Dơi là một trong những động vật đặc biệt nhất trên thế giới. Bên cạnh việc là đại diện duy nhất biết bay của lớp Thú, loài dơi còn biết sử dụng sóng siêu âm, thay thế hoàn toàn cho đôi mắt, để định vị và săn mồi trong đêm tối. Ngoài khả năng bay lượn, dơi vẫn giữ lại hầu hết những nét đặc trưng của động vật có vú, đặc biệt là việc nuôi con non bằng sữa mẹ.
Trong khi loài chim có kỹ thuật bay phổ biến nhất ở loài động vật có xương sống, loài dơi vẫn có thể bay dễ dàng mà không cần lông vũ. Nhà nghiên cứu Thụy Điển Anders Hedenstrom và các cộng sự thuộc Trường Đại học Lund đã quyết định thử nghiệm cách bay của loài dơi nhờ một lớp màng đàn hồi trên đôi cánh. Khi quạt cánh lên phía trên, loài chim có thể tách lông vũ ở rìa cánh để không khí đi qua và giảm lực cản. Với chiếc màng đàn hồi căng ra, loài dơi không có tiện ích này. Các nhà nghiên cứu đã đặt những con dơi Glossophaga Soricina trước một ống thổi. Với tốc độ yếu, loài dơi uốn nhẹ cánh và lợi dụng sự di chuyển của không khí để tăng sức đẩy. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng, khi bay với tốc độ nhanh hơn, chúng hơi xếp cánh để giảm lực cản. Khi cho vào ống thổi những hạt bụi, tiến sĩ Hedenstrom và các cộng sự đã tái tạo các chuyển động gió do loài dơi tạo ra khi đang bay. Mỗi chiếc cánh tạo ra một chuyển động gió xoáy và duy trì chuyển động này trong khi bay, trong khi ở loài chim, hai chuyển động gió xoáy đã nhập lại thành một nhờ đuôi chim.
Những con dơi này có khả năng bay với tốc độ lên đến hơn 160 km/h, chiếm ngôi đầu bảng cho động vật bay nhanh nhất thế giới.
Vì sao dơi bay được trong đêm?
Ở đầu dơi là một “mũi” có cơ cấu đặc biệt. Khi dơi bay, cơ cấu này phát ra một sóng âm cao tần, sóng âm này con người không nghe thấy được. Nếu có một vật gì đó thí dụ một côn trùng đang bay hay một sợi dây giăng ngang mà chạm phải sóng âm đó, lập tức sóng dội trở lại, mũi thu nhận được hồi âm rồi căn cứ vào đó để phán đoán xem phương hướng và khoảng cách, từ đó tiến tới bắt mồi, hoặc nếu không phải là con mồi mà lại là một chướng ngại vật thì dơi biết đường mà tránh. Trong phân của loài dơi có chứa rất nhiều muối kali nitrate hay còn được gọi là diêm tiêu. Hóa chất này là thành phần chính trong nhiều loại phân bón. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để làm thuốc nổ và ngòi nổ.
Các nhà khoa học gọi phương thức tìm vật thể căn cứ theo hồi âm của con dơi là "định vị hồi âm". Điều khiến cho con người ngạc nhiên là chúng có thể nhận được và phân biệt 250 hồi âm chỉ trong một giây. Khả năng phân biệt hệ thống định vị hồi âm của loài dơi là rất cao. Nó có thể phân biệt chuẩn xác các tín hiệu hồi âm của các loài côn trùng, lá cây, bề mặt đất, để từ đó biết được đâu là vật cản còn đâu là con mồi. Ngoài ra do sóng siêu âm của dơi phát ra rất mạnh cho nên chúng vẫn có thể làm việc một cách hiệu quả kể cả khi có những tác nhân gây nhiễu ở gần đó. Điều này là cho chiếc "rada sống" có khả năng săn những con mồi rất nhỏ như muỗi cực kỳ linh hoạt và chuẩn xác. Dơi nếp mũi quạ Loài dơi nếp mũi quạ có tên khoa học là Hipposideros armiger (Hodgson, 1835). Khác với đại đa số các loài trong họ hipposideridae nói riêng và nhóm dơi muỗi nói chung, dơi nếp mũi quạ có kích thước khổng lồ: sải cánh khoảng 0,45m, trọng lượng 37 – 51g. Đây là loài có vùng phân bố rộng, trải dài từ Nepal đến Đài Loan. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã ghi nhận loài này có ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai... Dơi nếp mũi quạ là loài rất có ích, chúng là thiên địch của nhiều loài côn trùng có hại cho nông nghiệp. Theo tính toán của các nhà khoa học, một con dơi nếp mũi quạ mỗi đêm tiêu thụ một lượng côn trùng bằng 3/4 trọng lượng cơ thể nó. Một bầy dơi khoảng 50 con mỗi năm có thể tiêu diệt gần 700kg côn trùng. Ngoài ra, phân của loài dơi này chứa rất nhiều khoáng vi lượng, rất tốt để bón cho cây cảnh…
Kỷ lục siêu nhỏ
Nếu các loài thú ở Việt Nam tổ chức thi xem loài nào có kích thước nhỏ nhất thì dơi chân đệm thịt sẽ đoạt chức quán quân. Có tên như thế vì ngón và bàn chân loài dơi này mang đệm thịt dẹt, còn tên khoa học của chúng là Tylonycteris pachypus (Temminck, 1840). Chúng rất nhỏ, trọng lượng không quá 2g, sọ rất dẹp và mảnh: hộp sọ của chúng không dày quá 2,5mm, giữ kỷ lục hộp sọ nhỏ nhất trong số các loài thú Việt Nam. Dơi chân đệm thịt có khả năng bay lượn và định vị bằng sóng siêu âm rất tốt (tần số sóng siêu âm mà loài này sử dụng vào khoảng 60kHz). Các nhà khoa học đã ghi nhận được loài dơi này ở nhiều địa phương như: Lai Châu, Lào Cai, Kon Tum, Nghệ An, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai... Ban ngày, trong khi các loài dơi to lớn hơn phải chật vật đi tìm những hang động, tán cây hay hốc cây để treo ngược ngủ ngày, dơi chân đệm thịt nhờ kích thước nhỏ và cái sọ thuộc hàng “siêu dẹp”, có thể chui vừa các khe mọt trên các ống tre nứa, lồ ô trong rừng.
Dơi chân đệm thịt thường ngủ chung thành từng nhóm nhỏ khoảng năm bảy con. Khi mặt trời vừa lặn, dơi chân đệm thịt rời bỏ ngôi nhà ống tre ấm áp để bay đi kiếm mồi. Nhờ kỹ năng bắt côn trùng cực kỳ điêu luyện, mỗi đêm một chú dơi chân đệm thịt tiêu thụ một lượng côn trùng bằng 3/4 trọng lượng cơ thể.
Loài dơi chuyên bắt cá
Mọi người thường chỉ biết tới hai loài dơi thông thường là dơi ăn côn trùng và dơi chuyên hút máu động vật được gọi là dơi Dracula (dơi Ma Cà Rồng). Nhưng sự tồn tại của những loài dơi thích ăn cá và biết bắt cá thì rất ít được biết đến. Tại quận Phòng Sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà khoa học tìm thấy một hang dơi lớn ước tính có khoảng 3.000 con dơi sinh sống. Chúng được coi là loài dơi bắt cá duy nhất sống ở châu Á. Loài dơi này có móng vuốt khá lớn, cong lên như một lưỡi câu và rất sắc. Các nhà khoa học cho rằng, tổ tiên của loài dơi ăn cá thực sự không phải đã ăn cá ngay từ đầu. Có thể chúng tiến hóa từ một loài dơi ăn côn trùng. Tổ tiên của chúng thường bắt các côn trùng sống ở mặt nước hoặc các loài côn trùng ăn sinh vật phù du. Và trong quá trình này chúng đã bắt gặp những con cá nhỏ nhảy lên khỏi mặt nước hoặc bơi lội sát mặt nước và bắt đầu chuyển đổi khẩu vị sang những con cá nhỏ có nhiều chất dinh dưỡng hơn. 1001 thắc mắc: Vì sao thằn lằn đổi món ăn khi nhiệt độ tăng lên? 22/02/2020 Tại sao tai bị ù khi đi máy bay? 22/02/2020 Bộ lông 'độc nhất vô nhị' của chó hoang châu Phi 21/02/2020 Linh dương vừa ra đời đã gặp thử thách khắc nghiệt 20/02/2020 Cánh phản lực đưa phi công lên độ cao kỷ lục 1.800m 18/02/2020 Sư tử đói săn 'bừa' khỉ đầu chó 19/02/2020 Châu Anh (t/h)