải bắp tây (tên khoa học: Brassica rapa subsp. pekinensis), là phân loài thực vật thuộc họ Cải bắt nguồn từ Trung Quốc, và được canh trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia Đông Á, Đông Nam Á.

10-tac-dung-cua-cai-thao-xep-vao-top-dau-rau-xanh-bo-duong-voh-0
Cải thảo ngọt mềm, giàu dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Cải thảo có màu sắc khá giống với bắp cải, phần lá bao ngoài có màu xanh đậm, còn lá cuộn ở bên trong (gọi là lá non) có màu xanh nhạt, trong khi phần cuống lá có màu trắng. Tuy nhiên so với bắp cải thì lá cải thảo mềm mảnh hơn, chế biến chín mềm cũng nhanh hơn.

2. Tác dụng của cải thảo với sức khỏe

Từng bẹ cải thảo xanh mướt, tươi ngon đều “hội tụ” vô vàn chất dinh dưỡng quan trọng, cung cấp đa dạng khoáng chất cùng nhiều nhóm vitamin thiết yếu. Nhờ vậy, nếu duy trì bổ sung hợp lý các món ăn từ cải thảo, bạn sẽ chủ động cải thiện được một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

2.1 Kích thích tiêu hóa

Nếu bạn muốn cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, cải thảo là một lựa chọn mà bạn nên cân nhắc thêm vào thực đơn. Loại rau xanh giòn ngọt này rất giàu chất xơ, giúp giữ cho hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột, tăng hút nước làm mềm phần thêm và thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên.

2.2 Củng cố xương chắc khỏe

Cải thảo vừa có vị ngọt tươi ngon lại chứa nhiều khoáng chất trực tiếp tham gia hình thành các tế bào xương mới, điển hình phải kể đến như canxi, photpho hay magie. Bên cạnh đó, vitamin B3 được tìm thấy trong cải thảo ở dạng niacinamide có hiệu quả tăng khả năng vận động của khớp, giảm đau khớp, cải thiện sức mạnh cơ bắp và ít mỏi cơ hoặc khớp hơn.

Xem thêm: Top 15 loại thực phẩm ăn vào là khỏi lo đau nhức xương khớp

2.3 Tác dụng của cải thảo giảm lượng cholesterol

Cholesterol là một thành phần của lipid máu, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Nó giúp thúc đẩy quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh, cũng như sản xuất và tổng hợp các loại hormone. Tuy nhiên, nếu nồng độ LDL cholesterol cao sẽ có xu hướng tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Để khắc phục được điều này, cải thảo chính là lựa chọn an toàn để làm giảm lượng cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt, giúp thúc đẩy tính đàn hồi mạch máu, phòng ngừa xơ cứng động mạch và các bệnh tim mạch khác.

10-tac-dung-cua-cai-thao-xep-vao-top-dau-rau-xanh-bo-duong-voh-1
 

2.4 Phòng chống ung thư

Một số nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng, lá cải thảo có chứa nguyên tố vi lượng Mo (Molybdenum) rất cần thiết cho việc ngăn chặn hình thành khối u. Theo đó, hoạt chất này có khả năng ức chế sự tạo thành, hấp thu và tích tụ với Nitrosamin nên có tác dụng chống ung thư rất tốt, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.5 Tốt cho hệ thần kinh

Có thể nói cải thảo là loại rau xanh rất tốt cho hệ thần kinh và sức khỏe não bộ. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm B như cải thảo sẽ góp phần kích thích hình thành tế bào thần kinh, hoạt động trí óc, giảm stress và chứng hay quên.

2.6 Tăng cường sức đề kháng

Theo phân tích dinh dưỡng, cải thảo được đánh giá là loại rau xanh chứa hàm lượng vitamin C vô cùng dồi dào, tương đương với hơn 45% nhu cầu hàng ngày. Nhóm vitamin này khi vào cơ thể sẽ “góp mặt” trong quá trình hình thành tế bào bạch cầu trung tính, giúp củng cố hệ miễn dịch, từ đây ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh.

Xem thêm: Vitamin C có tác dụng gì? Nhu cầu hàng ngày và cách bổ sung

2.7 Ngăn ngừa thiếu máu

Không chỉ hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, vitamin C còn có khả năng thúc đẩy hoạt động chuyển hóa và hấp thu vi chất sắt của cơ thể. Điều này sẽ giúp tăng sinh tế bào hồng cầu và hạn chế tối đa nguy cơ bị thiếu máu.

2.8 Kiểm soát lượng đường trong máu

Khoáng chất magie cùng mangan từ cải thảo được xem như các chất xúc tác sản xuất các enzym tiêu hóa gọi là gluconeogenesis. Gluconeogenesis bao gồm việc chuyển đổi các axit amin của protein thành đường và cân bằng lượng đường trong máu, đồng thời tăng độ nhạy insulin, giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

2.9 Ngăn ngừa bệnh hen suyễn

Thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu magie như cải thảo giúp thư giãn cơ phế quản và điều hòa nhịp thở, trị chứng thở khò khè, ngăn ngừa bệnh hen suyễn. Lúc này, bên cạnh dùng thuốc đặc trị, trong bữa ăn hàng ngày, bạn có thể tham khảo áp dụng món ăn bài thuốc từ cải thảo hầm cùng đậu hũ ky và táo đỏ.

2.10 Dưỡng da mịn màng

Không phải ngẫu nhiên mà cải thảo lại trở một trong những “biểu tượng” của rau xanh mùa thu đông và được các bà nội trợ tăng cường thêm vào thực đơn hàng ngày. Theo đó, ở giai đoạn này, thời tiết thường hanh khô, dễ khiến làn da khô ráp, nứt nẻ, nên sử dụng loại rau mọng nước, giàu vitamin như cải thảo sẽ có thể bù nước cho làn da, dưỡng da mịn màng hơn.

3. Bà bầu ăn cải thảo được không?

Có thể nói rằng, rau xanh gần như là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của mỗi chúng ta, với mẹ bầu thì lại càng phải chú trọng bổ sung đầy đủ và đa dạng. Để bữa ăn thêm phong phú, hấp dẫn, nhiều mẹ cũng muốn thêm các món ăn từ cải thảo song còn khá “e dè” bởi có lời khuyên thì nên ăn song cũng có ý kiến nên cắt giảm.

10-tac-dung-cua-cai-thao-xep-vao-top-dau-rau-xanh-bo-duong-voh-2
Bà bầu vẫn có thể ăn cải thảo được (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng trong thai kì, bà bầu có thể ăn cải thảo được, thậm chí còn nhận được nhiều lợi ích tuyệt vời như:

  • Cải thiện chứng táo bón thai kì
  • Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh
  • Giảm stress khi mang thai
  • Phòng chống tình trạng xuất huyết sau sinh
  • Hạn chế mắc tiểu đường thai kì  

Xem thêm: 9 điều giúp mẹ 'hóa giải' thắc mắc bà bầu ăn cải thảo được không

4. Cải thảo nấu gì ngon?

So với các loại rau khác thuộc họ Cải, các món ngon từ cải thảo có phần đa dạng hơn, bởi bên cạnh luộc, hấp hay xào thông thường, bạn còn có thể dùng cải thảo muối chua hay làm kim chi.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng để đảm bảo món ăn chế biến từ cải thảo thơm ngon “đúng điệu” thì ngay từ công đoạn chọn mua rau bạn nên chú ý quan sát những đặc điểm nổi bật sau:

  • Nên chọn cây cải thảo có kích thước vừa phải, không cần quá to, lá càng cuộn tròn chặt thì càng giòn ngọt.
  • Lựa những cây cải thảo với màu sắc tươi xanh, sáng và không bị héo úa, hay thâm nhũn.
  • Mua với lượng vừa đủ ăn, chỉ tích trữ trong tủ lạnh từ 3 – 5 ngày để không bị hao hụt dưỡng chất cùng độ giòn ngọt.

Xem thêm: Vào bếp còn đắn đo cải thảo nấu gì ngon, thử ngay 12 gợi ý này!

5. Một số tác hại của cải thảo khi dùng sai cách

Ngọt mềm và dễ dàng “biến tấu” được thành nhiều món ngon độc đáo nhưng các tác hại của cải thảo vẫn có thể xảy ra khi chúng ta sử dụng quá nhiều, thiếu khoa học. Theo đó, lời khuyên là trong tuần chỉ nên ăn cải thảo từ 1 – 2 bữa, mỗi lần khoảng 300 – 500g, nhằm phòng tránh những tác dụng phụ tiềm ẩn như:  

5.1 Gây lạnh bụng, tiêu chảy

Cải thảo có đặc tính hàn mát nên thường không thích hợp với người có thể trạng hư hàn hay các đối tượng thường bị lạnh bụng, vì rất dễ làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn, gây tiêu chảy kéo dài.

Trường hợp muốn thưởng thức các món ăn từ cải thảo, hãy chú ý kết hợp cùng với thực phẩm có tính ấm nóng, như thêm vài lát gừng chẳng hạn.

5.2 Nôn ói, ngộ độc  

Phần lớn tình trạng ngộ độc thường xảy ra khi chúng ăn cải thảo mà phần ngâm rửa kĩ lưỡng, dùng rau còn sống hoặc đã có dấu hiệu thối hỏng. Rau cải thảo trong quá trình bị thối rữa sẽ sinh ra độc tố nitrites, có thể làm cho hồng cầu trong máu mất khả năng mang ôxy, làm cho cơ thể thiếu ôxy nghiêm trọng, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

10-tac-dung-cua-cai-thao-xep-vao-top-dau-rau-xanh-bo-duong-voh-3
Nên sử dụng cải thảo còn tươi ngon, ngâm rửa sạch và chế biến chín (Nguồn: Internet)

6. Thành phần dinh dưỡng của cải thảo

Dưới đây là bảng thông tin chi tiết về các thành phần dinh dưỡng có trong cải thảo.

Thành phần dinh dưỡng

Hàm lượng

Canxi

43mg

Sắt

0.7mg

Magie

9mg

Photpho

33mg

Kali

90mg

Natri

48.4mg

Kẽm

0.87mg

Đồng

0.04mg

Selen

0.39μg

Vitamin A

13μg

Vitamin B1

0.03mg

Vitamin B2

0.04mg

Vitamin B6

0.09mg

Vitamin C

9mg

Vitamin E

0.1mg

Vitamin K

59μg

Như vậy, thành phần dinh dưỡng có trong cải thảo đã chứng minh đây là loại rau có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể và giúp cải thiện thể trạng hiệu quả.

Từ khóa » Tác Dụng Của Bắp Cải Thảo