100 Năm Ngày Sinh đồng Chí Lê Quang Đạo

Người thanh niên yêu nước

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Indonesia do Ngài Mohamad Kharis Suhud, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương nhân dân, Chủ tịch Hội đồng đại biểu nhân Indonesia làm trưởng đoàn (1992). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN

Sinh ra và lớn lên ở quê hương giàu truyền thống cách mạng, căn cứ địa, an toàn khu cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng từ năm 19 tuổi, trực tiếp làm việc với các nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt... được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách lần lượt làm Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên (tức Bí thư Tỉnh ủy hiện nay), Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ xây dựng các cơ sở Đảng, tuyên truyền phát triển các tổ chức quần chúng ở vùng căn cứ địa Bắc Ninh-Vĩnh Phúc-Hà Nội giúp Trung ương đào tạo cán bộ cho phong trào quần chúng đấu tranh sâu rộng, mạnh mẽ, tạo những tiền đề và điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa thắng lợi ở vùng này.

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí được cử về tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và được cử làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong lúc cách mạng đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí đã tích cực đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức cứu quốc, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo tổ chức thành công Tổng tuyển cử ở Hải Phòng, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Đối với Hà Nội, đồng chí Lê Quang Đạo có ba lần giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lần thứ nhất từ tháng 10/1943 đến tháng 10/1944, khi Hà Nội trong tình thế vô cùng khó khăn trước những cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp; trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí đã thể hiện tài năng lãnh đạo, trực tiếp tham gia với giới trí thức, học sinh, sinh viên xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân Hà Nội ủng hộ và tham gia cách mạng.

Lần thứ hai từ tháng 5/1946 đến tháng 12/1946, thời gian này tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng, thực dân Pháp chuẩn bị gây chiến, là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt hai tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Lần thứ ba, từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, lúc này cơ quan của Thành ủy Hà Nội chuyển về đóng ở Chương Mỹ, Hà Đông, đồng chí đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.

“Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến không lâu, đồng chí vào quân đội và bắt đầu chặng đường hơn một phần tư thế kỷ dày dạn trong khói lửa chiến tranh cách mạng. Người lính ấy đã cầm súng đi suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc, có mặt ở những chiến trường nóng bỏng với những trọng trách: phụ trách công tác tuyên huấn chiến dịch Biên giới 1950, Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm và chúc tết chiến sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1992). Ảnh: Đình Trân/TTXVN

Năm 1955 đồng chí được phân công làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương…. cùng quân và dân lập nên những chiến thắng vẻ vang, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Gần 30 năm trong quân đội, đồng chí góp phần xây dựng quân đội vững vàng, kiên định về tư tưởng, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, xứng đáng với danh hiệu "bộ đội Cụ Hồ".

Đến nay, nhiều người lính còn nhớ hình ảnh ông với cương vị Bí thư Đảng uỷ và Chính uỷ các chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, Đường 9-Nam Lào năm 1971, Giải phóng Quảng Trị năm 1972. Cán bộ, nhân dân, chiến sỹ các dân tộc vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Duyên hải Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên cho đến vùng đất mũi Cà Mau vẫn không quên hình ảnh vị tướng nhỏ nhắn, đem hết tài năng và sức lực và trí tuệ góp phần vào thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Người Chính ủy mặt trận liên tục nhiều năm ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng đội. Tác phong gần gũi, chân thành, thẳng thắn và nghiêm khắc luôn tạo cho đồng chí Lê Quang Đạo một uy tín lớn.

Với những đóng góp to lớn và quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội, đồng chí Lê Quang Đạo được mệnh danh là “Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta… Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu...”.

Với những hoạt động và đóng góp với ngành tuyên huấn quân đội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.

Nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Từ khóa » Hình ảnh đồng Chí Lê Quang đạo